Nghiên cứu mô hình quy hoạch và quản lý hiệu quả hệ thống cấp nước đô thị Việt Nam

Thứ năm, 06/04/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Liên hiệp quốc đã tuyên bố từ năm 1981 đến 1990 là "Thập kỷ quốc tế về nước sạch và vệ sinh". Với mục tiêu tất cả mọi người trên trái đất phải được dùng nước sạch. Đây là công việc rất nặng nề, Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới dự kiến kinh phí đầu tư lên đến 600 tỷ USD với hy vọng cải thiện điều kiện sống cho 2 tỷ người, nhờ đó bệnh tật sẽ được giảm đi. Theo Tổ chức Y tế thế giới thì 80% bệnh tật của con người liên quan trực tiếp tới nước.
Trong đó 400 triệu người bị viêm dạ dầy và ruột, 200 triệu người bị bệnh sán, 160 triệu người bị bệnh giun kim, ngoài ra người ta còn cho rằng nước ô nhiễm là thủ phạm của 50% trường hợp tử vong ở trẻ em. Sự truyền nhiễm các bệnh do nước xảy ra khắp nơi trên thế giới, kinh phí hàng năm dùng để chữa bệnh tiêu tốn nhiều tỷ USD.
Chính vì lẽ đó việc tìm kiếm các giải pháp và công nghệ mới nhằm sản xuất ra những m3 nước đảm bảo yêu cầu chất lượng cho con người là đòi hỏi của cả nhân loại.
Những năm qua để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, hệ thống cấp nước các đô thị Việt Nam đã được Nhà nước và Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư, xây dựng. Chỉ trong hơn 10 năm kể từ năm 1990, chúng ta đã đầu tư xây dựng khoảng 170 dự án cấp nước đô thị. Nhờ vậy, tình hình cấp nước đã được cải thiện, hầu hết 64 tỉnh, thành đã có dự án cấp nước với mức độ đầu tư khác nhau. Bằng vốn đầu tư trong nước, vốn vay, vốn tài trợ của nước ngoài. Tổng số nhà máy trên toàn quốc khoảng 240, tổng công suất 3.750.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại: tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch mới đạt trung bình khoảng trên 50%, chất lượng dịch vụ thấp. Việc đầu tư cấp nước lại không đồng bộ, mới chỉ chú trọng phần tăng công suất cấp nước mà chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư phần mạng lưới cho tương xứng; chưa kết hợp có hiệu quả đầu tư cải tạo hệ thống cấp nước hiện có với việc xây dựng mới.
Hiện nay nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... vẫn thường xuyên thiếu nước. Ở Việt Nam nguồn nước chủ yếu sử dụng là nước mặt và nước ngầm. Trong đó 2/3 là nước mặt từ các sông 2,6 triệu m3. Trong nước ngầm cũng đã xuất hiện ô nhiễm Fe, Mn, NH4+, các chất hữu cơ và kim loại nặng... Nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt do tác động của con người và thiên nhiên gia tăng. Hiện tại và tương lai chất lượng nguồn nước ngày càng không ổn định, diễn biến theo chiều hướng xấu.
Tỷ lệ thất thoát và thất thu nước khoảng 30 - 50%, có nới lên tới 60% đã làm cho tình trạng thiếu nước tại các đô thị, nhất là trong những tháng nắng, nóng càng trở nên căng thẳng, gây ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Trong tổng số khoảng 17.600km đường ống cấp nước, 60% đã được xây dựng hơn 35 năm nay với nhiều quy cách, chủng loại vật liệu đường ống khác nhau, trong quá trình sử dụng trải qua nhiều biến động cả thời gian, không gian, vị trí, dẫn tới xuống cấp nghiêm trọng, gây thất thoát lớn về lưu lượng, tổn thất cao về áp lực, hiện tượng gẫy vỡ ống cũng như han gỉ ống là những nguyên nhân chính khiến chất lượng nước sạch không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh theo yêu cầu.
Chất lượng nước không đạt yêu cầu sử dụng. Sự cố chất lượng nước bị nhiễm bẩn tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua, cũng như chất lượng nước kém tại nhiều đô thị như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, nhiễm mặn tại Huế, tại Hưng Yên đang trở thành vấn đề bức xúc gây khó khăn cho chính quyền, gây hoang mang, lo sợ cho người dân, đặt nhiều công ty cấp nước trước những vấn đề thuộc trách nhiệm pháp lý.
