Hệ thống cây xanh thành phố Quy Nhơn có thể phân thành các loại hình như sau:
Cây xanh đường phố
Hệ thống cây xanh đường phố Quy Nhơn khá phong phú về chủng loại, đa dạng về màu sắc: màu tím của bằng lăng, vàng của điệp, đỏ của phượng, xanh của cau…Điều kiện khí hậu tại Quy Nhơn tương đối ít biến đổi khiến cho cây xanh đường phố gần như xanh tốt quanh năm. Tuy nhiên, cách bố trí cây xanh đường phố hiện hữu còn khá tự do và mang tính cục bộ từng khu vực riêng lẻ. Một thực tế khá bất lợi khác là hệ thống vỉa hè- phần nền để phát triển cây xanh - phần lớn còn khá hẹp. Việc bố trí loại hình cây xanh phù hợp tính chất từng loại đường phố cũng chưa được chú ý, nhiều nơi thiếu tính đồng bộ và chưa hợp lý. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chủng loại cây trồng đã từng bước được chọn lọc, các loại cây mang gốc địa phương cũng đã được đưa vào sử dụng, tuy chưa nhiều, nhưng đây cũng là điểm mạnh cần được nhân rộng và phát huy.
Cây xanh vườn- công viên
Tại Quy Nhơn hiện nay, diện tích cây xanh công viên còn quá ít chỉ có công viên dọc bờ biển và một vài vườn hoa nhỏ 1- 2ha, chưa tương xứng với quy mô đô thị hiện tại. Giá trị thẩm mỹ, làm cơ sở tạo hình cảnh quan của cây xnah trong công viên cũng chưa cao. Chủng loại cây còn tương đối ít và khá đơn điệu chủ yếu là cau kiểng, dừa. Việc kết hợp cây xanh với các yếu tố tạo cảnh như địa hình, mặt nước, kiến trúc, không gian trống…còn khá nhiều hạn chế, chưa phong phú đa dạng, làm cho cây xanh chưa phát huy hết tác dụng tạo cảnh của nó.
Cây xanh ven mặt nước
Do có cấu trúc địa lý đặc thù có cả hồ đầm, biển và sông ngòi… nên hệ thống cây xanh ven mặt nước là vốn quý cần bảo vệ, khai thác của thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay loại hình cây xanh này gần như chưa được chú trọng. Có nơi như khu vực tiếp giáp trung tâm, tuy đã có chú ý tạo hình, nhưng chưa đáp ứng nhiều đến thị hiếu thẩm mỹ chung của cư dân và du khách. Các khu vực khác còn lại hầu như rất hoang sơ.
Cây xanh trên núi
Thành phố Quy Nhơn có nhiều núi toạ lạc trong lòng đô thị như Vũng Chua, Bà Hoả…Chính vì thế, cây xanh trên núi cũng là mảng xanh đặc trưng quan trọng của thành phố Quy Nhơn, làm tăng mảng xanh đáng kể, góp phần hoàn thiện kỹ thuật đô thị (cây xanh phòng hộ, tạo cảnhquan, cải thiện vi khí hậu…). Đây còn là nguồn dự trữ phát triển cây xanh quan trọng trong tương lai. Tuy nhiên, sự phát triển còn chậm, còn nhiều khu vực núi trơ đá. Chủng loại cây chưa nhất quán và chưa có nghiên cứu phù hợp.
Đánh giá thực trạng hệ thống cây xanh thành phố Quy Nhơn
- Điểm mạnh:
+ Các loại hình cây xanh trong hệ thống các mảng xanh đô thị, về cơ bản đã được chú ý phát triển ở những vị trí thích hợp trong tổng thể đô thị.
+ Một số chủng loại cây xanh, nhất là mảng xanh đường phố, đã phát triển khá tốt và đã khẳng định sự thích hợp của chúng trong quá trình tương tác tự nhiên với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu đặc thù trong vùng.
- Điểm yếu:
+ Hệ thống cây xanh chưa phát triển đồng bộ, chưa có tính liên hoàn.
