Kinh nghiệm quản lý chất lượng không khí của Hàn Quốc

Thứ ba, 16/04/2013 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong thời gian gần đây, hạt bụi PM2,5 (là những hạt bụi có đường kính bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 mi-crô-mét) đã trở thành vấn đề nóng trong xã hội Trung Quốc. So với Trung Quốc, Hàn Quốc tuy là một quốc gia có diện tích lãnh thổ nhỏ bé, nhưng những năm gần đây cũng phải đối phó với vấn đề chất lượng không khí ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Để tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã ban hành một loạt các chính sách, xây dựng mạng lưới giám sát chất lượng không khí, đồng thời thực hiện thông báo dữ liệu, kịp thời cung cấp thông tin về chất lượng không khí cho người dân, từ đó có biện pháp ngăn chặn khi chất lượng không khí thay đổi làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Về phương diện quản lý chất lượng không khí của Hàn Quốc, có thể nói đây là kinh nghiệm đáng để Trung Quốc học hỏi.

Hệ thống pháp lý và chính sách liên quan

Ở Hàn Quốc, vấn đề chất lượng không khí đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Môi trường. Hàng năm, trong “Sách trắng về môi trường” đều có một chương báo cáo đặc biệt về tình hình chất lượng không khí của năm trước đó. Để kiểm soát chất lượng không khí, Hàn Quốc đã ban hành các Luật như: “Luật Bảo vệ không khí trong lành”, “Luật Kiểm soát chất lượng không khí tại các khu vực có hạ tầng công cộng”, “Luật Phòng chống mùi hôi”, “Luật quản lý xe cơ giới”, “Luật Năng lượng nguyên tử”, “Luật Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo hợp lý”, “Luật Quản lý máy xây dựng”, “Luật Cung cấp năng lượng”, “Luật Thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng thay thế”… Tất cả những chính sách trên đã hình thành nên một khung pháp lý cơ bản về quản lý chất lượng không khí tại Hàn Quốc.

Cùng với tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, người dân đã có nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhu cầu của công chúng về một môi trường trong lành, thoải mái cũng ngày một tăng, điều này đồng nghĩa với việc chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng ngày càng hoàn thiện và nghiêm ngặt hơn. Để cải thiện chất lượng không khí, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua một loạt các biện pháp như: Khuyến khích sử dụng khí tự nhiên và nhiên liệu có độ lưu huỳnh thấp, di dời các nhà máy ra xa thành phố… và nhiều biện pháp khác để cải thiện chất lượng không khí ở các đô thị. Ngoài ra, Chính phủ còn nỗ lực kiểm soát nguồn ô nhiễm đang gia tăng, theo dõi và phân tích mức độ ô nhiễm, đây là những việc làm cần thiết để giúp cho người dân được tiếp cận với một môi trường có chất lượng tốt, đồng thời cũng là biện pháp thiết yếu để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Căn cứ vào những yêu cầu chính sách và pháp luật đã nêu ở trên, trước mắt Hàn Quốc thực hiện theo dõi đối với 5 loại chất ô nhiễm không khí là: Bụi PM10, nitơ điôxít, sulfur điôxít, ôzôn và carbon monoxide. Hơn nữa, Chính phủ Hàn Quốc còn xây dựng tiêu chuẩn về chất lượng môi trường tương ứng cho 5 loại vật chất này. Lấy PM10 làm ví dụ, tiêu chuẩn môi trường được bắt đầu thực hiện từ năm 1996 đề ra mức trung bình hàng năm là 70 microgram/m3 hoặc trung bình là 150 microgram/m3 trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, theo “Sách trắng về môi trường” của Bộ Môi trường Hàn Quốc, tiêu chuẩn cho PM10 đã được nâng lên trung bình hàng năm là 50 microgram/m3 hoặc trung bình là 100 microgram/m3 trong vòng 24 giờ.

Hàn Quốc bắt đầu thực hiện công tác báo cáo về tình hình giám sát chất lượng không khí rất sớm từ tháng 4/2002. Tại thời điểm đó, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã thiết lập 16 điểm quan trắc tại sân vận động World Cup, đồng thời báo cáo dữ liệu. Sau đó, cùng với việc công chúng ngày càng quan tâm hơn về chất lượng không khí, cũng như nhận thức sâu rộng của công chúng về dữ liệu ô nhiễm không khí trong đô thị, để đảm bảo công chúng được tiếp cận với thông tin về môi trường, tháng 12/2005, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã thiết lập trang web không khí Hàn Quốc (AirKorea), trang web này luôn cập nhật dữ liệu về môi trường, các dữ liệu được công bố chủ yếu là tiêu chuẩn chất lượng không khí của 5 loại vật chất nêu trên. Đồng thời, trong quá trình giám sát chất lượng không khí, người ta còn sử dụng chỉ số chất lượng không khí để làm cơ sở đánh giá toàn bộ tình hình không khí tại khu vực đó tốt hay xấu.

Hàn Quốc có thực hiện đo bụi PM2.5?

