Sàn gỗ công nghiệp

Thứ tư, 19/04/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trên thị trường hiện có khoảng 15 công ty nhập khẩu và phân phối khoảng 20 thương hiệu sàn gỗ công nghiệp khác nhau như Unifloors, Pergo, Classen, EPI, Kronotex, Kronoswiss, Kronospan, Gago, Picenza, Hornitex, Robina, Witex, Lamy, Bante, Kandle, Eurohome, Gesus, Universal,... Nhìn chung, các loại sàn gỗ công nghiệp đều được sản xuất bởi máy móc và công nghệ của Châu Âu, nhưng chất lượng và giá cả lại khác nhau. Chính vì vậy thật khó cho người tiêu dùng để có thể lựa chọn được đúng loại sàn tốt với giá cả hợp lý. Khảo sát thị trường này nhằm đem đến cho người tiêu dùng một cái nhìn tổng quan về thị trường Ván sàn gỗ công nghiệp.
Về công nghệ sản xuất, hầu hết các hãng đều áp dụng công nghệ và máy móc của Châu Âu Đức, Pháp, Ý, Thụy Sỹ, .... Ván sàn gỗ công nghiệp được làm từ bột gỗ chiếm 65-85% còn lại là chất phụ gia và các lớp làm tăng độ cứng, ổn định bề mặt, chống thấm, chống xước, chống va đập, ... Mặc dù công nghệ là tương đối giống nhau nhưng sản phẩm của các hãng vẫn có sự khác biệt về hình thức và chất lượng:
- Về chất lượng của lõi gỗ, những sản phẩm tốt là những sản phẩm có thành phần các chất phụ gia có độ bền cao và không có hại cho sức khỏe. Đồng thời lõi gỗ phải được ép dưới áp suất đủ lớn để tạo lên tấm ván ép có độ cứng và độ bền cao, không bị ảnh hưởng dưới các tác động của thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm cao. Lõi gỗ có hai loại mầu chính là mầu trắng và mầu xanh, loại mầu trắng thường có tỷ lệ bột gỗ cao hơn. Mầu sắc của lõi gỗ không phản ánh chất lượng của sản phẩm. Những loại ván tốt thường được ép dưới áp lực từ 800kg /cm2 trở lên và có trọng lượng riêng từ 850kg/m3 trở lên. Những tấm ván này khi cầm thường có cảm giác hơi nặng, chắc chắn và thớ gỗ rất đanh.
- Về chất lượng của bề mặt và mầu sắc, các hãng đều có khá nhiều mầu sắc và vân gỗ khác nhau khá đa dạng và phong phú. Nhìn chung các hãng đều có một số kiểu vân gỗ và mầu sắc chung phổ biến, ngoài ra mỗi hãng lại có thêm một vài mầu đặc thù riêng có thể là xấu hay đẹp tùy theo sở thích của mỗi người. Lớp tạo mầu và vân gỗ được tái tạo từ gỗ tự nhiên bằng một số liệu đặc biệt. Những loại sàn tốt thường có mầu sắc thật và tươi hơn, được làm từ chất liệu đắt tiền hơn, mầu sắc và vân gỗ hầu như không thay đổi sau một thời gian dài sử dụng. Những loại kém thường hay bị bay mầu hoặc bong lớp bề mặt dưới tác động của nhiệt độ hoặc độ ẩm cao. Ngoài ra, lớp phủ bề mặt cũng rất quan trọng vì nó quyết định độ cứng bề mặt và độ chống nước, chống xước của sản phẩm. Lớp phủ bề mặt thường được làm bằng vật liệu tổng hợp melamine resin, một số loại sàn tốt, lớp phủ bề mặt còn được trộn thêm sợi carbon hoặc sợi thủy tinh làm tăng độ cứng và độ chống xước. Để kiểm tra chất lượng của bề mặt, cách đơn giản nhất là dùng vật cứng vạch thử nên bề mặt xem có bị xước hay không. Phổ biến trên thị trường có hai loại bề mặt là bề mặt trơn và bề mặt sần. Bề mặt sần được ưa chuộng hơn do không bị trơn và khó bị xước hơn, nhưng giá cũng cao hơn loại có bề mặt trơn một chút.
