Quy hoạch xây dựng các trung tâm xã làm tiền đề cho công tác xây dựng nông thôn mới và điều tiết việc dịch cư từ nông thôn ra đô thị

Thứ ba, 03/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Vị trí vai trò của trung tâm nông thôn Trong quá trình hình thành và phát triển xã hội Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ dưới ách đô hộ của thực dân đế quốc xâm lược, xã hội nông thôn Việt Nam luôn được giới hạn trong các thôn xóm bao quanh bởi lũy tre làng. Hầu hết mọi hoạt động kinh tế văn hoá xã hội đều diễn ra tại các trung tâm thôn xóm- chính là ngôi đình làng.
Cho đến tận thời đại ngày nay, trong cuộc kháng chiến cứu nước và tiếp đó là đến giai đoạn xây dựng, xã hội nông thôn Việt Nam đã có nhiều đổi khác. Các hoạt động của người dân không chỉ hạn chế tại các ngôi đình làng cũ hoặc tại các nhà trụ sở thôn như trước nữa. Sự giao lưu giữa những người dân của các thôn xóm trong xã trở nên nhộn nhịp phong phú và cởi mở hơn. Hoạt động kinh tế hợp tác xã cũng lớn mạnh hơn cùng với các hoạt động phục vụ công tác chiến đấu bảo vệ quê hương làng xóm. Mọi hoạt động sinh hoạt sản xuất đã vượt ra khỏi ranh giới thôn xóm mà đã bao trùm ra toàn xã hội.
Trong giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội đang xảy ra mạnh mẽ hôm nay, sự giao lưu kinh tế văn hoá xã hội càng trở nên mạnh mẽ hơn, thậm chí vượt ra khỏi ranh giới xã và trong thực tế thì các trung tâm cụm liên xã đã đảm nhiệm vai trò chức năng quan trọng này.
- Xét về mặt điều hành các hoạt động chính trị kinh tế xã hội, trung tâm xã là đầu mối chỉ đạo đối với các thôn xóm trong xã.
- Về vai trò cung cấp dịch vụ, trung tâm xã là nơi cung cấp các dịch vụ phục vụ các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp ở nông thôn: thuốc bảo vệ thực vật, thú ý, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm... là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá của nhân dân trong xã và các xã khác.
- Về mặt phát triển thể chế, trung tâm xã là nơi hội tụ của các hoạt động dân chủ của nhân dân, là nơi phát triển các thiết chế dân chủ, thực hiện khẩu hiệu dân biết, dân bàn dân, kiếm tra thông qua các trụ sở tổ chức đoàn thể tại đây.
- Về mặt văn hoá xã hội, trung tâm xã là nơi giao lưu văn hoá thông qua các hoạt động lễ hội, thi đấu thẻ dục thể thao, văn nghệ... Thông qua các hoạt động này mà tình cảm của nhân dân trong xã phát triển, dần thoát khỏi tình trạng biệt lập của các thôn xóm xưa kia.

II.Các yếu tố tác động đến sự hình thành phát triển các trung tâm xã

1. Yếu tố lịch sử địa lý
Quá trình lịch sử lâu đời đã hình thành nên một hệ thống các điểm dân cư nông thôn phù hợp với hình thái sinh hoạt và sản xuất của từng điểm dân cư. Bởi vậy, vị trí của trung tâm xã thường được xác định như một yếu tố lịch sử. Mặt khác vị trí của khu trung tâm xã phải thuận lợi về mặt giao lưu với các điểm dân cư trong xã, về khoảng cách trung bình tới các điểm dân cư và khoảng cách tối đa cho phép tới các điểm dân cư xa nhất. Thuận lợi về đường giao thông cũng là yếu tố rất quan trọng cần được xem xét.

2. Yếu tố kinh tế
Trung tâm xã với các điểm dân cư nông thôn trong xã có mối quan hệ tác động qua lại về kinh tế, thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế đối với các điểm dân cư trong xã, đồng thời có sự tác động trở lại góp phần xây dnựg trung tâm xã. Các quan hệ tác động này thông qua cơ chế thị trường, điều chỉnh bởi quy hoạch tổng thể phát triển xã, đồng thời qua tác động của việc páht triển khu vực dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong địa bàn xã. Các dịch vụ này có thể bao gồm:
- Bảo vệ thực vật, cung cấp phân bón, thuốc thú y
- Các quỹ tín dụng cho vay phát triển sản xuất, các chi nhánh ngân hàng
- Các hội kinh tế
- Cơ sở khuyến nông, khuyến lâm
- Chợ xã đóng một vai trò to lớn trong cơ chế thị trường, thúc đấy phát triển sản xuất hàng hoá, dịch vụ thương mại

3. Yếu tố chính trị
Trung tâm xã là nơi tập trung và thể hiện ý nguyện của nhân dân trong xá thông qua cơ quan Hội đồng nhân dân, tập trung sức mạnh về mọi mặt thông qua Uỷ ban nhân dân xã. Các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là công tác phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo, trồng rừng... đều thông qua các cơ quan đầu não đặt tại trung tâm xã.

