Giá vàng tăng không ảnh hưởng mạnh tới tiến độ bán nhà theo NĐ 61/CP

Thứ tư, 17/05/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quy định một số hợp đồng mua nhà nguyên tắc phải thanh toán bằng vàngkhi giá vàng liên tục tăng đột biến, đã thực sự gây sốc đối với những người mua nhà diện tái định cư và mua nhà theo Nghị định NĐ 61/CP. Tuy nhiên, dư luận có phần giảm nhiệt trước thông tin TP.HCM và Hà Nội đã và đang tiến hành xem xét, tính toán lại cụ thể để người mua nhà không phải chịu thiệt thòi quá mức.
Bức xúc trước thực trạng này, dư luận đặt câu hỏi: Liệu từ nay có nên bãi bỏ hẳn quy định giao dịch nhà theo giá vàng? Thậm chí, cả một số quan chức Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng cho rằng nên chấm dứt việc mua bán nhà, ghi nợ bằng vàng. Luận điểm này thoạt nghe được dư luận hết sức đồng tình bởi có những lý do rất thuyết phục: Đồng tiền Việt Nam đang chứng tỏ được sự ổn định, phương thức mua bán, ghi nợ bằng vàng đã lạc hậu... Tuy nhiên, nếu mổ xẻ thật kỹ vấn đề thì câu chuyện nóng hổi và bức xúc vừa diễn ra trong thời gian qua có những nguyên nhân sâu xa hơn và đáng lưu tâm hơn rất nhiều, mà không phải từ nguyên nhân chính là vàng tăng giá.
Ông Trịnh Huy Thục - Cục trưởng Cục Quản lý nhà Bộ Xây dựng tỏ ra có lý khi đặt vấn đề theo chiều ngược lại: Giả sử giá vàng không tăng mà lại giảm đột biến thì điều gì sẽ xảy ra? Thoạt nghe ai cũng cho rằng chuyện ngược đời vàng mất giá là điều chưa từng xảy ra, nhưng theo ông Thục, rủi ro có thể xảy ra theo bất cứ chiều hướng nào mà ta không thể lường trước. Vậy giả sử, vàng mất giá thảm hại, các hợp đồng mua - bán nhà tính theo vàng sẽ phải xử lý như thế nào? Lúc đó, theo dự đoán của ông Thục, tất nhiên nhà đầu tư sẽ phải thuyết phục với bên mua nhà cùng ngồi lại để tính toán lại giá cả. Điều đó cũng giống như việc TP.HCM và Hà Nội đã và đang xử lý các hợp đồng mua bán nhà ghi nợ bằng vàng.
Việc nên thanh toán hợp đồng mua bán nhà bằng tiền đồng là điều không cần tranh cãi, tuy nhiên việc mua bán này chỉ yên bình trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ổn định. Nhưng nếu có rủi ro xảy ra, điều này không ai lường trước được - lạm phát hoặc lãi suất tiền gửi tăng đột biến thì khi ấy, việc các bên thương thảo lại để có mức giá hợp lý để không bị bên nào chịu thiệt thòi quá mức là điều vẫn có thể thực hiện được nếu trong hợp đồng mua bán ghi cụ thể điều khoản này. Đó chính là tinh thần của Luật Dân sự. Tiếc rằng trước nay, trong một số trường hợp cụ thể, các bên khi ký hợp đồng giao dịch dân sự mua bán nhà đã không chú ý tới vấn đề này, trong khi đó là quyền lợi hết sức chính đáng để tự bảo vệ mình. Theo ông Trịnh Huy Thục, đó mới là điều cần lưu tâm, cần rút ra bài học sâu sắc sau sự kiện vàng tăng giá đột biến chứ không phải huỷ bỏ phương thức giao dịch nhà bằng vàng.
Xung quanh ý kiến hồ nghi rằng, tới đây tiến độ bán nhà theo NĐ 61/CP sẽ bị đình trệ, ông Thục phản bác: Cần phải hiểu đúng về mục tiêu bán nhà của NĐ 61/CP là không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Bởi vậy, việc giá vàng tăng không phải sức ép quá lớn. Nếu thấy hợp lý, Nhà nước sẽ xem xét để điều chỉnh cụ thể. Tuy nhiên điều chỉnh như thế nào thì chưa thể nói ngay được bởi phụ thuộc vào nhiều vấn đề như: Phải điều tra số lượng cụ thể những hợp đồng đã quá hạn 10 năm diện ghi nợ bằng vàng. Tuy nhiên do số lượng không nhiều nên chắc chắn không ảnh hưởng mạnh tới tiến độ bán nhà theo NĐ 61/CP như dư luận đang lo lắng.

Nguồn tin: Báo Xây dựng số 37, ngày 9/5/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)