Đánh giá cơ chế quản lý giá và chi phí xây dựng trong những năm qua và định hướng đổi mới trong thời gian tới

Thứ ba, 27/06/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sản phẩm xây dựng và sản xuất xây dựng có những đặc điểm khác biệt so với sản phẩm và sản xuất sản phẩm của ngành khác. Sản phẩm xây dựng mang tính đơn chiếc, quy mô lớn, kết cấu phức tạp, thời gian sản xuất xây dựng dài, phải trải qua nhiều giai đoạn như lập dự án dầu tư xây dựng, thiết kế công trình, thi công công trình, nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng. Trong mỗi giai đoạn lại diễn ra nhiều hoạt động khác nhau với sự tham gia của nhiều tổ chức doanh nghiệp.
Trong xây dựng, khách hàng - người mua sản phẩm xây dựng các chủ đầu tư thường không thể lựa chọn sản phẩm có sẵn để mua, mà lựa chọn người bán các nhà thầu có khả năng tạo ra cho mình những sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Những đặc điểm về sản phẩm và sản xuất xây dựng nêu trên có tác dụng rất lớn đến sự hình thành giá của sản phẩm xây dựng. sự tác động này thể hiện ở các khía cạnh sau:
- Giá sản phẩm được hình thành và chính xác hoá dần theo các giai đoạn của quá trình đầu tư và xây dựng
- Giá xây dựng phải được hình thành trên cơ sở lập dự toán, ước tính chi phí. Mỗi công trình có dự toán riêng. Trong thực tế xây dựng công trình có thể phát sinh các chi phí không luờng trước được, khó ước tính trước được.
- Giá xây dựng phải được hình thành thông qua đấu thầu xây dựng và thông qua việc thương thảo hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng trúng thầu.
Ở nước ta, công tác quản lý giá trong xây dựng luôn được quan tâm và ngày càng được hoàn thiện cả về nội dung và phương pháp tính toán. Nội dung và cơ cấu giá trị dự toán công trình xây dựng qua các thời kỳ đã gắn liền với sự phát triển của ngành xây dựng cũng như của đất nước, đã dần dần phản ánh đầy đủ các loại chi phí cần thiết để tạo nên công trình xây dựng. Việc phân loại các chi phí phù hợp với các đặc điểm của từng loại chi phí, đảm bảo việc tính toán và quản lý chi phí được thuận lợi và sát thực tế hơn.
Hệ thống định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật dùng để lập dự báo bao gồm các loại định mức thi công, định mức dự toán, đơn giá xây dựng cơ bản, giá tính cho 1m2 sử dụng hay một đơn vị công suất các ngôi nhà, hạng mục công trình, công trình thông dụng cũng như các định mức tính theo tỷ lệ định mức chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước ngày một hoàn thiện.
Về việc quản lý giá đã xóa bỏ chế độ thực thanh, thực chi, chuyển sang thực hiện việc quản lý giá theo định mức, đơn giá xây dựng cơ bản và khối lượng công việc thực hiện phù hợp với hồ sơ thiết kế được duyệt.
Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động đầu tư và xây dựng công tác định giá và quản lý giá còn bộc lộ một số tồn tại sau:
- Còn thiếu căn cứ, cơ sở khoa học để xác định các chỉ tiêu về giá sản phẩm xây dựng trong các giai đoạn của quá trình đầu tư và xây dựng như tổng mức đầu tư, tổng dự toán... Các chỉ tiêu này được xác định theo cách ước tính...
- Một số công việc chưa có định mức, đơn giá hoặc có định mức, đơn giá nhưng đã lạc hậu, không phù hợp với trình độ phát triển khoa học công nghệ và tình hình quản lý giá xây dựng hiện nay.
- Việc quản lý giá trong đấu thầu xây dựng còn nhiều tồn tại như giá gòi thầu trong kế hoạch đấu thầu sẽ khó có thể là mức giá hợp lý là giá trần khi xét thầu vì giá gói thầu không có một điều kiện ràng buộc nào có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn dự toán hay tổng dự toán được duyệt.
Hiện tượng bỏ giá thầu thấp hiện nay dẫn tới các hiện tượng làm bừa, làm ẩu, bớt xén nguyên vật liệu, gây tổn hại đến chất lượng công trình, ảnh hưởng đến lợi ích dài hạn và sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.
- Tình trạng nghiệm thu thanh toán không đúng khối lượng thực tế thi công, không đúng chế độ, đơn giá thực tế và chủng loại vật tư, đã làm tăng giá trị công trình, gây thất thoát lãng phí của Nhà nước. Công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành cũng còn nhiều tồn tại như nhiều dự án sau khi làm báo cáo quyết toán đã phát hiện một số khoản thanh toán sai định mức đơn giá, không phù hợp với chế độ nhà nước quy định. Thực tế công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành ở các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện chưa nghiêm và còn chậm.
Để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên cần thiết phải đổi mới công tác quản lý giá, chi phí xây dựng.
Mục tiêu của đổi mới cơ chế định giá xây dựng là chuyển từ hệ thống định giá hành chính sang hệ thống định giá theo cơ chế thị trường, làm cho giá cả phản ánh đúng đắn hơn giá trị và quy luật cung cầu trên thị trường. Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý giá xây dựng theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý giá xây dựng thông qua việc ban hành các chính sách chế độ về giá, các nguyên tắc lập và quản lý đơn giá, dự toán, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định mức các loại chi phí sao cho phù hợp với từng thời kỳ, theo nhịp độ phát triển của nền kinh tế, làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán các hạng mục, giá xét thầu hoặc giá chỉ định thầu.
Trên cơ sở phân tích những đặc điểm hình thành giá sản phẩm xây dựng và những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại trong việc hình thành giá, quản lý giá và chi phí xây dựng dưới đây sẽ trình bày một số định hướng đổi mới việc hình thành giá và quản lý giá, chi phí xây dựng trong thời gian tới:

