Quản lý chất lượng công trình trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng và lựa chọn nhà thầu

Thứ sáu, 30/12/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện đầu tư xây dựng công trình ĐTXDCT là một trong những nhiệm vụ cơ bản của quá trình thực hiện dự án. Để quản lý tốt chất lượng công trình xây dựng thì yếu tố đầu tiên là thực hiện tốt các phần việc của giai đoạn lập dự án ĐTXDCT, thiết kế kỹ thuật - dự toán và lựa chọn nhà thầu.
Theo quy định tại Luật Xây dựng và Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7 tháng 2 năm 2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng về Quản lý dự án ĐTXDCT được cụ thể như sau:
1. Các dự án quan trọng quốc gia phải lập Báo cáo ĐTXDCT để trình Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư; các dự án nhóm A không phân biệt nguồn vốn phải lập Báo cáo ĐTXDCT để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.
2. Nội dung Bao scáo ĐTXDCT bao gồm:
2.1. Sự cần thiết phải ĐTXDCT, các điều kiện thuận lợi và khó khăn; chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia nếu có.
2.2. Dự kiến quy mô đầu tư: công suất, diện tích xây dựng; các hạng mục công trình bao gồm công trình, công trình phụ và các công trình khác; dự kiến về địa điểm xây dựng công trình và nhu cầu sử dụng đất.
2.3. Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật; các điều kiện cung cấp vật tư thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, nếu có; các ảnh hưởng của dự án đối với môi trường, sinh thái, phòng chống cháy nổ, an ninh, quốc phòng.
2.4. Hình thức đầu tư, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, thời hạn thực hiện dự án, phương án huy động vốn theo tiến độ và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án và phân kỳ đầu tư nếu có.
3. Đối với các dự án nhóm B chưa có trong quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng thì trước khi lập dự án phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch.
Như vậy, tuỳ theo quy mô dự án thuộc nhóm nào để lập báo cáo xin phép đầu tư. Khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép đầu tư thì tiến hành lập dự án ĐTXDCT với những nội dung cơ bản sau:
1. Khi ĐTXDCT, chủ đầu tư phải tổ chức lập dự án để làm rõ về sự cần thiết phải đầu tư và hiệu quả ĐTXDCT.
2. Dự án đầu tư bao gồm phần thuyết minh và phần thiết kế cơ sở.
Nội dung phần thuyết minh của dự án:
- Sự cần thiết và mục tiêu đầu tư, đánh giá nhu cầu thị trường, tiêu thụ sản phẩm đối với dự án sản xuất, kinh doanh hình thức ĐTXDCT; địa điểm xây dựng, nhu cầu sử dụng đất; điều kiện cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu và các yếu tố đầu tư khác.
- Mô tả về quy mô và diện tích xây dựng công trình, các hạng mục công trình bao gồm công trình chính, công trình phụ và các công trình khác; phân tích lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ và công suất.
Các giải pháp thực hiện bao gồm:
- Đánh giá tác động môi trường, các giải pháp phòng, chống cháy, nổ và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.
- Tổng mức đầu tư của dự án; khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ; phương án hoàn trả vốn đối với dự án có yêu cầu thu hút vốn; các chỉ tiêu tài chính và phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Nội dung thiết kế cơ sở của dự án:
- Phần thiết kế cơ sở của dự án phải thể hiện được giải pháp thiết kế chủ yếu, bảo đảm đủ điều kiện để xác định tổng mức đầu tư và triển khai các bước thiết kế tiếp theo, bao gồm thuyết minh và các bản vẽ.
- Thuyết minh công nghệ: giới thiệu tóm tắt phương án công nghệ và sơ đồ công nghệ; danh mục thiết bị công nghệ với các thông số kỹ thuật chủ yếu liên quan đến thiết kế xây dựng.
- Thuyết minh xây dựng: khái quát về tổng mặt bằng, giới thiệu tóm tắt đặc điểm tổng mặt bằng, cao độ và toạ độ xây dựng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các điểm đầu nối; diện tích sử dụng đất, diện tích xây dựng, diện tích cây xanh, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, cao độ san nền và các nội dung cần thiết khác.
Đối với công trình xây dựng theo tuyến: giới thiệu tóm tắt đặc điểm tuyến công trình, cao độ và toạ độ xây dựng, phương án xử lý các chướng ngại vật chính trên tuyến; hành lang bảo vệ tuyến và các đặc điểm khác của công trình nếu có;
Đối với công trình có yêu cầu kiến trúc: giới thiệu tóm tắt mối liên hệ của công trình với quy hoạch xây dựng tại khu vực và các công trình lân cận; ý tưởng của phương án thiết kế kiến trúc; màu sắc công trình; các giải pháp thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường, văn hoá, xã hội tại khu vực xây dựng;
Phần kỹ thuật: giới thiệu tóm tắt đặc điểm địa chất công trình, phương án gia cố nền, móng, các kết cấu chịu lực chính, hệ thống kỹ thuật và hạ tầng kỹ thuật của công trình, san nền, đào đắp đất; danh mục các phần mềm sử dụng trong thiết kế;
Giới thiệu tóm tắt phương án phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
Dự tính khối lượng các công tác xây dựng, thiết bị để lập tổng mức đầu tư và thời gian xây dựng công trình.
