- Năm 1981: Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2000 (Quyết định số 100/TTg ngày 24/4/1981). Quá trình tổ chức thực hiện trong điều kiện nền kinh tế bao cấp, vốn đầu tư xây dựng đô thị chủ yếu từ ngân sách Nhà nước.
- Năm 1992: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 132 HĐBT (ngày 18/4/1992) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng Thủ đô Hà Nội đến năm 2000. Đây là giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với phương châm “lấy đô thị nuôi đô thị, huy động mọi thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng đô thị”. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, việc tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều khó khăn và lúng túng.
- Năm 1998: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 108/1998/QĐ- TTg ngày 20/6/2998, phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Đây là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước và hoàn thiện các cơ chế chính sách của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức thực hiện quy hoạch đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
- Năm 2011: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ- TTg ngày 26/7/2011, phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050- sau khi Hà Nội đã chính thức mở rộng địa giới hành chính từ 921km2 lên 3344km2 với dân số trên 6,2 triệu người. Đây là cơ hội cho Thủ đô phát triển ổn định, bền vững lâu dài theo hướng: xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách cho Thủ đô trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị.
Thực trạng tổ chức thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị
Quy hoạch là một quá trình chứ không phải là một sản phẩm riêng lẻ, vì vậy, việc lập ra quy hoạch đã khó, việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch còn khó khăn hơn. Thực tế nhiều năm qua cho thấy: sự cố gắng của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư và cộng đồng đã làm cho bộ mặt đô thị ngày một khang trang, sạch đẹp hơn, nhất là đối với các đô thị lớn. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác lập quy hoạch cả về số lượng và chất lượng. Quy hoạch đi trước một bước, làm cơ sở cho quản lý phát triển đô thị và hình thành nên các dự án đầu tư xây dựng xây dựng đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; cải thiện về cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Đô thị từng bước khẳng định được vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đô thị còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: ách tắc giao thông, úng ngập khi trời mưa to, lấn chiếm đất công, xây dựng không phép hoặc sai phép, môi trường xuống cấp… là những vấn đề bức xúc trong thực tế. Công tác đầu tư xây dựng còn dàn trải, manh mún, chắp vá, thiếu kết nối hạ tầng và không gian phát triển đô thị, phát triển nhà ở còn nặng về nhà ở thương mại mà chưa quan tâm đúng mức đến các đối tượng thu nhập thấp, lãng phí đất đai và các nguồn lực xây dựng phát triển đô thị… đang là vấn đề lớn của các đô thị nói chung và trong đó có đô thị Hà Nội.
Việc tổ chức thực hiện và quản lý đô thị là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu của các cấp chính quyền. Luật Quy hoạch đô thị đã nêu rõ nội dung triển khai thực hiện quy hoạch, đó là: công bố công khai quy hoạch được duyệt, tổ chức cắm mốc các tuyến đường chính, các khu vực bảo tồn di tích lịch sử, kiến trúc cảnh quan; các khu vực cấm hoặc hạn chế xây dựng theo quy định; xác định cốt khống chế các khu vực xây dựng trong đô thị… Trên thực tế, những quy định trên chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Nguyên nhân chính là do còn thiếu các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, thiếu công cụ để quản lý quy hoạch- kiến trúc đô thị dẫn đến việc tổ chức thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng…
Công tác cấp phép xây dựng trong đô thị cũ thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, ý thức chấp hành của người dân tự giác hơn, tỷ lệ xin phép nhiều hơn. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa kiểm soát được nhà siêu mỏng, siêu méo. Hiện tượng xây dựng không phép, sai phép vẫn còn phổ biến- nguyên nhân là việc kiểm tra xây dựng sau khi cấp phép còn buông lỏng quản lý, nhiều trường hợp xây dựng xong phần thô mới bị phát hiện, việc xử lý trong trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn.
Việc hình thành dự án đầu tư xây dựng trên cơ sở định hướng quy hoạch chung, do thiếu quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nên gây nên tình trạng chắp vá, manh mún, không đồng bộ, phá vỡ cảnh quan đô thị, lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường và tạo ra tình trạng phát triển thiếu bền vững.
Đề xuất khắc phục tồn tại nêu trên và tổ chức triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:
1. Triển khai sớm các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, làm cơ sở để lập dự án hạ tầng kỹ thuật khung cấp đô thị và các quy hoạch phân khu đồng bộ cho khu vực trung tâm thành phố và các khu vực nằm trong các dự án ưu tiên phát triển.
2. Tổ chức lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cho toàn đô thị: trên cơ sở quy hoạch chung, quy định quản lý theo đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị để quy định việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, quy định quản lý kiến trúc, không gian đô thị- những điều cấm, khuyến khích và hạn chế.
3. Tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư phát triển đô thị, triển khai các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và lập các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo khớp không gian, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tránh hiện tượng chắp vá, manh mún như trong thời gian vừa qua.
4. Tổ chức lập quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị cho các khu chức năng đô thị, làm cơ sở đế cấp phép và quản lý bộ mặt kiến trúc đô thị. Đối với đô thị đã ổn định chức năng thì không nhất thiết phải lập quy hoạch chi tiết nhưng phải lập thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc để làm công cụ kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, tránh quản lý đô thị trong điều kiện thiếu công cụ kiểm soát.
5. Trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc: hình thành các khu vực phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch chung đô thị được phê duyệt; hình thành các dự án đầu tư phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch phân khu được phê duyệt để đảm bảo việc lập lại trật tự trong đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và bền vững.
6. Sớm hình thành các đầu mối quản lý trong các khu vực phát triển đô thị có thể là mô hình Ban quản lý khu vực phát triển đô thị là đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố, thực hiện một số nhiệm vụ do thành phố giao trên nguyên tắc: không làm thay các chức năng nhiệm vụ của các chính quyền địa phương và các sở chuyên ngành của thành phố. Nhiệm vụ chính của Ban quản lý xin đề xuất có thể là:
- Tổ chức lập kế hoạch triển khai khu vực phát triển đô thị.
- Giám sát các dự án đầu tư xây dựng trong khu vực phát triển đô thị theo đúng quy hoạch được duyệt.
- Đình chỉ các dự án có vi phạm theo thẩm quyền khi được UBND cấp tỉnh hoặc Bộ Xây dựng uỷ quyền.
- Đầu mối khớp nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào của dự án.
- Đầu mối điều chỉnh quy hoạch ( trường hợp phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch).
- Đầu mối thoả thuận với các ngành chức năng về phòng chống cháy nổ, môi trường…
- Tổ chức lập kế hoạch lực chọn chủ đầu tư dự án phát triển đô thị.
- Đầu mối giải phóng mặt bằng: tham gia cũng chính quyền địa phương và chủ đầu tư giải phóng mặt bằng theo quy hoạch.
- Làm chủ đầu tư thực hiện các dự án vốn ngân sách khi được thành phố giao.
Với mong muốn xây dựng một đô thị: xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có chất lượng cuộc sống tốt, cạnh tranh tốt, tài chính tốt và quản lý đô thị tốt- xứng đáng là đô thị đi đầu trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị… xin được góp tiếng nói chung cùng các nhà quản lý chia sẻ một vài ý kiến vì một Thủ đô tươi sáng hơn.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 1/2012