Ảnh hưởng của các dự án phát triển đô thị tới môi trường

Thứ hai, 21/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
I. Lời giới thiệu Ngày nay, bên cạnh những lợi ích đã đạt được do kết quả của tiến trình phát triển là những cái giá mà chúng ta phải trả không nhỏ. Do vậy khi có dự án mới, Người ta phải phân tích kỹ lưỡng giữa lợi ích và phí tổn phải mất. Ơ mỗi dự án ấy chúng cần phải trả lời cho được các câu hỏi: Dự án thu được lợi ích gì? Cho ai? Sự mất mát như thế nào? Và ai là người gánh chịu? Trong phân tích lợi ích và chi phí a benefit-cost analysis, người ta đã cố gắng xác định lợi ích và chi phí trong phạm vi tài chính, song nhiều khi cái giá phải chi trả cho các dự án phát triểnkhông phải tất cả có thể lượng hoá bằng tiền được.
Ở nước ta hiện nay, đô thị được chia ra thành 5 loại: đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III và đô thị loại IV. Bất kể đô thị loại nào cũng đều có những đặc điểm chung như: tiện nghi cuộc sống thiếu thốn của nhóm dân cư nghèo; ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất không kiểm soát được, sức khoẻ cộng đồng bị đe doạ; chính quyền đô thị kém hiệu quả và tham nhũng; khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh, tai nạn và tội phạm gia tăng... Những vấn đề chúng ta đề cập ở đây không chỉ là môi trường sống như nước không khí... mà còn là môi trường về kinh tế, chính trị và xã hội.
Chúng ta đang thực hiện chính sách CNH và HĐH đất nước. Điều đó góp phần vào đô thị hoá nhanh. Chính vì vậy mà sức ép đè nặng lên những trung tâm đô thị lớn. Mặt khác sự phát triển vô kế hoạch và thiếu quản lý của các đô thị xung quanh các khu công nghiệp tập trung cũng rất phổ biến hiện nay. Đó là nguyên nhân mà chất lượng môi trường sống của chúng ta đang bị đe doạ nghiêm trọng.
Ước tính ở nước ta đến năm 2020, dân số đô thị vào khoảng 45% dân số sống ở thành thị. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự phân tích kỹ lưỡng vấn đề về môi trường đô thị cho mỗi dự án phát triển.