Điểm qua các phần việc phải làm trên đây chúng ta thấy rằng vòng đời của dự án và chất lượng các công trình xây dựng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của công tác lập dự án ĐTXDCT.
Những quy định mới trong Nghị định 16/2005/NĐ-CP là ở chỗ việc thẩm định dự án và thẩm định thiết kế cơ sở được tiến hành đồng thời. Những phần việc tiếp theo của dự án như phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán... được phân cấp cho chủ đầu tư. Với những quy định ới này vai trò và năng lực của Chủ đầu tư và tư vấn lập dự án ĐTXDCT hết sức quan trọng. Tư vấn có cách nhìn tổng quát trong lựa chọn sản phẩm, địa điểm xây dựng, dây chuyền công nghệ... thì sẽ có phương án chọn hợp lý cho giai đoạn trước mắt và phù hợp với quy hoạch lâu dài. Mặt khác tư vấn có cách nhìn cụ thể sâu sắc trong thiết kế tổng mặt bằng, giải pháp kết cấu, lựa chọn vật liệu... thì sẽ đưa ra được phương án khả thi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế và lợi ích cho dự án. Chất lượng dự án xây dựng sẽ phụ thuộc nhiều vào phương án lựa chọn ban đầu trong quá trình lập dự án ĐTXDCT.
Trước đây, khi lập báo cáo tiền khả thi hay báo cáo khả thi một dự án thì chủ yếu là các thuyết minh và các luận giải về phương án kinh tế, kỹ thuật để đưa ra phương án chọn, không có hoặc có rất ít các bản vẽ chỉ là thiết kế sơ bộ để xác định khối lượng chính. Tổng mức đầu tư được xác định dựa trên số lượng những sản phẩm chính nhân với đơn giá kinh nghiệm bình quân và cộng với những chi phí khác. Dự án được phê duyệt trên những báo cáo như vậy đã có những bất cập trong quá trình triển khai các bước tiếp theo: như thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán. Có những dự án sử dụng vón ngân sách, tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt cao, khi triển khai cụ thể, chủ đầu tư thấy dư nguồn thì cố gắng tận dụng; do vậy đã sinh ra những hạng mục công việc không mang lại hiệu quả, chất lượng không cao. Ngược lại, có dự án do không lường hết được các yếu tố khi lập báo cáo khả thi nên tổng mức đầu tư được duyệt thấp, lúc triển khai thiết kế, dự toán thì vượt tổng mức đầu tư do vậy chủ đầu tư và thiết kế phải tìm mọi giải pháp để ép dưới "trần" tổng mức đầu tư thì mới đúng quy định. Việc làm này đã vô tình ngầm báo hiệu chất lượng công trình không đảm bảo, mục tiêu của dự án thì không thể giảm, tiền ít thì không thể có công trình chất lượng. Ở một khía cạnh khác do tâm lý "đi xin" mà một số chủ đầu tư cố tình lập thấp tổng mức đầu tư nhằm hạ nhóm dự án từ A xuống B, từ B xuống C để giảm nhẹ hàng rào pháp lý thực hiện mục tiêu trước mắt là được chấp thuận đầu tư. Để rồi khi dự án được đầu tư thì, hoặc là chất lượng từ thiết kế đến thi công sẽ không đảm bảo, dự án không đồng bộ đưa vào vận hành trục trặc, hoặc thực hiện nửa chừng phải dừng lại làm điều chỉnh dự án, phê duyệt lại từ đầu mất thời gian, dự án chậm tiến độ, hậu quả là gây lãng phí, công trình chóng xuống cấp.
Hiện nay, trên cơ sở pháp lý là Luật Xây dựng, Nghị định 16/2005/NĐ-CP đã cụ thể hoá khá rõ nhiệm vụ của bước lập dự án ĐTXDCT. Thiết kế cơ sở là khái niệm mới, là một phần việc quan trọng trong bước lập dự án ĐTXDCT. Dự án ĐTXDCT chỉ được phê duyệt khi đã có thiết kế cơ sở được cấp có thẩm quyền thẩm định. Triển khai tốt thiết kế cơ sở, thẩm định nghiêm túc thiết kế cơ sở là việc làm hết sức quan trọng để quản lý chất lượng công trình xây dựng ngay từ đầu. Thiết kế cơ sở là sản phẩm đầu tiên thể hiện rõ mục tiêu quy mô của dự án. Hiệu quả của dự án cũng được xem xét thông qua thiết kế cơ sở, bởi nhờ nó mà lượng hoá được vốn đầu tư và suất đầu tư.
