Mảng xanh trong đô thị, yếu tố tạo lập nét đặc thù về nơi chốn

Thứ sáu, 29/10/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Vai trò của nét đặc thù nơi chốn đối với cư dân đô thịTrong các đô thị lớn, nơi con người luôn đối mặt với sự biến đổi liên tục, sự đông đúc, náo nhiệt, cư dân đô thị có nhu cầu gắn kết với một khu vực, địa điểm cụ thể để có được cảm giác an toàn, thoải mái trong hoạt động. Đối với hầu hết cư dân đô thị, khu vực này thường là nơi cư trú, làm việc hay qua lại hàng ngày. Ra khỏi khu vực quen thuộc này, con người sẽ cảm thấy bối rối, mất phương hướng, cảm giác không an toàn và xu hướng nhanh chóng muốn trở lại "khu vực của mình". Sự gắn kết của con người và nơi chốn trong đô thị là một nhu cầu hiện thực và ngày càng trở nên cấp thiết. Trong tâm trí của mối người, "khu vực của mình" luôn có những nét đặc trưng riêng để ghi nhớ, tham chiếu, nhận dạng, đó chính là đặc thù nơi chốn. Mỗi người có thể dùng những yếu tố khác nhau để xác định đặc thù "khu vực của mình", tuy nhiên theo các nghiên cứu về tâm lý học đô thị, đa số ghi nhận nét đặc thù qua cảnh quan kiến trúc đô thị.

Trong các đô thị đang phát triển, cảnh quan kiến trúc có thể thay đổi một cách rất nhanh chóng. Ngày nay, một khu vực đô thị trong vòng 3 - 5 năm đã có thể có khung cảnh hoàn toàn khác. Cùng với quá trình toàn cầu hoá cũng như tác động của hiệu quả đầu tư, nhiều khu vực được xây dựng gần giống nhau, mất đi nét đặc thù nơi chốn của khu vực đó. Đối với  cư dân đô thị, việc đánh mất đặc thù nơi chốn tạo ra những xáo trộn về tâm lý, cảm giác lạ lẫm, biệt lập, thiếu an toàn ngay trong "khu vực của mình". Tuy nhiên, trong các đô thị đang phát triển và biến đổi nhanh chóng, việc tạo lập tính đặc thù nơi chốn một cách bền vững vẫn có thể được thực hiện thông qua việc bảo vệ giữ gìn và phát triển các mảng xanh đô thị.

2. Mảng xanh đô thị - một yếu tố tạo lập nét đặc thù nơi chốn trong đô thị

Các mảng xanh trong đô thị như công viên, vườn cảnh, dải cây xanh dọc sông rạch, cây xanh cách ly, các cụm cây xanh tập trung... luôn là một thành phần thiết yếu và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đô thị. Không gian xanh được người dân đô thị sử dụng ở mọi lứa tuổi từ trẻ em, thanh niên đến người già, với các hoạt động hết sức đa dạng như sân chơi, nơi tập thể dục, thư giãn, đi dạo, tham quan, học tập, dã ngoại, nơi hẹn hò, nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, giải trí. Đây là nơi giúp người dân hình thành các mối quan hệ xã hội như các hoạt động hội nhóm, người cùng sở thích, nơi mọi người có thể tự do sử dụng, không bị cảm giác phân biệt, ngăn cách; là không gian thể hiện rõ nhất tính chất công cộng của không gian đô thị. Ngoài ra, chúng còn góp phần quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, cách ly tiếng ồn, tô điểm cho các công trình kiến trúc, tạo ra các không gian mở.

Với tầm quan trọng đặc  biệt như vậy, không gian xanh đô thị luôn được chính quyền thành phố cũng như người dân đô thị quan tâm, bảo vệ và phát triển. Sự quan tâm, bảo vệ này làm cho các không gian xanh đô thị trở thành các yếu tố ít bị thay đổi trong quá trình phát triển của đô thị.

Trên thế giới, các thành phố trải qua quá trình phát triển luôn có những thay đổi về mặt quy hoạch, tuy nhiên các mảng xanh quan trọng của đô thị như công viên, vườn hoa, rừng bảo tồn luôn tồn tại một cách bền vững, nhiều mảng xanh đã trở thành các địa danh nổi tiếng gắn liền với thành phố như công viên Central Park ở Newyork, vườn Luxemboung ở Paris hoặc như Singapore với phương châm phát triển "thành phố trong công viên".

Do sự gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân và tính chất bền vững, ít bị xáo trộn trong quá trình phát triển, các mảng xanh trong đô thị hội đủ các điều kiện cần thiết để trở thành một yếu tố tạo nên tính đặc thù nơi chốn ở mọi cấp độ, từ địa điểm cụ thể cho đến cấp độ khu vực và cho toàn đô thị. Nét đặc thù nơi chốn do các mảng xanh mang lại không chỉ qua hình ảnh không gian, cảnh quan mà còn gắn liền với các hoạt động của con người gắn liền với không gian này. Khi các yếu tố khác của cảnh quan đô thị như đường phố, nhà cửa thay đổi nhanh chóng như hiện nay, người dân đô thị vẫn có các không gian xanh trong khu vực tạo nên sự gắn bó giữa con người và nơi chốn.