II. Ảnh hưởng của sự phát triển tới môi trường

Đô thị hoá tất yếu dẫn đến sự di chuyển của dân cư từ nông thôn đến thành thị. Quá trình đô thị hoá dẫn đến sự "nuốt chửng" các làng xã ven đô. Sự tăng mật độ dân cư trong thành phố kéo theo sự gia tăng của các căn hộ kém chất lượng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật quá tải và thiếu hụt. Lối sống thân thiện truyền thống nông thôn được thay thế bằng lối sống đô thị, đồng hành với nó là sự gia tăng của thất nghiệp và tội phạm. Các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội như nước, lương thực, thực phẩm và môi trường ở các vùng nông thôn và rừng núi xung quanh bị phá vỡ. Chúng ta phải phụ thuộc vào những nguồn cung cấp ở những vùng xa hơn với chi phí cao hơn. Lợi ích chúng ta thu được trong sự phát triển này là sản lượng công nghiệp, sự phát triển của các ngành thương mại dịch vụ, việc làm mới... Tuy nhiên nếu chỉ phân tích lợi ích và chi phí thì không đầy đủ cho các dự án phát triển nhất là các dự án về cơ sở hạ tầng lớn, do vậy chúng ta phải đánh giá ảnh hưởng đến môi trường Enviromental Impact Assessment để bổ xung cho phân tích chi phí và lợi ích, bởi vì sự phân tích lợi ích và chi phí không thể bao quát hết được các vấn đề môi trường tự nhiên, an ninh, kinh tế, xã hội.
Có một số ý kiến học giả không tán đồng với mô hình phát triển hiện nay, bởi họ cho rằng nó đã tạo ra sự suy đồi và thiếu công bằng xã hội. Nó thể hiện rõ nhất ở chỗ người giàu càng trở nên giàu có hơn và người nghèo càng nghèo hơn. Do vậy, về cách tiếp cận, người ta muốn khuyến khích phi tập trung hoá, tăng cường văn hoá làng xã để kiểm tra được tiến trình đô thị hoá nhanh; về chính sách, người ta muốn chỉ đạo sự tự đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cơ bản và sự công bằng xã hội. Song, xu hướng phát triển chung của thế giới hiện nay không thể thay đổi một cách dễ dàng được, những quan điểm và chính sách trên không thể dễ dàng thực hiện được. Tuy nhiên, sự phát triển và tăng trưởng công nghiệp là nguyên nhân tàn phá môi trường địa phương cũng như môi trường toàn thế giới, đó là lý do mà các nhà hoạch định và cộng đồng cần biết cân bằng tăng trưởng ở mức độ phù hợp để hạn chế sự phá huỷ môi trường của chúng ta.
Đô thị hoá kết quả của mô hình phát triển hiện đại là nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống the Quality of Life. Chất lượng cuộc sống, xét riêng trong phạm vi đô thị, liên quan đến không khí sạch để thở, nước sạch để uống, lương thực thực phẩm sạch để ăn, hệ thống sử lý chất thải và chất thải rắn, an sinh xã hội, năng lượng, phương tiện đi lại, và thu nhập của công dân. Ở đây chúng ta cũng cần phân biệt giữa chất lượng cuộc sống và mức sống the Standard of Living. Mức sống cao có nghĩa tiêu dùng cơ bản là tăng cao. Nó liên quan đến chất lượng cuộc sống, về sự chi trả dịch vụ và hàng hoá lâu bền, trong đó các hàng hoá này liên quan đến tiêu dùng các nguồn tài nguyên cho việc sản xuất ra nó. Mức sống cao do thu nhập cao. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống hợp lý khi đạt được tất cả các yếu tố xã hội khác không chỉ là thu nhập. Ngày nay, ảnh hưởng tiêu cực của sự phát triển rất nghiêm trọng. Ta có thể quan sát những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... chúng ta thấy được sự xuống cấp đáng báo động về môi trường sống ở đây. ảnh hưởng xấu đến này không dành cho riêng ai bất kể giàu hay nghèo, tuy nhiên thân phận của những người nghèo đang phải hứng chịu nhiều hơn cả.
Vòng luẩn quẩn này có thể diễn tả một cách dễ dàng. Đô thị hoá bao gồm cả công nghiệp hoá dẫn tới ô nhiễm không khí, nước, đất tăng lên, và dẫn đến chất lượng cuộc sống thấp cho tất cả mọi người. Chính sách phát triển của ta thực ra chưa phân biệt một cách rõ ràng giữa chất lượng cuộc sống và mức sống, nên đã xảy ra tình trạng bằng cách này hay cách khác cố gắng tăng tốc độ công nghiệp hoá.
Khi đô thị hoá tăng lên, các nhà hoạch định chính sách nhìn thấy vấn đề như thiếu cơ sở hạ tầng và thường tìm cách giải quyết là tạo ra cơ sở hạ tầng nhiều lên để thực hiện điều đó chúng ta phải vay vốn từ các tổ chức quốc tế. Nếu luận cứ của chúng ta có thể được chấp nhận, bước tiếp theo là phải phân tích ảnh hưởng tới môi trường như thế nào. Đó là đòi hỏi cần thiết cho mỗi dự án phát triển đô thị. Ngoài ra, ở mỗi dự án phải thiết lập được giá trần tài chính và xác định loại dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế, xã hội như thế nào kể cả mặt tích cực và cố gắng tìm cách cân bằng. Sự phân tích ảnh hưởng môi trường có tính hữu dụng cho việc ra quyết định hơn là phân tích lợi ích và chi phí. đó là lý do, dù là phân tích lợi ích và chi phí được thực hiện trung thực và chính xác, nhưng nó thất bại khi lợi ích của dự án chỉ đi tới một bộ phận của xã hội khi mà chi phí luôn luôn phải trả, trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng những người nghèo và những bộ phận xã hội không có quyền hành. Việc phân tích ảnh hưởng đến môi trường cần thực hiện thông qua các diễn đàn có những tiếng nói của công chúng cũng như phản ứng công chúng, những gợi ý của nhân dân liên quan đến dự án để trình, và phải được kết luận bằng những kiểm chứng khoa học khách quan. Dự án phát triển có thể điều chỉnh đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đưa ra từ sự phân tích ảnh hưởng đến môi trường, thì dự án dừng lại bằng sức mạnh cộng đồng.

