Sáng 20/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: TTXVN
Sáng 20/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Dự cuộc làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến và các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, Hội đồng Dân tộc nhiệm kỳ khóa XIV có 47 thành viên, là đại biểu Quốc hội của 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đại diện của 29/33 dân tộc tham gia Quốc hội khóa XIV.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, trong lĩnh vực lập pháp, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra và cho ý kiến 60 dự án luật. Từ kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 đã luật hóa trách nhiệm của Hội đồng trong việc tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong thành công toàn diện của Quốc hội khóa XIV có vai trò rất quan trọng của Hội đồng Dân tộc. Quốc hội khóa XIV đã ban hành các chính sách mang tính đột phá trong lĩnh vực dân tộc thiểu số và miền núi, như Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Hội đồng Dân tộc nhận thức, quán triệt sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò của Hội đồng Dân tộc trong hoạt động của Quốc hội nói chung, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nói riêng. Trong khi các ủy ban được tổ chức theo lĩnh vực thì Hội đồng Dân tộc lại tổ chức theo đối tượng, bao phủ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng… nên tự thân đã có quan hệ rất rộng với các cơ quan của Quốc hội cũng như với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị. Do vậy, Hội đồng Dân tộc cần xử lý tốt mối quan hệ này.
Về một số việc cần làm sắp tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành nghị quyết mới về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc.
Nhấn mạnh rằng mỗi cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đặc thù, không thể có một quy định áp dụng chung, nhưng Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về quy trình xin ý kiến và phê duyệt để tránh chồng chéo giữa các cơ quan, rõ thẩm quyền và rõ trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội giao Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Trưởng Ban Công tác đại biểu nghiên cứu ban hành hướng dẫn chung cho các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao sự chủ động của Hội đồng Dân tộc về dự án Luật Dân tộc và đề nghị Hội đồng Dân tộc sớm hoàn thiện hồ sơ để trình theo đúng quy trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với các đề xuất về việc siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong ban hành văn bản pháp luật, trừ những trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội bổ sung thêm rằng, ngoài kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm, Quốc hội cần có chiến lược xây dựng pháp luật trong 5 năm tới, định hướng tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045 với tinh thần kiến tạo và phát triển theo yêu cầu của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội gợi ý Hội đồng Dân tộc nên nghiên cứu xây dựng trọng điểm giám sát cho Hội đồng, đề xuất giám sát cấp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất giám sát tối cao của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới, có phạm vi cụ thể và gắn với trách nhiệm giải trình, chỉ ra được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan; tái giám sát từng việc, tránh chung chung.