Kinh nghiệm khi làm nhà

Thứ hai, 24/04/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngôi nhà hoàn hảo của riêng mình là mơ ước của tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng đạt được mục đích đó. Nhiều ngôi nhà ngay khi xây xong chủ nhân đã không thấy thoả mãn. Phần lớn là họ chưa có một quá trình chuẩn bị thiết kế kỹ lưỡng, cân nhắc các yêu cầu và sở thích hợp lý dẫn đến sự vội vã gấp rút mà quá trình thi công không khắc phục được.
Không có sẵn nhiều kiểu nhà cho bạn chọn lựa cũng như có chung một bản vẽ thiết kế cho các ngôi nhà nên bạn cần cùng với kiến trúc sư tìm tòi nghiên cứu để đưa ra những giải pháp thích hợp nhất. Thêm nữa, việc trang bị cho mình một số kiến thức về xây dựng cơ bản, biết tổ chức sắp xếp công việc hợp lý sẽ là yếu tố thuận lợi giúp bạn không bị lúng túng, bị động trong suốt quá trình xây nhà.

Chọn mặt gửi nhà
Khi có ý định xây nhà, bạn nên cung cấp cho người thiết kế những thông tin tóm tắt về gia đình bạn, về mảnh đất và như cầu sở thích sử dụng của các thành viên trong gia đình như bạn cần xây nhà mấy tầng, phòng khách diện tích bao nhiêu, phòng bếp có lối đi riêng hay phải thông qua phòng khách, có sử dụng phong ăn chung với không gian bếp và cần bố trí tối thiểu cho bao nhiêu người, cần có mấy phòng ngủ, có làm thêm phòng trẻ em không?...
Bạn nên nhớ rằng bảng liệt kê càng chi tiết tỉ mỉ, người thiết kế càng có cơ sở để hình dung ra điều kiện sinh hoạt của chủ nhà để từ đó dẫn đến giải pháp thiết kế phù hợp. Đối với công trình nhà xây trên 3 tầng và diện tích xây dựng trên 200m2 bạn nên bàn bạc với người thiết kế tổ chức khảo sát địa chất công trình trước khi thi công với mục đích là thu thập tài liệu về các lớp đất, các đặc trưng kết cấu để làm cơ sở tính toán cấu tạo móng cho phù hợp và lựa chọn các biện pháp thi công. Bạn phải tập làm quen với bản vẽ thiết kế, hình dung được mặt bằng ngôi nhà mình. Giống như có một bức ảnh chụp từ trên cao xuống cần hình dung việc sống trong ngôi nhà đó như thế nào. Đường giao thông trong nhà có thuận tiện không, từ phòng ngủ hay phòng làm việc đến bếp, phòng khách khoảng cách như thế nào, đường đi trong cùng tầng, hay phải qua cầu thang, khu vệ sinh có được bố trí hợp lý không?
Tuy nhiên bạn cũng nên hiểu rằng mọi ý muốn của mình giới hạn bởi mảnh đất. Mong muốn thì nhiều nhưng đất đai có giới hạn nên phải chấp nhận mục tiêu nào là chủ yếu, quan trọng nhất. Mỗi người có một ý thích trong việc bố trí nhà ở nên bạn phải vững tin với quyết định của mình và nhà thiết kế đã lựa chọn, không nên bị dao động bởi những ý kiến bên ngoài. Chấp nhận những ý kiến hợp lý nhưng những vấn đề thuộc về nguyên tắc ý thích cá nhân thì không nên thay đổi. Bạn hãy nhớ rằng ngôi nhà là của mình, để cho mình sự tiện nghi thoải mái khi sống trong đó, không nên lệ thuộc vào những người khác.

