Vai trò mới của nhà quy hoạch đô thị trong sự phát triển xã hội công dân ở Việt Nam

Thứ năm, 17/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đề Bài viết phân tích kinh nghiệm ở Anh, Mỹ và Trung Quốc trong việc xây dựng và đổi mới chính quyền địa phương theo hướng ưu tiên phát triển kinh tế, rút ra những bài học cho quá trình hoàn thiện hệ thống các tổ chức cộng đồng địa phương ở nước ta trong thời kỳ đổi mới. Trong đó, vai trò của nhà quy hoạch đô thị không chỉ trong các viện, cơ quan tư vấn, mà còn phải làm việc, xây dựng chính sách và kế hoạch ngay tại tổ chức xã hội, trong chính quyền nhà nước từ T.Ư đến địa phương.
Đó là nhu cầu mới của xã hội, đòi hỏi phải xác định lại vai trò của nhà quy hoạch trong việc nắm bắt những cơ hội phát triển, khai thác hiệu quả những nguồn lực và tiềm năng trong nhân dân kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, tổ chức cộng đồng, doanh nhân,... trong quy hoạch và phát triển đất nước.

2. Xã hội công dân - bản chất vấn đề

a. Khái niệm xã hội công dân
Cụm từ xã hội công dân XHCD đầu tiên do Aritolte đưa ra, sau đó Cicero chuyển sang tiếng Latinh được hiểu là sự liên kết giữa Nhà nước và nhân dân Deng, 1939. Từ Civil Society tiếng Anh xuất hiện từ thế kỷ thứ 14, nhưng không truyền tải rõ ràng khái niệm của XHCD Habeman,1962. Nhân tố cơ bản của xã hội công dân là những điều luật, hoặc tập quán hành động được chuẩn hoá giữa Nhà nước và xã hội. XHCD là xã hội trong đó người dân đóng vai trò chủ chốt, phát huy tối đa khả năng của mình trong cơ cấu các hiệp hội tổ chức chính trị, tham gia thảo luận xã hội và có ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội và chính trị. XHCD đòi hỏi các hình thức quản trị nhà nước kiểu mới govermance - với sự liên minh giữa các thành phần trong xã hội thông qua quá trình luật pháp hoá chứ không chỉ đơn thuần là các bộ máy hành chính cồng kềnh và các mệnh lệnh từ trung ương. Theo xã hội học hiện đại, định nghĩa của XHCD dựa vào mối quan hệ phức tạp giữa Nhà nước và nhân dân, các thành phần xã hội, trong đó các thành phần này sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc ra chính sách cũng như ra luật.

b. Xã hội công dân với vai trò của nhà quy hoạch đô thị ở phương Tây
Lịch sử quy hoạch phương Tây từ sau đại chiến thế giới thứ hai có nhiều biến động, có thể chia làm ba giai đoạn:
Giai đoạn 1945 - 1960, khắc phục hậu quả chiến tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển và hệ quả là quyền lực của chính phủ trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Chính quyền T.Ư điều khiển toàn bộ hoạt động kinh tế và đồng thời điều chỉnh các xung đột giữa các nhóm lợi ích.
Vai trò và nhiệm vụ của nhà quy hoạch bấy giờ là thể hiện ý đồ của các nhóm lợi ích và quy hoạch tổng thể trở thành khuôn khổ pháp lý cho đầu tư ngắn. Điều này đáp ứng được nhu cầu phát triển sau chiến tranh, nhưng người dân lại bị bỏ qua trong quá trình lập quy hoạch và chính sách.
Trong bối cảnh ấy, nhiều nhà quy hoạch, đặc biệt là các nhà quy hoạch xã hội social planner đã đấu tranh cho quyền lợi của người dân, mở đầu giai đoạn 2 từ cuối những năm 60 đến đầu 70 của thế kỷ trước. Và Pual Davidoff, người đi đầu huy động xã hội phát triển dự án, đặc biệt là cho người nghèo. Nhà quy hoạch có vai trò mới, thành người đại diện của cộng đồng xã hội đàm phán với chính phủ trong việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể với những quy hoạch hành động cụ thể có sự tham gia trực tiếp của các thành phần xã hội.
Giai đoạn thứ ba từ giữa những năm 70 phát triển theo hướng công nghiệp hoá và toàn cầu hoá. Bắt đầu khi chính quyền Thatcher và Regan thực thi chính sách cạnh tranh và thị trường tự do với phương châm hạn chế tối đa sự can thiệp của nhà nước đến các hoạt động kinh tế, đồng thời đề cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, tổ chức cộng đồng. Quy hoạch truyền thống vì thế bị thay đổi và vai trò của nhà quy hoạch cũng được xác định lại. Như vậy từ cuối những năm 80 đầu 90, XHCD với thị trường hoá và dân chủ hoá toàn cầu là khuynh hướng chung được các nhà nghiên cứu quan tâm phân tích.

