Tổng công ty Lắp máy Việt Nam: dám nghĩ, dám làm

Thứ năm, 23/03/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam LILAMA là doanh nghiệp nhà nước vào loại lớn với gần 2 vạn kỹ sư và công nhân, trong đó tập trung nhiều công nhân có tay nghề cao. Gần 45 năm qua, Tổng công ty đã khẳng định uy tín và khả năng của mình trong lĩnh vực xây lắp với hàng nghìn công trình lớn nhỏ ở tất cả các lĩnh vực trên mọi miền đất nước.
Lãnh đạo Tổng công ty đã xác định, muốn mạnh, trước hết phải có một bộ máy quản lý mạnh, có cán bộ nghiệp vụ, kỹ thuật có trình độ khá, đội ngũ công nhân có tay nghề cao, trong đó người quản lý có vai trò hết sức quan trọng. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược và cùng tập thể lãnh đạo đề ra chiến lược phát triển cho doanh nghiệp của mình theo từng giai đoạn. Phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Muốn mạnh, phải đề cao trách nhiệm tự chủ cả về điều hành, đầu tư, vốn. Hạn chế thấp nhất sự can thiệp của Nhà nước đến việc điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đương nhiên, Nhà nước phải đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo đà để doanh nghiệp phát triển vững chắc. LILAMA nhận thức rằng, với doanh nghiệp xây lắp muốn phát triển và vươn lên trở thành tập đoàn công nghiệp xây dựng mạnh thì không thể chỉ làm thuê cho các nhà thầu và các chủ đầu tư, mà phải mạnh dạn vươn lên làm tổng thầu EPC, tiến tới làm chủ đầu tư các dự án công nghiệp lớn.
Một trong những thành công lớn nhất của LILAMA trong những năm qua là tập trung chế tạo máy cơ khí cho các dự án công nghiệp. Để có được thành công này, LILAMA đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm các thiết bị hiện đại, mở rộng nhà xưởng, đào tạo công nhân lành nghề, đặc biệt là công nhân hàn. Với 5 nhà máy chế tạo cơ khí nằm ở các vùng kinh tế trọng điểm với tổng công suất 80.000 tấn/năm, LILAMA đã chế tạo hàng trăm ngàn tấn thiết bị có chất lượng cao cho các dự án công nghiệp trong các lĩnh vực xi măng, điện, dầu khí, đường. Ở các dự án xi măng Nghi Sơn, Sao Mai, ChinFon, nhiệt điện Na Dương LILAMA đã chế tạo tới 60% khối lượng thiết bị với chất lượng cao, được các chủ đầu tư rất khen ngợi. Mới đây, LILAMA còn chế tạo thành công lò nung xi măng dài 70 mét cho Dự án xi măng Sông Gianh Quảng Bình. Hướng đi đúng đắn này chẳng những đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của LILAMA, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp cho doanh nghiệp tích luỹ về tài chính mà còn thay thế hàng ngàn tấn thiết bị ngoại nhập, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, tạo đà để ngành cơ khí Việt Nam phát triển. Trí tuệ, nội lực và uy tín trên thương trường của LILAMA cũng tăng lên trong mỗi dự án, mỗi công trình.
Từ cách nhìn của một doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thiết bị đồng bộ trong nước, LILAMA đã mạnh dạn đề xuất và tư vấn cho Chính phủ về chiến lược phát triển, quy hoạch ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010. Nhiều vấn đề nêu lên trong bản Chiến lược ấy đã được Chính phủ rất quan tâm, khích lệ và đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí phát huy hiệu quả. Trong chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 mới đây, Chính phủ đã đề ra định hướng chiến lược phát triển 8 chuyên ngành và nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong đó chú trọng sản phẩm cơ khí ngành xi măng, thuỷ điện, nhiệt điện, ngành nước, tàu thuỷ. Chính phủ đã khẳng định, phải nâng cao năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ với công nghệ tiên tiến, sản xuất được các thiết bị có độ phức tạp cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Nâng cao năng lực thiết bị toàn bộ, gắn hiệu quả với công nghệ của từng doanh nghiệp.
Việc Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm gồm 8 nhóm, trong đó có nhóm cơ khí chế tạo thiết bị đồng bộ cho các dự án thuỷ điện, nhiệt điện, xi măng và giao cho LILAMA làm trưởng nhóm này đã phần nào khẳng định năng lực và uy tín của LILAMA trong lĩnh vực này. Mới đây, LILAMA, Công ty Tư vấn công trình vật liệu xây dựng và Viện Nghiên cứu thiết kế công nghiệp xi măng Thiên Tân. Trung Quốc đã ký thoả thuận thành lập Tổ hợp tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ dây chuyền sản xuất xi măng công suất 2.500 tấn clinker/ngày trở lên do LILAMA làm lãnh đạo Tổ hợp. Mục tiêu của Tổ hợp là nhằm tăng tỷ trọng chế tạo thiết bị trong nước của các nhà máy xi măng lên 70% về khối lượng và 50% về giá trị, giảm suất đầu tư xuống còn dưới 80 USD/tấn xi măng. Trước mắt, dự án xi măng Sông Thao Phú Thọ đang triển khai theo hướng này và 5 dự án xi măng khác có cùng công suất cũng sẽ được triển khai tiếp.