4. Yếu tố văn hoá xã hội
Trung tâm xã là nơi diễn ra các sự kiện văn hoá lớn đối với nhân dân trong xã: các lễ hội, các cuộc mít tinh, hoạt động thể dục thể thao... có sự tham gia của nhânh dân trong xã và các xã lân cận tác động rất lớn đến sự phát triển dân trí, văn hoá xã hội nông thôn Việt Nam. Các đài phát thanh, trạm phát hình, điểm bưu điện văn hoá xã... đặt tại trung tâm xã là điều kiện thuận lợi để nhân dân trong xã tiếp cận với thông tin trong nước và quốc tế cũng như là các kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Trung tâm xã còn là bộ mặt của xã, là đặc trưng riêng của từng xã và là niềm tự hào của nhân dân toàn xã.

5. Yếu tố an ninh quốc phòng
Trong chiến lược quốc phòng toàn dân của Đảng và Nhà nước ta, lấy đơn vị hành chính cấp xã làm cơ sở, các công tác đảm bảo an ninh quốc phòng nưh tựhc hiện Luật nghĩa vụ quân sự, phong trào an ninh nhân dân, diễn tập sẵn sàng chiến đấu... đều tiến hành ở cấp xã, tại địa điểm trung tâm xã.

6. Yếu tố cầu nối giữa đô thị và nông thôn
Trung tâm xã là cầu nối giữa đô thị và nông thôn, trước tiên là giữa trung tâm huyện lỵ với vùng nông thôn trong xã, hơn nữa còn là cầu nối giữa các đô thị lớn hơn như các thị xã, thành phố lớn. Đây chính là địa điểm thu mua nông lâm sản của khu vực nông thôn, cũng như cung cấp các dịch vụ và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp. Việc xây dựng thành công các trung tâm xã đáp ứng nhu cầu phát triển của nhân dân trong xã một mặt thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, mặt khác hạn chế tối da dòng lao động nông nhàn di cư từ nông thôn ra đô thị tìm kiếm việc làm.

III. Quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã

Việc quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã phải đáp ững yêu cầu là trung tâm vùng về mọi mặt chính trị, văn hoá kinh tế xã hội của xã. Đáp ứng yêu cầu phục vụ sinh hoạt và đời sống của nhân dân trong xã.

Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật
- Có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển, hệ thống đường giao thông cơ giới nối với huyện lỵ, hệ thống đường dân sinh nối liền các cụm dân cư trong xã
- Có hệ thống cung cấp điện lưới quốc gia, có hệ thống điện chiếu sáng
- Có hệ thống cấp nước sạch nông thôn, với một phần dân cư được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung
- Các công trình thông tin liên lạc như bưu điện, truyền thanh...

Xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội
- Các công trình cơ quan hành chính như Uỷ ban nhân dân xã, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể...
- Các công trình phúc lợi xã hội như trạm y tế, nhà trẻ, mẫu giáo
- Trường học, các cơ sở đào tạo
- Chợ xã, các cửa hàng dịch vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thương nghiệp
- Các cơ sở tín dụng, chi nhánh ngân hàng

Nhà ở
Xây dựng nhà ở của nhân dân trong khu trung tâm theo quy hoạch, có quản lý chặt chẽ đảm bảo mỹ quan, trật tự, vệ sinh môi trường và hài hoà với đặc điểm của địa phương

IV. Kết luận

Quy hoạch xây dnựg trung tâm xã là một nội dung quan trọng trong quy hoạch phát triển xã nói riêng và quy hoạch phát triển nông thôn nói chung. Nếu thực hiện được sẽ đóng góp rất lớn vào việc làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo từng bước đưa nông thôn nước ta tiến bước trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

KS. Trần Nguyên Chính
Nguồn tin: Hội thảo khoa học Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn, năm 2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)