Nhưng bao nhiêu năm tháng trôi qua, nhất là trong vòng 3 thập niên gần đây, trước xu thế phát triển chung của cả nước, Đà Lạt cuốn hút trong làn sóng đô thị hoá mạnh mẽ, mặc dù rất có ý thức trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của các cấp chính quyền và người dân thành phố thế nhưng thực trạng cảnh quan cho thấy, Đà Lạt đã đánh mất một số khu vực cảnh quan giá trị đã một thời làm nên cảnh sắc đặc thù. Sự phát triển còn xâm phạm đến những khu rừng thông tự nhiên làm cho đất đai bị xói mòn. May thay, điều không hay này chỉ mới xảy ra ở khu vực nội đô. Vấn đề trồng rừng đã được đặt ra rất sớm, nhiều khu rừng thông ven đô đã được trồng mới với diện tích đáng kể.
1. Không gian xanh- yếu tố quan trọng không thể thiếu của thành phố Đà Lạt
Hệ thống cây xanh và các không gian trống trong thành phố Đà Lạt nói riêng được thiết lập dù xuất phát từ tự nhiên hay nhân tạo, đều góp phần cải thiện môi sinh, tổ chức nghỉ ngơi cho dân cư và du khách, làm đẹp bộ mặt đô thị. Cả ba yếu tố trên đều rất quan trọng đối với mọi đô thị phát triển và đặc biệt quan trọng đối với các đô thị nghỉ mát như Đà Lạt.
a. Vai trò cây xanh trò đời sống của người dân Đà Lạt
Nhìn từ góc độ lịch sử, thành phố Đà Lạt được thành lập trong khu vực rừng thông bạt ngàn trên cao nguyên Lâm Viên, ngay từ những buổi ban đầu, rừng thông là môi trường sống gần gũi và gắn bó mật thiết với những cư dân đầu tiên của Đà Lạt. Chính hấp lực của khí hậu mát mẻ, địa hình tuyệt mỹ, hồ suối trong lành và đặc biệt là rừng thông xanh thắm mênh mông…đã lôi kéo con người đến định cư và sinh sống tại đây. Từ đó những nét đặc trưng tự nhiên này đã chi phối mọi sinh hoạt và đời sống của người dân, hơn thế nữa, những ứng xử của ngừơi dân Đà Lạt với nó trở thành văn hoá và phong cách riêng mang tính địa phương nơi đây.
Khái quát thực trạng Đà Lạt hiện nay, lượng cây xanh công viên chỉ mới đạt khoảng 161 ha (cải atọ, chỉnh trang 94,5ha, đang hình thành 66,5ha). Lượng cây xanh như vậy còn thiếu nhiều cho nội đô một thành phố nghỉ mát, với số dân đến năm định hình 201.000 người. Là hơn 800 ha. Trong số đó, cây xanh công viên chiếm khoảng 70%= 560 ha. So với số lượng cây xanh công viên thực tế, nội đô Đà Lạt cần có kế hoạch phát triển thêm khoảng 400 ha cây xanh cho mảng công cộng, vườn hoa, công viên, vườn dạo.
Cùng với cây xanh công viên, mảng cây xanh đường phố cũng cần được quan tâm nhiều. Thực tế tại Đà Lạt có rất ít con đường được quy hoạch trồng cây xanh. Với khoảng 30% định mức cây xanh công cộng, xấp xỉ 240 ha dành phát triển cây xanh đường phố cho đô thị nghỉ mát, lượng cây xanh này có thể phủ xanh trên 80km, đường giao thông các loại, với bề rộng mỗi dãy từ 10- 30m. Riêng mảng cây xanh trong khuôn viên các công trình riêng lẻ hiện nay còn rất nhiều, nó góp phần quan trọng cho không gian xanh chung Đà Lạt và là nét riêng khá khác biệt của Đà Lạt so với các thành phố khác.
b. Thành phố nghỉ mát không thể thiếu cây xanh
Từ khi mới hình thành cho đến ngày nay, dù hiện tại do nhu cầu thực tế, có thể kết hợp thêm nhiều chức năng mới, Đà Lạt vẫn là thành phố nghỉ mát, thành phố công viên; chính vì vậy cây xanh vẫn giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Diện tích cây xanh cần được đảm bảo 800 ha trong nội đô. Đây là lượng cây xanh cần thiết tối thiểu cho một đô thị nghỉ mát có dân số định hình khoảng 210.000 dân. Dễ nhận ra rằng cây xanh đã chiếm hơn 50% diện tích đất nội đô. Tỷ lệ diện tích tuy nhiều so với các đô thị khác nhưng lượng cây xanh này không thể thiếu đối với thành phố nghỉ mát Đà Lạt.