+ Cấu tạo địa tầng toàn đô thị không đồng nhất. Phần lớn khu vực nội đô là nền đất cát, dọc đầm Thị Nại phía Tây và Tây Bắc đất trũng ngập nước…chỉ thích hợp với một số loại cây trồng mang tính đặc trưng, khó tạo được tính đa dạng về chủng loại trong cùng một khu vực.
- Còn nhiều diện tích đất xấu, hoang hoá, kém thuận lợi cho hệ thống cây trồng, nhất là núi đá.
- Cơ hội:
+ Chính phủ đã có nhiều chủ trương phát triển hệ thống cây xanh cho các đô thị trọng yếu, trong số đó có thành phố Quy Nhơn.
+ Tăng cường hệ thống các mảng xanh cho toàn đô thị là quyết sách lớn và là quyết tâm của chính quyền thành phố Quy Nhơn.
+ Trong họa đồ quy hoạch tổng thể thành phố Quy Nhơn đã được duyệt, các mảng xanh chủ yếu trong nội đô của đô thị đã hiện hữu.
+ Hệ sinh thái phong phú là nền tảng phát triển đa dạng các giống cây trồng và nhiều loại hình cảnh quan đặc trưng cho toàn đô thị.
+ Quỹ đất dự trữ còn dồi dào, tạo điều kiện khá thuận lợi để hình thành hệ thống cây xanh, cảnh quan lớn cho đô thị.
- Nguy cơ:
+ Sự mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế mang tính cụ thể qua các dự án đầu tư lớn có khả năng sinh lợi trong sản xuất- thương mại, góp phần gia tăng ngân sách và lợi ích tinh thần mang tính trừu tượng của các dự án cây xanh, cảnh quan không sinh lợi cụ thể lại còn tiêu tốn ngân sách khá nhiều là thách thức lớn trong quyết sách đầu tư các dự án cây xanh thực tế.
+ Việc phủ xanh các dãy núi đá, đồi trọc…hoặc các khu vực đầm, phá, khu xả lũ…đầu tư phát triển cây xanh rất tốn kém lại chưa có các dự án sinh lợi liên quan cũng là thách thức lớn trong phát triển cây xanh tại các khu vực này.
+ Địa hình Quy Nhơn nhiều chia cắt bởi rừng, núi, sông, hồ, biển cả gây khó khăn cho việc tổ chức hệ thống cây xanh liên hoàn, thống nhất.
+ Địa tầng nội đô ít thuận lợi để phát triển loài cây cao, bóng cả, lưu niên.
Phân tích sơ bộ hệ thống cây xanh trên sơ đồ định hướng phát triển không gian đến năm 2020 của thành phố Quy Nhơn
Theo nhiệm vụ quy hoạch dự kiến đến năm 2020:
- Đất xây dựng đô thị: 6000 ha (dân số 500.000 người)
- Đất cây xanh: 15% (800ha) 16m2/ người
- Đất cây xanh công viên đô thị: 495ha
Từ đó cho thấy diện tích cây xanh nội đô theo định hướng tương đối cao so với đô thị loại 2, nhưng so với đặc thù đô thị mang một phần giá trị du lịch, nghỉ dưỡng thì tỷ lệ này là vừa phải. Tuy nhiên, hiện nay với hiện trạng trước mắt để đạt được diện tích trên là thách thức rất lớn.
Theo sơ đồ định hướng phát triển không gian đến năm 2020 của thành phố Quy Nhơn, các mảng cây xanh dân dụng- nội đô tương đối hợp lý, nhưng hệ thống cây xanh ngoài dân dụng ven đô, cây xanh phòng hộ, cây xanh kỹ thuật chưa rõ nét. Hiện nay hệ thống cây xanh trên núi bao phủ quanh đô thị và cây xanh khu vực đầm lầy, kênh rạch ven đô còn khá khiêm tốn và không đồng đều. Trong nhiệm vụ quy hoạch cũng chưa thấy đề cập đến vấn đề này.
