Một số giải pháp khoa học công nghệ hỗ trợ phát triển sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn vùng sâu, vùng xa

Thứ sáu, 18/11/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1.Cơ sở hạ tầng nông thôn thời kỳ đổi mới: Cơ sở hạ tầng nông thôn CSHTNT là một khâu quan trọng của kinh tế xã hội nông thôn KTXTNT và có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tương tác trong suốt quá trình hình thành, biến đổi và phát triển. Trình độ kinh tế xã hội ở mức nào thì phát triển CSHTNT tương xứng ở mức đó. Song CSHTNT còn giữ vai trò là tiền đề để thúc đẩy kinh tế - xã hội , tạo khả năng tái đầu tư và mở rộng sản xuất và nâng cao đời sống nông thôn. Kinh nghiệm thực tiễn ở nước ta cũng như ở các nước khác cho thấy muốn đẩy mạnh phát triển KTXHNT có hiệu quả, phải đầu tư phát triển CSHTNT trước một bước và có trọng điểm; KTXHNT phát triển sẽ đem lại cơ sở vững chắc để cải thiện và mở rộng phát triển CSHTNT.
CSHTNT gồm giao thông, điện, hệ thống chợ, trạm y tế, hệ thống trường học, văn hoá, cung cấp nước, nhà ở và môi trường... có vai trò quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá CNH & HĐH nông thôn, là một trong những tiêu chí thể hiện trình độ CNH & HĐH. Xác định rõ điều này nên trong thì kỳ đổi mới Nhà nước đã tập trung đầu tư, huy động mọi quyền lực của các thành phần kinh tế để xây dựng CSHTNT.
Trong 150.000 km giao thông trong cả nước, quốc lộ chiếm 8% với chiều dài 11.484 km, tỉnh lộ chiếm 11% với 16.148 km, đường huyện 31.164 km chiếm 21% và đường xã 91.210 km chiếm 60%. Nếu tính đường giao thông nông thôn là đường huyện và đường xã thì tổng chiều dài hai loại đường chiếm 81%. Ngoài ra, trong những năm qua với định hướng đầu tư của Nhà nước khoảng 30% và dân đóng góp 70%, giao thông ở các thôn bản đã cứng hoá với tỷ lệ ở đồng bằng đạt 55%, ở vùng núi 20%.
Trong thời kỳ đổi mới, điện nông thôn nước ta đã có bước phát triển nhanh. Đến hết năm 2002 đã có gần 90% số xã có điện, 83% số thôn có điện và 84,3% hộ nông dân dùng điện.
Đến năm 2002, cả nước đã có 13.467 km kênh mương các cấp được kiên cố hoá gồm: 1.355 km kênh loại I, 3.548 km kênh loại II và 8.564 km kênh loại III nội đồng. Cơ sở vật chất - kỹ thuật thuỷ lợi đảm bảo tưới cho 6,6 triệu ha gieo trồng lúa, tiêu úng vụ hè 1,4 triệu ha, cấp trên 5 tỷ m3 nước phục vụ dân sinh và công nghiệp
Phần chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai đã được coi trọng. Hệ thống đê điều đã được hình thành 5.700 km đê sông, 2.000 km đê biển và hơn 8.000 km bờ bao chống lũ đầu vụ ở đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL.
Vùng nông thôn đã có 6.254 chợ, chiếm 76,14% số chợ của cả nước, bình quân 10.000 dân có 1,07 chợ.
Cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường học vùng nông thôn đã được tăng cường. Năm học 2002-2003 đã xây dựng thêm 2.229 phòng học mầm non, 85.466 phòng học phổ thông. Chất lượng phòng học đã được nâng lên, tỷ lệ phòng học từ cấp 4 trở lên là: bậc tiểu học 82%; trung học cơ sở 91,2%, trung học phổ thông 95,8%.