c. Cây xanh - nhân tố cơ bản hình thành không gian cảnh quan trong thành phố Đà Lạt
Trong sáu nhân tố vật thể hình thành cảnh quan thành phố Đà Lạt (địa hình, mặt nước, cây xanh, kiến trúc, không gian trống, con người), cây xanh giữ vai trò tỏ chức, trung gian nối kết các nhân tố tạo cảnh với nhau thông qua những quy luật nghệ thuật nhất định tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ đến với từng con người trước những cảnh sắc thiên nhiên hay nhân tạo của Đà Lạt. Với tính linh hoạt, phong phú về màu sắc, đa dạng về hình thể và luôn biến chuyển theo không gian và thời gian, cây xanh đã hoá giải được cái khô cứng của kiến trúc, cái đột biến, nguy hiểm của địa hình, cái phẳng lặng buồn tẻ của mặt nước và cả cái ngưng đọng của bầu trời đầy sương mù, biến tất cả các nhân tố tạo cảnh ấy, trong mọi tình huống trở nên linh động và ‘có hồn”, cảnh sắc nhờ vậy dễ đi vào lòng người qua các giác quan, lắng đọng thành những ấn tượng trong tâm thức mỗi người. Đà Lạt tự thân đã có được điều kỳ diệu này từ trước ngày bác sỹ Yersin đặt chân lên mảnh đất thơ mộng này. Có nghĩa là cây xanh là một trong những yếu tố tạo cảnh quan trọng, góp phần làm đẹp cho cảnh sắc Đà Lạt từ rất lâu, một cách tự nhiên.
2. Bản sắc văn hoá của cư dân Đà Lạt - cơ sở cho việc tổ chức không gian xanh thành phố Đà Lạt
Đối với mọi nghiên cứu khoa học, mục tiêu cuối cùng cũng nhằm phục vụ con người. Với lý do trên, đối với Đà Lạt, các nghiên cứu khoa học dù với cấp độ nào, cần thiết phải hướng đến con người Đà Lạt mà cái chung nhất của họ là tập qúan văn hoá mang bản sắc địa phương trong việc tổ chức không gian xanh cho thành phố Đà Lạt. Đặt yếu tố bản sắc văn hoá làm nền cho một nghiên cứu cây xanh hiện đại là rất cần thiết cho Đà Lạt hiện nay trong chủ trương chung: xây dựng thành phố Đà Lạt hiện đại và có bản sắc.
Các yếu tố ảnh hưởng đến bản sắc văn hoá của cư dân Đà Lạt
- Yếu tố tự nhiên, môi trường, cảnh quan:
Đà Lạt bốn mùa mát lạnh mang đến cho người Đà Lạt một cách phục sức đàng hoàng, trang nhã, kín đáo, đó là điều dễ thấy. Vẻ kín đáo làm cho người Đà Lạt có nét trầm tư, thanh lịch. Cũng vậy, nhà cửa ở Đà Lạt dù biệt thự hay nhà bình dân, vẫn ấm cúng khép kín. Tương tự, xuất phát từ cách ứng xử văn hoá nêu trên, không gian xanh dù là một mảng rừng hay một tiểu công viên hoặc một dãy cây xanh đường phố, đối với Đà Lạt cũng nên phảng phất vẻ tĩnh lặng, đóng mở trang nhã, nhẹ nhà, không màu mè, phô trương.
Khí hậu mát mẻ còn ảnh hưởng đến thể chất con người, nó khá thuận lợi cho thiếu nữ và trẻ em nên họ có dáng dấp chắc chắn, khoẻ mạnh, thuần khiết, nét đẹp trầm trầm, kín đáo, e thẹn, sống nội tâm nhưng rất tự tin. Để hoà hợp với tính chất này của Đà Lạt, cây xanh cần nên có dáng khoẻ mạnh, thuần nhất, thanh khiết, trang nhã, biểu cảm…và nhất là tự tin vươn cao mạnh mẽ vào không gian. Với các nét thể hiện hàm ý như vây, cây thông là thích hợp nhất.