- Về loại mộng kết nối, một số hãng vẫn sử dụng công nghệ cũ, với loại mộng đơn tức là mộng thẳng, khi ghép phải sử dụng keo để kết nối, đây là công nghệ cũ và có một số nhược điểm: việc thi công mất thời gian và độ bền thấp, thường xuất hiện khe hở đáng kể giữa các tấm sau một thời gian sử dụng. Chính vì những hạn chế trên nên đến nay hầu hết các hãng đều nhập về loại ván sàn sử dụng công nghệ mộng kép là mộng có khóa hèm, khi ghép không cần sử dụng keo đây là công nghệ mới và liên tục được nghiên cứu và hoàn thiện hơn, mộng được thiết kế đặc biệt nên chỉ lắp vào được theo một chiều, khi đã ghép vào thì liên kết rất chắc chắn, khe hở được triệt tiêu hoàn toàn và liên kết rất bền vững mà hoàn toàn không phải sử dụng keo. Loại mộng kép này rõ ràng là có nhiều ưu điểm hơn, nhưng nó lại đòi hỏi việc sản xuất phải thật chính xác và tất cả mọi tấm ván đều phải đồng đều nhau. Như vậy sự khác biệt giữa sàn loại tốt và sàn loại kém có thể được nhận ra thông qua cấu trúc của mộng kép đó có sâu và chắc chắn hay không, độ chính xác khi sản xuất có cao hay không và khe ghép có liền khít hay không.
Về xuất xứ của sản phẩm, hầu hết các sản phẩm nhập khẩu đều có xuất xứ từ Đức, Pháp, Ý, Thụy Điển, Malaysia và Trung Quốc Hongkong hoặc Thượng Hải. Nhìn chung xuất xứ của sản phẩm không ảnh hưởng nhiều lắm đến chất lượng của sản phẩm, thậm chí nhiều loại sản phẩm có xuất xứ từ nước thứ ba Malaysia hoặc Trung Quốc lại có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu Việt Nam hơn là các sản phẩm có xuất xứ từ Châu Âu do đã được nhiệt đới hóa cho phù hợp với khí hậu Châu Á. Nhưng điều quan trọng chất lượng thực của sản phẩm và thương hiệu của sản phẩm. Những sản phẩm của những hãng có uy tín luôn có chất lượng ổn định cho du xuất xứ là Châu Âu hay nước thứ ba. Bên cạnh đó, nhiều công ty nhập hàng chất lượng kém từ Malaysia hoặc Trung Quốc về và bán lẫn với hàng có thương hiệu và chất lượng tốt để thu lợi nhuận cao. Đối với loại hàng này, các công ty hoặc đại lý thường chấp nhận giảm giá nhiều, nhưng họ thường không có chính sách bảo hành thỏa đáng. Vì vậy khi chọn mua hàng, người tiêu dùng nên quan tâm đến thương hiệu của sản phẩm, chất lượng thực tế của hàng, uy tín của nhà phân phối và chính sách bảo trì, bào hành sản phẩm.
Về các dịch vụ đi kèm và chế độ bảo hành, hầu hết các hãng đều công bố bảo hành cho sản phẩm từ 5 năm tới 15 năm, và thâm chí một số loại giá thành cao còn có chính sách bảo hành suốt đời. Nhưng bên cạnh đó, chính sách bảo hành thường kèm theo điều kiện và mục đích sử dụng. Hầu hết các sản phẩm đều bảo hành về mầu sắc, mức độ co ngót cong vênh và khả năng chống va đập, chống xước. Nhưng vì nó vẫn là một sản phẩm gỗ nên vẫn bị hạn chế về khả năng chịu nước. Trên thực tế, những hãng có uy tín thường thực hiện nghiêm túc chính sách bảo hành, còn một số hãng phân phối hàng có chất lượng kém thường đổ lỗi cho khách hàng và từ chối bảo hành. Khách hàng cũng nên quan tâm xem sản phẩm được bảo hành bởi chính công ty phân phối hay là bảo hành của của hàng đại lý. Chính sách bảo hành của công ty thường đảm bảo hơn. Một số ít hãng trong đó có UNIFLOORS còn thực hiện thêm chính sách bảo dưỡng định kỳ hàng năm. Hàng năm, khách hàng được kiểm tra và bảo dưỡng miễn phí nếu hư hỏng phát sinh do lỗi của nhà sản xuất và được sửa chữa/thay thế với giá ưu đãi nếu hư hỏng do lỗi của người sử dụng.

Nguồn tin: Tạp chí Kiến trúc và xây dựng Việt Nam, số 123 tháng 9/2005

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)