Trong thời kỳ đổi mới, nhà ở vùng nông thôn đã có nhiều cải thiện. Diện tích nhà ở năm 2002 bình quân 9,7 m2/người, tăng so với năm 1992 là 2,5 m2/người. Tỷ lệ hộ ở nhà tạm và nhà đơn sơ đã giảm từ 42,47% năm 1994 xuống 22,5% năm 2002. Cơ cấu nhà ở đã có sự thay đổi rõ rệt giữa các vùng, tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố tăng. Tuy vậy, tỷ lệ nhà đơn sơ, nhà tạm ở vùng nông thôn nước ta còn cao. Năm 2000, tỷ lệ nhà đơn sơ ở ĐBSCL là 56.5%, trung du và miền núi phía Bắc 23,7%.
Trong bức tranh chung về CSHTNT nước ta trong thời kỳ đổi mới nêu trên thì CSHTNT khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn yếu kém. Hiện nay còn 271 xã chưa có đường ô tô đến xã, chủ yếu tập trung ở những xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Số xã có đường ô tô đến xã đi lại được thuận tiện cả 2 mùa khô và mùa mưa cả nước đạt được 72% nhưng tập trung ở các vùng nông thôn trung du và đồng bằng. Đường thôn bản hẹp, không đáp ứng được cho việc ô tô chạy thông suốt. Bên cạnh một số tỉnh đã đạt tỷ lệ số xã có điện 100%, còn nhiều tỉnh tỷ lệ điện nông thôn còn thấp như: Lai Châu có 23,5% số xã có điện, Cao Bằng 42,3%, Lào Cai 49,5%, Sơn La 45,7%.
Vật liệu xây dựng VLXD là nhu cầu thiết yếu trong xây dựng CSHTNT. Trong thời kỳ đổi mới, sản xuất và cung ứng VLXD ở nông thôn đã có bước phát triển đáng kể làm tăng trưởng GDP của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao mức sống vật chất, văn hoá cho nhân dân nông thôn. Tuy nhiên, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa tình hình sản xuất, cung ứng và sử dụng VLXD còn gặp nhiều khó khăn.
2. Tình hình sản xuất, cung ứng và sử dụng VLXD ở vùng sâu, vùng xa
Theo tiêu chí quy định tại Thông tư 41/UB-TT ngày 08/01/1996 của Uỷ ban dân tộc và miền núi thì vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên hiện có khoảng 1.557 xã, 799.034 hộ với 4.533.598 người, chiếm tỷ lệ 25,8% dân số của các tỉnh, huyện miền núi và vùng các dân tộc.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở đây còn yếu kém, nhiều nơi thiếu đất canh tác nông nghiệp, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Sản xuất còn mang tính chất tự nhiên, tự cấp, tự túc... GDP đầu người chỉ bằng 31% mức bình quân chung của cả nước. Trình độ dân trí thấp, đời sống văn hoá – xã hội cộng đồng chưa được cải thiện nhiều, VLXD phục vụ cho xây dựng CSHTNT khu vực này rất nghèo nàn.
2.1. Xi măng:
Ngày nay, việc dùng xi măng để xây dựng không còn xa lạ đối với đồng bào dân tộc. Xi măng được bà con sử dụng gồm 2 loại: xi măng lò đứng, xi măng lò quay được cung ứng từ các vùng khác tới. Do điều kiện giao thông chưa thuận lợi nên cước phí vận chuyển khá cao, nên bà con sử dụng ít xi măng, chủ yếu để xây dựng các công trình công cộng như trường học, trạm xá, trụ sở Uỷ ban...
2.2. Vật liệu xây:
2.2.1. Gạch nung:
Gạch nung đã được đồng bào sử dụng khoảng 10 – 15 năm trở lại đây. Do giá cước vận chuyển cao nên giá gạch về đến chân công trình thường cao hơn 3-4 lần với giá xuấ xưởng. Chỉ rất ít hộ khá giả mới xây dựng nhà bằng gạch nung. Do vậy, gạch nung chủ yếu vẫn phục vụ cho xây dựng các công trình công cộng bằng vốn cấp từ ngân sách và các nguồn hỗ trợ khác.
