Cấp nước - từ những bất cập
Vừa qua Bộ Xây dựng đã có công văn 1614/BXD-KTQH gửi UBND các Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW về việc triển khai công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn trên phạm vi cả nước từ năm 2009-2015. Nghị quyết 26-NQ-TW Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng khoá 10 với mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới của Bộ tiêu chí quốc gia ban hành kèm Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ hướng dẫn chỉ đạo các địa phương đến năm 2010 phải hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn làm cơ sở đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn... Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ số xã đã có quy hoạch xây dựng chiếm tỷ lệ trung bình chỉ khoảng 24%, chất lượng đồ án quy hoạch xây dựng và mức độ khả thi chưa cao. Theo đó, quy hoạch chung và quy hoạch cấp nước chưa phù hợp với tốc độ đô thị hoá nhanh. Vì vậy đầu tư cấp nước trở nên hết sức bị động và bất hợp lý. Chính vì thế, nhiều nơi thiếu nước sạch và nhiều nơi lại dư thừa công suất. Mặt khác, các hệ thống cấp nước xây dựng không đồng bộ, công nghệ lạc hậu, phạm vi cấp nước hạn chế, tiêu chuẩn cấp nước và chất lượng nước còn thấp....
Xã hội hoá cấp nước
Công tác xã hội hoá lĩnh vực cấp nước sạch đã được đề cập tới, song việc thực hiện cũng không phải dễ dàng. Mô hình các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cấp nước được coi là một giải pháp khả thi song hiện cũng gặp nhiều vướng mắc. Một phần do tâm lý của người dân nông thôn ngại mất thêm một khoản tiền trong khi trước đây họ vẫn dùng nước sông, suối hay nước giếng khoan mà không mất tiền lại được dùng thoải mái. Điều này làm ảnh hưởng đến nguồn thu của các trung tâm hoạt động cấp nước. Tại một số trạm cấp nước do các trung tâm quản lý, số lượng người dân đến đăng ký sử dụng không nhiều, có gia đình sử dụng nhưng chỉ dùng ít (khoảng vài khối một tháng). Do vậy, nguồn thu tại các trung tâm cung cấp nước sạch không đủ để đảm bảo kinh phí sửa chữa mỗi khi trạm cấp nước hư hỏng, xuống cấp, chất lượng nước do đó cũng giảm theo. Bất cập là ở chỗ nhu cầu cung cấp nước sạch ngày một lớn, việc khuyến khích các doanh nghiệp đảm nhận việc đầu tư các trung tâm cấp nước được hỗ trợ, song thực tế khi đã có trạm cấp nước rồi thì hiệu quả hoạt động cũng như chất lượng phục vụ lại vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Việc kiểm định chất lượng nước thế nào? Xoay sở trước nguồn kinh phí hạn hẹp được phân bổ hàng năm ra sao, việc bảo dưỡng để nâng cao tuổi thọ công trình, đảm bảo chất lượng nước? Mặt khác, năng lực quản lý vận hành ở nhiều công ty cấp nước thấp và lạc hậu, quản lý tài sản theo lề lối cũ, chưa tiếp cận được với khoa học quản lý hiện đại tiên tiến. các dự án đầu tư mới, cải tạo mở rộng.... vẫn sử dụng công nghệ cũ mà chưa đủ kiến thức về các công nghệ mới.
Do vậy vấn đề nước sạch nông thôn phải tính đến xã hội hoá, nhưng cũng cần có chính sách hỗ trợ để người dân có thể tham gia, nếu cứ xây dựng các dự án đầu tư thì nguồn vốn Nhà nước không thể đủ, chất lượng không được đảm bảo và việc chậm tiến độ là điều có thể dự báo.
...đến việc hợp lý hoá các nguồn đầu tư
Có thể nói sau khi Chính phủ phê duyệt: "Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 và Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 131/2009/QĐ - TTg về xã hội hoá, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn theo đó, ưu đãi các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án, công trình cấp nước nông thôn đồng thời hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo tổng dự toán của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó không quá 45% tổng dự toán đối với doanh nghiệp đầu tư ở vùng thị trấn, thị tứ; không quá 60% đối với vùng đồng bằng, vùng duyên hải; không quá 75% đối với các vùng nông thôn khác và 90% đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang vên biển và hải đảo, xã biên giới.... Bên cạnh nguồn vốn nhà nước, các nguồn vốn nước ngoài, các nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ đã và đang được "rót" về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Việc đầu tư vào các công trình cấp nước không hề đơn giản và nguồn kinh phí đầu tư ban đầu là rất lớn. Gần đây, ở nhiều tỉnh người dân phàn nàn về công tác phục vụ nước sinh hoạt; một số nơi mặc dù công trình được khởi công và đi vào khai thác nhưng hệ thống gần như chỉ hoạt động theo dạng kiểm tra chứ chưa hề cấp nước sinh hoạt vì dân chưa lắp đường ống và đồng hồ đo nước vào nhà. Đường ống dẫn cũng bị hỏng nhiều đoạn trong quá trình thi công cùng một số nguyên nhân khách quan khác. Song song với đó là vấn đề về trình độ của những người vận hành trạm chưa cao, đội ngũ nhân viên vận hành hầu như chưa có các văn bằng, chứng chỉ liên quan đến chuyên môn. Mặt khác do chưa có sự thống nhất chung của các lực lượng quản lý các trạm cấp nước sau đầu tư, cho nên chất lượng quản lý cũng khác nhau. Đây là nguyên nhân dẫn đến các trạm hoạt động không phát huy hết công suất, tỷ lệ thất thoát nước cũng còn ở mức cao. Việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nhằm hướng đến xây dựng hệ thống cấp nước chất lượng đòi hỏi trách nhiệm, năng lực quản lý tốt đặc biệt là hợp lý hoá các nguồn vốn đầu tư sao cho thực sự triệt để và hiệu quả, nước sạch có thể.