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.5220.866' />

c. Xã hội công dân ở Trung Quốc
Khác với phương Tây, XHCD mới phát triển từ đầu những năm 80, ngay sau khi diễn ra quá trình chuyển đổi cơ chế thị trường. Đó là XHCD mang màu sắc Trung Quốc. Đầu tiên, là sự đa dạng các thành phần kinh tế với ưu thế của kinh tế tư nhân. Tiếp đến là giai đoạn chính quyền T.Ư chia sẻ bớt quyền lực xuống địa phương. Giai đoạn thứ ba, tách sản xuất kinh doanh khỏi chính quyền và các bộ để chú trọng vào quản lý và hoạch định chính sách. Đây là giai đoạn phát triển các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận,... Giai đoạn thứ tư, Trung Quốc công nhận đất đai là hàng hoá và một lần nữa khẳng định sự đa dạng các thành phần kinh tế. Một thực tế quan trọng khác là khi kinh tế phát triển, càng phải quan tâm nhiều hơn đến người dân. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cấu trúc xã hội Trung Quốc được nhiều học giả đánh giá là còn quá sớm để nói đó là XHCD.

d. Xã hội công dân ở Việt Nam
Việt Nam sau 20 năm đổi mới, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đã có những thành công vượt bậc trong kinh tế, trong đó khối doanh nghiệp dân doanh đóng vai trò quan trọng và là động lực chính trong quá trình đổi mới. Rõ ràng, ở Việt Nam sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế đang giảm dần mà theo hướng xã hội hoá. Nhiều lĩnh vực nhân dân có thể triển khai trên cơ sở pháp luật minh bạch và trong mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước với các đoàn thể và nhân dân.
Đó là sự bắt đầu một XHCD trong đó quy chế dân chủ cơ sở và quyền giám sát tối cao của nhân dân phát huy hiệu quả trong việc lập quy hoạch và chính sách theo hướng đổi mới các quan hệ Nhà nước với người dân.
Ở Việt Nam hiện có một hệ thống tổ chức xã hội hoá khá toàn diện mà đại diện là Mặt trận Tổ quốc với gần 1000 tổ chức theo thống kê của UNDP. Các tổ chức xã hội này ngày càng tham gia sâu vào mối quan hệ nhà nước truyền thống và tạo ra các mối quan hệ tương tác theo kiểu XHCD. Như vậy các mối quan hệ này tác động đến việc ra quyết định của chính quyền T.Ư trong xây dựng chính sách và lập quy hoạch. Vấn đề là làm thế nào để minh bạch hoá thể chế hoạt động theo hướng có lợi cho xá hội. Đó chính là sứ mệnh của các nhà quy hoạch xã hội làm việc trong các tổ chức xã hội để tham vấn, nghiên cứu chính sách, đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường để phục vụ tốt nhất cho xã hội.
Cơ chế vận động mới của XHCD dựa trên các yếu tố dân chủ cơ sở và minh bạch hoá trong một thị trường mở. Ví dụ, quy hoạch sử dụng đất đai và bất động sản thể hiện ở trong hai mô hình cổ điển và cộng đồng hình 1,2; trong đó thị trường là nơi phản ánh tốt nhất mọi thay đổi xã hội và là công cụ hữu hiệu để đo sự thành công của một chế độ xã hội. Mô hình cổ điển cho thấy hệ thống được Nhà nước bảo trợ, sẽ dẫn đến sự trì trệ, bảo thủ và quan liêu. Theo mô hình cộng đồng, các nhóm quyền lợi và người dân có quyền đòi hỏi chính phủ đáp ứng những đòi hỏi của họ. Đây là xu hướng đổi mới xã hội dân chủ phương Tây hiện nay.
Vấn đề đặt ra là, trong giai đoạn chuyển đổi, làm thế nào để có một mô hình quản lý phát triển quy hoạch tốt nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế chính trị tại Việt Nam?
Trong một XHCD, phát triển xã hội là nhiệm vụ chung của toàn dân và tiếng nói của Chính phủ là tập hợp tiếng nói của các thành phần xã hội. Quy hoạch và chính sách phải được hội thảo, lấy ý kiến sâu rộng trong giới nghề nghiệp và các thành phần xã hội. Đó là công khai và minh bạch hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động với sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội. Các cơ quan chỉ là công cụ thực thi các chính sách và triển khai quy hoạch. Đây là khâu quan trọng, quyết định thành công của một dự án. Như vậy trong khâu thiết kế quy hoạch và chính sách càng tỷ mỷ, rõ ràng bao nhiêu thì khâu thực thi và giám sát càng trở nên đơn giản và đỡ tốn kém bấy nhiêu và người dân sẽ là người giám sát tối cao, được bảo trợ bằng luật pháp.