Phân tích các yếu tố khách quan quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức hệ thống cây xanh thành phố Quy Nhơn:
- Điều kiện tự nhiên phong phú đã mặc nhiên quy định quy định hệ thực vật khá phong phú, đa dạng cho thành phố Quy Nhơn.
- Khí hậu tương đối ôn hoà so với các tỉnh miền Trung khác.
- Dân cư đa phần xuất phát từ nông- ngư dân đã có truyền thống lâu đời gắn liền với thiên nhiên, với núi rừng, biển cả ao đầm (đặc trưng văn hoá) họ rất yêu chuộng một hệ thực vật tự nhiên, phong phú.
Kiến nghị và đề xuất một số giải pháp tổ chức hệ thống không gian cây xanh thành phố Quy Nhơn
Kiến nghị liên quan đến tổng thể thành phố Quy Nhơn: cần chú ý hơn nữa đến các mảng cây xnah ngoại vi thành phố. Các mảng cây xanh này mang tính chất kỹ thuật phòng hộ ngăn gió cát, bão… chống xói mòn sạt lở sông đầm. Các mảng cây xanh cách ly ô nhiễm đối với các khu công nghiệp cũ và khu vực dân cư tiếp cận chưa được định hình cần bổ sung hoàn chỉnh. Đồng thời cần hoàn chỉnh các tuyến cây xanh liên tục trên các đường phố lớn nội đô hiện đang bị đứt quãng, tạo thêm các mảng xanh chủ yếu của đô thị qua việc phát triển thêm các công viên lớn (15- 30ha).
Đặc biệt, tuyến cây xanh liên tục dọc hai bên bờ sông Hà Thanh từ Vân Canh ra đến đầm Thị Nại, kiến nghị cần thiết mở rộng kết hợp với dự án công viên hồ Phú Hoà, tạo thành dãy công viên liên hoàn. Trục cây xanh xuyên tâm này kết hợp với các mảng xanh như núi đá tiếp giáp có khả năng tạo nên bức tranh sơn thuỷ tuyệt vời. Đồng thời, đây là tuyến kết nối trong và ngoài đô thị tốt nhất đối với thành phố Quy Nhơn, trước mắt và lâu dài.
Ngoài ra, do tập quán sống truyền thống gắn bó với thiên nhiên của cư dân, kiến nghị nên phát triển các mảng xanh được tạo hình tự nhiên hoặc mô phỏng tự nhiên, nhất là các giống cây trồng địa phương cần đặc biệt chú ý phát triển. Các giống loài ngoại nhập hoặc đưa từ đại phương khác đến hoặc tạo hình- bố cục không phù hợp với cư dân Quy Nhơn.
Đề xuất liên quan đến các loại hình cây xanh thành phố Quy Nhơn;
Phát triển đồng bộ hệ thống các dãy cây xanh đường phố: phát triển cây xanh đồng bộ dọc khắp các tuyến đường trong trung tâm thành phố. Đặc biệt phát triển thêm tuyến đường chạy dọc sông Hà Thanh cùng với dãy cay xanh dọc tuyến tạo thành trục cây xanh liên hoàn trong và ngoài đô thị. Muốn phát triển dãy cây xanh bóng mát, cần mở rộng vải hè (3,5m) để đảm bảo diện tích trồng cây cần thiết và khoảng cách an toàn cho người đi bộ.
