Một số kinh nghiệm công tác quy hoạch, quản lý đô thị Trung Quốc

Thứ sáu, 20/07/2012 16:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trước năm 1978, Trung Quốc phát triển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung XHCN, đô thị hoá chậm phát triển, quy hoạch đô thị bị ảnh hưởng nhiều của Liên Xô (cũ). Sau năm 1978, Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, đổi mới nền kinh tế thị trường XHCN kiểu Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởngvới tốc độ cao trong thời gian dài, từ đây quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh, nhất là các đô thị Đông Nam, đô thị ven biển, ven các sông lớn…Đến nay Trung Quốc đã có nhiềuthành phố có quy mô lớn và hiện đại vào bậc nhất thế giới (Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Trùng Khánh, Quảng Châu…). Các thành phố lớn phát triển đã trở thành đầu tàu, làm động lực lôi kéo, thúc đẩy các thành phố lân cận phát triển mọi mặt, giúp các khu vực miền Trung, miền Tây, miền Bắc phát triển. Trung Quốc chủ trương thực hiện quá trình nhất thể hoá đô thị- nông thôn tại các khu vực phát triển.

Để thực hiện tốt quá trình đô thị hoá tại các đô thị lớn, Trung Quốc đã tập trung giải quyết các nhóm vấn đề chính sau đây:

1. Công tác Quy hoạch đô thị:

- Trung Quốc đặc biệt coi trọng công tác Quy hoạch đô thị (năm 1990 đã ban hành Luật Quy hoạch đô thị). Quy hoạch đô thị được duyệt đã trở thành văn bản pháp luật để quản lý quá trình quy hoạch xây dựng và páht triển đô thị. Quy hoạch được duyệt được đặt trong bảo tàng riêng tại trung tâm thành phố, công bố công khai để nhân dân tiện theo dõi quản lý, giám sát.

- Trong định hướng phát triển chung, Trung Quốc định hướng tập trung phát triển các vùng có lợi trước (miền Đông, miền duyên hải), sau đó mới quay trở lại đầu tư cho các vùng hạn chế (miền Trung, miền Tây, miền Bắc). Quá trình quy hoạch mỗi thành phố, đã quan tâm đến sự phát triển cân bằng, hài hoà giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn, nhằm đảm bảo sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm đất đai, tiết kiệm sử dụng đất nông nghiệp, phát huy vài trò và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Mục tiêu quy hoạch đô thị để thúc đẩy quá trình đô thị hoá bền vững, góp phần phát triển kinh tế- xã hội chung, hỗ trợ nông thôn cùng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, hội nhập kinh tế quốc tế.

- Lập quy hoạch đô thị theo 3 loại ( quy hoạch tổng thể đô thị, quy hoạch chi tiết hạn chế và quy hoạch chi tiết xây dựng). Quy hoạch tổng thể đô thị do Quốc vụ viện phê duyệt, quy hoạch chi tiết hạn chế và quy hoạch chi tiết xây dựng do Chính quyền tỉnh, thành phố phê duyệt. Quy hoạch tổng thể đô thị lập căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội (hoặc Chiến lược phát triển KT- XH theo kỳ kế hoạch 5 năm), quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia. Quy hoạch lập sau phải căn cứ và thống nhất với quy hoạch được lập trước và quy hoạch đã được duyệt gần nhất. Quy hoạch đô thị phải tính đến chuyển đổi ngành nghề, đảm bảo quỹ đất nông nghiệp, quỹ đất cây xanh sinh thái đô thị.

- Các giai đoạn phát triển quy hoạch đô thị: trước năm 1978, thực hiện nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, việc lập quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị chủ yếu dựa trên cơ sở lý luận quy hoạhc của Liên Xô và các nứơc XHCN, một số thành phố phát triển sớm chịu ảnh hưởng từ lý thuyết quy hoạch của Mỹ, Anh và Pháp (Thượng Hải). Sau năm 1978, thực hiện cải cách đổi mới nền kinh tế thành nền kinh tế thị trường XHCN kiểu Trung Quốc, việc lập và quản lý quy hoạhc đô thị có thay đổi đáng kể, trên quan điểm quy hoạch đô thị gắn với khai thác, phát huy lợi thế so sánh của một số khu vực, thu hút đầu tư các khu khai phát, khu kinh tế, các khu công nghiệp, các dự án trọng điểm… để phát triển kinh tế.

- Cách làm: Trung Quốc áp dụng đa dạng mô hình quản lý, chế độ quản lý , có nhiều chính sách tập trung thu hút nguồn lực, tập trung giải quyết từng mục tiêu lớn, làm động lực phát triển lôi kéo các vùng chậm phát triển. Trong quá trình triển khai, luôn đổi mới, tìm tòi, điều chỉnh cách làm để phù hợp từng điều kiện cụ thể. Chính phủ Trung Quốc cho phép mỗi địa phương có cách làm riêng (ví dụ tại Thượng Hải ghép cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý đất đai thành một).

- Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện nhất thể hoá đô thị- nông thôn (năm 2008 Trung Quốc ban hành Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn thay cho Luật Quy hoạch đô thị năm 1990), đang đầu tư phát triển nông thôn mới, các vùng lân cận đô thị nhằm bảo vệ nông thôn, dãn dân cư nội thành (Thượng Hải); đang quy hoạch và khai thác hiệu quả không gian ngầm đô thị, đang tiến hành tổ chức lại mô hình các cơ quan quản lý quy hoạch và quản lý đất đai, quản lý môi trường thành một, nhằm gắn kết chặt chẽ quy hoạch đất đai- quy hoạch đô thị- quy hoạch cảnh quan môi trường (mô hình nhập các cơ quan quản lý đất đai với cơ quan quản lý quy hoạch). Trong quá trình phát triển, thường có sự đánh giá, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm theo từng kỳ kế hoạch (trong kỳ không điều chỉnh quy hoạch).

- Ví dụ quy hoạch thành phố Thượng Hải (năm 2010), diện tích tự nhiên 6700km2, dân số 23 triệu (trong đó có khoảng 7 triệu dân lưu động, 16 triệu dân có hộ tịch), khu trung tâm diện tích hơn 600km2, dân số khoảng 10 triệu người; Thượng Hải có 18 khu hành chính và 1 huyện (10 khu đô thị trung tâm và 8 khu đô thị lân cận và 1 huyện); đô thị hoá đạt trên 90%; tổng giá trị sản xuất 16.000 tỷ NDT (dịch vụ chiếm 60%), GDP bình quân đầu người khoảng 11.000 USD/người. Đến nay Thượng Hải đã được lập và phê duyệt quy hoạch 5 lần: năm 1953, 1959, 1986, 2001 và 2010; Quy hoạch năm 2001 được Quốc vụ viện phê duyệt là “Đô thị lớn quốc tế hiện đại hoá XHCN, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại và vận tải đường thuỷ quốc tế”, “Phát triển toàn diện dọc sông Hoàng Phố, sông Tô Châu, ven biển vịnh Hàng Châu”, “Phát triển cụm đo thị đa trục, đa tầng và đa hạt nhân”, “đa trung tâm thoáng mở” . Quy hoạch đã đánh giá và đề cập toàn diện về mục tiêu, bố cục không gian, phát triển không gian ngầm (xây dựng hạ tầng, giao thông, ga ra, kho tàng…), phát triển ngành nghề, giao thông tổng hợp, đảm bảo năng lượng và an ninh đô thị, môi trường sinh thái cảnh quan, phong cách diện mạo lịch sử văn hoá, phát triển nhà ở, phát triển xã hội và khoa học giáo dục. Thực hiện quy hoạch nhất thể hoá đô thị- nông thôn, chuyển đổi ngành nghề mới, lấy việc thúc đẩy phát triển toàn diện con người làm hạt nhân, hình thành hệ thống tạo mới đô thị thích ứng với thời đại thông tin và kinh tế trí thức. Công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai của thành phố do một cơ quan quản lý thống nhất.

2. Quy hoạch sinh thái đô thị Trung Quốc:

- Việc quy hoạch sinh thái đô thị được nghiên cứu trong đồ án quy hoạch các đô thị. Hiện nay Trung Quốc đang thực hiện thí điểm triển khai việc lập quy hoạch sinh thái đô thị tại Thượng Hải và một số thành phố lớn khác. Mục đích là đưa quy hoạch sinh thái đô thị thành pháp luật, đảm bảo phát triển đô thị, hạn chế việc sử dụng tài nguyên đất đai, giới hạn việc tăng đất xây dựng, giảm khí cacbonic, cải tạo đất đai và tăng đất cây xanh theo các giai đoạn quy hoạch phát triển, đảm bảo an toàn sinh thái, bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ các dòng chảy tự nhiên, phát triển đô thị bền vững. Quy hoạch sinh thái các đô thị Trung Quốc đều lấy hành lang các sông, kênh nước, dọc các trục đường lớn, các công viên, vườn hoa lớn, các hồ nước, các vùng đất nông nghiệp làm chủ đạo; kết hợp với các vườn hoa cây xanh các khu ở tạo thành hệ thống sinh thái đô thị. Tiến tới thống nhất, nối tiếp và lồng ghép 3 quy hoạch: quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch quản lý đất đai, quy hoạch sinh thái đô thị thành một quy hoạch thống nhất.