3. Vai trò mới của nhà quy hoạch

Thực tế hiện nay cho thấy, các nhà quy hoạch mới chỉ đáp ứng được các dạng quy hoạch truyền thống, mang yếu tố vật thể. Mặt khác, công tác quy hoạch do nhiều bộ ngành tham gia, trong khi chưa có quy hoạch, nên tỷ lệ vi phạm và không tuân thủ theo quy hoạch là lớn. Trong khi quy hoạch bao trùm lên các mặt từ kinh tế chính trị, luật pháp đến kỹ thuật xây dựng. Do đó để đáp ứng nhu cầu của xã hội, rất cần nhà quy hoạch xã hội và kỹ sư quy hoạch. Ở Việt Nam chưa có nhà quy hoạch theo đúng nghĩa*. Trong bối cảnh một XHCD đang hình thành thì các nhà quy hoạch xã hội sẽ là người tiên phong và không thể thiếu.
Quy hoạch đô thị ở nước ta đang trải qua những thay đổi mang tính bản lề. Quản lý và phát triển đô thị gắn liền với cấu trúc hành chính nhà nước, đơn vị quyết định chính để hình thành và điều khiển các hoạt động của một đô thị. Cấu trúc xã hội thay đổi từ chỗ khép kín giữa các cơ quan nhà nước với nhau sang chỗ có nhiều tổ chức trung gian và nhân dân tham gia. Nếu coi quy hoạch là một quy trình hơn là một sản phẩm, rõ ràng nhà quy hoạch phải phải ý thức rằng làm sao càng nhiều người tham gia trong quy trình quy hoạch thì càng tốt, đồng thời phải hiểu rõ cộng đồng nơi quy hoạch muốn gì. Hơn nữa, khi có nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, đoàn thể chính trị và các tổ chức của người dân tham gia thì những kỹ năng làm việc cộng đồng, kỹ năng thuyết phục, đàm phán và đánh giá các nhu cầu xã hội trở nên đặc biệt hữu hiệu và rõ ràng, nhưng vấn đề này chưa được đào tạo và chú ý phát triển ở nước ta.
Có thể hình dung một mô hình quản lý đô thị phù hợp với điều kiện của Việt Nam như sau: một cơ cấu thực thi bao gồm các cơ quan có nhiệm vụ quản lý đô thị. Nếu một quy trình được thiết kế cụ thể, có sự giám sát của người dân thì việc thực thi đúng hay sai rất rõ ràng. Quy hoạch chính xác thì ai cũng có thể tiếp nhận hồ sơ xây dựng, chỉ cần xem trong các liệt kê và các bảng biểu là có thể quyết định. Chỉ khi người dân và các nhà chuyên môn báo cáo có vấn đề thì bộ phận nghiên cứu sẽ vào cuộc và mổ xẻ vấn đề một cách bài bản và khoa học quy trình này là phản biện xã hội và lúc đó một chu trình làm việc mới sẽ được công bố. Theo hình thức này, các cơ quan xét duyệt không cần đòi hỏi đội ngũ chuyên môn cao, bởi chu trình xét duyệt đã rõ ràng, hình thức dự án được minh bạch hoá. Người cán bộ chỉ thực hiện sao cho đúng tiến độ, tuân thủ đúng quy trình đề ra. Điều này giúp khắc phục được một yếu điểm lớn của chúng ta là lực lượng và năng lực chuyên môn quy hoạch quá mỏng và yếu nhất là ở các quận huyện và các tỉnh thành không thuộc T.Ư. Như vậy, rõ ràng yếu tố luật pháp được đặt lên hàng đầu trong một XHCD. Nếu XHCD được xây dựng nơi mọi chu trình làm việc đều được công khai và minh bạch, và được bảo trợ dưới luật thì nhà quy hoạch phải hiểu rõ luật hơn ai hết và phải được trang bị các kỹ năng bảo vệ luật và thực thi luật cũng như các quy trình để hình thành luật. Điều này rõ ràng là các trường đại học xây dựng, kiến trúc hiện nay ở nước ta chưa đáp ứng được.

4. Kết luận

Chúng ta đang trong quá trình tìm tòi xây dựng một xã hội Việt Nam dân chủ văn minh và hiện đại. Trên thế giới, các nước tiên tiến cũng đã phần nào trải qua những vấn đề mà chúng ta gặp phải hôm nay, làm thế nào để đi tắt đón đầu vững bước trên con đường xây dựng đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh là nhiệm vụ của mọi công dân, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các nhà quy hoạch. Một XHCD, trong đó các mối quan hệ nhà nước được giải quyết dựa trên quyền lợi tối cao của người dân mà vai trò của nhà nước chỉ còn là chất xúc tác và tạo đà cho sự phát triển, còn nhân vật chính là người dân và khối dân doanh được bảo trợ hoạt động dưới pháp luật minh bạch. Mối quan hệ nhà nước kiểu mới cũng là những xu hướng thời đại trong đó vai trò của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ càng được coi trọng tiến tới một phản biện xã hội trong đó Mặt trận Tổ quốc là đầu tầu. Với những phân tích trên, sự xuất hiện nhà quy hoạch xã hội sẽ là nét mới trong lĩnh vực quy hoạch ở nước ta.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 7/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)