Lý thuyết quy hoạch đô thị theo phương đứng. Một bước chuyển biến sâu sắc

Thứ ba, 12/09/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tái tạo lại một môi trường sống và làm việc tiện nghi, đa dạng và phong phú hơn bên trong các cao ốc, để nó giống như điều kiện môi trường quen thuộc mà con người có thể có khi sống dưới mặt đất.
Lối sống hiện đại, những vấn đề về môi trường, xã hội... đã và đang ảnh hưởng sâu sắc đến hình dạng, cấu trúc của các thành phố theo nhiều cách khác nhau và ngày một phức tạp hơn. Điều này đòi hỏi cần phải có những chiến lược mới nhằm cải thiện tình trạng xuống cấp của các thành phố. Trăn trở về vấn đề này, kiến trúc sư Ken Yeang đã đưa ra một ý tưởng hoàn toàn mới lạ và rất có tính gợi mở về thiết kế quy hoạch đô thị: Lý thuyết quy hoạch đô thị theo phương đứng.
Về cơ bản, lý thuyết mà ông đưa ra là: Cao ốc trong tương lai như là một đô thị, sẽ không bị ngăn nhỏ về mặt không gian, tương phản hoàn toàn với sự phân chia không gian của cao ốc đương thời. Cao ốc của tương lai sẽ được thiết kế và quy hoạch trong một không gian ba chiều với nhiều mục đích sử dụng đất, các khu vực công cộng, các nơi chốn, các công viên và không gian mở khác nhau ở phần cao hơn của nó. Những không gian không chỉ đơn thuần được tạo bởi một chồng các tấm sàn mà là các không gian nghỉ ngơi đi dạo và các khu cộng đồng dân cư có tính tiếp cận hợp lý ở mức độ cao. Tóm lại, quy hoạch đô thị mới sẽ tạo ra ở trên cao những điều kiện sống thoải mái và lý tưởng như chúng ta thấy khi sống ở dưới mặt đất.
Bùng nổ dân số, xu hướng toàn cầu hoá và tốc độ đô thị hoá chóng mặt của thế giới hiện đại đã biến đổi sâu sắc cấu trúc kinh tế, xã hội của các vùng đô thị, đồng thời tạo ra một áp lực ngày càng lớn lên các thành phố về khả năng cung cấp chỗ ở, cơ sở hạ tầng và khả năng thích ứng của nó. Theo một điều tra về dân số xã hội học trong quá trình đô thị hoá, dân số đô thị và nông thôn hiện nay nhìn chung là ngang nhau và đến năm 2025, khoảng ba phần tư dân số thế giới sẽ sống tại các thành phố. Họ có xu hướng thích sống gần nhau và trong vùng dân cư hơn là sống rải rác nhằm mục đích tranh thủ được các thuận lợi về điều kiện lao động, sử dụng dịch vụ và hàng hoá. Thêm vào đó, trong xu hướng toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp thường ưu tiên đặt địa điểm kinh doanh của mình ở những khu trung tâm thương mại. Hậu quả là giá đất liên tục tăng. Chính nhu cầu cao hơn về việc tiếp cận với các thành phố lớn đã thay đổi một cách đáng kể bộ mặt đô thị.
Tất cả các yếu tố trên đòi hỏi các nhà quy hoạch đô thị và hoạch định chính sách làm sao phải tìm ra các chiến lược, nhằm cải thiện nhu cầu ngày càng tăng về chỗ ở. Một giải pháp thông thường là mở rộng diện tích thành phố theo phương ngang hoặc bằng việc nới rộng vành đai thành phố để tăng diện tích vùng trung tâm. Cách thứ hai là xây dựng các đô thị vệ tinh xung quanh vùng đô thị đang tồn tại và sau đó kết nối chúng bằng các hệ thống giao thông tốc độ cao. Giải pháp này, một mặt rõ ràng sẽ làm tăng sự tiêu hao năng lượng phục vụ cho giao thông, mặt khác những vùng nông thông xung quanh sẽ bị mất đi cảnh quan thiên nhiên và diện tích đất nông nghiệp của mình.
