Giải pháp công nghệ cho thoát nước Hà Nội

Thứ sáu, 13/07/2012 09:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hệ thống thoát nước của Hà Nội hiện bị đánh giá là cũ, yếu kém, khả năng thu nước mưa lẫn nước thải đều hạn chế. Nhưng cải tạo chúng không phải là chuyện của ngày một ngày hai. Giải pháp công nghệ mới đang được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn nạn này một cách đắc lực hơn.

Thoát nước Hà Nội chịu được đến đâu?

Theo đánh giá của Công ty thoát nước Hà Nội thì hệ thống thoát nước thành phố hiện đang cũ, yếu kém, khả năng thu nước mưa lẫn nước thải đều hạn chế. Đặc biệt hơn, hệ số phục vụ đường cống thoát nước chỉ chiếm khoảng 65- 70% tổng chiều dài đường phố và tập trung chủ yếu trong khu vực phố cũ. Nhiều khu vực chưa có đường cống. Điều này lý giải vì sao cứ mưa lớn là Hà Nội lại ngập.

Hiện việc thoát nước ở Hà Nội chủ yếu nhờ các sông, mương nội tại của thành phố và cuối cùng là xả ra các sông lớn. Công ty thoát nước Hà Nội đang quản lý 685km công, khoảng 13.000 ga thu/ga thăm, xấp xỉ 100km mương, 46 kênh sông và quản lý mực nước 44 hồ điều hoà, 4 trạm bơm và 3 trạm xử lý nước thải. Toàn bộ hệ thốg thoát nước Hà Nội được phân làm 3 lưu vực chính tại sông sông Nhuệ, sông Tô Lịch và sông cầu Bây. Tính bình quân trên toàn địa bàn thành phố, mật độ cống hiện trung bình là 62m/ha và tỷ lệ đường cống so với đầu người ở Hà Nội là 0,35m/người- quá thấp so với các đô thị trên thế giới (trung bình 2m/người). Hệ số phục vụ đường cống thoát nước chỉ chiếm khoảng 65- 70% tổng chiều dài đường phố và tập trung chủ yếu trong khu vực phố cũ. Tại nhiều khu vực chưa có hệ thống cống. Với lưu vực sông Tô Lịch (khu vực nội thành) cũng có tới 74km cống xây dựng trước năm 1954, cống có tiết diện nhỏ, xuống cấp nên khả năng thoát nước rất kém, trong đó nhiều tuyến xuống cấp nghiêm trọng như tuyến Lò Đúc, Quán Sứ…Vì vậy, hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch với chiều dài 77,5km2 sau khi cải tạo xong sẽ đảm bảo tiêu thoát nước đối với hệ thống kênh, mương, sông là 310 mm/2 ngày; với hệ thống cống là 70mm/giờ. Kể cả khi gói thầu giai đoạn 2 hoàn thành, thì mỗi khi mưa lớn, hệ thống thoát nứơc không thể tiêu hết nước ngay mà phải chờ một thời gian từ nửa tiếng đến vài giờ đồng hồ nước mới rút hết.

Với những trận mưa như hồi tháng 10 năm 2008 (tổng lượng mưa ở khu vực Hà Nội phổ biến từ 350- 550mm, có nơi lên tới 707mm), thành phố sẽ tiếp tục hoá sông. Các biện pháp chống ngập lâu dài của thành phố như dự án nhanh chóng nâng công suất trạm bơm Yên Sở, cải tạo các hồ điều hoà, cải tạo mương chính của thành phố thành các mương cống hộp hoặc mương hở có tường chắn vùng ven đô nhằm tăng khả năng thoát nước, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước, xây dựng mới…

Hà Nội cũng vừa cấp phép đào đường và hè ở 44 tuyến phố, với tổng chiều dài hơn 21km để xây dựng các tuyến cống thoát nước mới nhằm dân giải quyết tình trạng cứ mưa lớn là ngập. Gói thầu gồm các tuyến cống thuộc 7 quận nội thành, với tổng chiều dài 21.160m cống các loại sẽ được thực hiện từ nay đến cuối năm
2013, trong đó riêng năm 2012 sẽ làm 21 tuyến, số còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2013.

