Kính - vật liệu của những giấc mơ huy hoàng

Thứ năm, 09/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sự ra đời của kính, một vật liệu trong suốt, là một sự kiện lớn lao, là một cuộc cách mạng về vật liệu nhân tạo. Trước khi có kính người ta làm những tấm gương bằng đồng, những mặt đồng được đánh bóng để phản chiếu hình ảnh. Những hình soi vào gương đồng đâu có phản ánh đúng sự thật vì lúc nào cũng có màu vàng của đồng. Những cửa sổ, cửa đi thì dán bằng giấy trắng trên khung gỗ, nó rất mong manh không ngăn được gió rét. Kính ra đời, một vật liệu xây dựng tạo nên sự huy hoàng cho ngôi nhà từ ngoài vào trong. Các cửa đi, cửa sổ có kính trong suốt đưa ánh sáng vào nhà, đưa hình ảnh thiên nhiên vào và ở trong nhà, những tủ kính, những chùm đèn pha lê càng làm cho nội thất thêm lộng lẫy.
Trong nhà thờ đạo gia tô, người ta đã trang trí cửa sổ bằng những tranh kính màu nêu sự tích của Chúa và các vị thánh. Cửa sổ hoa hồng hình tròn có đường kính màu rất lộng lẫy. Trong các chùa Việt Nam cũng thường có những mảng kính màu đỏ đặt trên mái ngói ở khu vực Thiên Hương hoặc Thượng Điện tạo nên một vùng ánh sáng hồng làm tăng chất huyền bí thiêng liêng của chốn thờ Phật.
Chính vật liệu kính đã góp phần trong sự ra đời của nền kiến trúc hiện đại thế giới. Để chuẩn bị cho Hội chợ Triển lãm quốc tế năm 1851 ở London, một cuộc thi thiết kế ngôi nhà triển lãm chính thức được tổ chức. Các kiến trúc sư khắp Châu Âu và Châu Mỹ gửi bài thi đến. Phương án Lâu đài pha lê của Paxton đã được giải nhất. Vì là một kỹ sư nông nghiệp, Paxton không chịu ảnh hưởng gì của hệ thống kiến trúc cổ điển, công trình của ông giống như một nhà kính khổng lồ, loại nhà kính để ươm cây quen thuộc trong nghề nông nghiệp của ông. Điều này phù hợp với tiêu chuẩn chí của cuộc thi là công trình phải phản ánh các tiến bộ KHKT của thời đại. Ngôi nhà khổng lồ dài 563m, rộng 124,5m được cấu tạo bởi 3200 cột gang và 2300 đầu kim loại và được xây dựng với một thời gian ngắn kỷ lục là 6 tuần.
Toàn bộ tường và mái của Lâu đài Pha lê làm bằng kính, lần đầu tiên vật liệu kính đã biểu hiện khả năng tuyệt vời của mình cả tường và mái trong một công trình kiến trúc to lớn như vậy. Người ta đã thấy ở lâu đài pha lê những phẩm chất hoàn toàn khác với kiến trúc từ trước đến lúc đó: về vật liệu thì công trình làm chủ yếu kêt cấu kim loại và vật liệu kính, về xây dựng tì lắp ghép bằng các cấu kiện sản xuất sẵn trong nhà máy nên tốc độ xây lắp rất nhanh, về nghệ thuật kiến trúc thì công trình lâu đài pha lê không sử dụng hệ thống ngôn ngữ của kiến trúc cổ điển Hy Lạp - La Mã. Công trình có một vẻ đẹp, khác thường đó là sự trong suốt, tràn ngập ánh sáng, tính chất thanh nhã đơn giản, rất ít hoa văn trang trí và có nhiều không gian để trưng bày, đi lại... Đó là vẻ đẹp của một loại kiến trúc khác cho nên người ta đã lấy năm xây dựng lâu đài pha lê, 1851 là năm ra đời của nền kiến trúc Hiện đại thế giới. 38 năm sau, Hội chợ triển lãm quốc tế Paris, 1889, cùng với tháp Effel có một công trình kiến trúc nổi tiếng khác cũng biểu hiện sự ra đời của kiến trúc hiện đại, đó là gian trưng bày máy của hai kỹ sư Duter và Contamin. Ngôi nhà này dài 420m, rộng 115m, cao 45m làm bằng kết cấu thép bao gồm 20 khung kim loại dạng vòm 3 khớp và toàn bộ mái lợp kính. Như vậy, một lần nữa, kính đã lợp một không gian mênh mông 4,8ha! Kính đã trở thành vật liệu xây dựng quan trọng ngay từ cuối thế kỷ XIX.