III. Ảnh hưởng của sự phát triển đô thị

Một trong những ảnh hưởng của sự phát triển và tăng trưởng đô thị là sự phát triển của hoạt động xây dựng nhà. Có thể là XD nhà cho Công nghiệp XD nhà máy sản xuất, XD để lắp đặt dây chuyền công nghệ, XD kho xưởng ..., có thể XD cho thương mại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hiệu..., hoặc có thể là nhà ở chung cư, nhà ở độc lập.... Có những công việc liên quan đến XD đường, đường ống cấp nước và thoát nước, phân phối điện.
Sự phát triển đô thị dẫn đến đất nông nghiệp ở các làng xã ngoại ô trở thành đất đô thị. Điều mà ai cũng có thể nhận biết được là người nông dân thuần tuý ngoài nghề nông ra, họ chẳng có nghề nghiệp gì khác. Sau khi thu hồi đất, tiền đền bù cho họ tương đối rẻ mạt so với phần đời còn lại của họ. Một số có thể nhập vào đội quân xây dựng, một số trở thành những người lái xe ôm, một số khác lập nghiệp bằng bán hàng rong, song họ luôn phải đối mặt với cảnh sát và chính quyền sở tại. Kết quả họ vẫn chịu cuộc sống nghèo khổ, khoảng cách giữa túng quẫn và tội phạm chỉ là vấn đề gang tấc. Họ vẫn còn đang sống trong nghèo khổ, bẩn thỉu là tiềm ẩn bệnh tật, cũng như những đe doạ khác của xã hội.
Khi phân tích ảnh hưởng môi trường liên quan đến việc mở rộng đô thị, tốt hơn hết là các nhà hoạch định cần dự tính bao nhiêu người dân sẽ sống ở đô thị, sẽ ảnh hưởng như thế nào lên cuộc sống đô thị, đến sức khoẻ cộng đồng, pháp luật, trật tự xã hội và tội phạm. Cũng phải xét tới sự tăng lên của cảnh sát có thể do sự bất công về kinh tế, chính trị như là kết quả của sự đô thị hoá phi mã. Như vậy, những khía cạnh quan trọng khác của phân tích ảnh hưởng tới môi trường đó là sự ảnh hưởng về mặt xã hội.
Xây dựng nhà với sự vận chuyển khối lượng lớn vật liệu xây dựng và số lượng lao động cũng rất lớn. Các phương tiện chuyên chở tiêu thụ nguồn nguyên liệu không phải là nhỏ, nên thải ra lượng khí làm ô nhiễm môi trương tương đối lớn. Vùng vật liệu cung cấp cho ngành xây dựng nhất là gạch xây, vùng nguyên liệu cung cấp thường xa trung tâm khoảng 20 km ví dụ công ty gạch Đại La, Gạch Đại Thanh của Hà Nội... đã làm suy giảm môi trường tự nhiên nghiêm trọng do vận hành lò nung gạch. Ơ rất nhiều thành phố, mảnh gạch vữa xây dựng và rác thải thành phố không được thu dọn kịp thời sẽ bị chảy vào hệ thống thoát nước tự nhiên dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy, tạo ra sự tù đọng, và thẩm thấu tới nguồn nước ngầm mang theo cả các độc tố từ nguồn rác. Cho nên, một kế hoạch cẩn thận là kế hoạch mà có tầm nhìn lâu dài có khả năng giảm thiểu những vấn đề đang gặp phải như đã nêu. Các nhà chính sách, hoạch định cần phải can thiệp vào những vấn đề này một cách tích cực để giảm thiểu sự thiệt hại. Việc phân tích ảnh hưởng tới môi trường cần bao gồm việc kiểm tra ô nhiễm trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến sự suy giảm môi trường do xây dựng nhà gây nên.
Một trong những ảnh hưởng của sự phát triển đô thị đó là sự tăng lên của xe cộ và ùn tắc giao thông. Kế hoạch mà chúng ta đang làm ngày hôm nay chủ yếu là kế hoạch giải quyết tình thế. Khi người ta thấy khoảng đường giao thông chưa đáp ứng đủ, người ta bắt đầu mở rộng đường. Mặt khác, những kế hoạch tiên phong đó là tăng cường phương tiện giao thông công cộng cần thiết để nâng cấp làm cho rẻ hơn và thuận tiện hơn các phương tiện tư nhân và để giảm thiểu ùn tắc giao thông thì lại thật sự chưa đáp ứng dân chúng về mặt thời gian. Các nhà hoạch định tạo ra những con đường rộng hơn bằng việc mở rộng làn đường, do vậy những cây cối ven đường bị chặt bỏ, đường giành cho đi bộ giảm thiểu. Kết quả là khi đường mở rộng lại tạo thêm những bất cập ảnh hưởng tới môi trường: thiếu bóng mát của cây cho những ngày hè oi ả, khả năng tạo ôxy bị mất dần. Khi đó việc mở rộng đường cũng chỉ đáp ứng trong thời gian ngắn ngủi do sự tăng lên của phương tiện đi lại của cá nhân mỗi người dân lại tạo ra sự tắc nghẽn mới cao hơn. Nói đúng ra, sự gia tăng phương tiện giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến không khí đô thị do khói thải từ những phương tiện này. Xét về lâu dài, mọi người bị mất mát nhiều hơn do ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do vậy, mọi dự án chi tiêu để cải tạo giao thông trong thành phố cần được phân tích để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường như nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng một cách thật sự, phát triển hệ thống đường đô thị có tầm nhìn chiến lược lâu dài.