Do điều kiện khách quan, bề mặt nội đô có địa tầng đất cát khó phát triển các loại cây, tầng lớn, lưu niên. Mặt khác trong điều kiện sinh tồn tự nhiên, tương tác với các yếu tố bất lợi của cấu trúc địa tầng nội đô và điều kiện thời tiết đặc thù, một số chủng loại cây có tuổi thọ trung bình (30- 60 năm), tán gọn, thấp, dáng đẹp, hoa đẹp hoặc thường xanh, ít gãy cành, có bộ rễ vững chắc đã và đang phát triển tốt, cụ thể như xà cừ, bằng lăng. Tuy không nhiều chủng loại nhưng các loại hình cây xanh nêu trên cần đặc biệt chú trọng cho việc phát triển và nhân rộng đối với các dãy cây xanh đường phố tại Quy Nhơn. Cần tăng cường trồng cây xanh hai bên đại lộ mới mở rộng để lấy bóng mát. Tăng cường trồng các loại cây thấp, cây có khối dáng và hoa đẹp ở các dải phân cách. Một số loại cây trang trí đặc trưng đã được trồng, phù hợp với địa tầng và thổ nhưỡng nội đô Quy Nhơn như: phượng đỏ, kim điệp, hoàng hạ, cau kiểng, sứ… kể cả các laọi bằng lăng. Riêng đối với bờ biển, các thể loại cây truyền thống như: rừng dừa, rừng dương, rặng phi lao, bàng biển… vẫn còn thích hợp với Quy Nhơn, cần có kế hoạch nhân rộng.
Tăng cường mảng xanh vườn - công viên
Ngoài một vài công viên hiện hữu, cần quyết tâm phát triển thêm nhiều công viên rộng lớn xứng tầm đô thị loại II, có quy mô từ 15- 30ha, như sơ đồ phát triển không gian thành phố Quy Nhơn đã định hình.
Cần làm phong phú thêm hệ thống cây xanh trong các công viên để hoá giải tình tạng đơn điệu, nhàm chán như hiện nay. Ngoài các loại hình cây xanh trang trí cần phối hợp tạo hình thẩm mỹ cao, cây xanh bóng mát cũng cần đặc biệt chú ý phát triển, chính loại hình cây xanh bóng mát là nhân tố chính tạo vi khí hậu và góp phần làm trong lành đô thị. Đề xuất các công viên có diện tích 3ha, loại hình cây xanh bóng mát trồng thành cụm, mảng…nên chiếm từ 70- 80% diện tích đất toàn công viên. Đặc biệt chú ý các chủng loại cây xanh đặc thù địa phương thích hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng Quy Nhơn như phần cây xanh đường phố đã trình bày.
Trong chiều hướng phát triển chung đề xuất quyết tâm phát triển trục công viên liên hoàn, xuyên tâm làm yếu tố trội, đặc trưng cho thành phố Quy Nhơn . Có 2 chuỗi cây xanh nối kết liên hoàn cần chú ý:
+ Dãy cây xanh nối kết bên ngoài và trong khu dod thị cũ: bắt đầu từ Hòn Chà đến công viên Hồ Phú Hoà, kết hợp thêm dãy cây xanh nối kết đến công viên hồ Bàu Lác, tiếp tục phát triển dãy cây xanh dọc sông Hà Thanh, kết thúc là đầm Thị Nại.
+ Dãy cây xanh nối kết khu công nghiệp và khu đô thị mới Nhơn Hội: bắt đầu từ chân cầu vượt đầm Thị Nại, phía bán đảo Phương Mai, kéo dài suốt dọc bờ đông đầm Thị Nại, tiếp giáp khu công nghiệp Nhơn Hội kéo dài kết nối đến khu đô thị mới Nhơn Hội, kết thúc hoà vào mảng xanh khu du lịch sinh thái phía Bắc đầm Thị Nại và cửa sông Côn.
Bên cạnh sự phát triển chung của mảng xanh vườn - công viên, Quy Nhơn đặc biệt có nhiều công trình văn hoá lịch sử bảo tồn (các tháp Chăm, nhà thờ Thiên Chúa, chùa Phật…), nên bố trí thêm các mảng xanh xung quanh các khu vực di tích có giá trị bảo tồn này, cần thiết có thể hình thành các công viên di tích, đẻ vừa tăng giá trị cảnh quan, vừa tạo vành đai bảo vệ di tích, đồng thời tăng diện tích cây xanh đô thị.
