Tiếp cận hệ thống trong quy hoạch vùng Thủ đô

Thứ năm, 09/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sự cần thiết có quy hoạch vùng Thủ đô Trong những năm đầu của thập kỷ 70, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ranh giới Thủ đô Hà Nội bao gồm Tam Đảo, Tam Dương, Xuân Hoà, Hoà Lạc - Xuân Mai, Ba Vì... nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng thành hậu phương vững chắc, xây dựng vành đai Trung du làm bàn đạp tiến lên phát triển kinh tế xã hội miền núi, kết hợp an ninh quốc phòng xây dựng vành đai biên giới bảo vệ Tổ quốc.
Tuy vậy với nền kinh tế bao cấp tự túc, Hà Nội không đủ lực để phát triển và quản lý một vùng rộng lớn, nên ranh giới của Thủ đô Hà Nội đã thu hẹp lại. Trong 20 năm đổi mới Thủ đô đã được mở dần về phía Bắc, sự phát triển của Thủ đô phải tiếp cận gắn kết với các không gian kinh tế, đô thị - địa lý bao quanh. Do thiếu sự phối hợp với các địa phương lân cận, không gian Hà Nội đang bị bao vây chật hẹp, khó bề xoay sở, đồng thời cũng không tạo được thế phát triển lâu dài cho các địa phương và càng khó sửa chữa khi các công trình đã được xây dựng cùng tồn tại trong không gian chung, với lợi ích riêng của mỗi địa phương, không đồng bộ về quy hoạch, đang chồng chéo nhau về đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng và kiến trúc môi trường.
Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô phải được thực hiện dựa theo quy hoạch vùng Thủ đô gắn kết địa phương bao quanh với các tiền đề liên ngành - liên vùng trong một tổng thể... mang lại lợi ích chung cho toàn vùng. Những vấn đề trên đây không chỉ bao hàm ý nghĩa khoa học, mà còn có tính thực tiễn thiết thực với tầm nhìn bao quát, trước hết vì lợi ích của vùng, của mỗi thành viên liên quan và lợi ích quốc gia.
Khi xây dựng quy hoạch không gian kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch không gian đô thị - địa lý trong phạm vi một đơn vị hành chính của tỉnh hoặc một thành phố có thể đơn giản hơn rất nhiều so với một vùng rộng lớn có nhiều mối quan hệ đan xen, đòi hỏi sự chuẩn bị cho vùng rất công phu, khách quan và dân chủ, có sự chỉ đạo tập trung. Do đó, năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đô thị Hà Nội và sau đó được kiến nghị nâng tầm quy hoạch với tên gọi vùng Thủ đô.
Như vậy, việc xây dựng quy hoạch vùng Thủ đô là cần thiết và sớm được quán triệt, dù tổ chức quy hoạch cách nào như Đồng bằng sông Hồng, vành đai Trung du hay Tam giác tăng trưởng, vùng cũng bao gồm thành phố Hà Nội với tư cách Thủ đô - đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước - như một khu vực đô thị hạt nhân của vùng.
