Tổ chức lao động khoa học – sự cần thiết và triển vọng áp dụng trong ngành Xây dựng

Thứ ba, 01/06/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Tổ chức lao động khoa học (TCLĐKH) – vấn đề không mới, nhưng cũng không bao giờ cũLao động là phương thức giúp con người tồn tại, nó cung cấp mọi nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Thông qua lao động, con người được phát triển mọi mặt tư duy, nhận thức, kỹ năng sống, ngôn ngữ. Như vậy lao động là hoạt động sống còn đối với sự tồn vong và phát triển của xã hội loài người.
Nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người hầu như là vô hạn. Trong khi đó, lực lượng sản xuất, tức là sức lao động và tư liệu lao động, lại là yếu tố có hạn trong từng thời kỳ. Vì vậy, con người phải tìm ra cách sử dụng hiệu quả nhất những nguồn tài nguyên hạn chế này. Đây chính là điều kiện để ra đời một ngành khoa học mới – khoa học về tổ chức lao động.

Tố chức lao động, tiếng Latinh là ergonomic, vốn được kết hợp từ hai từ Hy Lạp cổ: “ergon” – lao động và “nomos” – luật, quy luật. Theo nghĩa này, và cũng theo quan niệm của các nước phương Tây, đó là những nguyên tắc khoa học được thiết lập dựa trên hiểu biết về mối quan hệ tương tác giữa người lao động và các yếu tố còn lại trong một hệ thống sản xuất vật chất nhất định; là sự áp dụng các lý thuyết, cơ sở dữ liệu nhằm làm tối ưu hoá hoạt động của hệ thống nói chung và sự tiện nghi cho con người nói riêng.

Còn theo định nghĩa của các nhà khoa học Liên Xô: “TCLĐKH là toàn bộ những biện pháp hoàn thiện không ngừng được được áp dụng trong việc tổ chức lao động trên cơ sở những thành tựu khoa học và kinh nghiệm tiên tiến. Những biện pháp hoàn thiện này tạo khả năng kết hợp một cách tốt nhất kỹ thuật và con người trong một quá trình sản xuất thống nhất, tạo khả năng tăng năng suất lao động, làm cho lao động có nội dung phong phú, góp phần bảo vệ sức khoẻ của con người, và dần dần biến lao động thành nhu cầu thiết thân hàng đầu của con người”.

Khoa học tổ chức lao động lần đầu tiên được nghiên cứu một cách nghiêm túc vào thế kỷ 19 bởi Frederick Winslow Taylor, cha đẻ của khoa học về động tác trong lao động. Xuất thân là kỹ sư cơ khí làm việc trong nhà máy thép Midvale, nhờ tư duy và đầu óc quan sát, Taylor đã tổng kết được các động tác cơ bản nhất của người công nhân, xây dựng quy trình làm việc tối ưu về mặt thời gian. Ông còn nghiên cứu và đưa ra những lý thuyết đầu tiên về khoa học quản lý.

Ảnh hưởng của thuyết Taylor thật to lớn, nó làm thay đổi hẳn hiệu quả của nền công nghiệp nước Mỹ trong thời gian sau đó. Henry Ford dã ứng dụng thuyết quản lý sản xuất và dây chuyền của Taylor vào nhà máy Ford của mình. Kết quả là Ford Motors đã trở thành tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất trên thế giới hồi đầu thế kỷ 20.

Sau Taylor, nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng đã tham gia nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của TCLĐKH, điển hình là Henry Fayol (1841 – 1925), Folet (1868 – 1933), Simon (1916 – 2001)... các công trình của họ làm phát triển môn khoa học này, mở rộng lĩnh vực nghiên cứu cả về mặt tổ chức, nhiều trong số đó còn được ứng dụng vô cùng hiệu quả tới ngày nay.

Như vậy hiệu quả của môn khoa học về tổ chức lao động đã được khẳng định, vấn đề chỉ là áp dụng nó như thế nào. Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn đề cập đến ngành xây dựng cơ bản, là ngành có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, ngành kinh tế duy nhất tạo ra của cải vật chất cố định cho tất cả các ngành còn lại. Kinh phí hàng năm cho ngành xây dựng chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập quốc dân. Việc áp dụng TCLĐKH vào ngành xây dựng nếu thực hiện được, sẽ mang lại hiệu quả lớn lao đối với khả năng sản xuất của ngành nói riêng, sự phát triển của nền kinh tế cả nước nói chung.

