Quyết định mới đây của Chính quyền Moskva ngừng thiết kế và xây dựng nhà cao tầng đã gây nên nhiều tranh cãi, bởi trên thế giới hiện nay, xu hướng xây dựng nhà cao tầng đang phát triển mạnh mẽ; và nhờ lĩnh vực này, các quốc gia đang phát triển có thể thể hiện tiềm năng, và các nước tư bản có thể thể hiện sức mạnh của mình. Xây dựng nhà cao tầng là một lĩnh vực đặc biệt. Ủy ban Quốc tế về vấn đề nhà cao tầng (CTBUH) đã được thành lập. Mỗi năm hai lần CTBUH tổ chức họp tại các quốc gia khác nhau để bàn về các vấn đề liên quan tới thiết kế nhà cao tầng, và trao giải thưởng CTBUH Awards cho những nhà thiết kế đạt được thành tích ấn tượng nhất trong năm. Mùa thu năm 2011, cuộc họp thường kỳ của CTBUH đã được tổ chức tại Moskva (Nga), và tháng 4/2012 tại Chicago (Mỹ). Trong số các công trình nhà cao tầng trên toàn Nga, “Moskva - City” và tòa nhà trên Đại lộ Mosfilm là những công trình cuối cùng của thủ đô được trao giải CTBUH Awards của năm 2010. Moskva không phải là thành phố duy nhất của nước Nga có những tòa nhà cao tầng; do đó, Nga vẫn là một thành viên chính thức của CTBUH.
Tuy nước Nga tích lũy được vốn kinh nghiệm thiết kế nhà cao tầng khá phong phú, song các nỗ lực biên soạn văn bản tiêu chuẩn chuyên ngành vẫn chưa được Bộ Phát triển vùng Liên bang Nga ủng hộ. Mỗi công trình cần được tiến hành nghiên cứu các điều kiện kỹ thuật đặc thù, và được Bộ phát triển vùng phê chuẩn. Trong quá trình xem xét các điều kiện kỹ thuật, chưa một chuyên gia Nga nào suy nghĩ để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Vì sao một đất nước có diện tích lớn nhất thế giới là Nga lại cần phát triển lên cao, bởi phát triển về chiều cao đòi hỏi một số tiền không nhỏ. Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân trên những tầng cao chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn hơn, nếu xảy ra những sự cố bất thường. Có lẽ chính những luận điểm trên là cơ sở cho Quyết định của Chính quyền thủ đô.
Chiều cao của một tòa nhà được quy định như thế nào? Những tòa nhà nào có thể được xếp vào loại nhà cao tầng?
Chiều cao của các tòa nhà trong các văn bản tiêu chuẩn khác nhau được quy định khác nhau, tùy thuộc vào nhiệm vụ chức năng của tòa nhà. Chẳng hạn, các tiêu chuẩn SNiP 2.07.01-89 “Xây dựng đô thị. Quy hoạch và xây dựng các khu dân cư đô thị và nông thôn”; SNiP 11-7-81 “Xây dựng tại các vùng động đất”; SNiP 31-06-2009 “Các công trình và nhà xã hội” và SNiP 31-02-2001 “Nhà ở một căn hộ”, chiều cao các tòa nhà thể hiện ở số tầng.
Trong Luật Liên bang số 123-F3 “Quy định kỹ thuật về yêu cầu an toàn cháy nổ”, chiều cao của một tòa nhà được xác định bằng khoảng cách từ điểm mốc trên mặt đường dành cho xe cứu hỏa tới mốc bên dưới của cửa sổ mở trên tường ngoài của tầng trên cùng (không tính tầng kỹ thuật trên cùng). Chiều cao của một tòa nhà còn cần được nghiên cứu sao cho phù hợp với các thông số và đặc tính kỹ thuật của cơ chế nâng trên các xe cứu hỏa. Đối với các tòa nhà có nguy cơ cháy cấp F1.3 (nhà chung cư), chiều cao quy định là 75m. Đối với các tòa nhà nguy cơ cháy ở cấp độ khác - chiều cao quy định là 55m.