Kính đóng vai trò quan trọng trong các trường phái kiến trúc Hiện đại trên thế giới. Những kiến trúc sư thuộc trường phái kiến trúc Chicago cuối thế kỷ XIX đã sử dụng vật liệu kính để tạo nên những cửa sổ rộng lớn cho những ngôi nhà chọc trời đầu tiên của mình, đó là những cửa sổ Chicago nổi tiếng. Hai kiến trúc sư Burnham và Root năm 1890 -1895 đã xây dựng ngôi nhà chọc trời Reliance Building với khung kim loại và tường hoàn toàn bằng kính. Ngôi nhà này được coi là tiền thân của những ngôi nhà chọc trời bằng kính và thép của Miesvander Rohe sau này, năm 1895, Louis Sullivan, một thủ lĩnh quan trọng nhất của trường phái Chicago đã xây dựng ngôi nhà của hãng bảo hiểm Guaranty Trust Building. Điều đáng chú ý của ngôi nhà này là tầng trệt có những mảng tường bằng kính lớn trông rõ cả bên trong nhà. Có thể coi đây là hình ảnh đầu tiên của loại nhà trên cột, một trong năm nguyên tắc của ngôi nhà của Chủ nghĩa Công năng mà Le Corbusier tổng kết sau này. Vật liệu kính đã góp phần tạo nên những phương án kiến trúc hiện đại đưa trường phái của chủ nghĩa cấu tạo Nga những năm sau cách mạng tháng 10 trở thành tiên tiến nhất thế giới. Năm 1924 ba anh em Vesnin chiếm giải nhất cuộc thi phương án toà nhà báo sự thật ở Lêningrat. Ngôi nhà bằng khung kim loại và tường hoàn toàn bằng kính. Ngôi nhà đã đi trước thời đại và mẫu mực điển hình của Chủ nghĩa cấu tạo Nga. Ngay như thang máy chạy lộ trong lồng kính, một chi tiết kiến trúc mà gần đây mới thực hiện, đã được anh em Vesnin thiết kế trong phương án này trước đây hơn 80năm.
Miesvander Rohe, một thủ lĩnh của Chủ nghĩa Công năng, cha đẻ của nhà chọc trời bằng kính và thép, ngay từ năm 1920 đã sáng tác một mô hình nhà chọc trời bằng thuỷ tinh. Ngôi nhà có hai trụ lớn cố định, trong đó là cầu thang, thang máy và các đường ống kỹ thuật. Toàn bộ các sàn nhà, hoàn toàn để trống, đó là không gian vạn năng có thể đáp ứng mọi công năng khác nhau bằng cách sử dụng các vách ngăn nhẹ. Mãi đến năm 1958 ông mới thực hiện được không gian vạn năng ấy trong công trình Seagram Building nổi tiếng xây dựng ở Newyork. Năm 1940 Miesvander Rohe thiết kế toàn bộ Học viện công nghệ Illinois bang Massachusett. Mặt bằng tổng thể học viện gồm khoảng trên hai chục hạng mục công trình. Tất cả đều có dạng hình hộp chữ nhật, thấp tầng có bộ khung kim loại và tường bằng kính.Ngôi nhà đẹp nhất trong toàn bộ học viện là khoa kiến trúc gọi là Crown Hall, một tầng hình hộp chữ nhật bẹt. Đến nhà thờ trong học viện cũng không thoát khỏi hình dạng một hộp chữ nhật thẳng tầng có tường bằng kính lớn. KTS Philip Johnson, một trong những cộng sự thân thiết của Mies, là đồng tác giả với ông trong toà nhà cao ốc Seagram Building, đã xây dựng cho mình một ngôi nhà riêng trong khu vườn ở Conneticut. Đó là một hộp kính trong suốt, trong có một hạt nhân cố định là một trụ tròn bên trong là buồng tắm. Ngôi nhà độc đáo này đại diện cho phong cách quốc tế của kiến trúc Hiện đại thế giới.
Chủ nghĩa công năng cũng được vật liệu kính hỗ trợ rất nhiều để biểu hiện được tư tưởng của mình. Ngay từ năm 1911, KTS Watter Coropius đã thực hiện một công trình đưa tên tuổi ông lên hàng đầu những KTS hiện đại ở Châu Âu, đó là nhà máy Fagus Công trình gây kinh ngạc cho mọi người vì ở góc nhà thường là một cột chịu lực nhưng ở đây lại là nơi gặp nhau của hai tấm kính trong suốt. Người ta nói rằng đây là một công trình xây dựng không trọng lượng đầu tiên, là sự tìm tòi cái trong suốt, một tính chất của kiến trúc hiện đại - Trường Banbaus ở Dessen, nước Đức được, được Water Cropius xây dựng năm 1926 cũng có những mảng tường kính vượt ba tầng nhà khu vực xưởng thực hành với các góc nhà lá hai mảng tường kính trong suốt thẳng góc với nhau.
