“Căn bệnh” của các thành phố lớn ở Trung Quốc

Thứ ba, 16/04/2013 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“Cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người dân, dùng hành động thực tế cho người dân thấy tương lai tươi sáng”. Qua 2 kỳ đại hội toàn quốc, trong báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc đã chỉ rõ, ban ngành các cấp phải quyết tâm xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đất, nước, không khí để đảm bảo đời sống cho người dân. Đồng thời Chính phủ cũng quan tâm đến lộ trình phát triển của các thành phố lớn, cần phải mạnh mẽ hơn trong việc quy hoạch không gian của các thành phố lớn và thành phố mới cho phù hợp.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kéo theo áp lực về dân số, môi trường, an ninh xã hội, những điều này đã khiến cho các thành phố lớn của Trung Quốc phải đối mặt với một loạt các vấn nạn như tắc đường, ô nhiễm, khủng hoảng lương thực, việc làm, nhà ở…

Thành phố càng phát triển có phải là càng tốt không?

Xây dựng nên những đô thị lớn tầm cỡ quốc tế liệu có phù hợp với thực tế của Trung Quốc hiện nay hay không? Rốt cuộc thì Trung Quốc cần có bao nhiêu đô thị tầm cỡ quốc tế mới là đủ? Một số đại biểu quốc hội cho rằng, trong mấy năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc dường như chưa có biện pháp mạnh và rõ ràng để quản lý quy hoạch xây dựng của các thành phố, chính vì thế, một số địa phương đang mở rộng việc phát triển xây dựng theo xu thế “Quốc tế hóa đô thị”, mù quáng ảo tưởng xây dựng nên đô thị mạng tầm cỡ quốc tế chỉ đem đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như mất đất canh tác, trồng trọt, không còn bóng dáng của làng nghề truyền thống, nợ Chính phủ ngày càng tăng… Khi Trung Quốc tiến hành công cuộc đô thị hóa nông thôn đã vấp phải nhiều vấn đề, đặc biệt là về quy hoạch nhà ở, đường sá, tài nguyên, lương thực, cơ sở vật chất hạ tầng thì dang dở, đất ở khu vực ngoại ô thì sử dụng một cách bừa bãi cho các dự án, kiến trúc không đồng nhất, xây dựng không phép, trái phép phổ biến… Tất cả những vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để, bài học kinh nghiệm tuy nhiều nhưng chưa thấm vào đâu so với tốc độ phát triển chóng mặt của Trung Quốc hiện nay, nếu Chính phủ không có các biện pháp cứng rắn hơn thì Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi việc xuất hiện những “Đô thị chết” mà tiền đầu tư vào thì lại quá lớn.

Từ năm 2011, các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán, Hàng Châu, Thẩm Quyến, Trịnh Châu là những thành phố gặp phải những vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn về tắc đường, ô nhiễm, ngập úng, giá nhà lên cao. Những vấn đề đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, vấn đề lớn ở đây là sự quản lý, xây dựng, quy hoạch thành phố không khoa học, và sai lầm của Trung Quốc. Nếu như chức năng của thành phố bị xác định sai lệch đi, định vị thành phố không xứng đáng, tất yếu dẫn đến sự phát triển gây lãng phí tài nguyên và lãng phí tiền của, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và làm giảm sự thu hút đầu tư cũng như tính cạnh tranh của thành phố so với những địa phương khác.

Những vấn đề ở thành phố lớn gặp phải có phải xuất phát từ chức năng quản lý không?

Chất lượng không khí có liên quan đến hiện tượng tắc đường và lưu thông xe cộ vượt mức, ngập úng trong thành phố có liên quan đến việc xử lý rác thải, như vậy có thể thấy: Vấn đề trước mắt các thành phố lớn cần giải quyết là có quy hoạch đường sá giao thông phù hợp, tiện ích, nâng cao chất lượng hệ thống giao thông công cộng, tàu điện ngầm, quy hoạch các khu công nghiệp ra vùng ngoại ô và xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn.

Khi các thành phố lớn xuất hiện những vấn đề kể trên, có nghĩa là năng lực quản lý của các nhà lãnh đạo càng phải cao hơn. Thành phố phát triển phải đối mặt với những thách thức mới, do đó Chính phủ cũng cần có những động thái tích cực hơn trong việc cải thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế phát triển của đất nước, nếu chỉ tập trung vào việc bổ sung quy định thì cũng không đủ, còn cần phải đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tài, có tình, và có tầm nhìn tốt, vì lợi ích của nhân dân và cộng đồng, bản thân mỗi vị lãnh đạo cần rèn luyện tư chất và kỹ năng quản lý lãnh đạo tốt hơn.

Làm thế nào để trị những “căn bệnh” đang tồn tại ở các thành phố lớn

Để trị được những “căn bệnh” mà hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc đang mắc phải thì cần phải có sự phối hợp giữa Chính phủ và các địa phương, giữa địa phương với nhân dân. Nhà nước dùng pháp luật để quản lý, giám sát, chính quyền địa phương dùng quy định để kiểm soát, nhân dân đóng góp ý kiến và tham gia vào mọi hoạt động cải cách, phát triển, đổi mới, quy hoạch nơi mình sinh sống. Hiện nay, ở hầu hết các thành phố lớn đều có mạng lưới thông tin mở rộng, người dân đều có thể truy cập vào website của chính quyền, trực tiếp đóng góp ý kiến và thắc mắc về những hoạt động của chính quyền địa phương, đặc biệt là trong công tác quy hoạch, mở rộng và xây dựng thành phố. Điều này thực sự mang lại hiệu quả quản lý cho các nhà lãnh đạo. Thực tế tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh… đã chứng minh khi người dân được nâng cao ý thức với chính nơi mình sinh sống, với môi trường thì việc phối hợp trong công tác quản lý với chính quyền địa phương đem lại hiệu quả khá cao, và cũng thể hiện sự minh bạch trong công tác quản lý của chính quyền các cấp.

Đứng từ góc độ đổi mới trong quan điểm quản lý xã hội để thấy, một tổ chức xã hội hợp pháp có thể đứng ở vị trí là bên thứ 3 tham gia vào công tác quản lý đô thị, tổ chức này sẽ chủ động hơn trong hoạt động của mình, tích cực đóng góp ý kiến và giám sát xã hội đối với các hoạt động của chính quyền địa phương, điều này sẽ giúp cho Chính phủ đỡ thất thoát và lãng phí một lượng ngân sách đáng kể.


Hứa Hiểu Thanh, Phó Dũng Đào (Nguồn: http://www.chinajsb.cn)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)