Để quản lý và tạo điều kiện thực hiện tốt chất lượng công trình xây dựng trong quá trình thực hiện dự án thì trước hết trong bước lập dự án ĐTXDCT phải làm rõ những nội dung quy định tại Điều 10 của Nghị định 16/2005/NĐ-CP, trách nhiệm này thuộc về Chủ đầu tư và Tư vấn lập dự án ĐTXDCT. Để có được hồ sơ dự án ĐTXDCT có chất lượng trước hết chúng ta cần có đội ngũ tư vấn có chất lượng.
Nhận thức được vai trò của tư vấn trong bước lập dự án ĐTXDCT xây dựng, mấy năm gần đây các cấp quản lý Nhà nước cũng như các nhà đầu tư đã quan tâm nhiều hơn đến trình độ của đội ngũ làm công tác tư vấn. Chất lượng công tác tư vấn ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư, một sai sót nhỏ của Tư vấn chuẩn bị đầu tư cũng có thể dẫn đến quyết định đầu tư không hợp lý, vận hành khai thác dự án kém hiệu quả. Một dịch vụ tư vấn đầu tư có chất lượng là phải tham mưu giúp chủ đầu tư thực hiện tốt các công việc: Đề xuất phương án đầu tư hiệu quả, chọn giải pháp công nghệ phù hợp và giá cả hợp lý; giúp chủ đầu tư tuyển chọn các nhà thầu xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị, có đủ năng lực phù hợp với yêu cầu của dự án và đúng quy định của pháp luật.
Việc thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư cũng cần trao đổi thêm vài diều. Kể từ khi có Nghị định 52/1999/NĐ-CP, 12/2000/NĐ-CP và 07/2003/NĐ-CP, vừa rồi có thêm Nghị định 16/2005/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng, chúng ta thấy Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phân cấp cho các bộ chủ quản, địa phương và các Chủ đầu tư từ việc thẩm định đến phê duyệt dự án đầu tư. Đây là một chủ trương đúng, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đồng thời tăng cường trách nhiệm của cấp dưới đối với dự án đầu tư. Kết quả là các cấp đã chủ động hơn, có tinh thần trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, không phải
Bộ nào, Ngành nào, địa phương nào cũng phát huy được tính năng động tự chủ, tinh thần trách nhiệm trong thẩm định và phê duyệt dự án, nhiều dự án vẫn được ra đời một cách gượng ép khi chưa có đủ điều kiện chín muồi để rồi thực hiện nửa chừng phải điều chỉnh dự án, hoặc lựa chọn công nghệ không phù hợp, không tiên tiến tạo nên sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, chất lượng công trình xây dựng không cao, gây lãng phí.
Vấn đề thẩm định dự án ĐTXDCT cần phải được quan tâm và đánh giá đúng mức. Các cơ quan, đơn vị thẩm định phải xác định được vai trò trách nhiệm của mình và phải có đủ năng lực thẩm định. Sản phẩm thẩm định phải đạt được tối ưu về kinh tế kỹ thuật. Lâu nay các đơn vị thẩm định có tình trạng chỉ thiên về kỹ thuật với xu hướng bảo toàn mà coi nhẹ tính kinh tế, nhất là các công trình xây dựng. Việc thẩm định dự án đôi khi chưa đạt yêu cầu, còn hình thức, năng lực thẩm định của một số hội đồng còn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó cũng chưa có chế tài trong quy định trách nhiệm thẩm định dự án. Lập dự án ĐTXDCT là bước khởi đầu của một dự án, nó mang nhiều ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong đó có chất lượng các công trình xây dựng. Hiện nay Nghị định 16/2005/NĐ-CP đã có những quy định khá rõ về nội dung trình tự lập, phê duyệt dự án ĐTXDCT, chúng ta phải nghiên cứu và cùng nhau làm tốt những quy định này. Tuy nhiên một số điểm trong Nghị định còn bất cập và trên thực tế còn nhiều vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Cần được nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và khắc phục dần trong quá trình thực hiện. Cũng cần nghiên cứu để có các chế tài đủ mạnh đối với các vi phạm trong quá trình chuẩn bị đầu tư kể cả việc nêu ra các tiêu chuẩn, các điều kiện kỹ thuật quá mức quy định, không cần thiết, gây lãng phí vốn đầu tư.

Nguồn: TC Xây dựng số 12-2005

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)