Đối lập hoàn toàn với các giải pháp trên là phát triển thành phố theo chiều thẳng đứng, nhằm giữ lại các vành đai xung quanh thành phố cùng cảnh quan thiên nhiên vô giá của nó. Điều này có nghĩa là tăng cường phát triển từ ngay trong lòng thành phố, tăng hệ số sử dụng đất hiện có, bằng cáh chú trọng khai thác các khoảng không còn để trống, tái cải tạo các khu vực xuống cấp, đồng thời làm tăng tính hiệu của các dự án kém phát triển Yeang 2002. Vì thế, việc xây dựng và nhìn nhận các cao ốc như là những thành phố theo phương đứng là tất yếu và không thể tránh khỏi sự phát triển, nó sẽ tạo ra môi trường sống thoải mái và tiện nghi hơn.
Một toà nhà 20 tầng với diện tích tầng điển hình khoảng 1400 m2 tương đương với 28 ha đất có thể chứa 2000 người với tiêu chuẩn diện tích 14 m2/người.
Để làm được việc này, đầu tiên là phải tái tạo lại một môi trường sống và làm việc tiện nghi, đa dạng và phong phú hơn bên trong các cao ốc, để nó giống như các điều kiện môi trường quen thuộc mà con người có thể có khi sống dưới mặt đất. Đồng thời, bởi vì mật độ cao của các thành phố và các vùng chức năng của chúng như đã đề cập ở trên, các cao ốc nên được nhìn nhận như một sự mở rộng lên cao của thành phố và nên được xem xét dưới góc độ của quy hoạch đô thị với quan điểm bao quát và đúng đắn.
Quan điểm chính của lý thuyết: Trước hết, lý thuyết thiết kế cao ốc có thể được đánh giá thông qua việc kiểm chứng lại các lý thuyết và quan điểm thông thường của quy hoạch đô thị, để qua đó cũng có thể rút ra các bài học kinh nghiệm từ các phương pháp tiếp cận kém cỏi hiện nay, đặc biệt là về phương diện xã hội và không gian, đối với việc sáng tác thiết kế cao ốc Yeang 2002. Hiểu theo một cách khác, bằng cách bổ sung, sửa đổi các quan điểm quy hoạch đô thị thông thường hiện nay một cách chi tiết, sau đó áp dụng chúng một cách triệt để và sáng tạo, để có một hình thái mới, theo phương đứng. Một ý tưởng quy hoạch đô thị theo phương đứng bắt nguồn từ phương ngang sẽ được hình thành dưới hình thái một cao ốc. Vấn đề là ở chỗ yếu tố nào trong lý thuyết quy hoạch đô thị thông thường có thể được tái định hình và chuyển vị lên phương đứng. Ví dụ, các yếu tố cơ bản của một thành phố như đường phố, quảng trường và khu phố có thể được tái định dạng, sau đó, được xây dựng trong cao ốc để tạo ra một không gian sống mới bên trong cao ốc đó.
Ken Yeang cũng áp dụng quan điểm quy hoạch của G.Cullen cho thiết kế đô thị theo phương đứng của ông, để tạo ra một sự trải nghiệm về nơi chốn. Một môi trường sống bên trong cao ốc có thể hiểu như là các chuỗi liên tục của các dãy phố và như một tập hợp đầy đủ của các yếu tố cấu thành chuẩn mực nhất trong một đô thị theo phương đứng bao gồm tính kiến trúc, tính thi vị và tính thực tế.
Thêm vào đó, với quan điểm rằng thiết kế kiến trúc cao ốc được nhìn nhận như là một loại hình của quy hoạch đô thị, các nhà quy hoạch có thể xác định cơ cấu không gian bên trong cấu trúc của cao ốc. Kiến trúc sư quy hoạch có thể tính toán, xác định đặc điểm, nét đặc trưng và cấu trúc của cao ốc như cách được áp dụng cho việc triển khai một quy hoạch thông thường. Ví dụ như việc tính toán quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng cơ sở, mật độ dân số... Một mặt, vẽ bản đồ một cao ốc còn được coi là một quy tắc có thể cung cấp những công cụ giải mã toà cao ốc để so sánh với các cao ốc khác. Mặt khác, việc này cũng có thể làm đơn giản việc phân tích bản vẽ thiết kế kiến trúc của cao ốc như một bản vẽ quy hoạch đô thị. Cuối cùng, nhà quy hoạch có thể đọc môi trường sống theo phương đứng và hiểu được những điểm mạnh và yếu của quy hoạch này có chất lượng, hay tại sao và theo cách nào mà nó không thực tế.