Để Hà Nội không là đại công trường

Việc cải tạo 44 tuyến phố đang đặt ra bài toán nan giải để vừa đảm bảo tiến độ thi công, vừa không quá ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân trên các tuyến phố làm cống. Nhất là khi 44 tuyến phố thuộc 7 quận nội thành, nơi có mật độ dân sso cao và lưu lượng lưu thống lớn như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lãn Ông, Hàng Phèn, Nhà Hoả, Hàng Hành, Khương Thượng… Có những tuyến như Lò Đúc là tuyến sẽ làm cống hộp đôi bê tông cốt thép thay thế cống cũ (cống vòm xây gạch). Kích thước của tuyến cống sẽ thay thế này rất lớn, chiếm gần hết bề rộng mặt đường (cao 2m, rộng cả hộp đôi gần 6m) sẽ dẫn tới việc phố sẽ thành “đại công trường” kể cả khi chỉ được thi công vào ban đêm. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao thông đi lại và đời sống người dân. Do đó, song song với việc hoàn thành các gói cải tạo tuyến cống, Hà Nội cũng đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp công nghệ để giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu cải tạo các tuyến cống ngầm và hoạt động bình thường của người dân. Chính quyền thành phố đã thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân mỗi khi đào đường, bức xúc này một phần nguyên nhân xuất phát từ công nghệ. Công nghệ thi công mà chúng ta đang áp dụng là công nghệ đào mở với những nhược điểm như bụi và tắc đường.

Tình trạng này càng trầm trọng khi trước đây, sự phối hợp giữa các ngành các cấp chưa có, dẫn tới tình trạng ngừơi này vừa làm đường xong thì người khác lại đào đường lên. Hiện phương pháp thi công công trình ngầm tại các thành phố lớn tại Việt Nam chủ yếu là phương pháp đào mở. Phương pháp này có ưu điểm là chi phí thấp nhưng kèm theo đó là rất nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, gây ách tắc giao thông. Theo cách tính toán của các chuyên gia Nhật Bản, nếu chiều sâu đào lắp đặt cống lớn hơn 3m tính từ mặt đất hiện trạng, thì sử dụng công nghệ Suisin sẽ hiệu quả hơn. Thi công bằng phương pháp Suisin là phương pháp chôn ống tròn hoặc ống hình chữ nhật xuống lòng đất. Đầu tiên, đào hố đứng khởi hành và hố đứng điểm đến cuối cùng ở hai đầu của đường ống ngầm cần lắp đặt. Sau đó, sử dụng pittong áp lực dầu để đẩy máy đào hố đứng khởi hành (đã được lắp đặt đầy đủ các thiết bị) đẩy xuyên lòng đất. Sau đó, lần lượt nối thêm các đoạn ống ngầm vào tiếp sau của máy đào và tiếp tục đẩy hàng ống ngầm đó bằng máy pitong ép dầu cho tới khi máy đào tới được hố đứng điểm đến cuối cùng. Có thể nói, phương pháp Suisin là phương pháp lắp đặt đường ồng ngầm thông giữa hai hố đứng khởi hành và hố đứng điểm đến cuối cùng, trong khi đó mặt đường không bị đào xới và giao thông vẫn lưu thông một cách bình thường. Nhờ những ưu điểm này mà phương pháp Suisin đặc biệt có giá trị với những thành phố có mật độ giao thông lớn, hay thi công đường ngầm qua sông.

Để đáp ứng được sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, một đoàn công tác của Việt Nam đã tới Nhật Bản học tập công nghệ Suisin, một phương pháp thi công công trình ngầm không đào mở đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng rất thành công. Ưu điểm của công nghệ này là có thể thi công trong mọi điều kiện mà công nghệ đào mở không thể áp dụng được như trong những con phố hẹp, mà chiều sâu đào cống qúa sâu, công trình ngầm qua sông, qua hồ, qua đường tàu, xuyên qua dãy nhà hay công viên. Trong những trường hợp này, công nghệ đến từ Nhật Bản - Suisin phát huy tối đa ưu điểm của mình.

Hiện một số chuyên gia Việt Nam đã được học tập kinh nghiệm thi công ngầm của Nhật Bản và hy vọng trong tương lai gần, các công nghệ này sẽ sớm được áp dụng tại Việt Nam, giải quyết cơ bản những mâu thuẫn kể trên, để phố phường sạch đẹp hơn và không còn cảnh ngập lụt mỗi khi trời mưa. Chúng ta đang phát triển và đang có cơ hội để tìm đến những công nghệ mới để nâng cao mỹ quan đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân. Với những công nghệ như Suisin, cần quan tâm đầu tư, nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ, khuyến khích áp dụng thì sẽ có bộ mặt đô thị sạch đẹp và hiện đại với chi phí hợp lý nhất.

(Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 6/2012)
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)