Ngày 21/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị Tập huấn Thông tư số 10/2024/TT-BXD Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu các sở, ngành của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chủ trì hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng nhập khẩu, đặc biệt là gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng, bảo đảm phù hợp với những quy định về tự do thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng xây dựng dự thảo và tiếp thu ý kiến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc để hoàn thiện và ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Việc xây dựng, ban hành Thông tư này nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng. Từ đó, sàng lọc và phân biệt rõ các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng chất lượng tốt và các loại chất lượng chưa tốt để quản lý chính xác, hiệu quả hơn từng nhóm đối tượng; khuyến khích nâng cao sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng chất lượng tốt và xử lý vi phạm (nếu có) kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Theo Thứ trưởng, Thông tư số 10/2024/TT-BXD được triển khai, áp dụng trong thực tiễn sẽ giúp cụ thể hoá, minh bạch trong việc phân biệt các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng (nhóm 2) có khả năng gây mất an toàn về chất lượng công trình, sức khoẻ, môi trường so với các sản phẩm vật liệu xây dựng thông thường không có khả năng gây mất an toàn (nhóm 1). Trên cơ sở đó, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng để đảm bảo chất lượng, thực hiện đầy đủ theo các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và liên thông với pháp luật về hải quan (áp mã hàng hóa, áp mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu).
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành phổ biến những nội dung chính của Thông tư số 10/2024/TT-BXD. Theo đó, Thông tư này được ban hành ngày 1/11/2024, chính thức có hiệu lực ngày 16/12/2024, quy định về quản lý chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Đối tượng áp dụng bao gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu và sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm, tổ chức kiểm định và tổ chức giám định) và tổ chức giám định tư pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Thông tư số 10/2024/TT-BXD gồm 5 Chương 21 Điều. Trong đó: Chương I gồm 5 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, phân loại, ghi nhãn và các yêu cầu chung về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; Chương II gồm 5 Điều quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trong sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng; Chương III gồm 4 Điều quy định về quản lý hoạt động hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng; Chương IV gồm 3 Điều quy định Tổ chức thực hiện; Chương V gồm 4 Điều quy định về Điều khoản thi hành.
Tại hội nghị, Bộ Xây dựng dành nhiều thời gian trao đổi, hướng dẫn, giải đáp các nội dung được Sở Xây dựng các địa phương, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm, đặt câu hỏi liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh ý nghĩa thực tiễn của Thông tư số 10/2024/TT-BXD, đồng thời mong muốn các địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư một cách hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng sẽ quan tâm, ghi nhận và tổng hợp những góp ý từ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân để có những hướng dẫn kịp thời, nhằm đảm bảo phát huy tối đa giá trị thực tiễn của Thông tư.