2. Một số hướng nghiên cứu của tổ chức lao động khoa học hiện đại trên thế giới

Hướng nghiên cứu đầu tiên là tối ưu hoá động tác của người lao động. Khi đó, năng suất lao động tăng cao, giá thành sản phẩm hạ và người lao động thực sự vui thích khi làm việc. Muốn vậy, trong quy trình động tác lao động, cần loại bỏ tất cả các động tác thừa, các động tác tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động; không những thế còn phải sắp xếp trình tự các động tác hợp lý, xây dựng thành tiêu chuẩn và đào tạo cho công nhân. Hướng nghiên cứu thứ hai là cải thiện điều kiện lao động. Điều kiện lao động ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và tâm sinh lý của người lao động. Điều kiện lao động bao gồm nhiều yếu tố: nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ, gió... Đối với mỗi yếu tố, con người chỉ có thể hoạt động bình thường trong một ngưỡng nào đó. Theo nghiên cứu của Đại học công nghệ Helsinki – Phần Lan, nhiệt độ môi trường tiêu chuẩn của người công nhân là từ 18 – 310C, khoảng hiệu quả nhất là từ 21 – 230C. Ngoài ngưỡng này, năng suất lao động giảm nhanh. Độ ẩm cũng vậy, độ ẩm cao cản trở sự bay hơi của mồ hôi, làm tăng thân nhiệt, là môi trường cho vi khuẩn phát triển, độ ẩm thấp gây khô mũi, nứt nẻ da... Độ ẩm môi trường lý tưởng cho công nhân là 40 – 60%.

Hướng nghiên cứu kích thích lao động trong những năm gần đây rất được các nhà quản lý quan tâm tìm hiểu và đẩy mạnh áp dụng, nó tìm ra những nhu cầu thiết yếu về vật chất và tinh thần của người lao động và cách thoả mãn chúng. Từ năm 1914, Henry Ford đã thực hiện hai chính sách: trả công “5 đôla một ngày” và tuần làm việc 40h; hiệu quả từ chất lượng sản phẩm và năng suất đáng kinh ngạc của công nhân đã chững minh cho luận điểm đúng đắn của ông, vốn bị hoài nghi và chỉ trích rất nhiều. Như vậy trong nhiều trường hợp, những đầu tư để kích thích người lao động đem lại hiệu quả lớn hơn nhiều so với chi phí đã bỏ ra.

Nếu các hướng nghiên cứu trên quan tâm chủ yếu tới cá thể người lao động thì hướng nghiên cứu về sự phân công và hợp tác trong lao động lại chú trọng về mặt tổ chức tập thể lao động. Chẳng hạn trong công trường xây dựng, có rất nhiều loại công việc, từng loại công việc lại được phân chia nhỏ: công tác chính và công tác phụ, công tác có kỹ thuật cao và công tác đơn giản. Do đó, mỗi tổ thợ đều có cơ cấu với nhiều bậc thợ hỗ trợ nhau. Ngoài ra, sự hợp tác lao động thể hiện khi một số tổ lao động cùng phối hợp để tạo ra một sản phẩm: công tác bê tông toàn khối chỉ có thể thực hiện nhờ sự phối hợp đầy đủ của các tổ ván khuôn, cốt thép và bê tông.

Ở mức tổ chức cao hơn, cần nghiên cứu tìm ra những mô hình quản lý thích hợp. Hình thức tổ chức và quản lý của doanh nghiệp phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ người lao động với doanh nghiệp đó, chẳng hạn cổ phần hoá. Khi người lao động tìm được động lực to lớn để làm việc, cống hiến hết mình, mọi quá trình trong doanh nghiệp sẽ được chính người lao động giám sát chặt chẽ, từ hiệu quả sử dụng tài nguyên, chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ môi trường... Kim Woo Choong, người sáng lập ra tập đoàn Daewoo, là bậc thầy trong việc truyền cảm hứng làm việc tới mức: “nếu các công ty khác làm việc từ 9h sáng đến 5 h chiều thì nhân viên của chúng tôi làm việc từ 5h sáng đến 9h tối,..., kết quả là Daewoo chỉ cần 22 năm để phát triển bằng thành quả trong suốt 44 năm của công ty khác...”.

Sở dĩ người lao động làm việc như một niềm vui thích vô bờ bến, coi công ty như gia đình mình, cống hiến vì công ty cũng như cống hiến cho gia đình thân yêu.