Đà Lạt là một vùng không gian xanh bạt ngàn. Đồi thông, bãi cỏ, bầu trời, sắc nước…tất cả đều có một màu xanh. Màu xanh mang đến cho con người sức sống, niềm tin, hy vọng. Màu xanh làm cho có người có cảm giác yên lành, bình thản. Chính từ đặc tính môi trường này, các loại hình “kiềng thanh” cũng khá được ưa chuộng tại Đà Lạt, nhất là tại các tu viện, thiền thất… những nơi cần sự yên bình tĩnh lặng.
Môi trường sống Đà Lạt trong lành, tĩnh lặng. Tốc độ, nhịp sống không xa hoa, náo nhiệt khẩn trương như một số thành phố khác. Môi trường ấy làm cho con người vươn lên một cách uyển chuyển thanh thản, dễ chịu. Có thể tìm thấy đặc tính này ở các loài cây thân dẻo, vươn cao như tre, trúc…tại Đà Lạt.
Thiên nhiên bao quanh người Đà Lạt hầu như còn giữ được nhiều nét nguyên sơ. Con người Đà Lạt tuy tiếp xúc với các tiện nghi vật chất mới nhưng ảnh hưởng cảnh quan, môi trường tạo cho họ một tính cách vừa hiền lành đôn hậu của người sống gần thiên nhiên vừa có nét hiện đại hài hòa với cốt cách dân tộc một cách đậm đà. Điều này có thể tìm thấy qua phong cách sử dụng cây xanh của họ. Người Đà Lạt thích các loại cây uyển chuyển một cách tự nhiên như liễu rủ, tràm bông đỏ, tùng các loại, hoa giấy, hao chuông, mimosa, đỗ quyên…Chúng thường được trồng bên cạnh những khóm hoa mang dáng vẻ hiện đại, tao nhã như Lis, Lan Hoàng thảo, Layon, hồng, mai, anh đào…
- Yếu tố xã hội, kinh tế:
Cư dân Đà Lạt từ nhiều nguồn đến cư ngụ. Trong cộng đồng dân cư ấy có nhiều yếu tố địa phương, gốc tích khác nhau, họ chung sống giao tiếp…để hình thành một tập thể cư dân vừa có cái gì đó của Đà Lạt và một phần nào đó của địa phương. Ví dụ: người miền Bắc có cái tế nhị, nhẹ nhàng, thái độ ân cần niềm nở, nhất là sự nhã nhặn, lịch thiệp, trọng lễ nghi…Từ cách ứng xử như vậy, rất có thể họ thích loại cây xanh ít loè loẹt hình thức nhưng nhẹ nhàng phảng phất hương thơm gợi cảm. Dễ tìm thấy tại Đà Lạt một số chủng loại cây xanh có đặc tính này như hoa hàm tiếu, hoa trà, kể cả lan rừng. Người Huế, Quảng Trị, Thừa Thiên vào Đà Lạt mang theo phong tục tập quán chịu ảnh hưởng lễ nghi cung đình triều Nguyễn, họ yêu thích các hình thức bonsai có dáng đẹp, có bố cục hoặc tạo hình trang nhã, trật tự, có thể liên tưởng đến các loại hình cắt xén hoặc có dáng tạo hình tự nhiên như tùng bút, trắc bá diệp, hoặc có vẻ đẹp quý phái như lan hoàng hậu. Người Quảng Nam, Quảng Ngãi rất thực tế, không chú ý hình thức, điều kiện ăn ở sinh hoạt phục sức còn đặt nặng vấn đề bền chắc, tiện lợi hơn thẩm mỹ, phô trương, họ giàu ý chí, nghị lực và cá tính. Chủng loại cây xanh mang cá tính, ít phô trương ấy có thể liên tưởng đến phượng tím long não…Người Nghệ Tĩnh rất mực cần cù chịu khó, phong cách của họ ta liên tưởng đến cây keo đen, keo úc hay thạch lựu.
