Đảng ta đã khẳng định nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong chương trình hành động của Chính phủ là nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch trong đó có các nội dung hoàn chỉnh quy hoạch đất đến năm 2020; rà soát, bổ sung quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất đến năm 2015, tầm nhìn 2020; quy hoạch điểm dân cư nông thôn; quy hoạch khu dân cư nông thôn tập trung vùng bị ảnh hưởng thiên tai…
Để thực hiện chương trình này, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình và thống nhất chọn 11 xã thuộc 11 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng kinh tế khác nhau để lập quy hoạch chung xây dựng xã. Từ các mô hình này sẽ tiến hành lập đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (Quyết định 491/QĐ- TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ).
Thực tế trong những năm gần đây, nông thôn nước ta có những tăng trưởng vượt bậc về sản xuất hàng hoá, năng suất, chất lượng cây trồng và đảm bảo an ninh lương thực. Đời sống vật chất tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội còn yếu kém.
Quy hoạch không gian kiến trúc hầu như chưa có ở các vùng nông thôn. Quá trình xây dựng và phát triển nông thôn, điểm dân cư thiếu tính bền vững, bản sắc văn hoá truyền thống đang dần dần bị mai một; công nghiệp tiểu thủ công nghiệp nông thôn và các làng nghề truyền thống thiếu khả năng cạnh tranh; môi trường sống trong các làng nghề bị ô nhiễm; nhiều vùng dân cư bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, không đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân…Sự chênh lệch giàu nghèo về đời sống vật chất và tinh thần giữa nông thôn và thành thị còn quá lớn. Tỷ lệ hộ nghèo cao, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc trong nhân dân.
Theo báo cáo thống kê hiện nay cả nước có khoảng 9.111 xã, số lượng điểm dân cư nông thôn ước tính có khoảng trên 74.000 điểm. Số xã có quy hoạch mới chiếm một tỷ lệ nhỏ, xấp xỉ 24% số xã. Quy hoạch xây dựng nông thôn còn mang tính tự phát, chủ yếu đáp ứng nhu cầu trước mắt, còn hạn chế trong tàm nhìn về dài hạn. Một số cơ chế chính sách không phù hợp, thiếu đồng bộ, thiếu tính đột phá, thiếu tính khả thi nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Công tác quy hoạch nông thôn mới được thể hiện một cách mờ nhạt. Nhiều địa phương chưa có quy hoạch chi tiết cho các điểm dân cư nông thôn, nhất là trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng.
Quy hoạch, kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề cần giải quyết như xây dựng mô hình nông thôn mới, quy hoạch mới và cải tạo các điểm dân cư nông thôn trong đó đề cập đến các chỉ tiêu về sử dụng đất, yêu cầu phân khu chức năng khu trung tâm xã, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế- xã hội và phong tục tập quán của các vùng miền như đã được đặt ra trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Kinh nghiệm ở các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực cho thấy, để phát triển nền kinh tế đất nước cần làm giảm đáng kể khoảng cách cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Ở các quốc gia này họ rất coi trọng công tác quy hoạch nông thôn. Đối với các vùng nông thôn được quy hoạch chi tiết nên ít có sự bất hợp lý trong xây dựng và kiến trúc công trình. Ở Nhật Bản, khi quy hoạch nông thôn họ rất coi trọng vốn văn hoá cổ và hết sức gìn giữ những không gian đó. Ở Pháp, trước khi phát triển đô thị, người ta quy hoạch vùng phụ cận (ngoại ô và nông thôn). Họ cho rằng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch nông thôn dễ hơn ở đô thị, vì thế nền cần làm trước khi quy hoạch đô thị. Ở Trung Quốc, năm 2007 đã ban hành Luật Quy hoạch nông thôn và đô thị (có hiệu lực từ ngày 1/1/2008) trong đó nhấn mạnh “trong khu vực quy hoạch không được chiếm dụng đất nông nghiệp để xây dựng doanh nghiệp, cơ sở công cộng, công trình công cộng và khu nhà ở. Khi khảo sát thiết kế và thực hiện quy hoạch, phải bảo vệ nguồn tài nguyên và di sản văn hoá lịch sử, bảo đảm duy trì bản sắc địa phương, bản sắc dân tộc và phong cách truyền thống. Các quy hoạch trong thôn làng phải được Hội nghị toàn thôn hoặc Hội nghị đại biểu của thôn thảo luận thông qua trước khi đăng ký phê duyệt…”. Về quy định quy hoạch thị trấn, thị xã ở Trung Quốc có tiêu chuẩn GB 50188- 2007. Ở Liên bang Nga cũng đã ban hành tiêu chuẩn SNIP 2.07.01-93 “Quy hoạch xây dựng các điểm dân cư đô thị và nông thôn” thay thế các tiêu chuẩn cũ ban hành trước đây vào các năm 1975, 1989. Các quy định này làm cho công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch nông thôn đi vào ổn định và nền nếp.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề quy hoạch nông thôn, ngày 2/2/2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “ Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới” với mục tiêu đến năm 2011 cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn cả nước nhằm làm cơ sở để đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020. Theo văn bản này, trách nhiệm của Bộ Xây dựng là hướng dẫn các cơ quan quản lý, tổ chức khoa học và cơ quan tư vấn địa phương về quy hoạch xây dựng nông thôn đồng thời phải tiến hành xây dựng nội dung và phương pháp lập quy hoạch xây dựng nông thôn.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2010/TT- BXD ngày 4/8/2010 về việc Quy định việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới để thay thế cho Thông tư 21/2009/TT- BXD ngày 3/6/2009; Thông tư 31/2009/TT- BXD ngày 10/9/2009 ban hành tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng nông thôn; Thông tư 32/2009/TT- BXD ngày 10/9/2009 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn. Hiện Thông tư 31/2009/Tt- BXd và TCVN 4454- 1998 Quy hoạch điểm dân cư xã- hợp tác xã- Tiêu chuẩn thiết kế đã đưcợ soát xét để biên soạn tiêu chuẩn Quy hoạch xây dựng nông thôn- Tiêu chuẩn thiết kế (vừa được nghiệm thu tại Hội đồng khoa học cơ sở). Đồng thời cuốn Sổ tay hướng dẫn quy hoạch xây dựng nông thôn mới cũng được phát hành để phục vụ cho công tác lập quy hoạch nông thôn mới đảm bảo mục tiêu đến năm 2010 cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn cả nước, làm cơ sở để đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020; đến năm 2015: 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020: 50% số xã đạt tiêu chuẩn.