Bố trí mặt bằng
Việc nghiên cứu một cách cẩn thận mặt bằng bố trí các tầng, sự liên hệ giao thông giữa các phòng với nhau là một điều kiện tiên quyết để khẳng định ngôi nhà có kiến trúc đẹp hay không. Để làm được điều này thì cách tốt nhất là bạn cần phải xác định được kích thước các căn phòng trong nhà dựa trên việc sắp xếp, bày biện đồ đạc hay dựa trên chức năng của mỗi phòng để bố trí thuận tiện để bố trí đường điện nước và tiện nghi trong sử dụng. Dưới đây là một số gợi ý bố trí mặt bằng cho các phòng dành cho bạn tham khảo.
Phòng ngủ: là nơi nghỉ ngơi thư giãn hoàn toàn sau một ngày làm việc nên cần được thiết kế rộng rãi thoáng mát, đồ đạc bài trí ngăn nắp dụng. Một phòng ngủ tối thiểu phải có diện tích 15m2 và kê được một chiếc giường đôi và tủ áo. Nên kê giường ở giữa phòng cho có nhiều góc. Nếu phòng ngủ hẹp thì nhất thiết bạn cần phải tính toán bố trí mặt bằng sao cho khi kê giường ở giữa có khoảng trống ở xung quanh từ 0,4 - 0,6m. Tủ áo là vật dụng không thể thiếu trong phòng ngủ. Tủ thường có kích thước 1.8m x 2m x50cm, vị trí kê tủ phải được thể hiện trong bản vẽ bố trí mặt bằng.
Nếu phòng ngủ chật thì bạn có thể nghĩ đến làm tủ âm tường để tiết kiệm diện tích. Tiếng ồn trong phòng ngủ giới hạn ở 45 - 50dB. Nếu ở khu vực qua ồn bạn nên nghĩ đến việc làm những cửa sổ có lắp kính "chết" hai lớp. Cửa sổ phòng ngủ nên được bố trí song song với giường để không bị ánh sáng hắt trực diện. Nếu phòng ngủ hẹp có thể dùng cửa sổ lớn choáng hết một bức tường và lắp khung kính để tạo cảm giác nới rộng không gian.
Phòng bếp: ngày nay bếp đã được coi là khu trung tâm của ngôi nhà. Một căn bếp dù lớn hay nhỏ cũng phải tạo thành một hệ thống hợp lý: tam giác giữa ba khu vực: chuẩn bị - bếp nấu và bồn rửa. Bạn nên đặt bồn rửa ở nơi có ánh sáng thiên nhiên hoặc gần cửa sổ. Tủ lạnh cũng là một bộ phận quan trọng trong tam giác hoạt động nên cũng cần tính chỗ đặt gần bệ bếp. Nếu mặt bằng căn bếp chật thì bạn cũng nên tính toán để bố trí modun bếp theo hình chữ L, U hay kê dọc mặt tường.
Khu toilet: nhiều gia đình bố trí toilet ở những nơi quá kín để tiết kiệm diện tích như gầm cầu thang nên mất đi vai trò thoải mái tiện nghi. Ngoài những tiện nghi tối thiểu như lavabo, vòi sen, bệ xí bạn cần bố trí mặt bằng toilet sao cho lấy được nhiều ánh sáng thiên nhiên nhất để vừa có tác dụng chiếu sáng lại có tác dụng diệt khuẩn chống ẩm mốc. Các hướng tốt nhất để sắp xếp khu toilet là Tây Bắc - Đông Nam hoặc nên thiết kế gần với phòng ngủ, có thể nằm trên cùng một hành lang, hay nằm bên trong phòng ngủ nếu diện tích dành cho phòng ngủ lớn. Ngoài ra cũng nên xem xét đến hệ thống thông hơi trong toilet nhất là khi không mở được cửa sổ phải sử dụng đến quạt thông gió.
Phòng khách: hay còn gọi là khu sinh hoạt chung. Tuy nhiên bạn cũng không nên bố trí mặt bằng cho phòng khách quá rộng, nên tiết kiệm diện tích cho phòng ngủ, hay khu vệ sinh. Phòng khách chỉ cần diện tích nhỏ, vuông vắn kê được một bộ salon và tủ trang trí.
Cửa sổ: là một chi tiết kiến trúc nhưng đồng thời là một yếu tố trang trí nội thất đẹp. Tỷ lệ cửa sổ không chỉ liên quan đến mặt tường xung quanh mà còn theo sở thích riêng của mỗi người. Cửa sổ thông thường có chiều cao vượt quá đầu người và có bậu cao ngang thắt lưng. Tuy nhiên theo xu hướng kiến trúc hiện nay, bậu cửa sổ được hạ thấp gần sàn. Bạn cần cân nhắc tỷ lệ diện tích cửa và diện tích mặt tường sao cho phù hợp với việc sắp đặt các đồ đạc. Cửa sổ mở sát trần và cửa trời là những giải pháp sử dụng tối đa diện tích tường. Kích thước cửa sổ phải tỷ lệ với các bức tường, cửa sổ rộng bao giờ cũng làm cho căn phòng có cảm giác hẹp đi và ngược lại.
Cầu thang: là phương tiện giao thông chủ yếu trong những ngôi nhà cao tầng. Cầu thang nên bố trí càng gần giữa nhà càng tốt. "Giếng thang" phải đảm bảo yếu tố thông thoáng tối đa mà không bị nắng gắt trực tiếp, đề cao vai trò an toàn.