2.2.2. Gạch không nung:
Nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch không nung rẻ như xỉ than, vôi ở những vùng này không có. Trong mấy năm gần đây, một số hộ gia đình mua công nghệ và thiết bị Trung Quốc sản xuất gạch blôc bê tông bằng cách nghiền đá tại chỗ kết hợp với xi măng nhưng cũng chỉ phát triển được ở các địa phương ven thị xã, thị trấn.
Ở một vài địa phương vùng cao thuộc miền núi phía Bắc, bà con tự sản xuất gạch đất không nung để xây nhà ở. Một số bà con dân tộc ở vùng núi cao Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng có kinh nghiệm trong việc gia công đất để làm gạch đất không nung với độ bền trên 30 năm, có nơi được trên 50 năm. Tuy nhiên, do cường độ của viên gạch còn thấp 6-7 daN/cm2 nên kích thước viên gạch phải lớn và tường xây phải dày 40-60 cm dẫn đến tốn nhiều đất và nhiều công xây lắp.
2.3. Vật liệu lợp:
Ngói nung và ngói không nung được sử dụng rất ít vì giá bán rất cao. Nhiều năm gần đây, với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi nhà được cấp 90 – 100 tấm lợp amiăng xi măng AC nên mức độ ngói hoá nhà ở đã được nâng cao hơn trước. Ở một số công trình công cộng đã sử dụng tấm lợp kim loại màu, nhưng giá thành cao gấp 3-4 lần tấm lợp AC. Mái lợp dùng tấm kim loại phải có trần để giảm tiếng ồn lúc gặp mưa to nên giá xây lắp mái nhà lại cao hơn nữa. Tấm lợp kim loại và AC đã được cung ứng từ các vùng khác tới. Khổ tấm lợp AC là 1,5 x 0,92m, nên vận chuyển không dễ dàng...
2.4. Vật liệu cổ truyền:
Đó là gỗ làm khung, vách, sàn, tre nứa đan làm liếp, cỏ tranh lợp mái. Trung bình 1 nhà trệt 5 gian sử dụng tới 8 – 10 m3 gỗ, còn sàn nhà Thái sử dụng tới 20 – 25 m3. Đá hộc thường được sử dụng để làm móng nhà nhưng khai thác không phải dễ và nhiều vùng không có. Vận chuyển đá hộc còn tốn kém hơn các VLXD khác.
2.5. Vật liệu mới:
Như tấm nhựa làm trần, gỗ dán, ván dăm làm vạch, sắt làm vì kèo, cốt thép trong bê tông, gạch bông, ceramic để lát sàn còn quá ít ỏi trong khu vực vùng sâu, vùng xa.
3. Một số giải pháp KHCN hỗ trợ phát triển VLXD ở vùng sâu, vùng xa theo hướng CNH & HĐH
CNH & HĐH nông nghiệp nông thôn nước ta với mục tiêu nâng cao mức sống vật chất, tinh thần, sức khoẻ, đảm bảo cho các tầng lớp dân cư nông thôn có chất lượng cuộc sống cao, môi trường trong sạch, lành mạnh, tuổi thọ được nâng cao.
Dự báo đến năm 2020 mức sống dân cư nông thôn tăng gấp 4-5 lần so với hiện nay; 100% số hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố, trong đó tỷ lệ nhà ở kiên cố là 70%, bán kiên cố là 30%; 100% số hộ có nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn; 100% số hộ được dùng nước sạch, loại bỏ hoàn toàn những tác nhân ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, bụi, tiếng ồn, môi trường nông thôn trong sạch.
Giải pháp cơ bản là: chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển kinh tế hàng hoá, xây dựng CSHTNT, đầu tư cho nguồn lực nông thôn ...
