Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được đô thị Đà Nẵng đã bộc lộ một số tồn tại như: quy hoạch còn thiếu tình đồng bộ, cảnh quan đô thị bị phá vỡ, mất cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, vấn đề ô nhiễm môi trường đối với đô thị biển, ảnh hưởng đến với phễu bay và an ninh hàng không, nhà cao tầng chưa thích ứng với khí hậu có nhiều bão lũ…
Với chức năng là đô thị trung tâm của hàng lang kinh tế Đông Tây, là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược phát triển đô thị quốc gia phù hợp với tinh thần Nghị quyết 33- NQ/TW của bộ Chính trị (khoá IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nên thành phố dự báo sẽ hình thành nhiều khu công nghệ cao, khu, cụm công nghiệp, khu kho tàng cảng biển, cảng hàng không, ga đường sắt, khu dân cư và khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái…Vì vậy, việc xây dựng nhà cao tầng tại thành phố là một yêu cầu tất yếu.
Việc xây dựng nhà cao tầng tại Đà Nẵng trong những năm qua có nhiều thay đổi, nhưng cho đến nay chưa có công trình nào thể hiện rõ nét vai trò là điểm nhấn đô thị, chưa có công trình nào có giá trị định hướng cho đô thị và cũng như tạo lập được không gian và sức hấp dẫn để thành trung tâm công cộng. Vì vậy, quy hoạch mạng lưới nhà cao tầng hướng đến 4 mục tiêu cơ bản sau:
- Đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của thành phố và các quy hoạhc ngành liên quan, bảo đảm an toàn giao thông sân bay và an ninh hàng không.
- Khắc phục các tồn tại về mật độ tập trung lớn, an toàn PCCC, hàng lang giao thông và vệ sinh môi trường.
- Quy hoạch mạng lưới nhà cao tầng gắn liền với sự phát triển đô thị trong tương lai và những khu vực phát triển mạnh của thành phố, đặc biệt là tổ chức mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
- Xây dựng nhà cao tầng quy mô chiều cao phù hợp, công nghệ hiện đại, trang thiết bị tiến tiến. Nâng cao chất lượng dịch vụ trong các toà nhà nhất là các tiện ích như bến bãi, an ninh…
Để thực hiện các mục tiêu trên, việc quy hoạch mạng lưới nhà cao tầng tại thành phố Đà Nẵng hướng đến các mục tiêu sau:
Về sinh thái và thiết kế đô thị
Phát huy các cấu trúc không gian sinh thái tự nhiên, tìm ra các logic kết nối để tạo lập các cấu trúc đô thị vào trong lòng cấu trúc sinh thái tự nhiên nhằm phấn đấu xây dựng bức tranh kiến trúc cho thành phố “đô thị như được khảm vào thiên nhiên, nhấn mạnh, làm nổi bật cấu trúc tự nhiên”. Tiêu chí này phù hợp với xu hướng phát triển chung của đô thị trên thế giới. Các giá trị văn hoá- nhân văn và sinh thái tự nhiên là những điểm mạnh giúp các đô thị khác nhau trên thế giới có cơ hội tìm ra các khía cạnh khác biệt để cạnh tranh.
Đà Nẵng là đô thị hội tụ đầy đủ các yếu tố đó. Đây là tiêu chí vừa tạo cho đô thị có bản sắc riêng, vừa đặt nền móng cho sự phát triển bền vững. Thiên nhiên của Đà Nẵng gồm 3 vùng địa hình mà tiêu chí quy hoạch nhà cao tầng đều phải quan tâm đến cả 3 vùng địa hình này: vùng đồi núi với rừng cây tạo ra một vòng cung 3 mặt Tây, Bắc, Nam, vùng này vừa là giới hạn tự nhiên, vừa là nền cảnh quan của thành phố; vùng đồng bằng với những con sông; khu vực vịnh với bờ biển, khu vực mặt nước- dưới nước và bán đảo.
Trong khu vực đất bằng của thành phố thì các dòng sông là nguồn lực tạo dựng các tuyến cốt lõi của cảnh quan, văn hoá thành phố. Vì vậy, dòng sông và các hoạt động dưới nước phải được coi là một thành phần của cấu trúc cảnh quan. Cấu trúc này đồng thời tạo thành một trục xương sống, liên kết núi với biển về mọi mặt: hình ảnh, cảnh quan, giao thông, công năng, sinh thái, văn hoá…
Khu vực đồng bằng trước kia thuộc ven đô, nay trong quá trình mở rộng đô thị nên rất năng động. Tuy nhiên đây là khu vực sẽ tạo thành hành lang xanh cho thành phố nên không thể xây dựng những ngôi nhà quá cao làm phá vỡ cảnh quan các làng ven đô. Tại khu vực này xây dựng các khu nhà ở thấp tầng sinh thái kiểu nhà vườn, biệt thự ăn khớp nhuần nhuyễn với cấu trúc tự nhiên của các làng mạc để hấp dẫn du lịch mới bên cạnh núi và biển.