Một định nghĩa khác về chiều cao tòa nhà được áp dụng để xác định khối lượng xây dựng tòa nhà đó, bởi vì khối lượng xây dựng phần trên mặt đất của một tòa nhà được xác định trong phạm vi giới hạn bề mặt phía ngoài - bao gồm cả các kết cấu ngăn, đèn chiếu sáng và phần thượng tầng - bắt đầu từ mốc sàn của phần trên mặt đất của tòa nhà. Do đó, chiều cao của một tòa nhà có đỉnh nhọn được quy định bằng điểm mốc trên cùng của đỉnh.
Các quy định về số tầng của một tòa nhà, bao gồm cả tầng kỹ thuật, có trong Phụ lục B của SNiP 31-01-2003. Tuy nhiên, tầng kỹ thuật trên cùng sẽ không được tính khi thực hiện các yêu cầu trong công tác cứu hỏa về việc đảm bảo thoát hiểm và cứu người; khi tính toán số lượng thang máy; và khi thực hiện các yêu cầu lắp đặt đường ống rác, bởi vì tại các vị trí đó không có người. Để tính toán số lượng thang máy chính xác hơn, nên chăng áp dụng công thức “tầng trên cùng của điểm dừng thang máy”; và để lắp đặt ống xả rác - “tầng trên cùng có người ở”.
Những tòa nhà như thế nào được gọi là nhà cao tầng?
Trên cơ sở các kết quả khảo sát điều kiện kỹ thuật tại các tòa nhà cao tầng được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2012; các kết quả nghiên cứu kinh nghiệm thế giới trong vấn đề thiết kế và xây dựng các tòa nhà cao tầng, cũng như áp dụng vào thiết kế những quy định của pháp luật; kinh nghiệm của Nga trong lĩnh vực này đã được tích lũy đáng kể. Các nhà khoa học Nga có thể đúc kết một số kết luận về những đặc điểm cơ bản trong thiết kế và xây dựng nhà cao tầng.
Nga đã ban hành một số văn bản tiêu chuẩn chuyên ngành áp dụng vào thiết kế nhà cao tầng, trong đó có MGSN 4.19-2005 “Thiết kế các toà nhà cao tầng đa chức năng và các tòa nhà - công trình tổ hợp trong thành phố Moskva”. Trong tiêu chuẩn này, định nghĩa “nhà cao tầng” được sử dụng tại một vài điểm quy định. Tại Phụ lục số 1 “Các thuật ngữ và định nghĩa”, nhà cao tầng đa chức năng được định nghĩa là “tòa nhà có chiều cao từ 75m trở lên, trong đó ngoài các căn hộ để sinh sống còn bao gồm các phòng khách sạn, và các phòng có các chức năng khác”.
Tiêu chuẩn của tổ chức CTO 01422789-001-2009 “Thiết kế các nhà cao tầng” đưa ra định nghĩa: “Nhà cao tầng là tòa nhà mà chiều cao tính từ điểm mốc trên mặt đường dành cho xe cứu hỏa tới điểm mốc phía dưới của cánh cửa sổ mở trên tường ngoài của tầng trên cùng, không tính tầng kỹ thuật trên cùng, (trường hợp mật độ kính lắp dày đặc, và không có cửa sổ hay các ô cửa mở khác trên tầng trên cùng thì tính tới đỉnh trần ngăn tầng cuối cùng) từ 75m trở lên”. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều chuyên gia, định nghĩa như vậy chưa hoàn toàn chính xác, bởi vì ở độ cao trên 75m, chiều cao thang cứu hỏa không còn ý nghĩa.
Theo hệ thống phân cấp hiện hành của CHLB Đức, nhà cao tầng chia ra làm 04 nhóm. Nhóm I gồm các tòa nhà có chiều cao từ 22 đến 30m; nhóm II - từ 30 đến 60m; nhóm III - những tòa nhà có chiều cao từ 60m; nhóm IV: từ 200m. Các quy định của Đức chỉ áp dụng đối với 3 nhóm đầu tiên. Ở nhiều quốc gia khác không có việc phân cấp nhà cao tầng; các quy tắc thiết kế và định nghĩa cũng không có. Ngay cả trong các bộ luật của Mỹ, DIN của Đức, EU của châu Âu, và trong các tiêu chuẩn của nhiều nước phát triển khác không có tiêu chí đối với xây nhà cao tầng.