Người Đà Lạt có đầu óc rộng mở, không bảo thủ, cố chấp. Họ tiếp nhận văn minh, văn hoá Pháp và các nước phương Tây một cách có chọn lọc. Trên thực tế họ đã loại trừ được một số những biểu hiện của lối sống tha hoá, lai căng, dẫm đạp lên truyền thống dân tộc, nhưng họ đã sẵn sàng tiếp nhận những giá trị văn minh, nhân bản tiến bộ. Đặc tính văn hoá này có thể thấy qua cách sử dụng hoa của người Đà Lạt… Mức sống cao khiến cư dân Đà Lạt có những yêu cầu cao hơn cho thế hệ kế thừa, vì vậy khi đã có đủ điều kiện thuận lợi, người Đà Lạt không ngần ngại đầu tư giáo dục thế hệ trẻ. Nhờ vậy, trình độ học vấn của cư dân ngày càng cao, phong cách người dân ngày càng tao nhã, lịch sự hơn. Tương tự tính cách này, thực tế tại Đà Lạt, nhiều chủng loại cây xanh, kể cả rau xanh và hoa quả chất lượng cao, có nguồn gốc địa phương, đang được đầu tư lai tạo để có số lượng, chất lượng ngày càng tốt hơn.
- Yếu tố tư tưởng, tinh thần
Hệ thống giáo dục trên địa bàn Đà Lạt được xây dựng từ rất sớm và đến nay đã hoàn chỉnh từ mẫu giáo đến đại học. Các trường học ở Đà Lạt đã đào tạo cho thành phố một đọi ngữ cán bộ, trí thức, chuyên viên hoạt động trong nhiều ngành nghề và nâng cao trình độ văn hoá, dân trí một cách đáng kể. Văn, thơ, nhạc, hoạ kết hợp với khung cảnh hữu tình đã đưa con người Đà Lạt đến chút ít mộng mơ. Chính văn học nghệ thuật đem đến cho phong cách người Đà Lạt một nét độc đáo, tâm hồn đa cảm, sâu sắc, một dáng dấp điềm đạm, trầm tư thanh nhã hài hoà với không gian mênh mông tĩnh lặng của ngàn thông. Chính đặc tính văn hoá này mà người Đà Lạt đã đưa các loại hoa cảnh, thảm cỏ và nhiều vật cảnh tạo hình khác, phối kết nghệ thuật với nhau tren nền rừng thông bạt ngàn, làm cho cảnh sắc thật hữu tình, trầm tĩnh, đầy chất thơ và phảng phất chút lãng mạn rất riêng của Đà Lạt.
Trong cộng đồng các cư dân Đà Lạt, tín đồ các tôn giáo vẫn sống hoà thuận, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, ghét sự chia rẽ, cùng mưu cầu một cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Đó là bản sắc văn hoá khá đẹp phản ánh qua phong cách phối kết nhiều chủng loại cây xanh và vật cảnh trong cùng một không gian chung tạo thành cảnh sắc đặc thù cho từng khu vực. Cây xanh “thuần nhất” là không phù hợp với người Đà Lạt…
3. Đề xuất một số giải pháp điển hình cho việc tổ chức không gian xanh, góp phần điều chỉnh quy hoạch tổng thể thành phố Đà Lạt.
Nghiên cứu tổng thể thành phố Đà Lạt trên cơ sở văn hoá đặc thù của cư dân Đà Lạt là cách tiếp cận mới nhằm góp thêm một suy nghĩ cho giải pháp quy hoạch tổng thể cây xanh thành phố Đà Lạt theo chức năng đặc thù của chính nó.
a. Đặc tính nghệ thuật cơ bản mang sắc thái văn hoá địa phương được đề nghị trong tổ chức không gian thành phố Đà Lạt
Từ sắc thái văn hoá mang chất âm tính của cư dân Đà Lạt, có thể dễ dàng khái quát hoá các đặc tính nghệ thuật trong tổ chức không gian xanh cho thành phố Đà Lạt qua các biểu hiện như sau:
- Biểu hiện qua đường nét
+ Nét hoành, đường cong (âm) thích hợp cho tổ chức mảng xanh cục bộ, không gian sử dụng nhỏ, bên trong nội thất- các không gian được bao phủ bởi yếu tố dương.
+ Nét tung, đường thẳng (dương) thích hợp cho tổ chức mảng xanh rộng, không gian sử dụng lớn, bên ngoài, ngoại thất- các không gian được bao phủ bởi yếu tố âm.
+ Nét gãy khúc làm trung gian hoà đồng.
- Biểu hiện qua màu sắc
+ Màu lạnh, sắc đen (âm) thích hợp cho mảng xanh nhỏ, tầm gần có không gian chung mang màu nóng, sắc trắng.
+ Màu nóng, sắc trắng (dương) thích hợp cho mảng xanh, tầm xa có môi trường lạnh, sắc âm u.