Hầu như các đô thị hiện nay đều không duy trì được việc cấp nước 24/24 giờ, mà phần lớn chỉ được cấp nước một số giờ trong ngày. Điều này bắt buộc các hộ tiêu thụ phải có công trình dự trữ nước, xử lý nước và bơm nước cục bộ, gây ra sự lãng phí lớn về kinh tế.
Hiện nay các công ty cấp nước còn đang bị ảnh hưởng của cơ chế quan liêu bao cấp, công tác quản lý tổ chức và quản lý nhân lực yếu, hiệu quả công tác điều hành không cao, gây thất thoát thất thu trong kinh doanh cũng như gây ức chế, mất lòng tin của khách hàng, thu không đủ chi phí, khiến cho sản xuất không phát triển.
Về cơ cấu tổ chức, hiện cả nước chưa có một cơ cấu thống nhất. Có địa phương giao cho công ty cấp nước cấp tỉnh quản lý toàn bộ hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh, có địa phương giao cho các nhà máy nước theo từng địa bàn riêng biệt, có địa phương để các công ty cấp nước trực thuộc tỉnh, có địa phương giao các công ty cấp nước cho UBND thị xã quản lý, đa phần các công ty cấp nước trực thuộc sở Xây dựng, sở Giao thông Công chính. Cơ cấu tổ chức không đồng bộ như hiện nay đang là trở ngại kìm hãm sự phát triển của toàn ngành. Nguồn nhân lực không được quan tâm đào tạo mới, đào tạo lại, khiến cho trình độ cán bộ và công nhân thấp, hạn chế nhiều đến công tác vận hành, bảo dưỡng cũng như tiếp thu công nghệ mới của các nước tiên tiến trong quá trình đầu tư và phát triển ngành.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành đều định giá nước làm nhiều loại giá, tăng giá nước sản xuất và kinh doanh để bù cho giá nước sinh hoạt và công cộng, vấn đề này đang là sự phi lý bắt buộc phải chấp nhận... Nhiều nơi do cung cấp nước không đủ vẫn còn quy định định mức sử dụng, dùng nhiều không khuyến khích mà còn bị phạt trả tiền theo luỹ tiến, đi ngược nguyên lý kinh doanh thông thường.
Mục tiêu chung của các công ty cấp nước là bù đắp đủ chi phí vận hành, bảo dưỡng cũng như sử dụng nguồn vốn khấu hao để đầu tư nâng cấp các thiết bị công nghệ, tiến tới tự chủ về mặt tài chính nhằm hiện đại hoá hoá ngành; quy hoạch, đầu tư, xây dựng mới, cải tạo các hệ thống cấp nước, cũng như đổi mới công tác quản lý để giảm lượng nước thất thoát, thất thu, thu hồi vốn để trả nợ, tái đầu tư.
Công nghệ xử lý nước trong tất cả các hệ thống cấp nước, mới chỉ đạt ở mức xử lý nước thông thường. Hiện nay, nhu cầu của xã hội đòi hỏi nước dùng sinh hoạt của con người phải có chất lượng cao, có thể uống được tại vòi.
Hệ thống cấp nước các đô thị Việt Nam đang xây dựng và vận hành là hệ thống cấp nước chung. Tất cả các đô thị chỉ có một hệ thống duy nhất, cung cấp cho mọi nhu cầu dùng nước, có yêu cầu chất lượng từ thấp đến cao. Từ yêu cầu nước rửa xe, tưới đường, tưới cây, nước dùng cho xây dựng, nước công nghiệp cho đến nhu cầu nước dùng cho ăn uống trực tiếp từ vòi. Cách đây 30 năm, chỉ có vài tham số đơn giản để đánh giá chất lượng nước thì ngày nay yêu cầu có khoảng 150 tham số trong đó có các chất hữu cơ, nitơ và đặc biệt là các vi sinh gây ô nhiễm thuốc trừ sâu, chất phòng ngừa bệnh, dược phẩm, chất kháng sinh, hoocmon, virut, động vật đơn bào....
Việc đầu tư xây dựng cải tạo các nhà máy nước hiện nay với tổng công suất 3.750.000m3/ngày đêm để có chất lượng cao là một việc làm xa xỉ và không thể thực hiện trong một thời gian ngắn vì sự phức tạp của một hệ thống cũ nát có tuổi đời hàng trăm năm nay.