Với những nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường sống chất lượng bên trong các cao ốc, Yeang nhấn mạnh vào tính đa dạng về cơ cấu sử dụng đất và các khu dân cư. Điều này có nghĩa rằng mỗi một cao ốc không chỉ nên thực hiện một vài chức năng đơn lẻ như để ở hoặc làm văn phòng mà nên đồng thời thực hiện nhiều chức năng.
Và thay thế cho việc phân vùng chức năng sử dụng đất, nó nên là một sự đan xen các chức năng sử dụng, ví dụ một sự đan xen các khu chức năng làm việc và khu chức năng giải trí có thể được đưa vào một khu ở và ngược lại. Thêm vào đó, mục đích, cấu trúc và các loại hình tiện nghi cần được cất nhắc cẩn thận nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân bên trong toà nhà và giúp họ có thể chủ động với cuộc sống của họ. Những tiện nghi trong các cao ốc không nên chỉ tập trung ở các tầng sát mặt đất, mà nên được phân tán lên cả các tầng cao hơn. Các yếu tố cấu thành nên một đô thị như các cửa hàng, cơ sở giáo dục, các dịch vụ giải trí, ngân hàng và các cơ sở cơ quan hành chính nhà nước phải được tính toán và đặt ở các địa điểm thích hợp.
Tương tự, khu vực để ở và các phân khu chức năng khác có thể được đan xen và được đặt cạnh nhau, điều này sẽ đạt ra một lối sống mới bên trong các cao ốc thế hệ mới, nơi mà nhà ở, văn phòng và phương tiện giải trí đan xen theo phương đứng, bên trong từng khu đô thị đơn lẻ, nhằm kích thích các giao tiếp xã hội và để đảm bảo cuộc sống chất lượng của người dân ở mỗi khu dân cư. Hơn nữa, một trong những vấn đề xã hội lớn nhất trong các toà nhà cao ốc hiện nay, là sự tách rời và thiếu quan tâm lẫn nhau của các hộ gia đình sống gần nhau và của các khu dân cư gần nhau. Để giải quyết vấn đề này, thiết kế hệ thống giao thông và bố trí mặt bằng của từng tầng lầu cũng như mối liên hẹ giữa chúng phải là dễ dàng để cho dân cư có thể di chuyển và vận động bên trong các khu ở của họ. Và để tạo ra các cơ hội thuận tiện cho việc giao tiếp xã hội. Đồng thời, sắp xếp các không gian công cộng trong các cao ốc và mối quan hệ qua lại giữa chúng cũng đóng một vai trò rất quan trọng để tạo ra sự gắn kết chặt chẽ của các khu dân cư.
Một điểm nổi bật khác cần chú ý khi thiết kế các khu dân cư là phải có các công đồng nhiều thành phần, nhiều tầng lớp dân cư và cung cấp nhiều kiểu nhà và lối sống. Một thiết kế thành công cho một cộng đồng dân cư không chỉ là một sự hấp dẫn của dáng vẻ bên ngoài, quan trọng hơn nhiều đó là sự tạo ra các điều kiện về nơi ăn, chón ở, mà đáp ứng được đòi hỏi của cư dân, kích thích sự lớn mạnh và phát triển của công đồng đó. Sự đan xen các khu ở với cư dân có các độ tuổi, địa vị xã hội và khả năng di chuyển khác nhau, có thể tạo ra nhiều lợi ích về mặt xã hội. Một sự tổng hợp các kiểu và kích cỡ nhà cũng quan trọng không kém, để tạo ả nền tảng cho một cộng đồng bình đẳng.