Nội dung của công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm quy định các nội dung lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong phạm vi ranh giới hành chính xã trong đó, đối tượng lập quy hoạch là: quy hoạch xã, quy hoạch chi tiết trung tâm xã, quy hoạch chi tiết khu dân cư mới, khu tái định cư, cải tạo xây dựng nông thôn, bản hiện có theo tiêu chí nông thôn mới của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành theo Quyết định số 491/2009/QĐ- TTg ngày 16/4/2009.
Việc lập đồ án quy hoạch xây dựng mạng lưới (quy hoạch chung) và quy hoạch điểm dân cư nông thôn sẽ theo bộ tiêu chí quốc gia, sẽ tạo lập bộ mặt nông thôn mới phát triển bền vững , bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc, phong tục tập quán vùng miền mà lâu nay vẫn còn mờ nhạt hoặc đang dần dần bị đánh mất. Trong quy hoạch chung, việc xác định quy hoạch xây dựng các công trình sản xuất và phục vụ sản xuất sẽ có tác dụng thúc đẩy và khơi dậy tiềm năng phát triển sản xuất và các ngành nghề truyền thống của địa phương, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Xác định quy mô dân số, số hộ toàn xã và từng thôn cho giai đoạn 5- 10 năm, dự báo di dân, nhập cư và dự báo quy mô lao động cho toàn xã có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như quy hoạch hệ thống trung tâm xã và phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, công nghiệp hoặc tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã. Việc lựa chọn mô hình và xác định các khu vực, công trình cần chính trang, cải tạo, mở rộng đất đai xây dựng hoặc khu vực phải chuyển đổi mục đích sử dụng, di dời khi bị ảnh hưởng thiên tai sẽ là các giải pháp hữu hiệu trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều địa phương thường hay lựa chọn việc đầu tư, xây dựng dự án cho việc thay đổi về hạ tầng kỹ thuật, xã hội như đường xá, trụ sở, trường học…Với cách làm này bước đầu đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên cũng cần vận dụng một cách linh hoạt cho phù hợp với từng địa phương. Hiện nay các đồ án đã đưa ra các yêu cầu khi quy hoạch nông thôn vùng bị ảnh hưởng thiên tai. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và chịu tác động trực tiếp của các cơ bãn lớn của thế giới từ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai và là một trong những quốc gia nằm trong số 10 nước hàng đầu về tần suất bị thiên tai trên thế giới, với những loại thiên tai phổ biến bão lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán. Các ảnh hưởng của thiên tai sẽ cũng tiếp tục xảy ra với tần suất nhiều hơn, cường độ mạnh hơn do chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy, công tác quy hoạch cần phải đi liền với các yêu cầu phòng và chống thiên tai. Cần phân biệt các loại hình thiên tai để có giải pháp phù hợp.
Như vậy, từ việc phát triển một cách tự phát, hiện nay mô hình nông thôn mới đã có những tiêu chí cụ thể và định lượng. Để đạt mục tiêu nông thôn mới cần phải đặt ra vấn đề chuyển đổi sản xuất, đầu tư hạ tầng, xây dựng các chương trình sản xuất nông nghiệp, tiến tới công nghiệp hoá trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc quy hoạch khu ở, khu trung tâm xã, phải trên nền tảng giữ gìn bản sắc kiến trúc, văn hoá, truyền thống, nếp văn minh làng, xã của nông thôn Việt Nam. Thí điểm lập quy hoạch 11 xã, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và nhân rộng, nhằm phủ kín quy hoạch nông thôn trên phạm vi toàn quốc. Để xây dựng nông thôn mới phải lấy người dân làm hạt nhân và có cơ chế chính sách phù hợp. Các đồ án quy hoạch chung cần phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, vùng và quy hoạch phát triển ngành cũng như phù hợp với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Có như vậy mới mới đảm bảo sự phát triển bền vững, với cây đa, bến nước, sân đình và ngôi nhà nông thôn truyền thống luôn ở trong tiềm thức của người dân Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 48/2011.