1. Cần thống nhất quản lý giá xây dựng vào một đầu mối để tránh tình trạng trùng chéo như hiện nay là lập tổng mức đầu tư do cơ quan kế hoạch đầu tư ban hành, tổng dự toán do cơ quan xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư do cơ quan tài chính quản lý.
Các cơ quan quản lý chức năng của nhà nước về đầu tư, xây dựng và tài chính cần phối hợp nghiên cứu để có thể ban hành đồng bộ các căn cứ pháp lý như suất vốn đầu tư, giá chuẩn, định mức đơn giá dự toán phục vụ quy trình xác định giá sản phâm xây dựng tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán các hạng mục công trình cũng như các văn bản hướng dẫn phương pháp lập giá sản phẩm xây dựng đối với những công trình thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách theo các giai đoạn của quá trình đầu tư và xây dựng.

2. Hoàn thiện các căn cứ chủ yếu để lập giá trị dự toán xây lắp
* Hoàn thiện hệ thống định mức dự toán xây dựng cơ bản
- Bổ sung định mức cho các công tác xây lắp chưa có trong tập định mức dự toán chi tiết hiện hành
- Hoàn thiện nội dung và phương pháp lập đơn giá tổng hợp trong xây dựng cơ bản
- Hoàn thiện bảng giá ca máy xây dựng
Rà soát lại danh mục máy và thiết bị thi công trong tập giá ca máy hiện hành, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng, các hãng, các nhà chế tạo, các nhà tư vấn và nhà đầu tư nước ngoài có các công trình xây dựng ở Việt Nam để xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho từng nhóm máy và loại máy cụ thể cần bổ sung. Cơ quan có thẩm quyền và nhà nước Bộ Tài chính cần hoàn thiện chế độ khấu hao tài sản cố định, nội dung báo giá ca máy cần bao gồm đầy đủ nội dung các chi phí như khấu hao cơ bản, khấu hao sửa chữa lớn, sửa chữa nhỏ, chi phí nhiên liệu, động lực, chi phí nhân công và các chi phí khác, tạo thuận lợi cho việc tính toán, điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết. Đối với một số loại máy xây dựng sử dụng hình thức cho thuê cũng cần có phương pháp xác định giá ca máy theo hình thức này nhằm hạn chế sự biến động quá lớn của các mức giá thuê máy móc, thiết bị trên thị trường xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn do nhà nước đầu tư và quản lý.
- Hoàn thiện định mức các chi phí tính theo tỷ lệ trong dự toán xây lắp:
+ Xây dựng danh mục, lựa chọn phương pháp tính chi phí chung phù hợp với tình hình thực tế trong nước, khu vực và quốc tế trong từng thời kỳ.Trị số định mức chi phí chung phải phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại công trình, công tác xây lắp. Ban hành định mức chi phí chung cho từng loại công tác hoặc một nhóm công tác xây lắp để làm căn cứ lập đơn giá tổng hợp xây dựng cơ bản.
+ Nghiên cứu xác định tỷ lệ thu nhập chịu thuế tính trước phù hợp với từng loại công tác hoặc nhóm công tác xây lắp của đơn giá tổng hợp xây dựng cơ bản.

