50 gương sáng này đại diện cho các ngành, lĩnh vực và địa phương đã có những đóng góp tích cực trong công tác xây dựng, tổ chức và thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của người dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh trao tặng gương sáng pháp luật Việt Nam cho nữ già làng đầu tiên ở Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Chiều tối 8/11, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Lễ tôn vinh 50 gương sáng pháp luật 2021.
Đây là 50 gương sáng pháp luật lần đầu tiên được bình chọn trong Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật” theo Đề án của Báo Pháp luật Việt Nam đã được Bộ Tư pháp phê duyệt nhằm hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tích cực đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống.
Chương trình bình chọn tôn vinh “Gương sáng pháp luật” 2021 diễn ra trong bối cảnh đất nước chịu sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến công tác triển khai gặp rất nhiều khó khăn; nhưng vượt lên tất cả và mong muốn lan tỏa những hình ảnh đẹp, việc làm tốt, với sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo, sự quyết tâm của Ban tổ chức, sự ủng hộ của các ban, ngành, địa phương, phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam tại 16 cơ quan, văn phòng đại diện trải dài từ Hà Giang địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau đã dày công nghiên cứu hồ sơ các nhân vật, lặn lội đến tận địa bàn làm việc, sinh sống của những tấm gương để tác nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 có điểm nhấn nổi bật chính là Chương trình tôn vinh "Gương sáng pháp luật".
Trong quá trình triển khai thực hiện, Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các ban, bộ, ngành, địa phương. Nhiều cơ quan, tổ chức đã gửi văn bản giới thiệu các tấm gương của đơn vị mình. Trên cơ sở đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã khai thác, phản ánh thông tin về nhân vật với nhiều hình thức truyền thông sinh động.
Mặc dù Chương trình triển khai khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thách thức đặt ra nhưng cơ bản đã đạt được mục tiêu. Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải gần 200 gương sáng là cá nhân có đóng góp xuất sắc trong xây dựng và thi hành pháp luật ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền khác nhau. Nhiều tấm gương được Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh đã tạo được sức hút, sức lan tỏa lớn, có tầm ảnh hưởng trong dư luận xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu trong thời gian tới, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng đòi hỏi phải có sự chuyển mình hơn nữa để phù hợp với thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả. Do vậy, cần sự quan tâm nhiều hơn và sự chung tay vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương và các tầng lớp nhân dân.
Theo Ban tổ chức, với tiêu chí gương sáng pháp luật phải là những người đạt được các thành tích xuất sắc, tiêu biểu đã được ghi nhận và trao tặng các danh hiệu cao quý của các cơ quan có thẩm quyền về những thành tích trong xây dựng, tổ chức, thi hành pháp luật; truyền cảm hứng lan tỏa trong xã hội về tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật và được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam, kết thúc chương trình đã có gần 200 bài viết về các nhân vật với sự đang dạng về thành phần, phong phú về nghề nghiệp và sống trên mọi miền của Tổ Quốc, như: Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý; nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Đinh Trung Tụng; nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công An, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh; các ông Nguyễn Túc, GS Hoàng Chí Bảo, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Thượng tọa Lý Hùng, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, ông Tráng Lao Lử, bà Ksor H’Lâm, ông Nguyễn Ngọc Mạnh, ông Trần Đắc Phu…
Thực tế cho thấy, gần 200 nhân vật được tìm hiểu và đăng tải đều xứng đáng được vinh danh gương sáng pháp luật, bởi những việc làm của họ không chỉ dừng lại ở những tấm bằng khen, huân, huy chương hay giải thưởng, mà việc làm của họ là những hành động cao đẹp, có giá trị lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, đời sống, xã hội trong việc xây dựng, thực thi và chấp hành pháp luật. Và điều cao hơn, những việc làm của họ có sức lan tỏa, chuyển tải hình ảnh đẹp về trách nhiệm của công dân đối với xã hội, đất nước.
Từ thành công của lần này, Ban tổ chức sẽ tiếp tục thực hiện trong các năm sau để nhân rộng và lan tỏa ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống để cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ luật pháp.