Một ý tưởng cho khu phố cổ Hà Nội

Thứ sáu, 05/11/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Một trong  những việc cần thiết để làm đẹp cho thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đó là bảo tồn khu phố cổ một cách khẩn cấp, vì hiện nay nó đang bị xuống cấp nặng nề, đặc biệt chú ý đến khu vực hồ Hoàn Kiếm- trái tim của Thủ đô Hà Nội, nhân chứng lịch sử kết nối khu phố cổ với khu phố Pháp (khu phố cũ).

Khu phố cổ có một tầm quan trọng lớn lao về phương diện văn hoá cũng như quy hoạch đô thị của Hà Nội. Xin đề xuất một phương hướng (chiến lược) cho việc tôn tạo giá trị của nó dựa trên 4 yếu tố cơ bản:

- Bản sắc: khu phố cổ phải được đánh giá và phải được đối xử như một khu phố cổ: có nghĩa là nó là một phần cổ nhất của đô thị Hà Nội, nơi mà những giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật của nó đã tạo nên bản sắc riêng để người ta nhận thấy nó khác với các đô thị khác.

- Hình thái học:  khu phố cổ Hà Nội không phải chỉ được tạo nên bởi một vài công trình lớn mang tính biểu tượng hay tôn giáo như một số trung tâm cổ khác trên thế giới: nhưng ngôi chùa (hay nhà thờ), bảo tàng, nhà hát, hay trụ sở uỷ ban nhân dân…mà là một tổng thể của những ngôi nhà hẹp và dài- nhà ống- và những con phố nhỏ đặc trưng cho những làng nghề truyền thống khác nhau, tất cả định nghĩa nên hình thái và hình ảnh đặc trưng của khu 36 phố phường.

- Giá trị: khu phố cổ là phần còn lại cổ nhất và có giá trị nhất của thành phố, nơi lưu giữ lại những ký ức và văn hoá của những người dân thành thị, vì vậy nó phải được giữ gìn và chăm sóc vô cùng kỹ lưỡng. Nó chính là hình ảnh để Hà Nội chúng ta thể hiện mình với toàn thế giới, vì thế nó phải đẹp và sống động (functionnal), nó phải được chăm sóc từ những chi tiết nhỏ nhất, từ viên gạch lát nền, vỉa hè, chiếc ghế đá, đèn chiếu sáng cho đến những công trình kiến trúc, như thế mới tạo nên niềm tự hào cho người dân Hà Nội.

- Công năng: khu phố cổ không phải vì những yếu tố kể trên sẽ trở thành một “bảo tàng mở”, mà phải là một không gian năng động của những cư dân hiện tại với tất cả các chức năng của nó: thương mại, văn hoá, chính trị, du lịch…

Những yếu tố cơ bản kể trên thực tế đã được nêu ra trong phương án “thiết kế quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận”- phương án giành giải thưởng cao nhất trong cuộc thi cùng tên của Công ty Accademia Italia, với sự tham gia đóng góp ý kiến của KTS Giorgio Parodi, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Genova. Phương án dựa trên sự đánh giá thực trạng đáng lo ngại của khu trung tâm Hà Nội do ảnh hưởng của các yếu tố tiêu cực: mật độ giao thông ngày càng tăng và mật độ các công trình quá dày đặc.

Do mật độ giao thông tăng nhanh một cách chóng mặt, Hồ Gươm ngày càng bị lấn át và cô lập khỏi đô thị bởi 4 làn xe chạy vòng quanh. Một bãi đỗ xe lớn chiếm trọn không gian phía Bắc của hồ, từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến phố Hồ Hoàn Kiếm, phố Đinh Tiên Hoàng, ngay phía trước đền Ngọc Sơn. Song song với sự phát triển mật độ giao thông, mật độ xây dựng cũng chạy đua làm cho nhiều ngôi nhà cổ bị phá đi để thay vào những ngôi nhà “mới” cao tầng hơn, những biển quảng cáo lớn bọc nhôm với màu sắc rực rỡ làm phá hỏng hình ảnh của phố cổ.

Từ những đánh giá trên, phương án đã đưa ra những yếu tố tích cực để thực hiện bảo tồn và tôn tạo khu vực Hồ Gươm và phụ cận, để Hà Nội tự hào là một trong số rất ít ở Châu Á vẫn còn tồn tại một trung tâm cổ.

Đô thị Hà Nội có một đặc điểm rất đặc biệt là nó được phát triển chung quanh một yếu tố tự nhiên với một ý nghĩa quan trọng về cảnh quan và lịch sử: hồ Gươm. Như một nhân chứng lịch sử, hồ Gươm kết nối một chuỗi các di sản văn hoá của nhiều thời kỳ khác nhau: khu phố cổ, khu phố cũ  và nhiều công trình kiến trúc có giá trị cao về văn hoá lịch sử và nghệ thuật.

Để mang lại giá trị cho khu phố cổ và làm cho người dân phố cổ hiểu được giá trị của nó, từ đó có được sự ủng hộ của người dân trong việc bảo tồn phố cổ. Việc cần làm trước hết là đề ra một kế hoạch chỉnh trang với hiệu quả lớn trong một thời gian ngắn và kinh phí thấp:

- Giải toả áp lực giao thông quanh hồ và kết nối với mạng lưới đô thị chung quanh. Mở rộng khoảng xanh 2 bên bờ đông, tây, đồng thời giảm lượng giao thông quanh hồ xuống 2 làn đường và chuyển hướng ra phía ngoài  khu vực. Lát lại nền đường để có thể trở thành đường đi bộ trong những ngày lễ lớn.

- Hình thành một quảng trường đi bộ ở bờ bắc (quảng trường hồ Hoàn Kiếm) kết nối với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với ý tưởng lát nền dựa trên tinh thần của hình ảnh phố cổ Hà Nội: chia nhỏ, chia nhỏ, chia nhỏ…Nó sẽ là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tạo nên dấu ấn của thời đại và nhấn mạnh giá trị lịch sử của khu phố cổ và hồ Gươm.

- Kết nối quần thể di tích đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu.

- Hình thành một quảng trường nhỏ kết nối phố Tràng Tiền và phố Hàng Bài với không gian mặt hồ như chức năng sảnh đón.

- Chỉnh trang lại mặt ngoài phố cổ bằng phương pháp đơn giản nhanh chóng: dỡ bỏ tất cả những phần chắp vá mặt ngoài các ngôi nhà, trả lại hình dáng gốc của nó, thay tất cả các biển hiệu lộn xộn bằng những biển, băng rôn với kích thước và màu sắc thích hợp thống nhất.

- Thiết kế trang trí đô thị: sân vườn, đường dạo, vỉa hè, ghế đá…

Các công việc kể trên có tính khả thi rất cao, ít tốn kém nhưng sẽ tạo điều kiện cho việc cảm thụ giá trị khu phố cổ, từ đó nâng cao giá trị của nó xứng danh với lịch sử 1000 năm  Thăng Long.

 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 9/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)