* Nâng cao chất lượng công tác lập dự toán xây lắp của các tổ chức tư vấn bằng việc nâng cao chất lượng công tác đo bóc tiên lượng công tác xây lắp, áp dụng chương trình chuẩn thống nhất để tính toán dự toán trong các tổ chức tư vấn. Việc từng bước hội nhập với khu vực và thế giới trong lĩnh vực tiên lượng dự toán và quản lý giá xây dựng cần được nghiên cứu xem xét cả về định hướng lẫn phương pháp và bước đi cụ thể.

* Thu nhập thông tin và sử dụng các thông tin về giá được tích luỹ từ các dự án đầu tư xây dựng trong nhiều năm qua. Đây là nguồn tài liệu rất quan trọng trong việc hoàn thành hệ thống định mức và đơn giá xây dựng.

3. Trong công tác đấu thầu, cần nghiên cứu đề ra những quy định cụ thể hơn về các căn cứ và phương pháp lập giá dự thầu, giúp cho nhà thầu phát huy được những thế mạnh riêng của mình trong quá trình xác định giá dự thầu. Trong thực tế hiện nay, giá dự thầu được tính toán không phải dựa trên cơ sở đơn giá nội bộ mà thường dựa vào đơn giá do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ban hành cũng như các định mức chi phí tính theo tỷ lệ được quy định đối với việc lập dự toán hạng mục công trình hay tổng dự toán công trình làm cho giá dự thầu không phản ánh đúng chi phí thực tế xây dựng của nhà thầu.

4. Cần quy định giá dự thầu của nhà thầu không được thấp hơn giá thành hợp lý của gói thầu. Giá thành hợp lý là chi phí của nhà thầu đủ để bù đắp chi phí biến đổi chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí sử dụng máy thi công và chi phí chung cấp doanh nghiệp phân bổ cho công trường. Giá thành ở đây là giá thành cá biệt, là chi phí mà nhà thầu phải chi ra để hoàn thành gói thầu chứ không phải là giá thành bình quân xã hội.
Để ngăn chặn nhà thầu bỏ thầu với giá thấp hơn giá thành cần thực hiện các biện pháp xây dựng định mức nội bộ riêng của nhà thầu theo trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bão lãnh đấu thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng làm cho nhà thầu phải suy nghĩ kỹ khi quyết định báo giá dự thầu; nhà thầu phải tăng cường hạch toán giá thành để có cơ sở bỏ giá thầu không thấp hơn giá thành.

5. Xây dựng quy trình công khai hoá thành quyết toán công trình
Để nâng cao chất lượng quản lý giá, chi phí trong xây dựng, cần phải xây dựng quy trình và công khai hoá việc kiểm tra, kiểm soát thanh quyết toán vốn đầu tư. Đây là giải pháp góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thất thoát trong đầu tư và xây dựng. Trước tiên cần xây dựng và công khai hoá quy trình kiểm tra, kiểm soát phiếu giá thanh toán.
Công tác quyết toán vốn đầu tư, dự án hoàn thành là khâu cuối cùng trong quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản để công nhận tính hợp pháp, hợp lý về sử dụng vốn đầu tư tạo ta tài sản cố định cho nền kinh tế. Đây cũng là giải pháp tài chính quan trọng để ngăn ngừa lãng phím thất thoát vốn đầu tư của nhà nước.

GS. TS Nguyễn Đăng Hạc - Trường Đại học Xây dựng
Nguồn tin: T/C Sài gòn đầu tư & xây dựng, số 5/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)