Đánh giá mô hình xử lý rác thải xây dựng của Trung Quốc từ kinh nghiệm quốc tế

Thứ sáu, 29/03/2013 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo thống kê, trên thế giới, rác thải xây dựng chiếm lượng lớn trong nguồn rác thải đô thị. Trung Quốc là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, nên có rất nhiều công trình mới đang được xây dựng, và nhiều tòa nhà cũ được xử lý bằng cách cho nổ mìn, thải ra một lượng lớn rác xây dựng và vì chưa có phương pháp xử lý tối ưu nên đã trở thành vấn đề nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến môi trường đô thị.

Hiện nay, việc xử lý rác thải đô thị tại Trung Quốc chưa được quan tâm đầy đủ, phương pháp xử lý chủ yếu là đổ đống lộ thiên và chôn lấp (xử lý đơn lẻ, quản lý không nghiêm ngặt),  dẫn đến những vấn đề về ô nhiễm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và làm lãng phí nguồn tài nguyên. Trong khi đó, các đơn vị thi công xây dựng lại có thái độ tiêu cực và không muốn thực hiện công tác thu hồi tái chế rác thải xây dựng, khiến cho việc xử lý rác thải càng trở nên nan giải và khó khăn.

Về việc xử lý rác thải xây dựng, nhiều học giả trong và ngoài nước đã tiến hành một loạt các nghiên cứu, nhưng trong quá trình ứng dụng thực tế, do các mặt hạn chế về chính sách, luật pháp, quản lý, nghiên cứu kỹ thuật, tiêu chuẩn hóa, bồi dưỡng sản xuất… nên từ kế hoạch, cho đến trình tự thực hiện thúc đẩy xử lý phân loại rác thải xây dựng còn diễn ra tương đối chậm. Vì vậy, từ đặc tính vốn có của chất thải xây dựng, bài viết này chủ yếu đề cập đến việc phân loại xử lý rác thải xây dựng và làm sao để có thể tái chế càng nhiều càng tốt những loại rác thải này.

I. Gợi ý về phương pháp xử lý rác thải xây dựng của nước ngoài đối với Trung Quốc  

Mặc dù tiến trình đô thị hóa của Trung Quốc diễn ra muộn, nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh chóng, các dự án xây dựng mới được  thực hiện dồn dập… Dưới đây là một vài kinh nghiệm Trung Quốc có thể học hỏi từ một số nước có tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải xây dựng ở mức cao:

Một là, các nước có tỷ lệ cao trong việc thu gom và xử lý rác thải xây dựng luôn chú trọng tới hệ thống pháp luật, quan tâm việc bảo vệ môi trường; đồng thời luôn tăng cường thực hiện chấp hành, đưa ra mức phạt khá nặng đối với các hành vi vi phạm về xử lý rác thải. Pháp luật quản lý rác thải xây dựng ở Trung Quốc được xây dựng từ năm 90 của thế kỷ XX, so với các nước khác, việc này diễn ra muộn, thậm chí hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, đồng thời các hình phạt chưa đủ răn đe, công tác quản lý chưa đủ nghiêm, dùng kinh phí bảo vệ môi trường vào việc xử lý rác thải, dẫn đến hàng năm Chính phủ phải bỏ một lượng lớn nguồn kinh phí, tuy nhiên trình độ quản lý và kinh tế đầu vào lại không tương xứng với nhau.

Hai là, về phương pháp phân loại chi tiết rác thải xây dựng. Họ thực hiện phân loại chi tiết thông qua nhiều phương diện như nguồn gốc, chủng loại vật liệu, có chứa các chất độc hại, tính kinh tế… đồng thời, đối với các chủng loại khác nhau họ sẽ tiến hành theo các phương pháp xử lý khác nhau, do đó, đạt tỷ lệ cao trong việc thu gom các chất thải xây dựng và hiệu quả tái sử dụng. Ngành Xây dựng Trung Quốc chưa thực sự chú trọng tới hoạt động xử lý rác thải xây dựng, điều này không những gây lãng phí nguồn tài nguyên tái sinh, làm hạn chế sự phát triển của ngành Xây dựng, mà còn dễ dàng gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sự phát triển môi trường đô thị.