- Ví dụ thành phố Thượng Hải: quy hoạch sinh thái Thượng Hải được nghiên cứu thống nhất, nối tiếp và lồng ghép với quy hoạch đô thị, quy hoạch đất đai Thượng Hải .Quy hoạch xây dựng hệ thống sinh thái cơ bản “đa tầng, tính hệ thống chức năng phù hợp”. Trong thành phố quy hoạch 10 khu chức năng bảo vệ sinh thái, 9 hành lang sinh thái; ngoài thành phố quy hoạch 2 vành đai, chỉ tiêu đất cây xanh đô thị (đất xanh, đất rừng, đất vườn, đất ruộng, đất ngập nước) đạt < 50%, tỷ lệ che phủ rừng rậm 18%, chỉ tiêu diện tích đạt 15m2 đất cây xanh/người (năm 2020).

3. Công tác Quy hoạch - xây dựng các Dự án trọng điểm:

Trong mỗi thành phố, mỗi khu vực Trung quốc coi trọng việc nghiên cứu lựa chọn, hoạch định, quy hoạch, xây dựng các cơ chế chính sách tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng các đặc khu kinh tế, các khu khai phát, các khu công nghiệp, các cảng biển nước sâu, các khu trung tâm thương mại lớn (CDB), các đầu mối giao thông tổng hợp, công trình trọng điểm…để phát huy lợi thế so sánh, coi đây là những đầu tàu, tạo động lực, tạo đà thúc đẩy phát triển thành phố, phát triển các vùng lân cận và khu vực chậm phát triển…

Ví dụ thành phố Thượng Hải tập trung đầu tư phát triển đầu mối giao thông Hồng Kiều, cảng nước sâu Dương Sơn, khu trung tâm thương mại Lục Gia Chuỳ , khu trung tâm thương mại Từ Gia Hối, khu trung tâm triển lãm Expor 2010…từ đó tạo nguồn lực, phát triển vùng lân cận, đầu tư trở lại vùng nông thôn. Ví dụ thành phố Nam Thông- tỉnh Giang Tô tập trung đầu tư khu cảng nước sâu Dương Khấu, khu công nghệ cao, khu đô thị mới…từ đó hình thành 3 trung tâm phát triển của thành phố, tác động phát triển các vùng lân cận.

4. Quy hoạch và bảo vệ các di tích lịch sử:

- Trung Quốc có hệ thống các di tích lịch sử văn hoá phong phú, đặc sắc. Trong quy hoạch phát triển mỗi đô thị đều coi đây là nguồn tài nguyên đặc biệt, phải được bảo vệ khai thác và phát huy giá trị, tạo thành một nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch thương mại, phát triển kinh tế…Đây là giá trị khác biệt cơ bản giữa các đô thị, giữa các vùng miền, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hoá, giữ gìn bản sắc văn hoá.

Ví dụ thành phố Thượng Hải: hiện nay Thượng Hải có 19 khu bảo vệ trọng điểm cấp quốc gia, 115 khu bảo vệ cấp thành phố. Điển hình là khu vực bến Thượng Hải (ngoại than), hai bờ sông Hoàng Phố, các khu tô giới Anh- Mỹ- Pháp, hai bờ sông Tô Châu, khu Giang Vịnh Ngũ Giác Trường, khu nhà máy thép Thượng Hải, khu nhà máy bia, khu hành lang nghệ thuật M50…

Ví dụ Làng văn hoá Lương Chử- thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang: có nhiều di tích khảo cổ 500 năm lịch sử, được quy hoạch xây dựng thành làng văn hoá, với các khu chức năng: bảo tàng, trung tâm văn hoá, đô thị sinh thái…trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

5. Quy hoạch xây dựng, phát triển nhà ở đô thị Trung Quốc:

- Trung Quốc đã thực hiện nhiều cải cách về nhà ở đô thị, bằng nhiều hình thức thực hiện thí điểm rồi diện rộng… thông qua việc vận hành tốt thị trường tài chính, thị trường đất đai, thị trường nhà ở, giải quyết nhà ở xã hội, đa dạng hoá loại hình nhà ở, huy động nhiều nguồn vốn, giải quyết tốt việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật- xã hội cho các khu ở.

- Các giai đoạn phát triển chính: trước năm 1998: giai doạn khởi bước, thực hiện thí điểm cải cách chế độ nhà ở ; Giai đoạn 1998- 2007: lấy xây dựng thị trường địa ốc làm trọng tâm; Giai đoạn 2007 đến nay: lấy việc bảo đảm nhà ở xã hội làm trọng tâm. Trung Quốc đã đạt được những kết quả nhất định về lĩnh vực nhà ở và đô thị, đến nay đã cơ bản giải quyết vấn đề nhà ở đô thị.