Những mảng tường kính lớn làm tăng thêm ấn tượng trong suốt của các khối đan lồng vào nhau, tăng hiệu quả không gian ba chiều. Đó cũng là một tính chất của trường phái hội hoạ lập thể mà Le Corbusier say mê. Ông đã vẽ tranh lập thể suốt đời, đã từng triển lãm tranh sơn dầu lập thể ở Paris. Hội hoạ lập thể đãc giúp ông rất nhiều trong sáng tác kiến trúc. Trường phái kiến trúc hữu cơ cũng được vật liệu kính hỗ trợ đắc lực. Những mảng tường kính lớn trong ngôi biệt thự trên thác falling water của Frank Lloyd Wright cũng như những tường kính trong ngôi biệt thự Ngôi nhà ở khu rừng chân đồi và ngôi nhà ở Samạc và ngôi nhà Lowell House của Richard Newtra đã khiến những người trong nhà xưởng như mình đang ở ngoài thiên nhiên, trên dòng suối, trong rừng hay trong samạc. Ngôi nhà của Robert Leonhardt House do Philip Johnson làm ở Long Island, New York năm 1956, có một phòng sinh hoạt là một hộp kính ở tầng hai, ở dưới trống như một nhà sàn. Trong buồng kính, con người được bảo vệ khỏi những bất lợi của môi trường nhưng vẫn hoà nhập như sống trong thiên nhiên, ghi cạnh hiện vật ở sâu dưới đất. Vật liệu kính Trường phái chủ nghĩa Thô Mộc xuất hiện năm 1953 tại Anh Quốc do hai vợ chồng kiến trúc sư Peter và Alison Smithson đề xướng - chủ nghĩa Thô Mộc nhấn mạnh tính chất chân thật của ngôi nhà, tính nghiêm khắc trong việc sử dụng vật liệu và tính trong suốt của công trình có nghĩa là không che dấu - tác phẩm tiêu biểu nhất của vợ chồng Smithson là trường trung học Hunstanton xây dựng năm 1954 tại Norfolk, Anh Quốc. Công trình được coi như bản tuyên ngôn của trường phái chủ nghĩa Thô Mộc. Ngôi trường này để lộ cả kết cấu và cái ống dẫn nước nhờ các tường kính trong suốt. Cụm công trình Economist Building xây dựng năm 1959 - 64 tại London cũng mang tính chất chân thực, nghiêm khắc và trong suốt nhờ vật liệu kính.
Ngày nay vật liệu kính càng phát huy tác dụng vì chất lượng của kính được nâng cao nhiều về cường độ chịu lực, về độ trong suốt, về độ mờ ảo và màu sắc đa dạng, về chất cảm... Kính trở thành một vật của nghệ thuật, của khoa học. Những thuỷ cung trong các công viên nước trên thế giới khiến cho khách tham quan những cuộc du ngoạn an toàn dưới nước những tầng nước sâu, chung quanh có bao nhiêu tôm cá bơi lội, kể cả những thú dữ dưới nước như cá mập, cá sấu, hà mã, rắn biển... Những lồng thang máy trong suốt khiến nguời ở trong thang máy cảm nhận được mình đang di chuyển trong không gian 4 chiều kể cả chiều thời gian, cảm nhận được sự thay đổi của cảnh quan trên từng độ cao khác nhau. Người bên ngoài thang máy, nhất là đối với những thang máy bố trí ở tường ngoài công trình thì thấy sự di chuyển lên xuống của thang máy ở mặt đứng ngôi nhà như là sự biểu hiện sinh động của một cơ thể sống. Trên một đường phố ở Quang Châu, Trung Quốc người ta đã phát hiện những di tích của thành cổ, những con đường lát gạch, những cổng lâu đài cổ cách đây khoảng 1000năm nằm sâu từ 1 đến 2 m dưới mặt đất. Để không phải đào bới phố xá lên, để bảo tồn được di tích và hơn nữa để trưng bày cho nhân dân được chiêm ngưỡng những di tích của ông cha để lại phục vụ cho việc giáo dục, học tập, nghiên cứu, người ta đã quy hoạch khu di tích thành một đoạn đường đi bộ dài vài trăm mét, dải lớn ở giữa được lát kính, hai dải hai bên là đường đi bộ cho du khách. Mọi người có thể dừng lại xem các hiện vật cổ như những móng nền nhà, nền cổng, những đoạn đường lát gạch đá cổ xưa qua kính trong suốt ở dải giữa rộng chừng 3m, sâu hơn 1m. Vật liệu kính ở đây phải có cường độ cao và rất trong suốt để khách tham quan không những nhìn rõ hiện vật mà còn đọc được những dòng thuyết minh phần cho sự ra đời của nền kiến trúc Hiện đại thế giới và càng ngày càng làm cho kiến trúc tiện nghi hơn, tráng lệ hơn. Kiến trúc sư chúng ta có trong tay một công cụ tuyệt vời sẵn sàng giúp chúng ta diễn đạt một tư tưởng nghệ thuật từ lãng mạn đến chân thực và những gì mà chúng ta chưa hình dung ra đang còn ở phía trước.

PGS. TS. KTS Tôn Đại
Nguồn tin: T/C Kính Xây dựng, số 5 & 6/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)