Ba là, các nước có tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải xây dựng ở mức cao luôn tích cực nghiên cứu và mở rộng kỹ thuật tiên tiến để xử lý rác thải. Rác thải được thu gom và chuyển vào các nhà máy xử lý, từ đó hình thành một chuỗi công nghiệp tái chế hoàn thiện, nên có giá thành xử lý rất thấp. So với các nước phát triển khác, kỹ thuật xử lý rác thải xây dựng của Trung Quốc còn lạc hậu, thiếu sự quản lý chặt chẽ, đồng thời, đơn vị xây dựng lại thiếu nhận thức hợp tác, không muốn tham gia vào việc tái chế rác thải xây dựng, Chính phủ chỉ tập trung vào việc đầu tư xử lý rác, thay vì đầu tư hệ thống tái chế, nên chi phí vận hành tại các nhà máy xử lý rác xây dựng quá cao. Hiện trên toàn quốc chỉ có khoảng 10 nhà máy xử lý rác thải xây dựng, nhưng những nhà máy này cũng đang rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn.

II. Dựa vào mô hình quản lý hậu cần đảo ngược để thiết kế phương pháp xử lý rác thải xây dựng 

Mục đích của mô hình hậu cần đảo ngược là để giành lại được giá trị, xử lý vật tư vật liệu một cách phù hợp, có cơ sở để tiến hành quy hoạch, thực hiện và kiểm soát từ khâu tiêu thụ cho đến khâu cung ứng vật liệu. Khái niệm hậu cần đảo ngược vốn xuất phát từ công tác quản lý chuỗi cung ứng, theo nghĩa truyền thống các chuỗi cung ứng kéo dài và tạo thành một vòng khép kín, giúp giảm tải nguồn vật liệu hiện có và tạo thành một hệ thống chế tạo và sản xuất rác thải, thúc đẩy nguồn tài nguyên tái chế, là một chiến lược canh tranh mang tính bảo vệ môi trường, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Trong hệ thống này, việc xử lý và tuần hoàn rác thải xây dựng có thể đạt hiệu quả và nguồn tài nguyên tối ưu. Mô hình này chủ yếu liên quan tới 4 chủ thể: Chính phủ, nhà thầu/chủ đầu tư, phía cung ứng vật liệu và nhà máy thu gom và xử lý rác thải. Việc quy định xử lý rác thải xây dựng trước hết có lợi cho việc cải thiện môi trường chung, đồng thời tăng cường nguồn tài nguyên có thể sử dụng trong cộng đồng, điều này có lợi cho Chính phủ. Đối với những nhà máy thu gom và xử lý rác thải xây dựng địa phương do Chính phủ hỗ trợ, có quyền mua lại rác thải xây dựng, sản xuất tái chế và thu lợi nhuận; Phía cung ứng vật liệu, có thể thông qua những nhà máy thu gom và xử lý rác thải xây dựng địa phương mua được những sản phẩm giá rẻ; đơn vị xây dựng có thể giảm chi phí liên quan tới việc xử lý rác thải, đồng thời mua được những vật liệu với giá cả tương đối thấp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần nghiêm túc trong công tác phân loại rác thải xây dựng, có các phương pháp xử lý riêng biệt đối với từng loại rác thải. Rác thải xây dựng nguy hại sẽ do nhà máy thu gom và xử lý rác thải xử lý, sau khi thông qua xử lý an toàn có thể loại bỏ. Đồng thời, khuyến khích việc mua lại và tái chế chất thải, có những chính sách hỗ trợ tài chính, tạo thuận lợi về mặt kinh tế. Đối với việc thu hồi rác thải xây dựng không có lợi về mặt kinh tế, chẳng hạn như chi phí vận chuyển đá, bùn hay những khối bê tông dính liền nhau, Chính phủ khuyến khích phía nhà thầu tái sử dụng.