Chiều cao tòa nhà phụ thuộc không chỉ vào điểm mốc cao nhất của tòa nhà đó, mà còn vào các đặc điểm về hình khối, kết cấu và một số đặc điểm khác. Thực tế những năm gần đây cho thấy: những tòa nhà cao trên 75m thường được xây theo hình thức mới - có lõi bên trong, nơi bố trí hầm thang máy và các lồng thang bộ. Đây là điểm khác biệt so với giải pháp hình khối truyền thống với các hành lang, các đơn nguyên. Diện tích các tầng tăng lên rất nhiều nhờ có lõi bên trong được mở rộng.
Đối với các tòa nhà có độ cao trên 75m, khi tính toán kết cấu chịu lực, nền và móng cần áp dụng giá trị nâng cao của hệ số tin cậy, tùy theo chiều cao của tòa nhà (h):
- từ 75 đến dưới 100m - gn = 1,1
- từ 100 đến dưới 200m - gn = 1,15
- từ 200m - gn = 1,2
Khi lựa chọn diện tích mặt bằng xây nhà cao tầng, cần đặc biệt cẩn trọng trong việc đánh giá điều kiện địa chất kỹ thuật và khả năng xây dựng an toàn, có tính tới khả năng xuất hiện các quá trình địa chất và địa chất kỹ thuật nguy hiểm đối với công trình (xói mòn castơ, hay trượt lở đất…).
Khi xây nhà cao tầng tại những khu vực chật hẹp, cần nghiên cứu kỹ nền và móng của các ngôi nhà, các công trình trong phạm vi khu vực chịu ảnh hưởng từ công trình đang xây, và cần dự báo kịp thời những thay đổi trạng thái của đất và cơ chế thủy văn địa chất của nước ngầm (sự phân bố và di chuyển của nước dưới đất).
Độ cứng không gian của các tòa nhà cao tầng được bảo đảm bởi:
- vách cứng và lõi được bố trí đối xứng;
- các hệ thống kết cấu hình hộp với tường ngoài chịu lực theo toàn bộ chu vi tòa nhà;
- các đĩa (đệm) cứng của trần, mái gắn kết các kết cấu chịu lực thẳng đứng đóng vai trò chức năng là vách cứng nằm khi có tác động của tải trọng gió hoặc động đất;
- các đai cứng nằm tại các tầng kỹ thuật bảo đảm phối hợp hoạt động trong trường hợp tất cả các kết cấu chịu lực thẳng đứng của tòa nhà chịu tác động uốn .
Các tòa nhà cao tầng cần được bảo vệ không bị sập, đổ trong trường hợp kết cấu chịu lực bị hư hại do những biến cố bất ngờ mà thiên nhiên, và thậm chí con người có thể gây ra. Trong các tòa nhà cao tầng, tải trọng bổ sung tức thời cần được tính đến, chẳng hạn - tải trọng từ trực thăng cứu hộ lên nóc tòa nhà; hoặc tải trọng của các phương tiện giao thông, trong đó có xe cứu hỏa - lên thềm nhà và phần ngầm của tòa nhà.
Trong nội dung hồ sơ thiết kế, cần hết sức chú trọng những đánh giá đối với chế độ gió và chỉ số khí động lực học. Khi tính toán tải trọng gió đối với nhà cao tầng, cần bổ sung thêm những tính toán về các tác động đa dạng của gió, gồm:
- tác động tối đa của tải trọng gió lên các kết cấu ngăn;
- tác động phá vỡ các điều kiện đối với người đi bộ tại khu vực xung quanh tòa nhà;
- các hiệu ứng động học của nhà cao tầng trong điều kiện gió bão: hiện tượng cộng hưởng, gia tốc chuyển động, hệ số cản, tương tác với các công trình xung quanh…
Ý nghĩa của các tác động nêu trên, hệ số khí động lực học, mô-men, áp suất bên trong và áp suất bên ngoài cần được áp dụng trên cơ sở thử nghiệm các mô hình nhà cao tầng (bao gồm cả nhà đang xây) trong những ống thổi khí động chuyên dụng. Khi thiết lập các điều kiện thông gió hợp lý, cần bảo đảm giảm thiểu các luồng gió xuất hiện tại các tầng trệt của tòa nhà cao tầng và các công trình xung quanh. Để đảm bảo cho việc sinh hoạt thuận tiện của dân cư các nhà cao tầng, sự chuyển vị giới hạn ngang của đỉnh tháp và sự chuyển vị của mái nhà (chuyển vị của mái sẽ tăng lên khi có tháp) cũng cần được tính toán kỹ.
