Vấn đề chính là tư duy, tầm nhìn

Thứ bẩy, 22/10/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn xung quanh vai trò quản lý Nhà nước về xây dựng, trong đó việc quy hoạch các khu công nghiệp và xây dựng nhà ở là vấn đề trọng tâm.
Thưa Bộ trưởng, tình trạng phát triển nóng các khu công nghiệp ở nhiều địa phương đặt ra không ít vấn đề cần quan tâm. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này, trong đó vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương?
Hiện nay tại các địa phương, xu thế chung là mở cửa kinh tế, thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực và thành phần kinh tế. Điều đó là cần thiết nhưng phải có kế hoạnh, lộ trình phù hợp.
Trên thực tế, việc mời các nhà đầu tư với những chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là về hạ tầng, đất đai đã hình thành các khu công nghiệp quy mô khác nhau ở nhiều vị trí không thích hợp, sát trục đường lớn ảnh hưởng đến khu dân cư đô thị... Hiện tượng này diễn ra ngày càng phổ biến, phá vỡ quy hoạch, và không tạo nên bộ mặt kiến trúc đô thị hiện đại, có bản sắc của từng địa phương.
Thực trạng trên có phần trách nhiệm của ngành xây dựng. Chúng ta có chức trách quản lý Nhà nước về xây dựng, tạo điều kiện về hành lang pháp lý, tháo gỡ thủ tục để thúc đẩy đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững. Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn ra đời đã từng bước điều tiết mọi hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là tư duy, tầm nhìn. Nếu chỉ chú trọng đến tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư theo kiểu phát triển nóng mà không tính đến phát triển có chất lượng và bền vững thì chúng ta sẽ phải trả giá. Các cơ sở xây dựng, kiến trúc - quy hoạch cần phải làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong công tác này.
Vốn cho công tác quy hoạch xây dựng cũng là vấn đề khá nan giải. Xin Bộ trưởng cho biết hướng tháo gỡ vấn đề này?
Nhiều địa phương nói thiếu vốn cho công tác quy hoạch xây dựng. Tôi cho rằng vốn cho quy hoạch xây dựng là không thiếu. Hơn nữa, nó cũng chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư của một địa phương.
Vấn đề cơ bản nhất là các cấp địa phương chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của công tác quy hoạch xây dựng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Muốn vậy, trước hết các sở xây dựng phải chủ động đề xuất và lập kế hoạch cho công tác này. Không chỉ là kế hoạch năm, mà là kế hoạch dài hạn, hướng tới mục tiêu đủ quy hoạch và đồng bộ trên địa bàn.
Vì vậy, không chỉ dừng lại ở quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, mà mỗi địa phương nhất thiết phải quan tâm đến công tác quy hoạch vùng. Lãnh đạo các sở xây dựng, kiến trúc - quy hoạch phải có trách nhiệm tìm hiểu, nắm vững bản chất của công tác quy hoạch để lập kế hoạch, trong đó có vấn đề vốn quy hoạch và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai tốt nhất công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương.
Thưa Bộ trưởng, cần có giải pháp gì để kiểm soát tình hình chất lượng loại hình nhà tái định cư vốn đang được xã hội hết sức quan tâm?
Ở đây tôi không muốn đề cập đến các giải pháp cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị tham gia xây dựng nhà tái định cư. Vấn đề nằm ở chỗ các địa phương không được buông lỏng quỹ nhà này. Vốn cho xây dựng nhà tái định cư là từ ngân sách Nhà nước, do vậy xuất hiện tâm lý cha chung không ai khóc và không phải ai cũng có tinh thần trách nhiệm.
Bên cạnh đó, có một vấn đề đặc thù là nhà dành cho di dân tái định cư nên dù là đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa biết người chủ thực sự là ai. Vì vậy, Nhà nước là đại diện cho quyền lợi cộng đồng, phải thay mặt cho người dân, kiểm tra chặt chẽ, không được buông lỏng. Dù bất kể chủ đầu tư là ai, sở xây dựng phải có trách nhiệm tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng. Đây là trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành xây dựng.
Cách đây 2 năm, Bộ đã giao cho Cục giám định nhà nước về công trình xây dựng tổ chức Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng. Địa phương chưa tham gia mạng lưới này phải báo cáo tỉnh để thành lập trung tâm kiểm định và đưa vào hoạt động. Đây là công cụ quan trọng để quản lý chất lượng công trình xây dựng ở các địa phương.
Tuy nhiên, còn một vấn đề mà xã hội bức xúc là sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ của các khu tái định cư. Bộ đã có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành phố dù phát triển nhà ở bất cứ hình thức nào cũng phải theo dự án đồng bộ và có sự kiểm tra, giám sát chất lượng chặt chẽ.
Vấn đề quan trọng này đã được đề cập trong dự thảo Luật nhà ở với quy định cụ thể là: các công trình nhà ở phải được bảo hành tối thiểu 3 năm nhằm đảm bảo chất lượng nơi ở của người dân.
Thưa Bộ trưởng, hiện nay vấn đề hạ tầng mới được quan tâm ở đô thị, còn ở nông thôn hầu như bỏ ngỏ. Điều này ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và cuộc sống của người dân?
Đúng vậy. Lĩnh vực hạ tầng đô thị, nông thôn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Ví dụ lĩnh vực cấp nước sinh hoạt phải được đổi mới triệt để. Hiện nay, cấp nước dựa vào bao cấp của Nhà nước, còn rất nhiều bất cập, thất thoát, thất thu lớn, không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Thoát nước còn khó khăn hơn. Để tháo gỡ, phải xã hội hoá lĩnh vực này. Cần phải khuyến khích các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực cấp nước theo hình thức tự làm tự thu tiền. Có thể tiến hành thí điểm ở từng phường xã, thị trấn. Lãnh đạo các sở phải chủ động nghĩ cách và đề xuất lãnh đạo tỉnh.
Rác thải cũng là vấn đề nan giải. Sắp tới, Bộ sẽ triển khai chương trình thí điểm bằng vốn ngân sách đầu tư cho công tác xử lý rác thải. Hiện nay, trong nước đã có công nghệ xử lý rác vô cơ để chế tạo vật liệu và đã thực hiện thí điểm thành công ở Nghệ An. Đó là chưa kể việc xử lý rác hữu cơ làm thành phân vi sinh ở nhiều nơi. Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là giải quyết được vấn đề nan giải về bãi chôn lấp rác thải ở nhiều địa phương. Các tỉnh, thành phố cần quan tâm tìm hiểu nhiều mô hình xử lý rác để áp dụng ở địa phương mình.
Nguồn tin: http://www.vneconomy.com.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)