Ví dụ thành phố Thượng Hải: hiện nay tập trung triển khai, thúc đẩy phát triển 3 loại hình nhà: nhà ở cho thuê rẻ tiền, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho thuê công cộng. Thông qua việc tăng tốc thực hiện các dự án: cải tạo chung cư cũ, xây dựng các khu tái định cư, xây dựng các khu cư trú kiểu lớn. Áp dụng chính sách hỗ trợ: thủ tục đầu tư, chính sách đất đai, chính sách về vốn, hộ khẩu hộ tịch, giải quyết lao động việc làm… Đến năm 2020: diện tích trung bình 17,5m2/người, tỷ lệ sở hữu nhà ở đạt 87%, tỷ lệ nhà ở căn hộ đạt 95%.

6. Quy hoạch xây dựng, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị:

- Trung Quốc quy hoạch đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải- rác thải và môi trường…) đặc biệt tại các thành phố phát triển phía Đông Nam, coi giao thông là lĩnh vực đột phá để phát triển.

- Đặc biệt chú trọng hệ thống giao thông, đa dạng loại hình giao thông: đường hàng không, tàu đệm từ trường, đường sắt (cao tốc, thường…), tàu điện ngầm, đường thuỷ, đường bộ cao tốc…; kết nối thống nhất liên hoàn tạo thành các đầu mối giao thông lớn, găn đầu mối giao thông với các trung tâm thương mại CDB, tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại…, gắn kết thống nhất giao thông ngầm, quản lý và sử dụng không gian ngầm rất hiệu quả.

- Tập trung các nguồn lực, các chính sách thu hút nguồn vốn, đầu tư các hệ thống công trình đầu mối giao thông trọng điểm, các cầu vượt, các bãi xe công cộng… giảm sử dụng xe cá nhân ( Thượng Hải áp dụng việc bán đấu giá biển số xe ô tô tư nhân để hạn chế gia tăng ô tô tư nhân, đồng thời tập trung đầu tư khai thác hệ thống tàu điện ngầm, tuyến xe bus, hỗ trợ tầu điện ngầm, xe bus…), áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

7. Các lĩnh vực hỗ trợ công tác quy hoạch, quản lý đô thị:

- Trung Quốc coi trọng chính sách mở cửa, tăng cường quan hệ hợp tác giao lưu văn hoá quốc tế, nhất là với các nước láng giềng, lân cận như Việt Nam. Philipines, Singapore… coi đây là điều kiện để giữ vững ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, phát triển các đô thị cửa khẩu vùng biên giới và khu vực, nhằm khai thác phát huy lợi thế và hạn chế những tồn tại ở các vùng biên giới.

- Coi trọng công tác bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt công tác đào tạo, tuyển chọn cán bộ có đủ năng lực thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Lấy việc thực hiện các chỉ tiêu trong quy hoạch, quản lý đô thị về các lĩnh vực (quy hoạch, môi trường, đất đai, hạ tầng, cây xanh đô thị…) làm tiêu chí tuyển chọn, tổ chức, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ…coi đây là một trong những điều kiện bắt buộc của cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền đô thị.

- Coi việc phát triển khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, tin học…là điều kiện tiên quyết trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, đồng thời cũng sử dụng đa dạng các ngùon lực sắn có, chủ động trong quy hoạch, thiết kế, công nghệ, kỹ thuật, vật liệu, thiết bị, phương tiện xây dựng…, ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý hệ thống giao thông, ứng dụng việc quản lý tài chính tiền tệ để quản lý đô thị, quản lý giao thông, quản lý đất đai, môi trường (Thượng Hải coi hệ thống thông tin liên lạc như một hệ thống giao thông đặc biệt của thành phố, quản lý giao thông qua hệ thống camera, quản lý tài khoản, phân khoản lý đô thị thành hệ thống mạng - nút - điểm, tại mỗi điểm có nhiên viên thường xuyên theo dõi quản lý.

Kết luận:

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử văn hoá, phong tục tập quán, điều kiện tự nhiên… Tuy nhiên, xuất phát điểm và bước đi, cách làm mỗi nước khác nhau để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mỗi nước, mỗi địa phương…Một số thành phố lớn của Trung Quốc có quy mô lớn, có tốc độ phát triển cao đã và đang trở thành những trung tâm kinh tế lớn thế giới (Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến…). Các đô thị Việt Nam hầu hết còn ở quy mô nhỏ, đang bắt đầu phát triển. Việc nghiên cứu học tập tiếp thu những kinh nghiệm về quy hoạch và quản lý đô thị của Trung Quốc nhất là về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, phát triển hệ thống hạ tầng, giải quyết nhà ở, cây xanh, môi trường đô thị… là cần thiết và hữu ích. Nhằm sàng lọc, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay của nước bạn để vận dụng vào điều kiện cụ thể cho phù hợp và hiệu quả, đồng thời khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, rút ngắn thời kỳ quá độ xây dựng CNXH, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ - công bằng- văn minh.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 6/2012
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)