Những tòa nhà có độ cao 100m và trên 100m cần tính tới các tác động của động đất. Rất nhiều vấn đề liên quan tới kết cấu treo các mặt tiền, theo việc lắp ghép, sửa chữa và khai thác; việc lắp đặt và sử dụng các ô cửa không mở của các tầng trên cùng chưa được nghiên cứu đầy đủ. Các tường ngoài của nhà cao tầng - theo các yêu cầu chung được đề ra, và phù hợp với các văn bản tiêu chuẩn hiện hành - cần: tiếp nhận được các tải trọng gió khác nhau theo độ cao; phù hợp các yêu cầu về khả năng giữ nhiệt của các tòa nhà tùy thuộc vào chiều cao tòa nhà; đáp ứng các yêu cầu về mức độ an toàn, trong đó có cả an toàn phòng cháy chữa cháy, mức tin cậy và tuổi thọ công trình; tránh khả năng bị sập đổ, và có thời hạn sử dụng phù hợp tối đa thời hạn sử dụng của một công trình nhà cao tầng. Các kết cấu cửa sổ và kết cấu mặt tiền treo thẩm thấu ánh sáng, và sự cố kết các mặt tiền này với các kết cấu chịu lực cần được tính toán theo độ bền và độ biến dạng dưới tác động của tải trọng gió.
Đối với nhà cao tầng, việc tính toán nhiệt bị thất thoát qua các kết cấu tường ngăn bên ngoài; tính toán chế độ không khí của các nhà cao tầng, các thông số không khí bên ngoài tại các vị trí bố trí thiết bị gom khí được thực hiện kèm với việc tính toán sự thay đổi vận tốc và nhiệt độ của không khí bên ngoài theo chiều cao tòa nhà. Các thông số của không khí bên ngoài được ghi nhận có tính cả trường hợp nhiệt độ không khí ở độ cao trên 150m tụt giảm; vận tốc gió tăng lên vào mùa lạnh trong năm; sự xuất hiện các dòng đối lưu mạnh trên mặt tiền được mặt trời chiếu sáng của tòa nhà.
Nhà cao tầng có cấp độ chịu lửa đặc biệt. Tòa nhà được phân thành những khoang chống cháy theo chiều cao, chứ không phải theo phương nằm ngang, như những dạng nhà ở khác. Theo ý kiến của rất nhiều chuyên gia, việc phân chia thành các khoang theo chiều thẳng đứng là một vấn đề còn nhiều tranh luận, bởi vì ngọn lửa theo luồng không khí đi lên sẽ quây tròn không chỉ các vách trần chống cháy mà còn cả các tầng kỹ thuật. Còn việc xây các mái đua chống cháy ở những độ cao lớn là một giải pháp chưa thuyết phục, bởi vì phần mái đua ra sẽ không lớn do tải trọng của băng tuyết và các luồng khí đi lên. Công tác cứu người chỉ có thể thực hiện từ những tầng ở độ cao dưới 50m, và là vấn đề khá phức tạp đối với các tầng ở độ cao từ 50 đến 75m. Sử dụng trực thăng cứu hộ chưa được quy định trong luật. Giải pháp này ít được áp dụng, vì không gian đô thị với nhiều công trình nhà cao tầng không thuận tiện cho hoạt động của trực thăng, hơn nữa bãi đỗ cho trực thăng đòi hỏi diện tích lớn, nằm trong khoảng cách không quá 500m từ tòa nhà. Các tòa nhà cao tầng cần được trang bị hệ thống tín hiệu báo cháy tự động. Các chuông báo cháy tự động (hoặc là chuông báo cháy tự động được kết nối với hệ thống tín hiệu báo cháy) cần được lắp đặt cho tất cả các căn phòng.
Các hệ thống kỹ thuật của các tòa nhà cao tầng có rất nhiều đặc điểm: có ít nhất 2 đường vào mạng; có các buồng kỹ thuật bổ sung; các hệ thống chuyên dụng bảo đảm mức độ an toàn cho tòa nhà và các buồng chứa các trang thiết bị đó; các yêu cầu đặc biệt về duy trì nhiệt cho các tầng ở độ cao hơn 75m; việc cung cấp nhiệt từ 2 nguồn khác nhau… Tại từng khu vực theo phương thẳng đứng có bố trí các hệ thống nước sinh hoạt (nước nóng, nước lạnh); đường ống nước dành cho công tác cứu hỏa bên trong tòa nhà riêng biệt với các hệ thống nước sinh hoạt. Đối với đường ống nước cứu hỏa, cần có dung lượng bơm bổ sung và dự trữ tại các tầng kỹ thuật. Việc cung cấp điện được thực hiện từ hai nguồn hoàn toàn độc lập với nhau; trong trường hợp có nguồn thứ ba - các máy phát diesel - thì đó là nguồn dùng khi có sự cố.
