Phát triển mảng xanh cho TPHCM: Sẽ đua nước rút?

Thứ sáu, 04/11/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các sở, ban ngành thành phố Hồ Chí Minh vừa cơ bản hoàn tất kế hoạch điều chỉnh quy hoạch cây xanh đô thị đến 2010 và xây dựng mới quy hoạch đến năm 2020. Dự kiến, trong tháng 11-2005, Công ty Công viên Cây xanh thành phố, đơn vị được Sở Giao thông Công chính ủy quyền thực hiện quy hoạch này sẽ trình UBND TPHCM bản quy hoạch mới.

Những mảng xanh khiêm tốn trên đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3.

Còn 5 năm nữa mới đến 2010 nhưng những nhà xây dựng quy hoạch về cây xanh đô thị đã khẳng định: quy hoạch mạng lưới công viên cây xanh TPHCM đến năm 2010 được UBND TPHCM phê duyệt ngày 26-1-2000 xem như đã không đạt mục tiêu. Diện tích cây xanh trung bình cho một người dân hiện mới chỉ đạt 1,6m2/người trong khi đó kế hoạch đến năm 2010 con số này phải là 6m2-7m2/người. Khả năng thành phố sẽ đua nước rút vào những năm cuối. Tuy nhiên, khả năng để đạt được mục tiêu là rất thấp bởi lẽ thành phố hầu như không còn đất trống. Việc di dời, giải tỏa để xây dựng công viên có được tính tới nhưng không khả thi lắm vì ngân sách thành phố có hạn, trong khi đó lại có rất nhiều công trình hạ tầng khác cần vốn đầu tư.Có nhiều nguyên nhân làm cho thành phố thua trong kế hoạch phát triển cây xanh đến 2010. 5 năm qua, dân số thành phố đã tăng thêm gần 2 triệu người trong khi thành phố chỉ xây dựng được 3 công viên lớn là Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc Việt Nam quận 9 - giai đoạn 1; Khu Bến Dược, Bến Đình huyện Củ Chi; Vườn ươm cây xanh, hoa kiểng Đông Thạnh quận 12 và cải tạo lại một số công viên cũ như Tao Đàn, Gia Định, 23-9…, trồng thêm một số cây xanh dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè… với tổng diện tích chỉ vài chục héc ta. Kết quả là đổ đầu bình quân, diện tích cây xanh cho mỗi người dân vẫn thấp. Thậm chí, nếu chỉ tính trong khu vực nội thành, tỷ lệ này vẫn là 0,6m2/người - y như năm 2000. Trong 5 năm này giá đất lại gần như nóng lên mỗi ngày. Đưa đất đai vào để phát triển mảng xanh không thể có những món siêu lợi nhuận như xây cao ốc cho thuê, xây nhà bán… nên nhiều quận, huyện không mặn với việc làm công viên và trồng cây. Và đây có thể nói là nguyên nhân quan trọng nhất làm cho mảng xanh không có cơ hội phát triển. Khắc phục nguyên nhân được coi là quan trọng nhất làm phá sản quy hoạch phát triển cây xanh đô thị đến 2010, các nhà hoạch định quy hoạch đến 2020 áp dụng chính sách xí chỗ trước cho cây xanh. Theo đó, họ nhắm nơi nào có cơ quan, xí nghiệp buộc phải di dời ra ngoại thành là đề nghị dành chỗ trống ấy cho cây xanh. Cụ thể, tại quận 1 họ đề nghị xây một công viên ở ngay khu đất của Công ty Ba Son đang đóng hiện nay, tại quận 5, dùng mặt bằng của Nhà máy Bia Sài Gòn, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạnh, Nhà máy Điện Chợ Quán hiện nay làm công viên… Theo ước tính của những nhà làm quy hoạch, nếu tất cả những chỗ đất này được sử dụng làm công viên thì mảng xanh thành phố sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, điều này có thể thực hiện được hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp bởi đang còn nhiều ý kiến cho rằng đưa đất đai vào xây dựng nhà cửa, văn phòng cho thuê có lợi hơn, thậm chí sẽ tạo một nguồn vốn không nhỏ giúp các doanh nghiệp phải di dời tạo lập được nhà xưởng khang trang ở nơi sản xuất mới. Ngoài xí chỗ ở những cơ sở phải di dời, các nhà hoạch định quy hoạch cũng tính đến chuyện xí chỗ cho cây xanh ở các bờ sông, kênh sẽ được cải tạo trong những năm tới. Cụ thể, họ đề nghị cho trồng cây ven theo các rạch Tàu Hũ - Bến Nghé sẽ được cải tạo trong dự án Cải thiện môi trường nước, kênh Hàng Bàng được cải tạo trong dự án thoát nước Hàng Bàng, kênh Tân Hóa - Lò Gốm được cải tạo trong dự án thoát nước Tân Hóa - Lò Gốm… Khác với đề xuất trên, đề xuất này có tính khả thi cao bởi nó nhận được sự ủng hộ của nhiều ban ngành chức năng. Một đề xuất khác cũng nhận được nhiều sự ủng hộ là đòi lại đất công viên đang bị lấn chiếm. Hiện thành phố còn khá nhiều công viên bị lấn chiếm như Tao Đàn, Lê Thị Riêng… Đòi được những diện tích này cũng giúp thành phố tăng đáng kể mảng xanh nhưng có đòi được không là chuyện khác bởi việc lấn chiếm này đã tồn tại cả hàng chục năm nay mà chưa được giải quyết dứt dạt. Một đề xuất mà theo Công ty Công viên Cây xanh là rất mới: xã hội hóa việc phát triển mảng xanh. Thực ra, từ nhiều năm trước, thành phố cũng đã mở cửa cho các thành phần kinh tế đầu tư vào đây nhưng chính sách khuyến khích đầu tư không cụ thể nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp. Theo Công ty Công viên Cây xanh, tất cả những bất cập ấy sẽ được khắc phục trong bản quy hoạch mới này.Có giải pháp để tìm ra đất trồng cây, có hướng thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực cây xanh… liệu bản quy hoạch cây xanh đô thị đến 2020 có giúp thành phố đạt được mục tiêu về mảng xanh đô thị?

Nguồn tin: SGGP, ngày 03-11-2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)