+ Màu vàng, tím nhạt, hồng phấn làm yếu tố trung gian hoà hợp
- Biểu hiện qua hình khối
+ Hình nhiều cạnh đều, khối lõm (âm) phù hợp với các mảng xanh nhỏ, cụm cây làm điểm nhấn, những khóm cây trang trí xen giữa mảng cây khối lồi hình tròn.
+ Hình tròn, khối lồi (dương) phù hợp với các mảng xanh lớn, cây làm phông, mảng cây che phủ, mảng cây lớn trong môi trường âm.
+ Hình khối tự do làm yếu tố trung gian, bình dị.
- Biểu hiện tính chất nghệ thuật
+ Hình thức: cây xanh thường kết hợp hài hoà với nhiều yếu tố tạo cảnh khác, hài hoà nhiều đường nét, màu sắc, hình khối trong cùng một ý đồ phối kết chung. Đối với cây xanh trang trí nhỏ mang tính cục bộ có thể thay đổi theo định kỳ.
+ Nội dung: tổ chức cây xanh ở bất kỳ cấp độ nào cũng cần mang trong bản thân nó một ý nghĩa biểu cảm sâu sắc mang dáng vẻ yên bình, lắng đọng, giàu chất thơ.
b. Đề xuất giải pháp cây xanh trên mặt bằng tổng thể thành phố Đà Lạt
- Đà Lạt là thành phố ngàn thông- lâm viên: từ rất sớm, Đà Lạt được mệnh danh là thành phố ngàn thông, với ý nghĩa mang tính lịch sử truyền thống này, Đà Lạt phải là một khu rừng thực sự, lấy cây thông đặc thù làm cây chủ đạo. Điều đó có nghĩa là cây xanh phải chiếm ưu thế và đa phần diện tích toàn thành phố. Cây thông cần được nghiên cứu phát triển thành những mảng lớn xung quanh đô thị tạo thành yếu tố cây xanh phòng hộ hay công viên rừng tiếp giáp nội đô, cùng với cây xanh ngoại vi, trong lòng đô thị, cây thông cũng được phát triển tàhnh cụm tuyến… làm nền cho các loại hình bố trí cây xanh, cảnh quan khác… Đối với cụm, tuyến cây xanh trong lòng thành phố: cụm được bố trí tại khoảng không gian trống hay các tiểu công viên trong nội đô, mỗi cụm có thể bố cục thành nhiều cụm nhỏ một cách tự nhiên hoặc theo ý đố sáng tạo của người thiết kế các tiểu công viên nhưng với ý nghĩa nào thì cây thông vẫn là cây chủ đạo, làm nền cho các loại cây xanh khác. Riêng các tuyến cây xanh, thông được đề nghị bố trí 2- 3 hàng dọc theo các trục giao thông chính có bề dày lịch sử hình thành Đà Lạt để gợi nhớ về “rừng” Đà Lạt xưa.
- Đà Lạt là thành phố công viên: với ý nghĩa gắn liền với hoàn cảnh thực tế này, Đà Lạt phải là một đại công viên hội tụ hầu hết các yếu tố tạo cảnh. Điều này tự thân Đà Lạt đã được thiên nhiên ban tặng cho khá đầy đủ, nhưng trong quá trình cải tạo tự nhiên, hoặc vô tình hay cố ý, tài nguyên ấy đã bị mai một dần bởi bàn tay con người khai phá. Một chuơng trình đại phục hồi, tái tạo, trả lại cảnh trí thiên nhiên cho Đà Lạt còn chưa muộn, để Đà Lạt xứng đáng với mỹ danh mang ý nghĩa hiện đại này…
- Đà Lạt là thành phố sinh thái: Với ý nghĩa trên Đà Lạt cần củng có mối liên hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh. Vùng lâm viên rộng lớn với bạt ngàn cây xanh, núi đồi, suối hồ, muông thú…chính là môi trường sống xung quanh và gắn bó mật thiết hữu cơ với người Đà Lạt. Sự tươmg hỗ và tương tác giữa con người và môi sinh được hợp thành một hệ thống nhất, cjính khi ứng xử với môi sinh đã tạo nên tập quán văn hoá của cư dân Đà Lạt. Mất yếu tố môi sinh, tập quán văn hoá của cư dân Đà Lạt sẽ mai một…
- Đà Lạt là thành phố dịch vụ (du lịch, thể thao, nghỉ dưỡng, hội nghị), đào tạo đa ngành, sản xuất chế biến rau quả và hoa: với ý nghĩa mang đậm tính chức năng này cho thấy Đà Lạt là một thành phố đa chức năng do đó mỗi cụm, nhóm cây nội đô cần được bố cục mang tính thẩm mỹ cao, thể hiện được văn minh, văn hoá của dân Đà Lạt, đồng thời tạo sự chan hoà, yên tĩnh, hiếu khách phù hợp với chức năng của từng khu vực…
4. Đề xuất giải pháp quy hoạch minh hoạ về không gian xanh, lấy ví dụ “công viên quanh hồ Xuân Hương”
Từ những đề xuất khái quát mang ý nghĩa thực tiễn cho mặt bằng tổng thể đô thị, phối hợp với bản sắc văn hoá riêng của người Đà Lạt như trên, đi vào phân tích và đề xuất cụ thể giải pháp quy hoạch mang tính minh hoạ cho khu vực không gian xanh quanh công viên hồ Xuân Hương như sau:
Không gian quanh hồ Xuân Hương với tính chất là một công viên nên các yếu tố tạo cảnh cần được chú trọng, đặc biệt là yếu tố mặt nước và cây xanh tiếp cận.