Nâng cao hiệu quả kỹ thuật và thẩm mỹ các dãy cây xanh ven mặt nước
- Đối với các khu vực ven sông suối thuận lợi về nguồn nước ngọt, nên chọn loại hình cây xanh chịu ẩm, rễ nôm, xanh tốt quanh năm, có khả năng giữ đất, chống sụt lở, đề xuất các loại cau, dừa hoặc bần, mắm… ngoài ra các loại hình cây xanh khác như: viết, xoài . thị…cũng có thể kết hợp thêm các mảng cỏ, luống hoa làm nền trong bố cục thẩm mỹ.
- Đối với khu vực ven đầm, cần phát triển các loại cây chịu mặn, chịu úng, rễ nôm, có khả năng chống sạt lở ở các khu vực đất yếu, ven đầm…và nên sử dụng cây xanh giống địa phương mang tính truyền thống, đặc trưng cho vùng đất yếu, ngập nước định kỳ như mắm, vẹt, bần…
- Đối với khu vực bờ biển, cần làm phong phú thêm bằng cách tăng cường các loại hình cây xnah trang trí đặc thù, chịu được gió cát như: phong ba, mãy kỳ, bàng vuông, phi lao…Đối với khu vực tiếp giáp nội đô có thể bố cục đăng đối nhằm phù hợp với tính chiết trung của các kiến trúc lân cận, nhưng các khu vực ngoại vi, nên bố cục tự do bằng các loại cây xanh truyền thống của biển như rừng dừa, rặng phi lao…sẽ phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ chung của cư dân vùng biển.
Ngoài ra, có thể tổ chức các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ở những nơi có cảnh quan đẹp, dưới tán rừng ngập mặn ven đầm.
Đề xuất giải pháp phủ xanh núi Bà Hoả.
Kết hợp lợi ích mang tính cá nhân về nhà biệt lập và gảii quyết nhu cầu xã hội cần phủ xanh núi đá, đè xuất một số giải pháp khu biệt thự đặc thù cao cấp ngay trên phần đất bị xói mòn trơ đá của núi Bà Hoả. Theo quy chuẩn xây dựng biệt thự thì diẹn tích phủ xanh cho mỗi khu đất còn lại phải > 70% , điều đó có nghĩa núi trơ đá đã được phủ xanh. Việc còn lại trong phần việc của Nhà nước là khảo sát chi tiết thực địa, quy hoạch chi tiết khu vực, quy hoạch kỹ thuật và quản lý quy hoạch, tạo điều kiện chuẩn về hạ tầng cho nhóm biệt thự mới này như: bắn đá, tạo đường, cấp điện, tao mặt bằng tương đối cho mỗi khu đất, cung cấp đất trồng cây…và xây dựng một hồ cấp nước khá lớn phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho khu vực, nước có thể lấy từ hồ nứơc ngọt Phú Hoà tiếp giáp, tât cả kinh phí chung nêu trên có thể dễ dàng kêu gọi đầu tư hoặc hạch toán vào giá thành sử dụng đất của cư dân mới…
Kết luận:
- Đối với thành phố Quy Nhơn cần xây dựng kế hoạch phát triển đồng bộ hệ thống cây xanh. Chú trọng không chỉ mảng cây xanh bên trong mà cả cây xanh ven đô, cây xanh mang tính chất phòng hộ, kỹ thuật.
- Có chiến lược phát triển cho từng loại hình, từng khu vực cây xanh, phfu hợp với điều kiện tự nhiên đa dạng của thành phố, có thể tham khảo các kiến nghị và đề xuất nêu trên.
- Cần có chiến lược ưu tiên phát triển các khu vực cây xanh quan trọng và cần nhiều thời gian phát triển như: hệ thống cây xanh lưu niên trên đường phố, hệ thóong các công viên dọc sông Hà Thanh và hồ Phú Hoà, các mảng cây xanh trên núi đá…cần thời gian phát triển lâu.
- Cần sự quan tâm đúng mức và quyết tâm của các cấp các lãnh đạo. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và kêu gọi, thúc đẩy sự hợp tác của người dân trong việc gìn giữ và phát triển cây xanh đô thị.
Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 62/2013