Thành tựu đổi mới Ngành Xây dựng: Vật liệu xây dựng - Sức vươn Phù Đổng

Thứ tư, 17/05/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sức vươn Phù Đổng -là sự so sánh khá chính xác, có thể biểu đạt được bước tiến vượt bậc của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng VLXD trong giai đoạn đổi mới. Bởi lẽ, từ một nền sản xuất lạc hậu so với thế giới, không đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu về VLXD trong nước, nay đã vươn lên đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng của thế giới về công suất gạch ceramic, granit; nằm trong nhóm 15 nước đứng đầu về công suất xi măng. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu VLXD năm 2005 đạt 113 triệu USD. Đây là con số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi qua đó, lần đầu tiên Bộ Thương mại chính thức đánh giá VLXD là mặt hàng thuộc nhóm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam…
Chớp thời cơ chính xác, tăng trưởng ngoạn mục - Đó là đánh giá của ông Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hiệp hội VLXD về kỳ tích đổi mới của ngành công nghiệp sản xuất VLXD. Thực tế, tuy có chậm chân hơn so với một số nước trong khu vực, về thời điểm cách tân công nghệ, nhưng do dự báo chính xác khả năng phát triển của thị trường, tích cực tiếp cận công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới nên diện mạo ngành công nghiệp VLXD nhanh chóng đạt được bước tiến vượt bậc. Theo ông Trần Văn Huynh, thời điểm sôi động nhất về chuyển giao công nghệ diễn ra trong khoảng những năm 1990 - 2000. Đây là khoảng thời gian các doanh nghiệp vận dụng tốt cơ chế về vay vốn để tăng tốc trong đầu tư phát triển. Nói như vậy không có nghĩa giai đoạn đó, cánh cửa cơ chế thông thoáng hơn so với các thời điểm khác. Thực tế các doanh nghiệp càng đầu tư nhiều, áp lực về vốn vay, trả nợ càng lớn. Thậm chí không ít doanh nghiệp phải vay vốn trung hạn và ngắn hạn với lãi suất cao hơn nhiều so với vốn vay dài hạn để đầu tư. Chấp nhận giải pháp này là chấp nhận dấn bước vào cuộc chơi mà chí ít phải chịu thiệt thòi ngay từ bước khởi động, tuy nhiên đó là minh chứng hùng hồn nhất cho thấy, doanh nghiệp VLXD thật sự khát khao, thật sự quyết tâm và dám chơi hết mình cho hội nhập. Hãy hình dung, nếu so đo, chần chừ thêm 5 - 7 năm nữa, doanh nghiệp VLXD sẽ không đủ sức bứt phá, bởi thị trường khi ấy đã nằm trọn trong tay các nhà nhập khẩu. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ không được hưởng những lợi ích cạnh tranh như đang có. Và nền công nghiệp VLXD sẽ không có cuộc lột xác toàn diện với kỳ tích đáng tự hào: So với năm 1990, đến nay, sản lượng xi măng từ 2,9 triệu tấn lên 30 triệu tấn tăng gấp 10 lần; sứ vệ sinh tăng 270 lần, gạch ốp lát ceramic và granit tăng 900 lần, đá ốp lát tăng 300 lần, kính xây dựng tăng 38 lần…
Nhưng những con số này vẫn chưa phản ánh hết chiều sâu sức vươn Phù Đổng của ngành công nghiệp VLXD. Bởi cùng với sự tăng trưởng, điều đáng giá nhất, đáng trân trọng nhất chính là đã thay đổi tận gốc môi trường làm việc, điều kiện làm việc, trình độ tay nghề đội ngũ. Đồng thời, xoá bỏ ấn tượng nặng nề trong tâm thức xã hội về cuộc sống và môi trường làm việc cơ hàn, nặng nhọc của nghề thợ sản xuất VLXD.
Chính nhu cầu trong nước và sự vận động tích cực của các doanh nghiệp VLXD đã thu hút một nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn: Trong lĩnh vực ceramic và granit, vốn nước ngoài chiếm hơn 10%, sứ vệ sinh là 40%, xi măng là 26%... Tương ứng với số vốn đầu tư đó là các thương hiệu, các tập đoàn sản xuất VLXD có uy tín trên thế giới như tập đoàn xi măng Holcim, Chinfon Đài Loan, tập đoàn Tayheiyo và Cty VL Mitsubishi của Nhật Bản, Tập đoàn Nippon Glasses Nhật Bản…, là các thương hiệu công nghệ có uy tín trên thế giới như tập đoàn Teachnit - Cle Pháp, Sacmi Italia..v.v.. Việc hợp tác với các tập đoàn lớn đã từng bước giúp các doanh nghiệp VLXD hoàn thiện công nghệ quản lý, sản xuất, kinh doanh, từ đó đúc rút kinh nghiệm để xây dựng các thương hiệu Việt có uy tín như TCty Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên, VIGLACERA, FICO…
Thành tựu đáng tự hào của ngành công nghiệp VLXD đã được đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề cập trong bản Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Đó là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng không ngừng của khối doanh nghiệp VLXD trong hành trình đổi mới của đất nước, của Ngành.

Nguồn tin: Báo Xây dựng số 38, ngày 11/5/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)