Xu hướng đô thị hoá mạnh mẽ của thế giới và các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, đã và đang thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống đô thị. Tại châu Á, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hoá của nhiều quốc gia sẽ đạt các con số kỷ lục: Hàn Quốc 91% , Thái Lan 87%, Indonesia 78,5%, Philipine 77%... Việt Nam cũng sẽ đạt khoảng 55%. Trong số 15 thành phố có số dân đông nhất thế giới sẽ có 12 thành phố của châu Á (4 thành phố thuọc các nước đang phát triển). Hà Nội sẽ có dân số khoảng 10 triệu vào năm 2030. Các đô thị trong khu vực đang nỗ lực liên kết chặt chẽ để tạo thế cạnh tranh và cân bằng hợp lý về phát triển trong “mạng sản xuất toàn cầu”, điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển hệ thống đô thị Việt Nam.
Thực trạng đô thị Việt Nam
Việt Nam là một nước nghèo, đô thị phát triển từ nền nông nghiệp lạc hậu, tốc độ đô thị hoá của các đô thị Việt Nam diễn ra chậm trong một giai đoạn dài do ảnh hưởng của chiến tranh. Đô thị của Việt Nam phát triển theo kiểu xen cài “da báo” giữa đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó nền kinh tế chậm phát triển, vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Quy hoạch đô thị chậm triển khai, cảnh quan đô thị chưa được quan tâm đúng mức, kiến trúc chưa thể hiện rõ đặc trưng của địa phương, chất lượng môi trường đô thị chưa đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chuẩn cho phép, quản lý đô thị còn nhiều bất cập.
Trong 10 năm thực hiện Quyết định số 10/1998/Qđ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/1/1998 về việc phê duyệt Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2020, phát triển đô thị Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Mạng lưới đô thị quốc gia đã và đang được mở rộng và phát triển khá đồng đều tại các vùng, dọc theo các trục hành lang kinh tế- kỹ thuật quốc gia quan trọng. Tính đến hết tháng 9 năm 2009, toàn quốc có khoảng 391.000ha diện tích đất xây dựng đô thị. Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị trung bình là 145m2/người. Dân số toàn quốc hiện đạt khoảng 86 triệu, trong đó có gần 26 triệu người là dân cư đô thị, tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 30%. Cả nước có 745 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP. HCM), 7 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 40 đô thị loại IV và 646 đô thị loại V. Các đô thị loại V có quy mô tối thiểu là 4 nghìn dân, đô thị loại đặc biệt là thành phố Hà Nội có trên 6 triệu người và TP. HCM có quy mô dân số hơn 7 triệu người.
Thực trạng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị: tổng diện tích nàh ở xây mới trong năm 2008 là 51,5 triệu m2 , tổng diện tích nhà ở toàn quốc đạt trên 900 triệu m2, đạt bình quân 12m2 sàn/người. Về cấp nước sạch, đến hết năm 2008, tổng công suất thiết kế cấp nước đạt khoảng 5,48 triệu m3/ngđ, tổng công suất khai thác là 4,2 triệu m3/ ngđ, tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt trung bình 65%, đô thị lớn đạt 75- 90%, đô thị loại V chỉ đạt 50- 60%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu trung bình còn khoảng 32% . Hệ thống xử lý nước thải còn chưa đồng bộ, tỷ lệ dân đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước đạt khoảng 60%. Việc thu gom và xử lý chất thải rắn thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, mới chỉ có 16/63 tỉnh thành có bãi chôn lấp được thiết kế xây dựng hợp vệ sinh nhưng hầu hết đều chưa đồng bộ. Mạng lưới đường giao thông đô thị chưa hoàn chỉnh, tỷ lệ đất giao thông trong các đô thị còn thấp, hầu hết đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị. Giao thông công cộng, công trình ngầm chưa phát triển, tại TP. HCM vận tải công cộng bằng xe buýt chỉ chiếm 15- 20% nhu cầu, phương tiện đi lại chủ yếu vẫn chủ yếu bằng xe mấy cá nhân. Vốn đầu tư thuộc Ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực hạ tầng đô thị còn hạn hẹp, việc huy động nguồn vốn ngoài Nhà nước còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 13,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hiện nay, đã có một số dự án hạ tầng quy mô lớn giao thông đô thị (tàu điện ngầm tại Hà Nội, TP. HCN, các tuyến giao thông huyết mạch, tuyến vành đai các đô thị lớn, cầu qua sông…), cấp nước, xử lý chất thải rắn, thoát nước và chống ngập úng đô thị hầu hết được đầu tư từ nguồn vốn ODA.
