Mô hình qui hoạch các khu công nghệ cao

Thứ tư, 26/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Các khu Công nghệ cao CNC đang hình thành ở Việt Nam Việt Nam đang từng bước hội nhập quốc tế. Cuối 2006, Việt Nam sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Trong bối cảnh ấy, quy hoạch xây dựng các khu CNC được Chính phủ tập trung triển khai - chuẩn bị hạ tầng cơ sở cho các dự án đầu tư lớn vào Việt Nam. Khu CNC ở Việt Nam mới bắt đầu phát triển với 2 khu trọng điểm là khu CNC Tp. HCM và khu CNC Hoà Lạc.
a. Khu CNC Tp. HCM SHTP
SHTP Saigon Hi-tech Park là khu CNC với các chức năng: nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực... đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù tuyến giao thông chưa hoàn thiện, nhưng nhiều dự án vẫn triển khai xây dựng với tốc độ nhanh, như: san lấp mặt bằng của nhà máy SX Chíp INTEL Mỹ; các công trình của tập đoàn NIDEC Nhật Bản; dự án nắn kênh Suối Cái của khu CNC cũng đang khẩn trương đào đắp…
Khu SHTP có diện tích 913 ha, cách trung tâm Tp. HCM khoảng 15 km, liên hệ thuận tiện với các hạt nhân kinh tế phía Nam và gần trường Đại học Quốc gia Tp. HCM. Do quỹ đất tương đối hạn hẹp nên quy hoạch trong khu SHTP giống mô hình khu công nghiệp CNC. Một số lô đất có diện tích rộng được ưu tiên cho các nhà đầu tư lớn như INTEL, NIDEC… còn lại phần lớn các lô đất được chia nhỏ, kích thước hẹp có lô chiều rộng chỉ khoảng 60 m. Điều này dẫn tới các dự án sẽ phải có mật độ xây dựng tương đối cao mới đủ diện tích để hoạt động nhiều khu cho phép mật độ xây dựng 45%, tầng cao khoảng 15 tầng. Có thể nhận thấy yếu tố công viên PARK trong SHTP là không nhiều. Đây cũng là một yếu tố quan trọng nói lên chất lượng làm việc trong khu CNC.

b. Khu CNC Hoà Lạc
Theo quy hoạch chung đến năm 2020, Khu CNC Hoà Lạc có diện tích 1650 ha tại đô thị Hoà Lạc, tiếp giáp các tuyến giao thông quan trọng như đường cao tốc Láng - Hoà Lạc. Khu CNC bao gồm các chức năng: Các trung tâm R&D, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp CNC; Các công viên phần mềm phục vụ ươm tạo và phát triển công nghiệp phần mềm, SXKD các sản phẩm phần mềm; Khu công nghiệp CNC; Khu hợp tác Kỹ thuật, Trung tâm thông tin, Internet, các trung tâm giao dịch, dịch vụ khu CNC; Trung tâm giao dịch công nghệ, Trung tâm hội thảo quốc tế và triển lãm KHCN, khách sạn, ngân hàng, các khu thương mại; Khu nhà ở thấp tầng, các nhà chung cư cao tầng, khu nhà ở cao cấp, các cơ sở hạ tầng xã hội kết hợp với hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước. Ngoài ra, căn cứ theo Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế Khu CNC, có thể nghiên cứu bố trí khu chế xuất, khu bảo thuế, khu kho ngoại quan.
Là Khu CNC đầu tiên ở Việt Nam, hình thành ý tưởng từ năm 1992, được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, giao cho Cty Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA thực hiện. Có thể nói, Hoà Lạc là Khu CNC có nhiều lợi thế khi được Chính phủ xác định Khu CNC Hoà Lạc là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình CNH - HĐH nền kinh tế khu vực của cả nước với vai trò là cầu nối, tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới, là điểm thử nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các khu CNC trong cả nước. Ngoài ra, diện tích và địa hình, cảnh quan thuận lợi hứa hẹn một mô hình Business Park tiêu chuẩn cao sẽ hình thành tại đây. Theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, mật độ xây dựng trong các khu R&D rất thấp khoảng 15%, hạn chế tầng cao xây dựng công trình chính từ 4-5 tầng, tỷ lệ cây xanh cao… chứng tỏ mong muốn kết hợp 2 khái niệm công viên và làm việc của BQL khu CNC.
Tuy nhiên, đến nay hình ảnh thực tế của Khu CNC Hoà Lạc mới chỉ là tấm biển nhỏ bé bên đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, vài km đường dang dở nối trung tâm Khu CNC với đường cao tốc… Mới chỉ có một vài dự án đầu tiên về CNTT được triển khai dè dặt như Khu Tổ hợp công nghệ NG-ICT Quốc tế của Cty Hà Nội Telecom đang chờ lắp thiết bị và dự án Khu công viên phần mềm FPT của TCty FPT đang lập quy hoạch tổng mặt bằng. Nhiều nhà đầu tư đang phải chờ Khu CNC Hoà Lạc điều chỉnh lại quy hoạch, trong đó có những nhà đầu tư đã tìm địa điểm khác.
Từ thực tế phát triển mô hình quy hoạch Khu CNC nêu trên có thể đặt câu hỏi: Liệu quy hoạch các Khu CNC ở Việt Nam đã đi đúng hướng?