Cách đây 3 năm, với uy tín và khả năng của mình, LILAMA đã được Chính phủ giao cho làm tổng thầu EPC từ tư vấn thiết kế, cung cấp thiết bị đến xây lắp nhà máy nhiệt điện chạy than Uông Bí mở rộng công suất 300 MW và Nhà máy nhiệt điện Cà Mau, công suất 720 MW. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn của Chính phủ nhằm khẳng định vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam và phát huy nội lực trong nước. Ngay sau đó, LILAMA lại trúng thầu xây dựng gói thầu 2 và 3 Nhà máy lọc dầu Dung Quất với trị giá 230 triệu USD. Trong bề bộn khó khăn, bỡ ngỡ của một doanh nghiệp lần đầu tiên làm tổng thầu EPC nhiều dự án lớn, với nỗ lực không ngừng, LILAMA đã quy tụ và tập hợp sức mạnh tổng hợp của các đơn vị cơ khí trong nước bao gồm tất cả các thành phần kinh tế cùng tham gia, phát huy tối đa nội lực triển khai các dự án EPC theo phương thức mới, đồng thời hạn chế việc biến nước ta thành thị trường tiêu thụ hàng hoá của các tập đoàn, công ty nước ngoài.
Để thực hiện thành công các dự án trên, lãnh đạo các cấp của LILAMA xác định công việc đặt lên hàng đầu của LILAMA là đào tạo nhân lực, đặc biệt là đào tạo chuyên gia cho các dự án EPC. LILAMA đã đầu tư hơn l triệu USD để mua hệ thống phần mềm thông minh 3 chiều PDS của Công ty cung cấp phần mềm Intergraph Mỹ. Để có các chuyên giá giỏi về lĩnh vực xây lắp, LILAMA cũng đã trang bị cho các kỹ sư trẻ việc sử dụng các hệ thống phần mềm như DIRECTA, quản lý hồ sơ và PRIMEVERA, quản lý tiến độ, nguồn lực và giá thành. Sau hơn hai năm đào tạo, LILAMA đã thu hút gần 300 kỹ sư thuộc các ngành cơ khí, chế tạo máy, điện, điều khiển, tin học ứng dụng, trong đó gần 100 kỹ sư đã có khả năng thay thế hoàn toàn chuyên gia nước ngoài ở các dự án EPC tiếp theo.
Với những nỗ lực trên đây, dự án đầu tiên do LILAMA làm tổng thầu EPC là Nhà máy nhiệt điện Uông Bí đang đi đúng quỹ đạo. Hiện 60% thiết bị đã về đến công trường, mọi công việc lắp đặt bao hơi trái tim của nhà máy đang tiến hành khẩn trương. LILAMA sẽ bàn giao nhà máy theo đúng hợp đồng là 36 tháng. Qua công trình này, LILAMA đã thể hiện được rằng EPC là mô hình rất tuyệt vời vì nó mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Trước hết là về kinh tế, mọi lợi nhuận mà LILAMA thu được chắc chắn là sẽ ở lại Việt Nam chứ không chảy ra bên ngoài. Thứ hai, cơ khí chế tạo trong nước được thúc đẩy LILAMA đã chế tạo 25.000 tấn trên tổng số 40.000 tấn thiết bị của nhà máy. Ở công trình này, nhiều thiết bị lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam như thiết bị khử lưu huỳnh, trạm bơm tuần hoàn, một số thiết bị lò hơi. Thứ 3, nhờ dự án EPC LILAMA đã đào tạo được lực lượng kỹ sư, cán bộ thiết kế, điều hành và quản lý dự án chuyên nghiệp, hàng nghìn thợ hàn bậc cao, có tầm quốc tế, tạo công ăn việc làm cho gần 2 vạn lao động có thu nhập cao. Đây chính là cơ hội lớn và thử thách để LILAMA tích luỹ kinh nghiệm và năng lực để vươn lên trở thành tập đoàn mạnh, đủ năng lực tham gia đấu thầu quốc tế. LILAMA cũng đang khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư để sớm ký hợp đồng EPC Dự án Nhà máy điện Cà Mau, triển khai nhanh gói thầu 2 và 3 Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất. Có thể nói, thương hiệu LILAMA có uy tín rộng lớn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong những năm tới, LILAMA sẽ tiếp tục đầu tư hơn 450 tỷ đồng cho cơ khí chế tạo, phấn đấu đạt giá trị sản lượng 400-450 triệu USD vào những năm tới, thành lập Công ty Tài chính để chủ động về vốn. Hiện LILAMA đang cùng với các doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp như xi măng Thăng Long, thuỷ điện Nghệ An cùng một số dự án khác.
Có thể khẳng định rằng, dự án nhiệt điện Uông Bí, dự án thí điểm đầu tiên do LILAMA làm tổng thầu EPC đang đi đến thành công. Đây là bước trưởng thành vượt bậc của LILAMA và cũng là thành qả lao động bền bỉ, vượt lên muôn vàn khó khăn, trở ngại của gần 20.000 người lao động ngành Lắp máy trong 45 năm qua. Họ chính là tài sản quý báu nhất của LILAMA và đây cũng được coi là một trong những bài học thành công của LILAMA trong việc chăm lo đến đời sống, việc làm và phát huy đến mức cao nhất tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nghề và cao hơn là tinh thần tự hào dân tộc. Hy vọng, những kinh nghiệm và thành công bước đầu của LILAMA trong việc vươn lên trở thành tập đoàn công nghiệp, xây dựng mạnh được cả nước chia sẻ, tham khảo và khích lệ.

Nguồn tin: T/C Kết cấu, ngày 6/11/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)