3. Thực trạng ngành xây dựng Việt Nam, những thuận lợi và khó khăn để triển khai ứng dụng Tổ chức lao động khoa học.

Giá thành của một công trình xây dựng rất đa dạng, không ổn định do có rất nhiều cách khác nhau để xây dựng công trình đó. Đôi khi có cùng thị trường, cùng quy mô, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp lại hoàn toàn khác nhau.

Ngành xây dựng sử dụng lao động mức chuyên nghiệp hoá chưa cao, ít được đào tạo cơ bản, chính quy, lại mang tính thời vụ. Máy móc cũng không đồng nhất: cùng một công ty, thậm chí trên cùng một công trường, có thể tồn tại cùng lúc những loại máy cũ nát, hết hạn sử dụng với các loại máy móc hiện đại, ảnh hưởng đến sự ổn định của chất lượng sản phẩm. Đời sống người lao động trong ngành xây dựng rất không ổn định, nay đây mai đó. Doanh nghiệp xây dựng không chỉ có trách nhiệm tổ chức lao động mà còn phải tổ chức đời sống cho người công nhân ngoài giờ sản xuất, phải lo chỗ ăn, ở, sinh hoạt ... trở thành gánh nặng chi phí không nhỏ.

Các đặc điểm trên dẫn đến thực trạng ngành Xây dựng Việt Nam vẫn là một trong những ngành kinh tế thiếu ổn định nhất, rất nhạy cảm với những biến động của thị trường. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam ở thị trường nước ngoài vẫn còn rất ít doanh nghiệp đủ khả năng làm tổng thầu dự án. Công nhân xây dựng ít được xã hội coi trọng, hình ảnh người thợ xây dựng thường đi kèm với hình ảnh những con người học vấn thấp, luôn luôn vất vả khổ cực.

Từ thực trạng trên, ta có thể thấy những khó khăn cản trở việc ứng dụng TCLĐKH:

- Công nghệ xây dựng còn nhiều khâu lạc hậu, doanh nghiệp xây dựng nhiều khi không biết đâu là trọng tâm cần phải tập trung tài nguyên giải quyết trước.

- Ngành xây dựng sử dụng nhiều vốn lưu động là vốn đi vay, áp lực trả lãi ngân hàng luôn ở mức cao, trong khi đó đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng TCLĐKH đôi khi lại cần một khoảng thời gian nhất định mới phát huy được hiệu quả.

- Quyết định loại bỏ hoàn toàn công nghệ cũ để đưa công nghệ mới tiên tiến hơn vào sử dụng luôn gặp khó khăn trong trường hợp tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp chưa đủ mạnh.

Nhưng cũng có không ít thuận lợi:

- Người Việt Nam thông minh, cần cù, ham học hỏi, rất dễ học tập những điều mới, có nhiều sáng kiến trong quá trình lao động.

- TCLĐKH có rất nhiều mức độ áp dụng, doanh nghiệp xây dựng nào, người lao động nào cũng có thể tìm ra mức độ phù hợp nhất với mình để chọn lựa, do đó việc ứng dụng môn khoa học này trong xây dựng là khả thi với mọi điều kiện kinh tế xã hội.

- Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào mọi lĩnh vực sản xuất trong đó có lĩnh vực xây dựng. Điều này được định hướng trong văn kiện Đại hội Đảng.

- Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào các tổ chức kinh tế, chính trị quốc tế như WTO, APEC, ASEAN..., điều này cực kỳ thuận lợi cho việc du nhập những thành quả nghiên cứu TCLĐKH của các nước bạn trong quá trình hợp tác, giao dịch, liên doanh liên kết.

4. Một số đề xuất áp dụng Tổ chức lao động khoa học để phát triển ngành Xây dựng nước ta
Trong hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn về vốn, các doanh nghiệp xây dựng cũng như ngân sách Nhà nước chưa thể đầu tư một cách ồ ạt cho nghiên cứu tổ chức lao động, chúng ta chưa thể trông đợi một cuộc cách mạng về TCLĐKH trong toàn ngành xây dựng mà cần phải chọn lọc ra những vấn đề thiết yếu để ưu tiên đầu tư trước. Do đó, trước tiên cần phải tìm hiểu những khâu lạc hậu nhất, cũng như những khâu dễ áp dụng TCLĐKH mà có hiệu quả cao nhất.

Tác giả đề xuất hai nhóm giải pháp thực hiện ứng dụng TCLĐKH :

Nhóm giải pháp thứ nhất: ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới trên thế giới.