Tóm lại,một thiết kế theo phương đứng thế hệ mới phải tạo ra tính thuần nhất của mỗi một khu ở, trong đó có các loại nhà khác nhau về diện tích, kiểu dáng, sức chứa và chúng được liên kết với các tiện nghi và dịch vụ công cộng thích hợp. Công viên, trường học và y tế cộng đồng là những yếu tố không thể thiếu được trong cấu trúc của một đô thị theo phương đứng.
Hiện nay, ở nhiều thành phố, rất nhiều địa điểm và các không gian hoạt động không hiệu quả hoặc bị lãng quên. Điều này, phần lớn là do quy hoạch, thiết kế kém chất lượng hoặc do việc sử dụng sai mục đích của cư dân. Nhằm tránh tình trạng này, thiết kế các cao ốc hay quy hoạch các đô thị theo phương đứng nên chú trọng nhấn mạnh các không gian và địa điểm vào thành nhóm và chuỗi liên tiếp. Cần có sự liên kết giữa chúng với các khu chức năng và với không gian bên ngoài cao ốc. Ví dụ, thay vì đặt các không gian thứ cấp một cách bất kỳ bên trong các cao ốc, các nhà quy hoạch có thể nhấn mạnh mối quan hệ giữa các không gian này và môi trường xung quanh chúng. Nhờ đó, các không gian, địa điểm này sẽ trở thành một điểm tới đáng nhớ và có ý nghĩa cho người dân. Bởi họ có thể cảm nhận rõ ràng về thực tại – chúng ta đang sống ở thời đại nào, đặc điểm riêng - chúng ta là ai, địa điểm đặc trưng - chúng ta đang ở đâu. Trong số các không gian của một đô thị theo phương đứng, nhu cầu về một không gian công cộng và việc sử dụng chúng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi vì vai trò thiết yếu của chúng là nơi gặp gỡ của các hoạt động giải trí - xã hội - thực tiễn đan xen nhau. Bởi vì, để thu hút người dân tới những không gian, địa điểm trên, trong lý thuyết phần này, Yeang đề cập tới quan điểm của Kevin Lynch về cong đường, ranh giới, vùng, nút và điểm mốc. Quy hoạch đô thị theo phương đứng nên đưa ra giao thông nội tuyến bên trong như: các đường đi bộ nối các điểm đến; ranh giới rõ ràng giữa các không gian bị phân chia, các khu chức năng có thể xác định được như các khu dân cư và các vùng; điểm và nút của các hoạt động xã hội tại các điểm và địa điểm quan trọng dọc suốt chiều cao của cao ốc để phân biệt các không gian khác nhau. Các điểm mốc có thể xác định được ở bên trong các không gian theo phương đứng như các điểm cần lưu ý trong đô thị theo phương đứng.
Quy hoạch cảnh quan cây xanh cũng là một yếu tố quan trọng trong quy hoạch đô thị, vì vậy quy hoạch cảnh quan cây xanh theo phương đứng phải là một yếu tố cần quan tâm trong các cao ốc, cả ở mức độ vĩ mô lẫn vi mô. Bên cạnh những lợi ích xã hội và sinh thái trong môi trường đô thị thông thường, cảnh quan cây xanh theo phương đứng còn có lợi ích về mặt mỹ thuật. Cây xanh có thể làm mềm mại và giảm tính phi tự nhiên của các cao ốc, nó làm nâng cao các yếu tố sinh học, tạo nên sự chuyển tiếp giữa các không gian bên trong và bên ngoài. Ở cấp độ vĩ mô, cảnh quan cây xanh trong quy hoạch đô thị theo phương đứng tương đương với công viên cây xanh và không gian mở ở dưới mặt đất. Nó có thể ở dạng những khay lớn hoặc như những chuỗi vườn được phân bậc. Ở cấp độ vi mô, quy hoạch cảnh quan cây xanh theo phương đứng phải ở dạng các sân vườn trước và ban công vườn sau. Nhìn chung, quy hoạch cảnh quan cây xanh theo phương đứng phải đảm bảo tính liên tục cây xanh từ mặt đất lên tát cả các tầng bên trên của các cao ốc.
