Triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật là một nét mới trong hoạt động của HĐND TP. Hà Nội. HĐND Thành phố sẽ phân công rõ nhiệm vụ, vai trò của từng cơ quan, trong đó thống nhất thực hiện nghiêm túc quy định, trình tự của Luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Chiều 12/01, Thường trực HĐND-UBND-UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND Thành phố năm 2021 và các năm tiếp theo.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn, từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 12/2020, UBND Thành phố đã xây dựng trình HĐND Thành phố ban hành 56 Nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó, có 20 Nghị quyết quy định chính sách đặc thù của Thành phố, 100% nghị quyết của HĐND Thành phố được ban hành đúng thẩm quyền và bảo đảm về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
“Các Nghị quyết của HĐND Thành phố khi được thông qua đã bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc thù của Thủ đô”, ông Ngô Anh Tuấn cho biết.
Việc ban hành nghị quyết dần đi vào nền nếp, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại hạn chế cần được chỉ ra để khắc phục, từ đó, ông Ngô Anh Tuấn kiến nghị UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở ngành rà soát, nâng cao hiệu quả của công tác tham mưu xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Về nhiệm vụ năm 2021, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố bước đầu rà soát chương trình công tác của UBND Thành phố năm 2021, xác định có 19 nội dung Nghị quyết cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và 15 Nghị quyết của HĐND Thành phố đang có hiệu lực cần được xem xét đề xuất sửa đổi bổ, sung, thay thế theo các văn bản quy phạm pháp luật mới của Trung ương.
Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Gia Huy
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, các nghị quyết được HĐND Thành phố ban hành trong nhiệm kỳ qua đã góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, liên quan trực tiếp tới đời sống dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Năm 2021, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu các cơ quan, đơn vị sở ngành cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện sự đổi mới trong phối hợp giữa HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Thành phố, thực hiện đúng quy trình, quy định. Đồng thời khẩn trương rà soát, cập nhật văn bản của Trung ương mới ban hành có hiệu lực trong năm 2021, từ đó, tổng hợp thành danh mục các nghị quyết cần ban hành, phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan chủ trì, phối hợp để xây dựng dự thảo.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Gia Huy
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật là một nét mới trong hoạt động của HĐND Thành phố, sau hội nghị sẽ có thông báo kết luận phân công rõ nhiệm vụ, vai trò của từng cơ quan, trong đó thống nhất thực hiện nghiêm túc quy định, trình tự của Luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Nhấn mạnh điểm mới của Luật là toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật đều phải lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Thành phố, vì vậy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Ủy ban MTTQ Thành phố tích cực phối hợp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này.
HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố ký thông báo kết luận hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND Thành phố năm 2021 và các năm tiếp theo. Ảnh: Gia Huy
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị UBND Thành phố xây dựng kế hoạch, sớm xác định lộ trình để triển khai, thực hiện nghị quyết 97/2019/QH14, ngày 27/11/2019, về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 115/2020/QH14, ngày 19/6/2020 ,của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.