Không gian quanh hồ Xuân Hương có nhiều chức năng, trong đó chức năng hàng đầu là tạo một không gian xanh, một điểm nhấn cảnh quan quan trọng giữa lòng thành phố. Từ chức năng cơ bản trên, có thể đề xuất không gian xanh quanh bờ hồ như sau: khu vực tiếp giáp vòng xoay Lê Thị Hồng Gấm- Nguyễn Thái Học, đây là điểm nút kết thúc trục thương mại Hoà Bình hướng về phía hồ Xuân Hương. Đây cũng là nơi dòng du khách và người dân đến nhiều nhất. Từ điểm nhìn của giao lộ, với tầm nhìn không quá 100m, để tạo sự gần gũi thân thiện, khoảng trống bao la của hồ Xuân Hương cần được chia nhỏ bằng những nét thẳng đứng của hàng thông…
Khu vực thủy tạ là điểm nhấn quan trọng nhất của khu vực với công trình kiến trúc là nhà thuỷ tạ có nét gãy khúc vươn cao, kết hợp nhiều nét đứng. Kiến trúc nhà thủy tạ nôi bật lên trong nền cây xanh tầm trung. Cây xanh đã được bố trí khá nhiều ở đây, tuy nhiên cần thiết nên bố trí thêm cụm thông cao mang tính chất làm phông cho 3 loại hình cây xanh nêu trên và che chắn kiến trúc không mong đợi phía sau.
Khu vực tiếp giáp sân glof (Đồi Cù): khu vực cần tạo cảm giác yên bình và tĩnh lặng. Bản thân mặt nước hồ Xuân Hương kết hợp mảng cây xanh ven Đồi Cù cùng với thảm cỏ triền dốc và bầu trời trong xanh…là là một màu xanh yên tĩnh. Tuy nhiên để phá vỡ bớt cái tĩnh lặng, buồn tẻ trên, đề nghị nên tạo thêm tính “dương” hoà hợp trong lòng mảnh xanh “âm” tính ấy. Một cụm thông cần thiết được đề nghị trong khu vực này.
Trên đây là vài ví dụ làm minh hoạ cho thực tế tại khu vực quanh hồ Xuân Hương. Đây không là tất cả các vấn đề cây xanh cho khu vực nhạy cảm này của Đà Lạt.
5. Kết luận
Quy hoạch không gian xanh thành phố Đà Lạt là vấn đề quan trọng và khá nhạy cảm cho tất cả du khách đến đây và đặc biệt quan trọng đối với người Đà Lạt mà chinh sinh hoạt của họ cũng là một trong những nhân tố hình thành cảnh quan Đà Lạt. Trước làn sóng đô thị hoá hiện nay, nguy cơ mất không gian xanh là có thể xảy ra đối với Đà Lạt.
Với mục tiêu phục vụ con người, đối với Đà Lạt, nghiên cứu quy hoạch không gian xanh là rất cấp bách và cần thiết. Một giải pháp được đề nghị là hướng đến con người Đà Lạt mà cái chung nhất của họ chính là tập quán văn hoá mang bản sắc địa phương nhằm phù hợp với chủ trương chung xây dựng thành phố Đà Lạt hiện đại và có bản sắc.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng, số 6/2013