Cây xanh đô thị xã Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam

Thứ hai, 21/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tam Kỳ là thị xã tỉnh lỵ tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 70 km về phía Nam; diện tích tự nhiên: 92,63 km2 với 09 phường và 04 xã. Ngày 17/10/2005 thị xã Tam Kỳ được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3 tại Quyết định số 1933/QĐ-BXD. Sau khi được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại 3, cùng với việc tích cực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thị xã đang xúc tiến xây dựng đề án thành lập thành phố trực thuộc tỉnh trình Chính phủ công nhận vào cuối năm 2006.
Thực trạng phát triển cây xanh đô thị Tam Kỳ và những bài học kinh nghiệm
Việc trồng và phát triển cây xanh đô thị trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt, với những kết quả đạt được đều vượt so với chuẩn của đô thị loại 3 theo Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị, Thông tư liên tịch số 02/2002/TTLT-BXD-BTCCBCP ngàu 08/3/2002 hướng dẫn về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị và đã đáp ứng được nhu cầu của thành phố với những kết quả như sau: Tổng diện tích cây xanh toàn đô thị là 113 ha, chiếm 10,8% đất xây dựng đô thị, đạt 12,5 m2/người; diện tích đất cây xanh trong khu công cộng như công viên, tiểu hoa viên, nghĩa trang là 62,9 ha, đạt trên 7 m2/người; diện tích cây xanh trong các khu dân cư, công sở, trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp,… là 50,1 ha; ngoài ra trên địa bàn thị xã còn có một phần lớn diện tích cây xanh trong khu vực bảo tồn sinh thái, khu ven sông vùng ngập nước với các loài cây bản địa đặc trưng rừng cừa, làng Đoan Trai,….
Sau đây là những bài học kinh nghiệm của thị xã trong việc thực hiện trồng và phát triển cây xanh đô thị:
- Việc trồng và phát triển cây xanh đô thị phải tuân thủ đúng định hướng quy hoạch về phát triển không gian đô thị. ở thị xã Tam Kỳ, quy hoạch chung thị xã được phê duyệt năm 1997 đã định hướng phát triển đô thị theo hướng đô thị sinh thái, làng nghề gắn với du lịch. Do đó quá trình phát triển cây xanh đã có định hướng và chiến lược ngay từ ban đầu.
- Việc nghiên cứu trồng cây xanh cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để tránh tình trạng cây còi cọc, cây chết, cây không phát triển,… dẫn đến trồng lại nhiều lần gây lãng phí.
- Vấn đề quản lý và chăm sóc cây xanh hết sức quan trọng: Cần phải phân cấp rõ ràng, cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức, từng địa phương để tránh tình trạng đùn đẩy về trách nhiệm.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho từng người dân tham gia hưởng ứng về giữ gìn, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị.
Bên cạnh đó việc quản lý và phát triển cây xanh đô thị ở thị xã còn những tồn tại, khó khăn như sau:
- Đầu tư phát triển cây xanh theo quy hoạch còn chậm mà nguyên nhân là do thực hiện các quy hoạch chi tiết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
- Mặc dù đã được phân cấp quản lý, tuy nhiên việc triển khai thực hiện, tính phối hợp ngoài thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn nên chưa đạt hiệu quả cao.
- Trách nhiệm, ý thức trong việc bảo quản, chăm sóc cây xanh trong một số bộ phận cơ quan, tổ chức cũng như một bộ phận người dân chưa thật sự cao.
- Còn quá ít các doanh nghiệp, tổ chức có chức năng thi công trong lĩnh vực cây xanh để tạo tính cạnh tranh trong công tác đấu thầu nhằm nâng cao chất lượng cây xanh đô thị.
Chiến lược phát triển cây xanh của đô thị Tam Kỳ
1. Định hướng: Với mục tiêu cuối năm 2006 phát triển Tam Kỳ lên thành phố trực thuộc tỉnh, theo hướng đô thị sinh thái; đồng thời phấn đấu đến năm 2010 phát triển lên đô thị loại 2. Vì vậy, ngoài việc đầu tư mạnh kết cấu hạ tầng, thị xã tập trung phát triển các làng nghề nhà vườn, kết hợp du lịch sinh thái, tập trung phát triển cây xanh đạt 14,5 m2/người tối thiểu của đô thị loại 2 theo định hướng quy hoạch về phát triển không gian đô thị;
2. Giải pháp thực hiện:
- UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy chế quản lý đô thị trên địa bàn thị xã để làm hành lang pháp lý cho việc áp dụng quản lý toàn bộ hạ tầng đô thị nói chung và cây xanh đô thị nói riêng. Đồng thời tuân thủ Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị.
- Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh đô thị.
- Phân cấp một cách cụ thể đến các cơ quan, tổ chức, các địa phương xã, phường và từng cá nhân có trách nhiệm, cụ thể:
+ Cây xanh trên các dải phân cách, bùng binh giao cho ban quản lý các công trình công cộng thị xã làm chủ đầu tư, đấu thầu tư nhân hoá hình thành, quản lý và phát triển cây xanh theo quy hoạch được duyệt;
+ Cây xanh trên vỉa hè trước nhà dân: Giao cho UBND phường chịu trách nhiệm ký hợp đồng với từng chủ hộ trên tuyến đường quản lý, chăm sóc.
+ Cây xanh vỉa hè nơi công cộng: Giao cho UBND phường hợp đồng với đoàn thanh niên, hội phụ nữ các phường quản lý, chăm sóc.
+ Cây xanh vỉa hè xung quanh cơ quan: Giao cho thủ trưởng các cơ quan, trường học, bệnh viện, khu văn hoá, khu thể thao, khu thương mại,… hợp đồng với các chi đoàn đảm nhận và chăm sóc.
+ Phát triển hệ thống các công viên, các tiểu hoa viên, quảng trường,…
- Gắn phát triển cây xanh khu vực kinh tế mở Chu Lai với khu vực nội thị xã để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, đặc biệt trên các tuyến sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, sông Trường Giang, sông Tam Kỳ.

H. Phước
Nguồn tin: Hội thảo Quản lý công viên - cây xanh đô thị, tháng 6/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)