Lựa chọn nhà thầu
Chọn lựa nhà thầu thi công bao giờ cũng là công việc phức tạp nhất trong qua trình xây dựng vì đây là yếu tố quyết định chất lượng của công trình.
Có ba hình thức bạn có thể làm việc với nhà thầu như khoán gói toàn bộ, khoán gọn từng phần, khoán phần nhân công. Tuy nhiên hình thức khoán nào cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của chủ nhà cho dù nhà thầu có kinh nghiệm nhưng có rất nhiều vấn đề khiến nhà thầu không thể quan tâm trực tiếp bằng chủ nhà. Tốt nhất là hợp đồng với công ty thi công có đầy đủ tư cách pháp lý và chức năng hành nghề xây dựng. Việc đó sẽ đảm bảo cho công trình được xây dựng chính quy chuyên nghiệp và có quy trình kỹ thuật. Để đảm bảo công trình của mình được thi công đúng quy phạm kỹ thuật, tránh phát sinh những khoản tốn chi phí không cần thiết, bạn cũng nên cần phải tìm hiểu các thông tin vể đội thầu thi công và đặt ra một số yêu cầu. Nếu có thể nên xem xét các công trình nhà thầu đã thi công và trao đổi với các chủ nhà đã làm việc với họ để học hỏi kinh nghiệm.

"Sắm" vật tư
Cũng giống như khâu lựa chọn nhà thầu và thợ, bạn cũng nên tham khảo bạn bè, người quen, học hỏi kinh nghiệm những người đã từng xây dựng nhà, chọn cho mình một nơi mua vật liệu đáng tin cậy, tránh mua phải hàng kém chất lượng. Trước khi mua nên tham khảo giá cả ở một vài đại lý vật liệu xây dựng và phải thoả thuận cung ứng vật liệu đúng tiến độ, đúng chủng loại, đúng chất lượng. Một ngôi nhà khi xây dựng cần vật liệu xây thô như cát, đá, sỏi, xi măng... trong quá trình bắt đầu xây và đến khi xây xong phần thô và vật liệu hoàn thiện sử dụng khi hoàn thiện xong ngôi nhà.
Đối với vật liệu xây thô bạn nên biết rằng yêu cầu kỹ thuật là hơn hết nên không quá cần thiết chọn vật liệu vừa chất lượng lại vừa có hình thức đẹp vì như thế sẽ tốn kém không cần thiết. Ví dụ xây móng nhà thì bạn không nhất thiết phải chọn gạch xây dựng loại A, mà nên chọn gạch loại C vì gạch nung chín quá già, từng phần bị hoá sành, chịu nén tốt lại rất thích hợp cho móng của những ngôi nhà trên mảnh đất trũng.
Còn đối với vật liệu hoàn thiện thì bên cạnh việc xem xét chất lượng bạn cũng đừng bỏ qua hình thức của nó vì lớp vật liệu hoàn thiện này sẽ là "bộ mặt" cho ngôi nhà sau này. Gạch ốp, lát nền và tường có nhiều chủng loại và kiểu dáng khác nhau. Vì không có bản vẽ nào có thể thiết kế chi tiết đến từng mẫu gạch nên bạn cần phải tham khảo ý kiến chuyên môn của nhà kiến trúc trong quá trình hoàn thiện nhà.
Để có thể mua "đủ" gạch lát tránh trường hợp mua thừa hoặc thiếu bạn cần phải tính toán kỹ khối lượng gạch bằng cách xác định kích thước khu vực muốn lát và kích thước loại gạch lát cộng thêm 5% dự phòng nứt vỡ hoặc kém phẩm chất phải loại. Chọn mua thiết bị vệ sinh cũng là một vấn đề rất được quan tâm đối với gia chủ khi xây nhà. Bạn nên xem xét để chọn các thiết bị vệ sinh có kết cấu vững chắc và đảm bảo vệ sinh, thoát hết nước, không rò rỉ, không bám bẩn, không phát sinh mùi hôi. Khi lắp đặt phải sử dụng thuận tiện, an toàn phù hợp với đối tượng sử dụng, thuận tiện cho lau chùi, sửa chữa. Ngoài ra bạn cũng nên lưu ý đến số lượng và kiểu thiết bị vệ sinh phải đáp ứng yêu cầu của người sử dụng, phù hợp chức năng, quy mô công trình và số lượng người sử dụng căn cứ vào giới tính, lứa tuổi, người khuyết tật.