Đối với các nhà cao tầng, các yêu cầu đặc biệt về việc lắp đặt đường ống rác và hầm thang máy rất cần thiết. Các yêu cầu đối với độ nghiêng cho phép của các hầm khác nhau theo chiều cao tòa nhà nghiêm ngặt hơn so với các tòa nhà thông thường. Đường ống rác cần được chia ra theo chiều cao, bởi vì các ống xả chỉ có thể phục vụ số lượng tầng hạn chế, và cần có ít nhất 02 hầm cho đường ống rác thải, phần bên dưới của một trong số đó sẽ được sử dụng chỉ để vận chuyển rác, có lắp đặt thiết bị giảm tốc khi rơi. Có thể áp dụng cách tổ chức vận chuyển rác ở tầng kỹ thuật trung gian tới thang máy chuyên dụng.
Trong các tòa nhà cao tầng cần có hệ thống điều khiển tự động thực hiện các chức năng kiểm tra, điều phối và điều khiển các thiết bị kỹ thuật của tòa nhà. Các chức năng cơ bản của tổ hợp tự động, của hệ thống thông tin liên lạc được trang bị cho các tòa nhà cao tầng chính là sự an toàn, là sự bảo đảm chắc chắn cho sinh hoạt của cộng đồng trong tòa nhà. Để đảm bảo hoạt động thông suốt, các hệ thống kỹ thuật cần được thống nhất với nhau trong các tổ hợp có thể đảm bảo sự trao đổi thông tin cần thiết giữa các hệ thống.
Một số đặc điểm trong thiết kế và xây dựng được nêu ra trên đây cho thấy một điều: xây dựng các toà nhà cao tầng là một quy trình đòi hỏi rất nhiều chi phí.
Các tòa nhà cao tầng đã xuất hiện như thế nào trong kiến trúc đô thị nói chung và trong kiến trúc của Moskva nói riêng
Những tòa nhà cao tầng đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ XIX do các thương gia lớn đặt hàng, với vật liệu xây dựng mới là kim loại. Từ loại vật liệu này, nền kiến trúc của nhân loại đã ghi nhận những tòa nhà văn phòng theo kết cấu có khung, và những tổ hợp đa năng gồm cả phòng làm việc, khách sạn, nhà hát… Xu hướng nhà cao tầng phát triển trước tiên tại Mỹ, là sáng kiến của các đại diện ngành công nghiệp cán thép đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Xu hướng này lập tức được coi là “phong cách thương mại”. Các kiến trúc sư khi nghiên cứu cấu trúc tòa nhà có khung thép vẫn chưa từ bỏ tính cầu kỳ, và bọc khung trong những cái vỏ không theo bất cứ trường phái kiến trúc gô-tích hay rô-man nào cả. Việc lựa chọn phong cách xây dựng hoàn toàn do ý thích của người đặt hàng, vốn thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội Mỹ thời bấy giờ. Phát minh thang máy cho phép các tòa nhà vươn lên những độ cao mới. Tòa nhà chọc trời tại Mỹ đã ra đời trong bối cảnh như vậy. Về độ cao, chỉ có những nhà thờ kiến trúc gô tích thời Trung cổ mới có thể sánh được với nó.
Kiến trúc sư Mis Van der Roe vào thập kỷ 40 - 50 của thế kỷ XX đã đề xuất ý tưởng “ hình thức kiến trúc tổng hợp” (tức là không gian duy nhất bên trong có thể tạo năng lực sử dụng tối đa). Ông bỏ hoàn toàn các hình thức trang trí khỏi mặt tiền các tòa nhà chọc trời. Đối với các công trình của ông, đặc điểm dễ nhận thấy là hình khối vuông, không gian bên trong rộng lớn và các vách ngăn bên ngoài được cấu tạo từ các panel kính.