Cấu trúc giao thông được xác định là hình nền, là công cụ để quy hoạch nhà cao tầng theo tuyến, theo dải và theo điểm.
Hiện nay thành phố Đà Nẵng có nhiều trục giao thông lớn như: đại lộ Nguyễn Văn Linh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành, 2/9, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ, 30/4, Trường sa, Hoàng Sa…Khu đô thị mới như: Tây Bắc gồm có khu đô thị sinh thái Thủy Tú, Làng Vân, Khu đô thị trung tâm Tây Bắc Phương Trang, Đông Bắc có khu đô thị Đa Phước- Daewon, Khu đô thị Vịnh Mân Quang, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng bán đảo Sơn Trà, phía đông Nam có khu đô thị sinh thái biển sân golf Vinacapital, khu đô thị công nghệ FPT, khu đô thị Đại học, khu đô thị sinh thái Hoà Xuân, Hoà Quý, Cẩm Lệ… Đường ven biển từ Hải Vân- Sơn Trà- Điện Ngọc nối với Hội An…Việc xây dựng nhà cao tầng trên một số tuyến đường này sẽ tạo các tuyến phó có hoạt động thương mại sôi động. Đối với những tuyến phố này thường tạo ra những khoảng không gian công cộng lớn, nhằm giải quyết các nhu cầu của người dân về bãi đỗ xe, nơi vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, cây xanh trồng nhiều che bóng mát, hồ nước sinh thái tiểu cảnh…
Các tuyến đường ở khu vực vành đai thành phố, ven sông hay ven biển, thường có lợi thế về tầm nhìn thoáng rộng và thu hút điểm nhìn của nhiều khu vực xung quanh. Việc xuất hiện một số công trình cao tầng sẽ mang lại nhiều khoảng không gian công cộng rộng rãi, tạo được điểm nhìn hấp dẫn từ nhiều phía đến công trình, đây lại là những lợi thế mà địa thế của Đà Nẵng mang lại cho các công trình cao tầng.
Các giá trị văn hoá- nhân văn tạo nên đặc trưng vùng đất
Đây là tiêu chí để các nhà thiết kế kiến trúc tìm tòi và sáng tạo nên những công trình cao tầng mang dấu ấn văn hoá địa phương và khu vực. Tiêu chí này được xác định trên cơ sở quy hoạch có kế thừa và phát triển. Các yếu tố văn hoá bản địa được khai thác bao gồm các hoạt động lễ hội, các di tich kiến trúc, các mặt biểu tượng thường nhật của cuộc sống, lối sống thường nhật của người dân, những cảm nhận về đời sống xã hội…
Đối với Đà Nẵng, đây là tiêu chí rất dễ khai thác và biểu hiện trong việc xây dựng các công trình cao tầng, các hình thức nhận dạng có thể tạo nên dạng lượn sóng dễ dàng phù hợp với đô thị biển, tạo biểu tượng cho thành phố biển; dạng tháp mang yếu tố Chămpa, dạng này dễ biểu đạt phần đỉnh và phần thân đế nhờ các ý tưởng từ nền văn hoá bản địa truyền thống; dạng giật cấp sẽ tạo được ấn tượng về một thành phố phát triển, vươn lên, dạng này dễ tạo công trình nhấn mang biểu tượng sức mạnh thành phố.
Về quy mô tầng cao, không gian đô thị
Việc xác định độ cao công trình chính là xác định tỷ lệ đô thị, cần cân nhắc kỹ về ảnh hưởng cảnh quan môi trường của đô thị ven biển. Đối với khu trung tâm đô thị hiện hữu của Đà Nẵng, sự tồn tại của khu vực sân bay là một vùng cấm giữa trung tâm thành phố, làm phá vỡ logic giao thông và cảnh quan chung.
Các dự án nhà cao tầng và quy hoạch chiều cao đô thị dựa trên những đặc điểm riêng về điều kiện hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Đà Nẵng đang đầu tư xây dnựg giao thông đi trước một bước đã tạo nên những con đường to rộng 33m- 60m. Vì vậy, các công trình cao tầng trên nền giao thông sẽ đáp ứng được khoảng không và các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Quy mô tầng cao tối đa của các công trình thông thường có thể từ 9, 13, 20- 30- 40 tầng, có toà nhà cao nhất sẽ được xác định khoảng 60 tầng hoặc hơn nữa. Như vậy, không chỉ cao tầng mà Đà Nẵng có thể xây dựng nhà chọc trời.