Những hạn chế và thách thức trong quá trình phát triển
Tốc độ phát triển quá nhanh trong khi năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi của thực tế. Phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ, chất lượng đô thị chưa được quan tâm đúng mức, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, nhưng việc xã hội hoá, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn còn là mối lo ngại tại các đô thị lớn. Tỷ lệ đất giao thông trong các đô thị, tỷ lệ dân đô thị được cấp nước, tỷ lệ dịch vụ thoát nước đô thị còn thấp, tình trạng úng ngập cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường còn chậm được khắc phục… Đặc biệt đô thị Việt Nam còn đang đứng trước các vấn đề lớn mới nảy sinh, mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, phát triển bền vững và các vấn đề phức tập của quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị như dịch cư, nhà ở, lao động, việc làm…tại các khu vực nội thị và nhất là các khu vực ven đô.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chương trình, định hướng chiến lược lớn như: Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009; Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020 tại Quyết định số 758/QĐ- TTg ngày 8/6/2009.
Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện nhằm từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại, có môi trường và chất lượng sống tốt, có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc, có vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế- xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế. Dự báo năm 2015 tổng số đô thị cả nước đạt khoảng 870 đô thị, đến năm 2025 tổng số đô thị cả nước đạt khoảng 1000 đô thị. Dân số đô thị năm 2015 đạt khoảng 35 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 38%, năm 2025 khoảng 52 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 50%.
Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2050 đưa ra các chỉ tiêu dự báo phát triển đô thị, định hướng phát triển chung, định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị cả nước, theo hướng bảo đảm phát triển hợp lý các vùng đô thị hoá cơ bản giữa 6 vùng kinh tế- xã hội quốc gia, giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam, giữa phía Đông và phía Tây, gắn với việc phát triển các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp quốc gia, đồng thời bảo đảm phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị. Các đô thị lớn, đô thị cực lớn như: Thủ đô Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nằng, Quy nhơn, Cần Thơ…được tổ chức phát triển theo quy mô hình chùm đô thị, đô thị đối trọng hoặc đô thị vệ tinh có vành đai bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế và phá vỡ cân bằng sinh thái.
Từ nay đến năm 2015 ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp đóng vài trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia. Từ năm 2016 đến 2025 ưu tiên phát triển các vùng đô thị hoá cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ, đầu tư xây dựng, nâng cấp các đô thị đóng vai trò là trung tâm vùng, tiểu vùng. Giai đoạn từ năm 2026 đến 2050 chuyển phát triển theo mạng lưới đô thị.
Định hướng đến năm 2020, đầu tư nâng cấp cho các đô thị ở các vùng có mật độ đô thị cao nhưng còn kém phát triển. Các đô thị từ loại IV trở lên trên toàn quốc được nâng cấp theo thứ tự ưu tiên khi có tỷ lệ khu nghèo cao, có nhiều khu vực nhà ở còn hạn chế về cơ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, có vị trí chiến lược trong vùng, là các đô thị có ảnh hưởng phát triển cho một vùng hoặc tiểu vùng, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thật, hạ tầng xã hội, có năng lực tiếp nhận và thực hiện dự án. Các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2020 tại các khu nghèo đô thị như
sau: 100% hộ dân được tiếp cận với nước sạch, 45% lượng nước thải được thu gom và xử lý, 100% hộ gia đình đô thị có nhà vệ sinh có nối đến bể tự hoại, 100% chất thải rắn được thu gom. Khôi phục và lắp đặt hệ thống thoát nước kết hợp cho cả thoát nước mưa và thoát nước thải nhằm giảm bớt nguy cơ lụt lội và ngấm trở lại nước thải vào môi trường. Các khu xây dựng tại đô thị có thể đạt chuẩn về mật độ đường giao thông. Nâng cấp được hệ thống đèn đường, 100% nhà xây tại các khu vực không được đảm bảo an toàn và không phù hợp cho sinh sống của người dân sẽ được di dời, cải tạo nhà ở đối với hộ gia đình có nhà ở chưa đạt chuẩn tại các khu thu nhập thấp.