Khi đứng riêng, Hà Nội là thành phố có vị trí và văn hoá hàng đầu, khả năng phát huy tác dụng các lợi thế có mức độ, nhưng trong phạm vi cả vùng thì Thủ đô Hà Nội có những yếu tố thuận lợi mang tính quyết định thúc đẩy phát triển so với các vùng khác, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất cả nước, lực lượng lao động lành nghề, đội ngũ khoa học với nhiều viện nghiên cứu tập trung của cả nước về mọi lĩnh vực. Vì vậy, vùng Thủ đô phải tập hợp được các lợi thế để cùng với các địa bàn tạo ra một vùng kinh tế phát triển, giữ được vai trò chủ đạo không chỉ ở miền Bắc mà còn nhiều lĩnh vực phải vươn lên trong cả nước và hỗ trợ cho các vùng lân cận.
Với ưu thế trên đây, công nghiệp Thủ đô nên phát triển theo hướng có chọn lọc, như công nghệ cao sử dụng nhiều chất xám, trong đó có công nghiệp chế tạo có vai trò chủ động góp phần phát triển công nghiệp phía Bắc và cả nước, tuy phải đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm; sau đến là hỗ trợ các địa phương trong vùng phát triển các loại hình công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp thu hút nhiều lao động, tạo việc làm và nhanh thu hồi vốn. Rào cản lớn nhất của trong động lực phát triển vùng Thủ đô là dự thừa lao động, dân cư nông nghiệp trong vùng nông thôn chiếm hơn 70% dân số, thuộc dạng nghèo, còn khoảng cách khá xa so với mức sống đô thị. Yếu tố dư thừa lao động nông thôn đang là cản trở quá trình hiện đại hoá, xây dựng vùng công nghiệp.
Hiện nay, vùng nông thôn quanh Hà Nội đang có nhiều làng nghề phát triển thành các cụm công nghiệp rất năng động, hiện đại hoá, chuyên môn hoá một số nghề chính và bắt đầu có phân công lao động như: đồ gỗ Đồng Kỵ, sắt thép Đa Hội, gốm sứ bát Tràng, chế biến mây tre đan xuất khẩu... đã tạo việc làm cho nhiều xã xung quanh. Nhờ tổ chức mềm dẻo, phổ biến sáng kiến, lưu truyền thông tin, giảm thiểu rủi ro, tạo môi trường thuận lợi trong trao đổi cung cấp, phân phối đầu tư, thu hút lao động và sử dụng công nghệ hiện đại nên các cụm công nghiệp có hiệu quả cạnh tranh được với các xí nghiệp lớn. Bởi vậy, xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ quản lý kinh tế cho nông thôn, đồng thời lựa chọn mô hình sản xuất để có lộ trình công nghiệp hoá nông thôn đang là nội dung quan trọng trong quy hoạch vùng Thủ đô.
Các dịch vụ đối ngoại quốc tế chỉ là loại hình dịch vụ tập trung chủ yếu ở thành phố Hà Nội, có sự phối hợp của nhiều ngành như ngoại giao, du lịch, hàng không để xây dựng chiến lược dài hạn, hướng tới một trung tâm khu vực phát triển nhiều mặt ở châu Á, mang lại lợi ích cho vùng và cả nước.