Ô nhiễm nguồn nước và nỗi lo chưa dứt
Nước ta có trên 77% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn với cơ cấu ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, khu vực nông thôn mang tính chiến lược, trước mắt cũng như lâu dài. Vì vậy, nông thôn chi phối và tác động nhiều mặt đến vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường quốc gia.
Cục Y tế dự phòng cho biết 80% các bệnh dịch đều có liên quan đến nguồn nước, tác nhân gây bệnh qua môi trường nước rất nguy hiểm mà chủ yếu là các chất hoá học tạo nên từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, kim loại, thuốc trừ sâu hay các chất hoá học có sẵn trong thiên nhiên... Quá trình đô thị hoá nông thôn khiến diện tích đất nông nghiệp ngày một thu hẹp đồng thời các nhà máy, các khu công nghiệp sản xuất đua nhau mọc lên... ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân nông thôn. Chất thải từ các nhà máy, khu công nghiệp chế xuất thải trực tiếp ra môi trường đất, nước, không khí trong khi các nhà quản lý lại không quan tâm nhiều tới đầu tư công nghệ xử lý môi trường, hoặc nếu có cũng chỉ mang tính hình thức nên chưa thực sự hiệu quả.
Hiện nay, một trong những vấn đề nan giải khác ở nông thôn chính là tình trạng chất thải sinh hoạt, rác thải thải ra môi trường ngày một nhiều trong khi xử lý kém, ý thức vệ sinh công cộng ở một bộ phận nhân dân chưa thực sự tốt. Phương thức chăn nuôi tại nhiều làng quê cũng mang tính truyền thống, rất hiếm khi được tổ chức khoa học. Một số vùng có nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng chủ yếu vẫn thả rông, phân thải để ứ đọng lâu ngày khiến cho môi trường sinh hoạt chung rất ô nhiễm. Một phần do tâm lý người dân nông thôn xưa nay chỉ quan tâm tới cuộc sống mưu sinh. Khi đời sống chưa thực sự đảm bảo thì việc bảo vệ môi trường chỉ là thứ yếu.
Gần đây, mức độ ô nhiễm nguồn nước từ các làng nghề ngày càng tăng. Đặc biệt đang diễn ra khá nghiêm trọng tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc gia cầm, tái chế... Ô nhiễm không khí nặng ở các làng nghề làm gốm sứ hay sản xuất vật liệu xây dựng... Các cơ quan báo đài đã đưa ra nhiều cảnh tỉnh về mức độ nguy hiểm cũng như tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề áp dụng với tất cả các dạng ô nhiễm (không khí, đất, nước). Theo đó, ngoài 46% làng nghề bị ô nhiễm nặng còn có 27% số làng nghề ô nhiễm vừa và nhẹ. Một số nơi, do đặc thù địa hình, đại chất thường bị chua phèn, nhiễm mặn nên trước đây người dân chủ yếu dùng nước mưa dự trữ, nước sông hồ, ao rất mất vệ sinh. Tính nguy hại của ô nhiễm thể hiện ngay ở chỗ tuổi thọ trung bình của người dân ngày một giảm đi và thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc.... Một số nơi còn được gọi thành cái tên hết sức ghê rơn như: "Làng ung thư"... mang theo nỗi lo không dứt cho những người "sống chung với tử thần". Nước sạch về tới nông thôn luôn là nhu cầu thiết thực và chính đáng, hy vọng nỗi lo lắng về nguồn nước ăn và ảnh hưởng của nó tới sức khoẻ sẽ không còn là vấn đề khó khăn, đeo bám dai dẳng người dân trên khắp các vùng miền.
Nguồn: TC "Xây dựng & Đô thị", số 11/2010.