Giai đoạn đầu từ năm 2009 đến năm 2015 ưu tiên nâng cấp 6 đô thị thí điểm: Cần Thơ, Cà Mau, Trà Vinh, Mỹ Tho, Rạch Giá, Cao Lãnh. Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016 ưu tiên 55% số đô thị loại II trở lên, 45% các đô thị loại III. Giai đoạn từ năm 2011 đến 2012 nâng cấp 65% các đô thị loại III còn lại và 35% các đô thị loại IV. Giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2020 đầu tư nâng cấp các đô thị còn lại. Tổng nhu cầu vốn nâng cấp đô thị cho các đô thị loại IV trở lên, thực hiện từ năm 2009 đến năm 2020 với kinh phí ước khoảng 174.143 tỷ đồng.
Các định hướng phát triển hạ tầng
Trên cơ sở định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2050 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, điều chỉnh định hướng về: cấp nước đô thị, thoát nước đô thị và khu công nghiệp, quản lý chất thải rắn đang được khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng phê duyệt ban hành trong thời gian tới.
Thực hiện các Nghị định về hạ tầng như: Nghị định 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn; Nghị định số 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp; Nghị định số 35/2008/NĐ- CP về xây dựng quản lý sử dụng nghĩa trang và dự kiến hoàn thành các nghị định quản lý chiếu sáng đô thị, quản lý cây xanh…
Việc đưa thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình thực hiện chiến lược phát triển đô thị, như ở Malaysia thực hiện triệt để phương châm “giảm vai trò của chính quyền trung ương”: Thái Lan “Nhà nước và nhân dân cùng chia sẻ”…Đó là một trong những thay đổi lớn lao trong nhận thức và thực tiễn của các đô thị châu Á mà Việt Nam có thể tham khảo được.
Năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư và đã công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị. Các dự án này tập trung vào: xây dựng, các tuyến đường sắt đô thị của TP. HCM, thoát nước và xử lý nước thải, xây dựng các khu xử lý rác thải, nâng cấp phát triển đô thị…Tiếp tục bổ sung và tăng vốn đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước cho hai lĩnh vực hạ tầng chủ yếu bao gồm: kết cấu hạ tầng kỹ thuật (đường cao tốc, xây dựng đường bê tông xi măng, đường sắt đô thị, thuỷ điện…) và hạ tầng xã hội. Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu Chính phủ đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với phát triển hệ thống đô thị ven biển bền vững.
Việc quy hoạch và phát triển đô thị ở nước ta đóng vai trò quan trọng bởi vì trong hệ thống đô thị Việt Nam, đặc biệt các đô thị trung tâm quốc gia, trung tâm cấp vùng lãnh thổ, các đô thị trung tâm ấy có ý nghĩa quan trọng và là hạt nhân, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của cả vùng và của cả nước. Để có bức tranh tổng thể về hình ảnh phát triển tươi sáng của các đô thị Việt Nam xứng đáng là một quốc gia có chiều dày lịch sử, có nền văn hiến lâu đời, có dân số xếp hàng thứ ba ở Đông Nam Á, thì công tác quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị cũng cần đổi mới hơn nữa cả về công nghệ lẫn quy trình để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, xã hội và trách nhiệm quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá và đô thị hoá.
Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 41/2010.