Ken Yeang cho rằng để có một quy hoạch đô thị theo phương đứng chất lượng, nhà quy hoạch phải hiểu rõ cơ cấu di chuyển, nhằm nâng cao tính tiếp cận đồng thời giảm nhu cầu đi lại bằng các phương tiện. Họ cũng cần dự tính chính xác nhu cầu di chuyển mà quá trình phát triển trong tương lai sẽ tạo ra và sự cần thiết của việc nối các vùng đô thị mới vào hệ thống giao thông sẵn có đảm bảo cho việc đi lại bằng các phương tiện công cộng, phương tiện tiêu thụ năng lượng điện và đi bộ. đặc biệt quan trọng, để các cộng đồng dân cư được tổ chức chặt chẽ bên trong các cao ốc, trước hết bản thân bên trong mỗi cộng đồng phải có sự gắn kết tốt, sau đó phải được liên kết sâu sắc với các khu dân cư xung quanh và đưa ra một cấu trúc rõ ràng cho các tuyến đường dẫn từ một điểm này tới một điểm đến khác. Ví dụ, ngoài hệ thống thang máy chính mà theo Ken Yeang cũng không nên đóng vai trò chi phối trong các cao ốc cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ hệ thống giao thông cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 nếu cần thiết. Hệ thống giao thông này không chỉ đơn thuần là thang máy hay hệ thống máy móc, mà còn có thể là hệ thống giao thông phục vụ cho việc đi bộ như là các đường dốc và cầu thang. Bởi vì, việc đi bộ là một phần thiết yếu của việc di chuyển, đặc biệt, đi bộ chính là một biện pháp đơn giản nhất, nhanh nhất và tiện lợi nhất cho một quãng đường ngắn. Thậm chí tại những điểm trọng yếu, các đường dốc và lối đi bộ có thể được mở rộng để tạo nên các không gian mở hoặc các công viên mini. Xa hơn nữa, sự hình thành đường phố bên trên các cao ốc với đầy đủ cây xanh, cửa hàng, nhà hàng cà phê... mà cung cấp các cách tiếp cận trực tiếp cho người đi bộ từ mặt đất tới các tầng cao hơn và càng cao càng tốt. Giữa các cao ốc cạnh nhau, cũng gợi nên ý tưởng sử dụng các loại xe buýt điện công cộng và hệ thống giao thông tốc độ cao ngoại tuyến, được gắn với vùng ngoại biên của các cao ốc để kết nối giữa các cao ốc và các điểm tới khác.
Trong quá trình tiến hành quy hoạch đô thị của một đô thị theo phương đứng, tất cả các yếu tố kinh tế - chính trị - xã hội, ví dụ như tốc độ phát triển, đánh giá tác động, quản lý thị trường và các quy định luật pháp... phải được cân nhắc tính toán kỹ càng. Bởi vậy, theo thời gian, những vấn đề như nang cấp nội thất, sửa chữa, thay đổi chức năng và sự gìn giữ các giá trị, nên được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, cũng giống như là một thành phố có đường ranh giới và các giới hạn của nó, các cao ốc cũng chỉ có thể đạt tới một ngưỡng của sự mở rộng và thay đổi. Tốt nhất, các cao ốc chỉ nên được hoàn thiện tới một giới hạn nào đó, những thay đổi có thể được can thiệp và hoàn thiện bởi chính những người sử dụng, bởi vì thiết kế của các cao ốc cung cấp cho họ một cấu trúc mở.
Hơn nữa, liên quan đến sự bền vững của môi trường xây dựng, các cao ốc nên được thiết kế theo cách phù hợp với giới hạn và sức chứa của hệ sinh thái. Khả năng tái sử dụng của các yếu tố cầu thành nên các cao ốc và đô thị, ví dụ như vật liệu xây dựng, rác thải đô thị..., cần được thẩm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ.