Tuy nhiên, nếu xây dựng nhà cao tầng bất hợp lý sẽ làm mất đi cảnh sắc êm đềm vốn có của Đà Nẵng. Vì vậy, cần cần xác định độ cao công trình cho từng khu vực cảnh quan riêng, bao gồm các khu vực nhạy cảm sau:
- Khu phố cũ: nhà cao tầng được xác định độ cao không quá 25 tầng. Với độ cao như vậy sẽ tạo nên sự chuyển tiếp mềm, không đột ngột giữa khu vực cũ và khu vực phát triển vành đai. Trong khu phố cũ, tuyến Hùng Vương sẽ được lưạ chọn là tuyến nhấn để xây dựng nhà cao tầng. Đây là tuyến phố thương mại được người Pháp xây dựng từ giai đoạn đầu với những tên chợ thương mại nỏi tiéng như chợ Cồn, chợ Hàn.
- Khu vực ven sông: các toà nhà thưa thoáng, kết nối với các không gian sinh hoạt công cộng tạo thành các trục cảnh quan cây xanh, mặt nước hài hoà (trong đó cần tỏ chức thêm không gian giao thông ngầm nhằm tạo nên sự kết nối giữa các công trình cao tầng). Hình thức kiến trúc các công trình trong khu vực này cần thiết kế hài hoà, nhẹ nhàng, phần thân đế mở để dễ dàng tiếp cận các không gian khác nhau. Phần đỉnh công trình tạo dáng kiến trúc phù hợp để công trình soi bóng xuống dòng sông. Khu vực này cho phép phát triển các không gian mở lớn trên bề mặt đường phố thành các quảng trường và các tiện nghi công cộng khác. Hiện tại, Đà Nẵng đang rất thiếu các không gian công cộng, trục đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo có nhiều công trình cao tầng nhưng chưa thực hiện được chức năng này.
- Khu vực ven biển: xây dựng nhà cao tầng trên tuyến đường ven biển sẽ tạo nên các góc khuất tầm nhìn hướng biển từ trung tâm thành phố. Vì vậy, cần tạo nên các tuyến ngang với các công trình cao tầng mở theo hình rẻ quạt nhìn từ biển vào sẽ mang đến hình ảnh đô thị hướng biển, kết nối với đô thị trung tâm và cảnh quan núi đồi.
- Khu vực ven núi: việc xây dựng nhà cao tầng trong các khu vực nay cần tạo hình ảnh nhấn các ngọn núi tự nhiên nên hình thức nhà cao tầng cần mảnh mai, tránh khối tích lớn có thể làm thay đổi hình thức tự nhiên của khu vực. Có như vậy mới không cản trở tầm nhìn ra xung quanh và vẫn dựa vào thiên nhiên, tôn trọng các công trình của thiên nhiên.
Xác định tầm nhìn- viễn cảnh phát triển đô thị Đà Nẵng
Đối với thành phố Đà Nẵng, tầm nhìn được xác định là: Trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Trung tâm địa hình của ASEAN, Đông Dương và Việt Nam. Đây cũng là cửa ngõ quốc tế của đường biển, đường bộ, đường hàng không, là điểm đến giữa của bốn di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, bao gòm kinh đô Huế, phố cổ Hội An, động Phong Nha- kẻ Bàng và thánh địa Mỹ Sơn.
Đây cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực dồi dào, là thành phố du lịch của Đông Nam Á và hướng đến thế giới, đồng thời cũng là thành phố thương mại của bán đảo Đông Dương.
Với dịch vụ hỗ trợ đầu tư và phát triển hạ tầng cơ sở gồm: cảng nước sâu- cảng thương mại được trang bị tốt thứ ba Việt Nam(công suất 4 triệu tấn/năm); sân bay quốc tế Đà Nẵng- một trong ba sân bay tốt nhất Việt nam (công suất 6 triệu khách/ năm, có chuyến bay trực tiếp đến Trung Quốc, Bang kok, Taipei, Singapore, Hồng Kông, Ma Cao…); một trong ba trung tâm công nghệ cao, công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, Trung tâm giáo dục đào tạo vùng, Trung tâm y tế chất lượng cao, Trung tâm tài chính ngân hàng…
Việc xây dựng tiêu chí quy hoạch mạng lưới nhà cao tầng thành phố Đà Nẵng là một trong những công cụ hữu ích để xây dựng và phát triển đô thị. Tiêu chí cũng đồng thời xác định các bước đi quy hoạch phù hợp, vừa tiêp thu những mặt tích cực của làn sóng văn minh đô thị mà vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống của địa phương.
Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 48/2011.