IV. Kết luận

Như trên đã phân tích, mỗi thông số liên quan đến chất lượng cuộc sống cần được nhìn nhận, đưa ra xem xét trọng việc phát triển đô thị. Mục tiêu phát triển đô thị là để cải thiện điều kiện sống của dân cư đô thị, chúng ta không thể phủ nhận một số cải thiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc chúng chưa phân biệt rõ ràng giữa chất lượng cuộc sống và mức sống, nên sự phát triển đô thị đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong những năm tới dân số Việt Nam bùng nổ nhanh chóng ở đô thị do công nghiệp hoá, đô thị hoá, nếu chúng ta không kiểm tra và có kế hoạch hướng tới phát triển trong môi trường bền vững trong tương lai thì cuộc sống đô thị sẽ trở thành "địa ngục" cho tất cả. Nếu chúng ta không có một chế độ chính trị cứng rắn, thì sức mạnh của nhân dân sẽ bị thay thế bằng sức mạnh của những kẻ đặc quyền đặc lợi, và ảnh hưởng tiêu cực của mô hình phát triển hiện đại lên môi trường sẽ thường xuyên và không thể đảo ngược được. Vấn đề này cần phải được nhìn nhận với một thái độ nghiêm túc nhưng không quá bi quan. Tất cả các dự án phát triển phải phân tích kỹ lưỡng ảnh hưởng của nó tới môi trường, phải có những nhà hoạch định tâm huyết, các nhà khoa học môi trường mẫn cán, lắng nghe nguyện vọng và góp ý của nhân dân, và phải tuân theo nguyên tắc công bằng xã hội, vô tư và sòng phẳng.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 7/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)