Nói chung, vấn đề chính gây trở ngại tới việc thu gom và xử lý rác thải xây dựng chủ yếu là do hệ thống pháp luật của Trung Quốc chưa hoàn thiện, chưa nghiêm chỉnh chấp hành, tạo thành thói quen tự ý xả thải ra môi trường, vì lẽ đó đã thiếu sự nhiệt tình tham gia xử lý rác thải của các đơn vị xây dựng. Ngoài ra, do kỹ thuật xử lý rác thải xây dựng còn lạc hậu, khiến cho mức chi phí tái chế tăng cao, thậm chí còn gây trở ngại cho việc xử lý rác thải. Do đó, trước hết Trung Quốc cần kiện toàn lại hệ thống quy định pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của nhà nước. Thứ hai là cần khuyến khích những nhà máy thu gom và xử lý rác thải xây dựng khởi động và vận hành, bởi những nhà máy này chịu trách nhiệm thu gom và xử lý rác thải. Cuối cùng, Chính phủ có thể đưa việc đầu tư xử lý rác thải xây dựng chuyển hóa thành hỗ trợ và đầu tư nhà máy thu gom và xử lý rác thải xây dựng, tăng cường hỗ trợ tài chính và có các chính sách hợp lý đối với những nhà máy thu gom và xử lý rác thải xây dựng, tích cực phát triển công nghệ xử lý rác thải, đảm bảo về mặt vận hành và lợi ích thu được.

III. Kết luận và triển vọng 

Trên cơ sở phân tích mô hình xử lý rác thải xây dựng của một số nước phát triển, tác giả bài viết này đã kết hợp với hiện trạng xử lý rác thải xây dựng ở Trung Quốc, dựa trên mối quan hệ hợp tác, thiết lập mô hình hậu cần đảo ngược trong ngành Xây dựng, giúp giải quyết các vấn đề liên quan tới nguồn tài nguyên hạn hẹp phục vụ ngành Xây dựng Trung Quốc, giúp nâng cao công nghệ trong xây dựng và trách nhiệm của xã hội, giúp tối ưu hóa môi trường đô thị tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, dựa vào đặc điểm và hiện trạng của ngành xây dựng Trung Quốc mà nói, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để hoàn thiện và tối ưu hóa hệ thống xử lý rác thải xây dựng của mình. Trước tiên, Trung Quốc cần một khoảng thời gian dài để hoàn thiện hệ thống xử lý rác thải xây dựng, đồng thời, doanh nghiệp xây dựng cũng phải mất một thời gian để thích nghi. Thứ hai, phương pháp xử lý rác thải xây dựng ở Trung Quốc còn non yếu, công nghệ xử lý chưa cao, do đó, cần tăng cường trong công tác quản lý, phát triển và sử dụng những thiết bị và kỹ thuật xử lý tiên tiến. Cuối cùng, ngành Xây dựng của Trung Quốc ngoài việc cần thiết phải hoàn thiện hệ thống xử lý rác thải, còn phải quan tâm và tạo ra những lợi ích cho các doanh nghiệp xây dựng, mặc dù trong dài hạn mô hình xử lý có thể mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng trong thời gian ngắn có thể sẽ làm tăng chi phí cho các đơn vị xây dựng, do đó, cần có các biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của xã hội và ý thức tài nguyên trong các doanh nghiệp xây dựng của Trung Quốc, làm sao để môi trường xây dựng của Trung Quốc có thể đạt hiệu quả tối ưu càng sớm càng tốt.


Trần Khắc Gia - Tôn Huệ (Nguồn: http://www.ce.cn (Trang web: Kinh tế Trung Quốc))

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)