Theo nghiên cứu của công ty cấp nước Degremont, con người dùng hàng ngày 2 lít nước cho nhu cầu uống và nấu ăn, lượng nước này phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, ở các nước nhiệt đới như Việt Nam có thể thay đổi từ 3 đến 4 lít. Nếu cộng thêm 30% lượng nước cho chế biến thực phẩm và 20% lượng nước để làm sạch và thất thoát thì tổng lượng nước dùng cho ăn uống của con người trong một ngày đêm có thể lên tới 5 lít. Như vậy, nếu xây dựng một hệ thống độc lập có chất lượng cao để cấp cho ăn uống sinh hoạt với tiêu chuẩn 5 lít/người/ngày, thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.
Mô hình hệ thống cấp nước cho các đô thị đề xuất là mô hình cấp nước tổng hợp. Trong đó bao gồm:
- Hệ thống cấp nước ăn uống Được xây mới với tiêu chuẩn dùng nước = 5 lít/người/ngày.
- Hệ thống dịch vụ chung sử dụng hệ thống hiện tại và có thể bổ sung hệ thống cấp nước tưới cây, tưới đường... bằng hệ thống tuần hoàn nước thải đã xử lý triệt để theo tiêu chuẩn cấp nước đô thị.
Trên cơ sở mô hình hệ thống cấp nước mới, sẽ xây dựng cơ cấu tổ chức nhân sự và tài chính cho phù hợp, nhằm quản lý hiệu quả hệ thống cấp nước của các đô thị Việt Nam trong tương lai.

Mô hình quy hoạch và quản lý hiệu quả hệ thống cấp nước:
Có thể có các dạng cấp nước sau:
1. Hệ thống cấp nước dùng cho ăn uống, xây dựng tách riêng hệ thống cấp nước dịch vụ chung.
2. Hệ thống cấp nước dùng cho ăn uống có nguồn nước là nước đã qua xử lý của hệ thống cấp nước dịch vụ chung với 2 dạng:
a. Công trình xử lý đặt trong khu xử lý của hệ thống cấp nước dịch vụ chung.
b. Công trình xử lý chia nhỏ đặt tại nhiều vị trí trên hệ thống cấp nước dịch vụ chung.

Ưu điểm quản lý của hệ thống cấp nước mới:
1. Kỹ thuật: Có khả năng ứng dụng ngay các công nghệ mới nhất của khoa học công nghệ lọc màng, để xây dựng một hệ thống cấp nước có chất lượng. Đáp ứng ngay việc nâng cao chất lượng nước cho ăn uống của người tiêu dùng.
2. Tổ chức nhân sự: Chắc chắn một hệ thống cấp nước chuyên biệt được đầu tư, xây dựng đồng bộ, hiện đại với công nghệ tiên tiến sẽ có hệ thống quản lý khoa học và hiệu quả, an toàn. Nhà nước chỉ quản lý chặt chẽ nước dùng cho ăn, uống, còn nước dùng cho dịch vụ chung sẽ cho phép xã hội hoá, các tổ chức và mọi cá nhân có thể tham gia sản xuất và cung ứng. Nước sẽ trở thành một ngành công nghiệp thực sự.
3. Quản lý kinh tế: Nếu muốn nâng cao chất lượng nước trên cơ sở hệ thống cấp nước dịch vụ chung thì phải đầu tư cải tạo xây mới tất cả các hạng mục của hệ thống cấp nước, điều này sẽ cực kỳ tốn kém cả về kinh phí và thời gian. Còn việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho ăn uống, vì công suất cấp nước cho nhu cầu này rất nhỏ khoảng 1/30 công suất của hệ thống cấp nước chung, do đó vốn đầu tư sẽ thấp. Mặt khác, nếu chất lượng nước được nâng lên, thói quen uống nước đun sôi bị loại bỏ chưa kể tới việc hàng triệu gia đình không phải tự xử lý nước riêng, cũng như mua nước đóng bình, đóng chai để ăn uống với giá trị từ 1,5 - 8,0 triệu/m3 như hiện nay thì hiệu quả kinh tế sẽ vô cùng to lớn. Nước sẽ trở thành hàng hoá thực sự, có chủng loại, có giá cả thấp, cao. Giá nước sẽ được tính đúng, tính đủ, ngành nước sẽ phát triển.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 3/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)