- Với sự phát triển của viễn thông, việc khai thác thông tin đã trở nên rất dễ dàng, chỉ cần qua Internet, doanh nghiệp nào cũng có thể tìm hiểu xem ở lĩnh vực của mình, thế giới đã phát triển đến đâu, có những công nghệ nào phù hợp, điều kiện áp dụng... từ đó ra quyết định đầu tư thích hợp nhất cho bản thân.

- Thị trường xây dựng Việt Nam đang được quốc tế hoá, xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp xây dựng nước ngoài, tham gia vào hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng từ quản lý dự án, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công xây lắp, xuất nhập khẩu... Thông qua việc liên doanh liên kết, giao dịch với họ, các doanh nghiệp xây dựng trong nước có thể học hỏi rất nhiều điều. Xây dựng là ngành mang tính “mở”, các bí quyết nghề nghiệp hay công nghệ mới rất khó để giữ kín, chỉ cần giáo dục cho cán bộ, công nhân ý thức học tập khi quan sát các nhà thầu nước ngoài làm việc, hoặc thành lập hẳn những bộ phận chuyên trách học tập, đây thực sự là cách làm hiệu quả với chi phí thấp.

- Nên có chiến lược tham khảo những nước đi trước và có điều kiện kinh tế xã hội tương đối giống Việt Nam, chẳng hạn Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước đang phát triển khác.

Nhóm giải pháp thứ hai: phát huy nội lực, đẩy mạnh phong trào tự nghiên cứu áp dụng TCLĐKH trong các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và toàn ngành xây dựng nói chung.

- Nhân tố thực hiện nhóm giải pháp này bao gồm các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng, trung cấp nghề xây dựng); ngoài ra các doanh nghiệp cũng phải luôn ý thức được tầm quan trọng của TCLĐKH, không tiếc những đầu tư ban đầu để đạt hiệu quả lâu dài.

- Đối với cấp quản lý, cần có chính sách khuyến khích sáng kiến của các cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng công nghệ, mô hình mới trong sản xuất. Nên ban hành chế tài bắt buộc các doanh nghiệp xây dựng phải trích một phần lợi nhuận hàng năm dành cho công tác nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn tỉ lệ trích nộp có thể là 2%, trong đó: 1% lợi nhuận cho quỹ nghiên cứu khoa học của riêng doanh nghiệp đó, 1% còn lại cho quỹ nghiên cứu khoa học chung của toàn ngành xây dựng.

Ngoài ra cần một cơ chế đánh giá hiệu quả của ứng dụng TCLĐKH dựa trên thử nghiệm – so sánh:

- Xây dựng những dự án kiểu mẫu, so sánh hiệu quả kinh tế với các dự án còn lại.

- Trong một tổng công ty, chỉ định một công ty là công ty kiểu mẫu, thậm chí có thể mang nguyên hình mẫu của một số công ty nước ngoài thành công, so sánh hiệu quả sản xuất kinh doanh (sản lượng, lợi nhuận) với các công ty còn lại.

- Trong một công ty, thành lập đội sản xuất kiểu mẫu, chuyên ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất, so sánh hiệu quả sản xuất (năng suất, chất lượng sản phẩm) với các tổ đội truyền thống.

- Ngoài ra còn có thể thực hiện cơ chế thử nghiệm – so sánh này đến tận từng nhóm người lao động, thậm chí từng cá nhân, là cấp nhỏ nhất, cũng là cấp dễ nảy sinh sáng kiến nhất.

- Cũng cần lưu ý, không phải cái mới nào cũng phù hợp. Khi thử nghiệm, chúng ta phải đề phòng những rủi ro có thể xảy đến, do đó cần lập một quỹ phòng chống rủi ro để khắc phục hậu quả (nếu có).

TCLĐKH là một vấn đề không mới, nhưng vẫn luôn cấp thiết đối với ngành xây dựng nước ta. Bài viết này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng môn khoa học này với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Hy vọng trong tương lai gần, kinh tế việt Nam nói chung và ngành xây dựng nói riêng sẽ có vị thế quan trọng trên trường quốc tế, đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn xây dựng lớn trên thế giới, ngành xây dựng Việt Nam sẽ đặt dấu ấn trên bản đồ thương hiệu toàn cầu. Tổ chức lao động khoa học sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu này.



Nguồn: TC Xây dựng, số 4/2010.
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)