Các điều kiện để các mảng xanh trong đô thị góp phần tạo nên đặc thù nơi chốn:

- Sự đa dạng về cấp độ: ghi nhận về đặc thù nơi chốn của con người trong đô thị có nhiều cấp độ như cấp độ thành phố (các khung cảnh quan trọng, các điểm mốc chính của thành phố...). Ở cấp độ khu vực (khung cảnh khu vực cư trú, làm việc, nơi thường hay qua lại). Do đó, các mảng xanh đô thị cần được tổ chức rộng khắp trong đô thị, với nhiều quy mô, hình thức khác nhau.

- Tiếp cận dễ dàng: các mảng xanh cần bố trí một cách thuận tiện để cho người sử dụng có thể dễ dàng và thường xuyên lui tới.

- Tính an toàn: người sử dụng không cảm thấy đe doạ từ các yếu tố tự nhiên hay nhân tạo.

- sự ổn định: không gian có các yếu tố tồn tại qua thời gian dài ví dụ như đường đi, cây cổ thụ, bố cục các khu vực, các loại cây trồng...

- Tính đặc thù: có nét đặc trưng riêng của từng địa điểm, của khu vực, của thành phố, của vùng.

Trong các yếu tố nêu trên, sự ổn định, an toàn và dễ tiếp cận đóng vai trò quan trọng giúp người sử dụng gắn kết với không gian xanh.

3. Mảng xanh đô thị tại TP. Hồ Chí Minh

Tại TP HCM rất nhiều mảng xanh đô thị rất quen thuộc với người dân thành phố, hình thành nét đặc thù của khu vực như: vườn hoa Tao Đàn, Thảo Cầm Viên, công viên Lê văn Tám, công viên Hoàng Văn Thụ, những con đường trồng me xanh tốt đặc trưng cho khu vực quận 1, quận 3 hoặc các hàng cây dầu cao thẳng tắp gắn liền với các tuyến đường như Hùng Vương, An Dương Vương, đường 3 - 2,...

Vấn đề cần quan tâm là tạo ra đặc trưng cho TP HCM thông qua việc phát triển các mảng xanh.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, việc cải tạo, nâng cấp và phát triển các mảng xanh đô thị tại TP HCM đã đạt nhiều kết quả. Các công viên, vườn hoa được tăng cường tu bổ, chăm sóc, các loại cây xanh ngày càng phong phú, các mảng xanh được chú ý phát triển tại các nút giao thông, dọc theo các vỉa hè tạo cảnh quan đẹp và cảm giác thân thiện, dễ chịu cho người sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều bất cập như:

- Giá trị đất ngày  càng cao, diện tích mảng xanh ngày càng bị thu hẹp. Nhiều tuyến đường vỉa hè không đủ chiều rộng để trồng cây, các dự án giảm tối đa diện tích cây xanh để dành đất xây dựng công trình hoặc đưa không gian xanh vào các vị trí bất lợi.

- Nhiều khu vực trong quá trình đô thị hoá đã đánh mất nét đặc trưng gắn liền với mảng xanh như khu vực Hàng Xanh, khu làng hoa Gò Vấp...

- Do quá trình toàn cầu hoá, việc nhập các loại cây ngoại và sử dụng một cách lạm dụng, thiếu cân nhắc cũng sẽ làm mất đi nét đặc trưng của khu vực, các mảng xanh tại TP HCM sẽ giống như vườn Singapore hay các thành phố Nam California của Mỹ.

Để các mảng xanh đô thị tại TP HCM ngày càng được nâng cao chất lượng, góp phần tạo nên đặc thù được nâng cao chất lượng, góp phần tạo nên đặc thù nơi chốn trong giai đoạn phát triển hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ của thành phố, các bất cập trên cần phải được xem xét một cách thấu đáo từ nhiều góc độ, từ đó đề ra các giải pháp về mặt quy hoạch, thiết kế cụ thể như: xây dựng các quy định quản lý về cây xanh, xác định số lượng cây xanh bắt buộc theo chủng loại, quy mô công trình, yêu cầu về vị trí, khoảng cách đến các công trình xây dựng của các mảng xanh trong khu đô thị, chủng loại cây theo từng khu vực; phát động các chương trình khuyến khích phát triển cây xanh đô thị, ... qua đó tạo ra hệ thống mảng xanh đô thị không chỉ đảm bảo về mặt diện tích, số lượng, mà còn phục vụ hữu ích cho người dân, tạo nên nét đặc trưng nơi chốn cho từng khu vực và toàn thành phố, góp phần cải thiện môi trường sống, tạo diện mạo mỹ quan đô thị.

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 7/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)