Khi nền kiến trúc hiện đại được hình thành; phong cách, hình ảnh và tất cả những gì được coi là cần thiết để xây dựng các tòa nhà chọc trời được đưa lên vị trí hàng đầu. Các quốc gia đang chạy đua trong việc xây dựng những tòa tháp có độ cao kỷ lục. Ngày nay, sự đổi mới trong ngôn ngữ hình ảnh trong kiến trúc được coi trọng hơn nội dung bên trong. Trong mỗi công trình đều có thể bố trí căn hộ ở, khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, thể thao… và nhiều khi tất cả các chức năng trên đều gói gọn trong một công trình. Các tòa nhà chọc trời hiện đại với nhiều chức năng xuất hiện ngày càng nhiều, với đầy đủ hoạt động, các loại hình dịch vụ của cuộc sống đô thị thu nhỏ, thậm chí có cả các tầng riêng dành cho vườn và cây xanh. Những “chiếc hộp bằng kính” theo phong cách hiện đại đã thay thế cho những tổ hợp phức tạp, hoặc chỉ đơn giản là trình diễn những đặc điểm kiến trúc dân gian (tòa tháp Zhin Mao ở Thượng Hải - Trung Quốc, Tháp đôi Petronas ở Kuala Lampur - Malaysia là ví dụ); hoặc đôi khi đi ngược lại với các quy luật bền vững (tòa nhà Đài truyền hình TW ở Bắc Kinh - Trung Quốc; tòa nhà ngân hàng Toress ở Madrid - Tây Ban Nha). Các kiến trúc sư cố gắng tìm những hình thức mới thể hiện trí tưởng tượng phong phú của mình, đồng thời thể hiện những khả năng vô hạn của kiến trúc và những công nghệ xây dựng hiện đại. Một trong những công trình tiêu biểu cho trường phái kiến trúc mới này là tòa nhà chung cư “Hồ cá cảnh” ở Chicago - Mỹ. Những ban công nhô ra từ mặt phẳng của tường kính ở các độ sâu không đều nhau nhờ trò ảo thuật của bóng sáng tạo nên ảo giác kỳ thú về mặt nước lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Từ thực tế việc bố trí các tòa nhà chọc trời thành một nhóm thống nhất trong chính sách xây dựng đô thị của Mỹ, loại hình một trung tâm làm việc đã ra đời và được nhiều quốc gia khác nhanh chóng học tập, tuy có một số nhược điểm nhất định. Các nhược điểm này tồn tại chủ yếu bởi những tòa nhà riêng biệt như các tác phẩm kiến trúc khác nhau tạo thành một nhóm. Nhìn toàn cảnh từ bên trên, các thành phố dường như trở nên đơn điệu, chỉ còn được nhận biết nếu có những công trình đặc sắc nổi bật như tòa tháp Empire States Building ở New York; kim tự tháp Trans -America ở Chicago - Mỹ. Tuy vậy, khi mỗi tòa nhà trong nhóm nổi bật nhờ nét độc đáo nguyên thủy, cả nhóm sẽ không còn là một cụm thống nhất nữa mà trở thành một cuộc triển lãm, nơi phô diễn các thành tựu mới trong kiến trúc.
Đối với thủ đô Moskva của Nga, trong quy hoạch xây dựng nhà cao tầng có 2 quan điểm có ý nghĩa hơn cả về mặt xây dựng đô thị: hình thành tại khu vực trung tâm một nhóm với những tòa nhà cao tầng như một trung tâm làm việc (City - Moskva), và hình thành vòng cung các nhà cao tầng theo chu vi khu vực trung tâm. Tuy nhiên, đối với một siêu đô thị khổng lồ như Moskva, trung tâm làm việc quá bé nhỏ. Vòng cung các công trình cao tầng cũng khó tương đồng về mặt kết cấu. Các công trình này ít có giá trị hơn so với các tòa cao ốc từ thời Stalin, được xây dựng rất hoành tráng và nổi bật trong phối cảnh chung của thành phố. Những cao ốc mới mất đi trong tương lai của thủ đô, bên cạnh nguyên nhân là cách giải quyết vấn đề của Chính quyền Moskva; còn có một nguyên nhân nữa - đó là sự thiếu hoàn thiện về mặt kiến trúc của các công trình mà các tấm mái bằng phẳng chỉ dành cho trực thăng cứu hộ.
I.A.Victorova (Tạp chí Xây dựng & Kiến trúc Ngatháng 10/2012)