Tấm áo nhà
Giữa cơ man sơn ngoại, sơn nội, loại nào cũng tự nhận là "vệ sĩ" cho ngôi nhà của bạn thì việc chọn loại sơn nào để sơn nhà là một việc không dễ dàng. Bạn có thể tham khảo tư vấn dưới đây của những kiến trúc sư có kinh nghiệm. Theo các kiến trúc sư thì tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sơn là giá trị PVC còn gọi là nồng độ chất màu nồng độ này hàm lượng càng thấp chứng tỏ sơn càng tốt. Chỉ số PVC còn giúp cho người sử dụng biết chất tạo màng thấp hay cao, độ bóng và khả năng rửa trôi của sơn.
Một hộp sơn tốt sau khi quét phải giữ được độ bóng bền lâu, khi sơn xong chà lên không thấy bột trắng bám vào tay, độ phủ cao chất tạo màng tốt. Khi quét lên không bị nứt vì có độ co dãn, màu tan đều. Sơn tốt là sơn sau khi sơn xong lấy nước và xà phòng lau chùi mà vẫn không bị bong, trong khi đó lớp bẩn bám trên bề mặt tường lại trôi đi hết. Ngoài ra những loại sơn tốt là sơn có thể giữ cho tường không bị rêu ăn trong một thời gian đáng kể. Vậy khi mua sơn bạn nên đến những hãng sơn có tên tuổi và uy tín để có chính sách bảo hiểm và bảo hành tốt. Hãy yêu cầu người bán hàng cho thử sơn bằng cách quét một ít sơn lên trên giấy cactông rồi để khô độ 1 giờ. Sau đó dùng nước chùi nhẹ. Nếu lớp sơn không bị bong hay sùi ra bột trắng là sơn tốt.

Chọn màu sơn
Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảm giác cho con người. Theo cảm giác có thể phân biệt hai loại màu sắc là màu nóng và màu lạnh. Các màu nóng có tác dụng kích thích, gây phản ứng mạnh còn màu lạnh lại có tác dụng thư giãn tạo cảm giác mát mẻ. Dựa vào nguyên lý màu lạnh và nóng ta có thể sửa chữa khiếm khưyết của các phòng bằng màu sắc tường và trang thiết bị nội thất như phòng thiếu sáng nên sơn các màu sáng ấm ngược lại các phòng thừa sáng nên dùng các màu lạnh.
Sơn trang trí là một trong những cách tiết kiệm nhất và dễ làm nhất để thay đổi dáng vẻ của mỗi căn phòng. Kết hợp hài hoà màu sắc sẽ biến phòng khách thành nơi ấm cúng sau ngày làm việc mệt mỏi. Còn phòng ăn nếu sơn bằng các màu phù hợp sẽ làm nổi bật và mời gọi hơn. Nhà bếp có thể dùng màu tươi và rực rỡ. Trong khi đó phòng ngủ sẽ là màu bất kỳ mà bạn thích, còn màu của tường và sàn bổ sung nhau mạnh mẽ mang đến sự thú vị cho khu toilet. Chú ý rằng màu sơn trên bản mẫu chỉ gần đúng với màu sơn trong thực tế. Sự kết hợp màu trần và tường làm sắc độ đậm hơn màu sơn in trên bảng màu. Bạn cũng cần cân nhắc sự phối hợp màu sơn với đồ đạc trong nhà.

Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 12/1/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)