Định hướng không gian trong tổ chức vùng

Vùng Thủ đô bao gồm thành phố Hà Nội và 7 tỉnh xung quanh là Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương, Hừng Yên, Hoà Bình, những tỉnh này nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đủ sức làm đầu tàu phát triển và thống nhất nhiệm vụ chung của vùng, sau đến là 2 tỉnh ngoài vùng trọng điểm là Bắc Giang và Thái Nguyên.
Ngoài khu vực hạt nhân, có khu vực phụ cận được xác định trong phạm vi bán kính 25 - 30 km để hỗ trợ phát triển các đô thị trung tâm, hình thành vùng giao thoa phát triển giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận với thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, làng nghề, khu di tích lịch sử văn hoá. Dự kiến trong tương lai khu vực này sẽ phát triển các đô thị mang chức năng vệ tinh.
Cùng với vùng đô thị hạt nhân và phụ cận là vùng phát triển đối trọng gồm 3 khu vực: Khu vực phía Tây Hà Nội xác định trong phạm vi 30 - 60 km gồm Hà Tây và một phần của Hoà Bình với khu công nghệ cao và thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng. Khu vực phía Bắc - Đông Bắc dọc theo hành lang đường 2 - đường 18 sẽ hình thành vùng công nghiệp - đô thị chủ chốt như Vĩnh Yên - Phúc Yên - Nam Thái Nguyên. Khu vực phía Đông và Đông Nam là vùng Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà nam chuyển tiếp ra vùng duyên hải. Dự kiến khu vực này sẽ phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối đô thị trung tâm nông nghiệp và các trung tâm chế biến nông sản. Giao thông vận tải và viễn thông là yếu tố huyết mạch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội của vùng, vì vậy hai trục hành lang từ Hà Nội hướng ra biển, với trục phía Bắc từ vĩnh Phúc tới Quảng Ninh theo đường 18 và tiếp giáp Hà Nội tại khu vực sân bay Nội Bài và trục hành lang theo đường 5 là những trục giao thông chính, có nhiều tiềm năng phát triển. Song cần thiết phải quy hoạch mạng lưới từ ngoài vùng để giảm tải, nâng khả năng thông qua trong vùng...
Ngày nay trên thế giới đang hình thành nhiều hệ thống lãnh thổ rộng lớn vượt ra khỏi phạm vi một quốc gia, với quy mô một khu vực nhiều nước, quy mô toàn cầu; đương nhiên quan điểm hệ thống phải được vận dụng bằng quốc sách rất linh hoạt theo tình thế và điều chỉnh kịp thời để thích ứng với quy luật phát triển của hệ thống vĩ mô, nhằm đưa đất nước có nền kinh tế tăng trưởng bền vững với tính độc lập toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Khi đã nâng tầm lên vùng Thủ đô, ý nghĩa và nộ dung nghiên cứu cũng được nâng lên so với một thành phố. Chẳng hạn ranh giới vùng nghiên cứu được mở rộng gồm cả ranh giới hành chính nhiều tỉnh, có nhiều vòng ảnh hưởng... Ranh giới bán kính vòng ảnh hưởng là ranh giới mềm, diễn biến theo thời gian không gian, tuỳ thuộc vào sự tăng trưởng của các cực phát triển phát triển và các cực tăng trưởng. Vì vậy, ranh giới vùng Thủ đô là ranh giới mềm, không nhất thiết phải cắt xén phần đất của các tỉnh lân cận, sát nhập thành một vùng hành chính. Bởi vì vòng ảnh hưởng của những đô thị lớn thường vượt ra khỏi phạm vi hành chính của đô thị đó.
Tổng hợp các không gian địa lý - xã hội, không gian kinh tế - xã hội xác định các vòng ảnh hưởng, tạo cơ sở khoa học hình thành các giai đoạn quy hoạch treo thời gian và không gian như khi nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô không thể không tính đến vòng ảnh hưởng và sức hấp dẫn với thành phố Hải Phòng...

Triển vọng vùng Thủ đô năm 2030

Theo tầm nhìn đến năm 2030, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là vùng kinh tế tổng hợp, đa ngành của cả nước, là trung tâm chính trị, văn hoá, du lịch, trung tâm khoa học-đào tạo; hướng tới vùng thành phố có vị thế xứng đáng trong khu vực Đông Nam Á, chấu Á-Thái Bình dương, tận dụng những hưởng lợi của các trung tâm lân cận, vươn lên cạnh tranh với các trung tâm trong khu vực...
Một vùng Thủ đô mở rộng trong khu vực, không chỉ có giao thông mạng lưới quanh Hà Nội, mà có những hành lang nối các đô thị lớn địa phương, với những đô thị các nước trong khu vực bởi mạng hình lưới, thay cho mạng hình cây của thời kỳ kém phát triển. Vùng Thủ đô mạnh và hiện đại, có sức lan toả bằng một mạng lưới đô thị nhỏ và trung gian, nhằm phát triển các vùng nông thôn, mang kiểu tích hợp. Các đô thị quy mô các cỡ gắn kết giao thoa trong một hệ thống, theo lực hấp dẫn được phân tích theo luồng, thể hiện ở lực ly tâm, hướng tâm trong các bán kính vòng ảnh hưởng, từ phân cấp kéo theo phân tầng dịch vụ, cơ sở cho các giai đoạn đầu tư. Bởi hệ thống đô thị lớn, trung bình và nhỏ là giường cột và chỉ đạo nền kinh tế của vùng và quyết định không gian vùng. Tiêu đề của không gian kinh tế vùng chính là ở chỗ nó trùng hợp với không gian chịu ảnh hưởng của các đô thị. Hình ảnh tốt đẹp của vùng Thủ đô sẽ đem lại cuộc sống có chất lượng cho mọi người.

Nguyễn Hiền
Nguồn tin: T/C Kinh tế và dự báo, số 10/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)