Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tế phát triển xây dựng và quy hoạch đô thị – nông thôn Việt Nam vẫn còn một số vấn đề bất cập gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của ngành xây dựng nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung. Việc xây dựng không phép, trái phép vẫn diễn ra phổ biến. Việc công khai công bố quy hoạch đã được phê duyệt theo qui định nhiều nơi vẫn chưa được triển khai, thực hiện triệt để. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có nhiều nhưng đa số các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do bộ máy quản lý xây dựng, quản lý đô thị chưa đủ năng lực kiểm soát hiệu quả tiến trình đô thị hoá; lực lượng cán bộ, công chức hành chính nhà nước các cấp (trong đó phần lớn là cán bộ lãnh đạo chính quyền phụ trách về xây dựng và phát triển đô thị) không có trình độ chuyên môn về lĩnh vực xây dựng, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển của đô thị và nông thôn Việt Nam. Nhiều nơi buông lỏng công tác quản lý quy hoạch đô thị và quản lý đầu tư xây dựng, dẫn đến chưa chủ động trong công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý sai phạm.
Thực tế hiện nay cho thấy; ở cấp xã, phường, thị trấn hầu hết cán bộ đảm nhận nhiệm vụ này chưa được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản mà phần lớn được tuyển dụng từ cán bộ chuyên môn kỹ thuật hoặc chỉ có trình độ chuyên môn địa chính, nên vừa làm công tác địa chính vừa kiêm luôn quản lý về xây dựng. Chính vì vậy, họ không được trang bị kỹ năng quản lý nói chung và kỹ năng trong quản lý xây dựng, quản lý đô thị nói riêng. Kết quả điều tra khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2009 chỉ có 35,97% cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn quản lý công tác xây dựng của các thành phố, thị xã thuộc tỉnh; 28,07% chủ tịch, phó chủ tịch và 27, 43% công chức địa chính – xây dựng cấp xã, phường, thị trấn được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý xây dựng và phát triển đô thị... Theo đánh giá của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, trong tổng số 14.319 cán bộ, công chức là chủ tịch UBND, cán bộ chuyên trách về địa chính, xây dựng thuộc quận, huyện, xã, phường, thị trấn thuộc 50 tỉnh, thành phố đã tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xây dựng và quản lý đô thị do Học viện tổ chức từ năm 2004 đến tháng 9 năm 2009: trong tổng số 2.794 cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn phường và thị trấn tham gia khoá học, số cán bộ chủ tịch, phó chủ tịch là 1.026 người, có 153 người đạt trình độ chuyên môn về kiến trúc, xây dựng từ trung cấp trở lên, chiếm 1,07%; số cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý xây dựng tại phường, thị trấn là 1.768 người, trong đó có 513 người đạt trình độ chuyên môn về kiến trúc, xây dựng, chiếm 29%.
Thực trạng trên cho thấy, nhu cầu đào tạo về kiến thức quản lý xây dựng, quản lý đô thị cho cán bộ chuyên môn các cấp, đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn rất cần thiết, phải tạo điều kiện cho họ thường xuyên cập nhật và nâng cao nghiệp vụ quản lý, chế độ chính sách mới trong lĩnh vực xây dựng cơ bản bao gồm quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, từ đó hạn chế những sai sót trong việc phát triển hệ thống đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý xây dựng, quản lý đô thị cho cán bộ chuyên môn xã, phường, thị trấn đã được Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đưa vào vận hành từ năm 2004 và thu được kết quả cao. Đến năm 2009, Học viện đã tổ chức được 126 lớp cho 14.319 cán bộ, công chức là chủ tịch, phó chủ tịch; cán bộ chuyên trách về điạ chính, xây dựng quận, huyện, phường, xã thuộc 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục tiêu của các khoá học này là trang bị cho công chức lãnh đạo, chuyên môn ở xã, phường, thị trấn những kiến thức cơ bản, một số kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và thực thi những nhiệm vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển và sử dụng tài nguyên đất; quản lý môi trường, kiến trúc – cảnh quan...
Mỗi khoá học sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 01 tuần những chuyên đề cơ bản như: Công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên quản lý; Công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn xã, phường; quản lý hạ tầng kỹ thuật, môi trường trên địa bàn xã, phường; quản lý trật tự xây dựng và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn xã, phường; Công tác quản lý xây dựng theo Luật Xây dựng; cấp phép xây dựng và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trên địa bàn xã, phường...Bên cạnh những khoá học về kiến thức quản lý cho cán bộ xã, phường đã được triển khai, để tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, Bộ Xây dựng đã giao cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị xây dựng đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 – 2015” và đang trình Chính phủ phê duyệt.
Những kiến thức tiếp thu được từ khoá học sẽ giúp cho cán bộ cấp xã, phường nắm vững nội dung của quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng; đồng thời nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chức năng quản lý đô thị, quản lý xây dựng, tạo điều kiện cho họ có đủ chuyên môn nghiệp vụ để kiểm tra và phát hiện xây dựng sai phép, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý trật tự đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của nước ta hiện nay, thúc đẩy sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.
Nguồn: Xây dựng & Đô thị, số 11/2010.