Ngày 29/4, Sở Tư pháp Hà Nội ban hành Công văn số 1092/STP-PBGDPL, đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật.
Theo đó, về nội dung, bên cạnh việc bám sát các nội dung cần phổ biến theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các đơn vị cần tập trung phổ biến những vấn đề dư luận, xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, trọng tâm là các lĩnh vực: Công tác tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường; kỷ cương hành chính, cải cách hành chính, cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp; thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố; dịch vụ công trực tuyến; trật tự văn minh đô thị; vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng và đô thị; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống cháy nổ; an toàn giao thông; an toàn trật tự xã hội; xây dựng nếp sống văn hóa; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em...
Quan tâm đến: Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố; ứng xử khi tham gia môi trường mạng xã hội; các vấn đề khác của xã hội được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.
Về hình thức tổ chức Ngày Pháp luật, đề nghị phát huy đầy đủ vai trò của các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên báo, đài, cổng, trang thông tin điện tử và hệ thống loa truyền thanh cơ sở; truyền thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật trực tiếp; tổ chức lồng ghép hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... Tổ chức thực hiện tốt đề án “Bình chọn, tôn vinh cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và thực hiện pháp luật”.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt trong 2 tháng cao điểm là tháng 10 và 11/2021. Tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trong phạm vi quản lý và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện trong báo cáo công tác tư pháp năm 2021; kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật.