Ở Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây các nhà quy hoạch đã được học tập tiếp thu và ứng dụng trong thực tế các dạng mô hình đô thị nói trên, song do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan thực tiễn đô thị Việt Nam còn tồn tại quá nhiều bất cập. Nhiều nghiên cứu cho rằng, về hình thái học đô thị Việt Nam như là một sự chuyển tiếp kéo dài từ hình thái làng sang đô thị theo khái niệm phổ biến. Về bản chất, chúng là phố thị gồm những dãy phố với những ngôi nhà ở kiểu ống, vừa là nơi sống, vừa là nơi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Các khu phố cổ hoặc cũ ở Hà Nội, Hội An và Huế phản ảnh khá đầy đủ đặc điểm xã hội và hình thái của cấu trúc đô thị cổ truyền.
Xu hướng chung của các đô thị Việt Nam hiện nay là phát triển nhanh, mở rộng cả về quy mô diện tích đất đai lẫn quy mô dân số, với các hình thức:
1. Khu vực nội đô phát triển mạnh ra các vùng ngoại vi, dẫn đến việc phải điều chỉnh ranh giới của đô thị (thị xã, thành phố). Phương thức mở rộng này thường tập trung vào các đô thị loại IV khi phát triển nâng cấp lên đô thị loại III như các thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Móng Cái. Lạng Sơn, Lào Cai…
2. Phát triển mở rộng đô thị trên cơ sở sát nhập các đơn vị hành chính trong phạm vi rành giới của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc có liên quan đến 2, 3 tỉnh như thị xã Đồ Sơn, Kiến An sáp nhập vào nội đô Hải Phòng ; Ngũ Hành Sơn, Hoà Vang vào nội đô Đà Nẵng; sáp nhập toàn bộ ranh giới tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phú), 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình) vào Thủ đô Hà Nội (với diện tích tự nhiên trên 3300 km2)… Phương thức hay xu hướng này đang diễn ra ở bình diện rộng, trên phạm vi cả nước, thậm chí đang là cái cách để nghiên cứu phát triển đô thị dưới dạng hợp nhất một số đô thị nhỏ vào một đô thị lớn có sức hút, mang tính trung tâm hơn để trở thành một vùng đô thị có ranh giới, tính chất, chức năng và quy mô rõ ràng. Đề án xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, mở rộng ranh giới thành phố Đà Lạt hay xây dựng Thừa Thiên- Huế trở thành thành phố/ đô thị toàn tỉnh (theo mô hình “Tập hợp hoặc chùm đô thị”) là những ví dụ điển hình. Cấu trúc và hình thái học đô thị Việt Nam theo đó cũng có những thay đổi về không gian và các bộ phận cấu thành…
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, các đô thị Việt Nam đang dần thay đổi một cách căn bản về chất. Trước đây, phần lớn chúng chủ yếu đơn thuần chỉ là các đô thị hành chính, giữ vai trò là trung tâm tỉnh, thị xã, thị trấn như Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Huế, Đà Nẵng… hoặc đô thị chuyên ngành như Sa Pa, Đồ Sơn, Đà Lạt…
Ngày nay, ngoài yếu tố hành chính, các đô thị Việt Nam đã trở thành các đô thị có chức năng tổng hợp về kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Trong đó, nhiều đô thị đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của quốc gia, vùng như thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… Đô thị hướng tới cấu trúc đa trung tâm, linh hoạt hơn, có sức sống và có sự cạnh tranh cao. Trong đó, nền kinh tế đô thị đã đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng chung của quốc gia. Quy hoạch xây dựng đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển KT- XH của đất nước, trong đó, kinh tế đô thị góp khoảng 70% GDP cả nước, các chỉ số thu ngân sách của các vùng tỉnh và các đô thị lớn cho thấy tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 đến 15%, cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước. Những cơ hội kinh tế ở các đô thị đã và đang tạo ra sức hút, thu hút các luồng di cư và thúc đẩy sự tăng trưởng dân số đô thị. Ngược lại, quá trình đô thị hoá đã kích thích hơn nữa tăng trưởng kinh tế. Đây là hai mặt tương hỗ và liên quan chặt chẽ của quá trình phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề đạt được, trong quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị của Việt Nam gần trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế, hiện đang còn những bất cập, hạn chế cần phải giải quyết, khắc phục như:
1. Đô thị phát triển nhanh nhưng mất cân đối, từ tầm nhìn quy hoạch đến thực tế còn có khoảng cách khá xa.
2. Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt quá khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi thực tế, tư duy khoa học quản lý đô thị chậm đổi mới.
3. Sự phát triển không đồng bộ giữa không gian đô thị và chất lượng đô thị, việc phân loại, nâng cấp đô thị chỉ đạt mục tiêu là tăng quy mô đất đai, dân số mà chưa coi trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng sống đô thị; hiện tượng “phát triển ảo” thông qua các dự án khu đô thị mới với mục đích kinh doanh bất động sản bất chấp nhu cầu phát triển thực của đô thị đã trở nên phổ biến- trong khi mô hình, cấu trúc phát triển đô thị hiện nay chưa được xem xét đánh giá một cách toàn diện khách quan. Mô hình, cấu trúc theo xu hướng mở rộng, sáp nhập hay đô thị toàn tỉnh/tập hợp hoặc chùm đô thị; đô thị lan toả không có ranh giới rõ ràng để phân biệt giữa khu vực phát triển đô thị và khu vực nông thôn, hoặc đô thị tuyến tính chỉ bám sát dọc các trục quốc lộ, tỉnh lộ, thậm chí huyện lộ…
4. Hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển chưa đồng bộ. Tỷ lệ đất giao thông trong các đô thị chưa đạt yêu cầu, hầu hết đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch còn thấp, tình trạng ngập ứng cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường còn nặng nề, chậm được khắc phục…
5. Hệ thống hạ tầng xã hội thiết yếu (như nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế…) chưa được quan tâm đúng mức.
6. Kiến trúc khu vực đô thị và khu vực nông thôn còn nhiều vấn đề bức xúc: quỹ nhà ở chưa được cân đối kịp thời trong quá trình phát triển (ví dụ, quỹ nhà ở biệt thự ở một số khu đô thị mới ở Hà Nội, Bắc Ninh… bị bỏ hoang trong khi sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp lại thiếu nhà)…
7. Xu hướng phát triển riêng biệt trong địa giới hành chính một tỉnh có nguy cơ tạo ra lỗ hổng lớn trong mối liên kết vùng và tầm nhìn quốc gia; sự phối hợp đa ngành trong quản lý đô thị còn lỏng lẻo.
8. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, nhưng việc huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế.
9. Đặc biệt, đô thị Việt Nam còn đang đứng trước các vấn đề mới nảy sinh, mang tính toàn cầu như: hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, phát triển bền vững, các vấn đề phức tạp của của quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị như dịch cư, chệnh lệch giàu nghèo, nhà ở, lao động, việc làm, phát triển vùng ven đô, liên kết đô thị- nông thôn (liên kết vùng), tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Suy cho cùng, về bản chất mô hình cấu trúc đô thị nào cũng phải vì con người, lấy con người làm trọng tâm . Trong hai giá trị vật chất căn bản tạo dựng chất lượng môi trường sống đô thị: thiên nhiên (địa hình, khí hậu, mặt nứơc, cây xanh…) và nhân tạo (không gian, kiến trúc, hạ tầng…) của một đô thị, thì giá trị nhân tạo thường có vị thế chủ động được điều tiết bởi ý thức của con người. cần phải nhấn mạnh rằng, chất lượng sống và quan điểm bình đẳng sống trong đo thị thể hiện tính nhân văn cao của một xã hội dân chủ và tiến bộ. Nó mang đậm bản chất của một đô thị vị nhân sinh hay đô thị vì con người. Mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người trong đô thị như việc làm, chỗ ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi… đều cần được quan tâm đầy đủ và bình đẳng.
Đô thị là một quá trình do nhiều thế hệ xây dựng kiến tạo. Chính bản thân đô thị là tấm gương phản chiếu trung thực những gì đã, đang diễn ra, cung cấp những dữ liệu để nhận biết hiện tại chúng ta đang ở tình trạng nào, đang ở đâu trong bối cảnh phát triển chung của đất nước, của khu vực và thế giới, để có hướng quy hoạch phát triển đô thị cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Tất cả những điều được trao đổi ở trên cho thấy quá trình đô thị hoá của Việt Nam có những đặc điểm rất riêng, rất Việt Nam. Qua đó, cũng khẳng định: lý luận và thực tế phương pháp lập quy hoạch đô thị đang không theo kịp với nhu cầu phát triển, kiến thức về quy luật kinh tế thị trường tác động lên các vấn đề trong phát triển đô thị còn đang được hiểu rất hạn chế ở Việt Nam. Thực tế đòi hỏi phải có sự thay đổi căn bản về tư duy, cách làm; về nhận thức khái niệm, bản chất đô thị và quá trình phát triển của nó; về việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, về chất lượng quản lý đô thị có sự phối hợp mang tính đa ngành… nhằm phát huy những mặt đã đạt được, hạn chế những bất cập, thách thức, đối đầu để đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 2/2012.