2. Mô hình Khu CNC ở nước ngoài

Để trả lời câu hỏi này, phải theo dõi những mô hình tương tự trên thế giới. Trong tài liệu nghiên cứu về Business Park một mô hình tổng quát của khu CNC của ThS. KTS Nguyễn Cao Lãnh có phân tích: Dựa vào quy mô và đặc trưng phát triển, các Business Park trên thế giới chia làm 4 thế hệ, như sau:
* Thế hệ thứ 1:
- Nằm ở ven các đô thị, xa thành phố, bắt nguồn từ các khu công nghiệp.
- Các lô đất có giá rẻ, tiêu chuẩn về kiến trúc, quy hoạch thấp.
- Chủ yếu phục vụ hoạt động công nghiệp.
- Vẫn được XD tại các nước đang phát triển
* Thế hệ thứ 2:
- Không nằm biệt lập mà liên hệ với thành phố tại vị trí vành đai.
- Cảnh quan có thẩm mĩ cao, áp dụng triết lý: kiến trúc đẹp sẽ dẫn đến thành công trong công việc.
- Luôn cố gắng đưa tính chất thương mại từ các đô thị vào khu làm việc.
* Thế hệ thứ 3:
- Quy mô vượt ra ngoài các quỹ đất ven đô có thể lên tới 200 ha.
- Tuân thủ các nguyên tắc quy hoạch tổng thể của một đô thị nhỏ.
- Xa trung tâm thành phố, sử dụng xe con và phương tiện công cộng là chủ yếu, bãi đỗ xe đóng vai trò quan trọng.
- Khái niệm công viên lớn hơn công việc.
* Thế hệ thứ 4:
- Mô hình phát triển đa chức năng: ngoài làm việc có nhà ở, trường học, giải trí…
- Khả năng phát triển độc lập, tự chủ như một đô thị mới
- Đạt trình độ kỹ thuật xã hội cao.
- Nếu quy mô lớn, sẽ là điểm nổi bật của toàn vùng.
Tham khảo một số chỉ tiêu được áp dụng cho khu chức năng R&D tính chất chính của khu CNC ở Việt Nam trong các Business Park trên thế giới:
- Diện tích cây xanh: 35-40%.
- Mật độ xây dựng: 25-35%.
- Số tầng cao: 5-8 tầng.
- Hệ số sử dụng đất: 1,3-2 lần.
- Tiêu chuẩn diện tích sàn: 2300m2/ha.
- Chỗ đỗ xe: đủ cho 100% nhân viên.

3. Đánh giá, nhận định

Qua bức tranh phát triển các khu Business Park trên thế giới, có thể thấy các khu CNC tai Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chọn lựa cho mình những mô hình quy hoạch phù hợp.
Khu CNC Tp. HCM với định hướng ưu tiên Công nghiệp CNC, quỹ đất hạn chế đã lựa chọn mô hình quy hoạch linh hoạt, năng động trong thu hút các nhà đầu tư. Kết quả đến nay đối với SHTP là hoàn toàn đáng mừng và khích lệ. Hiện nay, BQL khu CNC Tp. HCM mong muốn mở rộng quy mô trong tương lai.
Có nhiều điều kiện thuận lợi, khu CNC Hoà Lạc theo mô hình ưu tiên cho nghiên cứu, phát triển, ươm tạo CNC, xây dựng môi trường làm việc chất lượng cao. Nhưng bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư vẫn cần trước hết là thời cơ, sự sẵn sàng đáp ứng về hạ tầng, nguồn lực… tại các khu CNC. So với các mô hình quy hoạch trên thế giới, dường như các chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Mật độ xây dựng xấp xỉ 15% là quá thấp, tầng cao cũng có phần hạn chế, dẫn tới hiệu quả sử dụng đất không cao. Yếu tố cây xanh cảnh quan, môi trường làm việc là cần thiết, nhưng trong bối cảnh bước đầu triển khai mô hình mới, cơ chế quản lý chưa hợp lý, tốc độ thực hiện chậm, thiếu vốn…, thì đây là một trong những trở ngại để khu CNC Hoà Lạc bắt kịp người đi sau SHTP.
Ngày 31/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 274/2005/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu CNC Hoà Lạc. Theo quyết định này, một số nội dung chưa phù hợp sẽ được điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung cần thiết. Dự kiến Quy hoạch điều chỉnh sẽ hoàn thành trong năm 2006. Hy vọng khu CNC Hoà Lạc sớm có quy hoạch điều chỉnh hợp lý, đáp ứng mong mỏi của BQL khu CNC cũng như các nhà đầu tư, khẩn trương đưa các dự án vào triển khai hoạt động.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 6/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)