Phát triển công nghiệp VLXD là một trong các biện pháp để thực hiện CNH & HĐH nông thôn. Tuy nhiên, đối với từng khu vực phải có sự lựa chọn cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và phong tục tập quán của từng dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Trên phương diện KHCN phục vụ CNH & HĐH nông thôn, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp hỗ trợ sản xuất, cung ứng và sử dụng VLXD ở vùng sâu, vùng xa như sau:
3.1. Hiện đại hoá công nghệ sản xuất truyền thống đối với một số chủng loại VLXD:
Ở những huyện, xã đang sản xuất gạch, ngói nung bằng lò thủ công cần chuyển nhanh sang hệ lò tuynen nhỏ. Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sử dụng đất đồi, than bùn thay thế phần lớn đất sét trong sản xuất gạch ngói.
Ở Trung Quốc đã sử dụng đá xít phế thải khai thác than đá, tro xỉ nhiệt điện, than bùn, đất đồi thay thế 70 – 90% đất sét tiêu chuẩn trong sản xuất gạch, ngói nung. Ở nước ta, công ty gốm Bình Minh Hà Tây đã nghiên cứu sử dụng đất đồi ở Xuân Mai thay thế trên 50% đất sét ruộng. Các hộ sản xuất gạch nung thủ công ở huyện Thuận Thành Bắc Ninh sử dụng tro xỉ lấy từ nhà máy nhiệt điện Phả Lại thay thế 30 - 40% đất sét ruộng và cường độ viên gạch đạt cao hơn khi sử dụng 100% đất sét ruộng.
Chuyển đổi công nghệ sản xuất ngói xi măng – cát thủ công sang công nghệ rung có nhuộm màu: công nghệ sản xuất ngói Roman. Qua thực tế sản xuất ở các xã vùng cao Lào Cai và Sơn La cho thấy, khi sử dụng công nghệ mới này thì chi phí cho 1m2 mái lợp ngói Roman giảm 33% so với ngói xi măng – cát , 42% so với ngói sét nung.
3.2. Triển khai công nghệ mới để chế tạo các cấu kiện tiền chế:
Để giảm bớt khó khăn trong việc vận chuyển các nguyên liệu rời như cát, đá, sỏi, xi măng, sắt thép, cần tổ chức sản xuất các cấu kiện tiền chế sử dụng trong xây dựng nhà ở và công trình công cộng như khung cột bằng bê tông ứng suất trước, tấm vách nhẹ bằng vật liệu xi măng cốt sợi tại khu vực thị xã, thị trấn để cung ứng đến vùng sâu, vùng xa.
Nghiên cứu ban hành thiết kế điển hình về nhà ở, công trình công cộng sử dụng các cấu kiện tiền chế.
3.3. Đúc kết kinh nghiệm dân gian:
Đúc kết kinh nghiệm dân gian trong xây nhà bằng đất, kết hợp với kỹ thuật gia cố đất hiện đại bằng phụ gia để nâng cấp chất lượng gạch đất đồi không nung trong xây dựng nhà ở của một số đồng bào dân tộc vùng cao, chia sẻ kinh nghiệm này giữa các địa phương trong khu vực.
Kết quả nghiên cứu ở huyện Simacai Lào Cai cho thấy, khi cho thêm 5 – 10% xi măng hoặc vôi trộn với đất tự nhiên, ép dưới máy ép thuỷ lực 30 – 40 tấn, cường độ viên gạch đất đạt gấp 3-4 lần so với phương pháp cổ truyền của người địa phương người Mông. Nhờ đó, tường nhà có thể xây cao lên được 4 – 4,5m so với 2 – 2,5m như hiện nay.
Trên đây là một số giải pháp về KHCN được đề xuất nhằm hỗ trợ cho đồng bào sống trong khu vực này phát triển sản xuất một số chủng loại VLXD, đáp ứng một phần nhu cầu VLXD trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn vùng sâu, vùng xa.

Nguồn tin: Theo Thông tin KHCN vật liệu xây dựng, số 1/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)