Về vấn đề xử lý những hạt vật chất nói trên, trước mắt, chính sách môi trường của Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào tiêu chuẩn môi trường PM10. Trong “Luật Cải thiện đặc biệt đối với chất lượng không khí đô thị” có hiệu lực từ ngày 01/01/2005, mục tiêu chính của Luật này là tới năm 2014, tiêu chuẩn bụi PM10 tại khu vực thủ đô Seoul sẽ từ 60 microgram/m3 trong năm 2005 nâng lên là 40 microgram/m3. Nhưng có thể thấy, trong mục tiêu của chính sách này không bao gồm các yêu cầu tiêu chuẩn đối với bụi PM2.5. Nhưng việc không bao gồm tiêu chuẩn môi trường và giám sát đối với bụi PM2.5 trong chính sách chỉ mang tính chất tạm thời. Hiện chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu hành động, các nhà nghiên cứu của Hàn Quốc cho rằng, do chưa hoàn toàn nắm rõ tính chất vật lý và thành phần hóa học trong hạt bụi PM2.5, nên chưa thể thiết lập hệ thống giám sát để cung cấp những cơ sở khoa học có giá trị và hiệu quả.

Không khí bị ô nhiễm là do nhiều hạt vật chất khác nhau cấu thành, chúng được sản sinh từ hoạt động của con người và của tự nhiên, khi những hạt bụi bay lơ lửng này hay hạt bụi PM10 đạt tới mức độ nhất định, chúng sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Việc giám sát bụi PM10 chỉ là bước đầu tiên trong việc loại bỏ chất ô nhiễm không khí. Cho đến năm 2001, tiêu chuẩn môi trường đối với những hạt vật chất trong không khí Hàn Quốc mới chuyển đổi từ hạt vật chất bay lơ lửng sang thành PM10. Trong thực tế, từ năm 1995, Hàn Quốc đã bắt đầu theo dõi dữ liệu về bụi PM10. Hiện nay, mặc dù bụi PM2.5 tạm thời chưa có số liệu chính thức, nhưng trong hoạt động giám sát khoa học đã được thực hiện từ nhiều năm qua.

Chính sách giám sát các hạt vật chất trong không khí xuất phát từ triết lý cơ bản là khi hạt vật chất càng nhỏ thì mức nguy hại đối với sức khỏe con người càng lớn. Dựa trên lý thuyết này, việc nghiên cứu bụi PM2.5 có thể cung cấp một cơ sở giám sát có quy mô lớn trong tương lai. Bộ Môi trường Hàn Quốc đã hỗ trợ nhiều dự án nghiên cứu cho PM2.5, nội dung nghiên cứu chủ yếu là nhằm vào PM10 và PM2.5, tiến hành giám sát và nghiên cứu đặc tính của PM2.5. Ngoài ra, căn cứ vào báo cáo nghiên cứu đã đăng trên tạp chí “Sức khỏe môi trường và độc chất” năm 2010, trị số bụi PM10 tại Hàn Quốc có sự thay đổi theo mùa. Vào tháng 4 hàng năm, khi cơn bão bụi tại khu vực Đông Nam Á tràn tới, trị số bụi PM10 sẽ tăng lên đáng kể, riêng bụi PM2.5 lại không bị ảnh hưởng, luôn giữ trạng thái ổn định, về cơ bản trị số của PM10 dao động ở cấp độ từ 35% - 70%. Hiện nay, nguyên nhân chính khiến khu vực thủ đô Seoul - Hàn Quốc bị nhiễm bụi PM2.5 là do nguồn ô nhiễm trong khu vực, đặc biệt là khí thải từ xe hơi, trong đó, kim loại nặng là thành phần chủ yếu của bụi PM2.5. Theo nghiên cứu khoa học, thông qua việc đo lường hạt vật chất và thành phần của bụi PM2.5 còn phát hiện nguy cơ gây ung thư cao bởi kim loại nặng crom chứa trong vật chất này.

Những năm gần đây, dưới sự hỗ trợ của Bộ Môi trường Hàn Quốc, các cơ quan chuyên môn có liên quan đã triển khai nhiều phương pháp nghiên cứu đo hàm lượng bụi PM2.5, những phương pháp đo này có vai trò quan trọng trong việc triển khai giám sát PM2.5. Việc lựa chọn địa điểm và thời gian đo PM2.5 mang tính quyết định đến số liệu chuẩn xác và kết quả cuối cùng. Vì vậy, lựa chọn phương pháp đo lường khoa học chính là tiền đề của việc thiết lập một mạng lưới giám sát.

Xu hướng tương lai

Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc không đưa trị số giám sát PM2.5 vào trong mạng lưới giám sát chất lượng không khí, nhưng điều này không có nghĩa là trong tương lai Hàn Quốc không triển khai thực hiện giám sát PM2.5. Theo thông tin mới nhất, từ tháng 4/2011, Hàn Quốc đã bắt đầu thí điểm giám sát PM2.5, đến tháng 1/2015 sẽ chính thức thực hiện theo Tiêu chuẩn Quốc gia cho PM2.5, trung bình hàng năm là 25 microgram/m3 hoặc trung bình là 50 microgram/m3 trong vòng 24 giờ.


Ngô Vũ - Trường Đại Học Vũ Hán

Nguồn: http://www.pipcn.com (Trang web Kiến trúc Trung Quốc)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)