Ưu điểm và nhược điểm: Lý thuyết quy hoạch đô thị theo phương đứng của Ken Yeang chứng tỏ một sự đột phá đáng chú ý so với các lý thuyết thông thường của cả quy hoạch đô thị và thiết kế cao ốc. Ở cấp độ vi mô, ông đã từng thiết kế nhiều cao ốc sinh thái với những phát triển không ngừng trong hơn 20 năm, trong đó tính bền vững là điểm mấu chốt. Ở cấp độ vĩ mô, những kinh nghiệm tích luỹ được trong thời gian này đã giúp ông có được một nền tảng vững chắc về sinh thái cho sự phát triển hướng tới quy hoạch đô thị. Nhiều yếu tố cấu thành nên cao ốc sinh thái của ông như các không gian mở, đường dốc và công viên đã được phát triển để trở thành những bộ phận quan trọng của đô thị theo phương đứng.
Thêm vào đó, từ những đánh giá về các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội và quy hoạch đô thị hiện đại, ông đã chuyển hoá một cách sáng tạo các yếu tố của một quy hoạch đô thị thông thường vào đô thị theo phương đứng. Theo ý kiến của Powell 1999, đô thị theo phương đứng của Ken Yeang có thể có được các ưu thế nổi trội từ các thuộc tính của môi trường sống trên cao như gió, tầm nhìn bao quát, an toàn và ít bị ô nhiễm bởi các phương tiện giao thông; cuối cùng, Powell kết luận rằng đô thị theo phương đứng chính là lời ca ngợi cuộc sống trên cao.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, kiến trúc của Yeang vẫn là kiến trúc của tương lai khi mà các công nghệ hiện nay chưa khả thi cho các thiết kế của ông. Ví dụ, trong quan điểm quy hoạch, ông có đề cập đến việc sử dụng hệ thống xe buýt điện công cộng và hệ thống đường sắt ngoại tuyến tốc độ cao để nối giữa các cao ốc, tuy nhiên, các loại xe buýt và đường sắt đó là chưa phổ biến bởi vì rất nhiều lý do như: tốc độ còn hạn chế, giá thành sản xuất cao... Thêm vào đó, những khó khăn về kết cấu bao che và chống đỡ cho sự hoạt động của các phương tiện cũng là những thử thách hiện nay.
Về mặt thực tiễn, mặc dầu được đào tạo ở Anh, Ken Yeang hầu như chỉ hành nghề ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi mà khí hậu nóng và ẩm. Bởi vậy, nhìn chung kiến trúc của ông vào thời điểm hiện nay phù hợp cho một số kiểu khí hậu nhất định. Một điểm hạn chế khác của lý thuyết quy hoạch đô thị này được thừa nhận bởi chính Ken Yeang 1996, là chỉ đối với hệ thống đô thị quy hoạch theo lưới ô vuông của các nước thuộc thế giới mới, các khối cao ốc mới có thể được thiết kế để nâng cấp, bổ sung các yếu tố theo phương đứng cho tính đều đặn của quy hoạch kiểu ô cờ. Ngược lại, vấn đề là ở các đô thị của các nước phát triển không quy hoạch theo kiểu ô cờ, các cao ốc thế hệ mới có thể gây ra các vấn đề như phá huỷ cấu trúc đường phố, tạo ra nhiều khoảng đất trống dư thừa dọc theo các đại lộ.
Quan điểm của Ken Yeang được nhìn nhận và đánh giá cao bởi nhiều kiến trúc sư và các nhà quy hoạch trên thế giới. Với ý kiến cho rằng, các cao ốc là giải pháp kiến trúc quy hoạch tất yếu để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, sự cần thiết của quy hoạch đô thị theo phương đứng trở nên ngày càng cấp thiết để tạo nên một môi trường xây dựng bền vững cho tương lai. Lý thuyết này rõ ràng là một tư tưởng, một cách nhìn mới đáng được quan tâm cho cả các nhà quy hoạch đô thị cũng như cho các kiến trúc sư.

Tác giả: Hoàng Hải Anh
Nguồn tin: T/C Quy hoạch xây dựng, số 18/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)