Giải pháp để bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá nhà ở tại Hà Nội

Thứ ba, 18/02/2025 14:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Để giải quyết vấn đề nguồn cung nhà ở và bình ổn giá thị trường bất động sản tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, cần kiến tạo những đô thị tiện ích để bình ổn giá nhà và phát triển thêm đô thị vệ tinh xung quanh để kéo giãn số lượng người dân từ trung tâm ra các khu vực ngoại thành.

Thiếu nguồn cung, giá nhà liên tục tăng cao

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, đặc biệt là căn hộ trung cấp khiến giá nhà liên tục tăng cao, thậm chí cao đột biến, nên nhiều người lao động rất khó để mua được nhà ở, nhiều ý kiến cho rằng các Hà Nội cần nhanh chóng quy hoạch thêm quỹ đất nội đô, đặc biệt là phát triển thêm các đô thị vệ tinh xung quanh để kéo giãn số lượng người dân từ trung tâm ra các khu vực ngoại thành.

Trong năm 2023 - 2024, do thiếu nguồn cung nên giá nhà đã tăng, tăng rất cao, thậm chí cao đột biến.Ảnh: VGP/Thùy Chi

Bên cạnh đó, cần kiến tạo những đô thị tiện ích. Bởi việc hình thành các đô thị vệ tinh, tạo ra hệ thống giao thông thuận lợi là một trong những giải pháp được đánh giá cao nhất trong quá trình đi tìm một cấu trúc đô thị phù hợp cho Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, đây cũng là giải pháp để kéo giảm giá nhà xuống đúng với giá trị thực, từ đó cải thiện nguồn cung, góp phần giảm tải giao thông, giảm tắc đường.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu và rất lớn của nhiều người dân, tuy nhiên hiện ở vùng lõi đô thị giá nhà bị tăng cao quá, nên người dân lại lựa chon tìm các khu đô thị mới có các hạ tầng kết nối, đường giao thông tốt.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí tại Tại tọa đàm tìm cơ hội trong thách thức bất động sản năm 2025 do Báo điện tử Dân Việt tổ chức mới đây, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, phân khúc căn hộ chung cư, thời gian gần đây đang chứng kiến đà tăng giá rất mạnh, thậm chí tăng cao đột biến. Giá nhà tăng quá cao khiến nhiều người dân dù có trong tay 3-4 tỉ đồng vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm được nhà ở vừa sức. Thực trạng này cũng làm giảm tính bền vững của thị trường bất động sản.

Đơn cử trong năm 2023 - 2024, do thiếu nguồn cung nên giá nhà đã tăng, tăng rất cao, thậm chí cao đột biến. Thực tế nhà ở tại đa phần các quận nội thành ở Hà Nội hiện có mức giá trên 70 triệu đồng/m2.

Theo ông Bình, nếu giá nhà cứ tiếp tục cao như hiện nay thì người lao động rất khó để tìm được nhà ở. Hiện nay, để đi tìm nhà có mức giá tầm 50 triệu/m2 rất khó, vì rất hiếm. Điều đáng nói là không chỉ các chung cư mới mở bán có giá cao, mà ngay cả nhà chung cư cũ, tập thể cũ, giá cũng lên gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây.

Cần nhanh chóng phát triển thêm quỹ đất nội đô

Để giải quyết thực trạng nêu trên, ông Lê Văn Bình cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng phát triển thêm quỹ đất nội đô hay quy hoạch lại giao thông để tránh ách tắc. Đây cũng là giải pháp được ông Bình kỳ vọng sẽ trực tiếp kéo giá nhà "hạ nhiệt."

Bên cạnh đó, các thành phố lớn như Hà Nội, cần phát triển thêm đô thị vệ tinh xung quanh để "kéo giãn" số lượng người dân từ trung tâm ra các khu vực ngoại thành, để sản phẩm nhà ở tại trung tâm không còn khan hiếm.

Ông Bình lưu ý, để trả lời câu hỏi bao giờ mua được nhà ở Hà Nội thì cần đặt vào vai người mua. Nếu trong vai nhà đầu tư thì khi nào giá nhà cao sẽ mua bởi họ thường có tâm lý giá lên cao thì sẽ cao hơn nữa. Còn nếu là người mua thì sẽ chờ giá nhà hạ xuống vừa túi tiền, họ sẽ lập tức chốt mua.

Theo ông Bình, người dân có thu nhập trung bình, cũng như thu nhập thấp thì nên tranh thủ mua nhà cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 - 20 km ở thời điểm hiện tại sẽ là câu trả lời phù hợp nhất.

Đại diện Vụ đất đai cũng gợi ý sắp tới, các sản phẩm bất động sản được "tung" ra cùng với chính sách mới, thị trường bất động sản cũng như giá nhà sẽ ổn định hơn. Lúc này người lao động có thể tiếp cận để mua nhà.

Để giải quyết vấn đề nhà ở, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng trong tương lai, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 là rất cần thiết. "Nếu xác định đúng, chính xác nhà đất thì sẽ điều chỉnh được giá nhà ở mức ổn định. Và khi thu nhập của người dân minh bạch, đóng thuế đầy đủ thì đương nhiên sẽ được hưởng một phần nào đó đáp ứng của xã hội. Không thể đưa ra lý do rằng người dân không thể tiếp cận," ông Hùng nói.

Kiến tạo những đô thị tiện ích để bình ổn giá nhà

Để bình ổn giá nhà đất, TS. KTS Hoàng Hữu Phê, Chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, cần kiến tạo những đô thị tiện ích để bình ổn giá nhà. Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ trở thành một thành phố đa cực. Cùng với những biến chuyển tích cực của nền kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây, triển vọng phát triển cho các khu đô thị được quy hoạch với vị trí thuận lợi và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đang quay trở lại một cách mạnh mẽ. Những quyết định của Chính phủ liên quan đến phát triển đô thị phía Tây Hà Nội đặc biệt gây chú ý đối với những ai quan tâm đến việc phát triển Hà Nội thành một đô thị - Thủ đô có sức cạnh tranh cao.

Đó là khởi động lại Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc với tổng diện tích quy hoạch ngót nghét 1.000 ha; và tăng tốc độ, quy mô phát triển của một trong những thành tố chính của nền kinh tế tri thức của Hà Nội là Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây cũng là một cặp đôi địa chỉ hoàn hảo, chứa đựng hầu như đầy đủ yếu tố vật thể, phi vật thể cần thiết cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các quyết định này sẽ phối hợp hình thành một cách sắc nét tuyến phát triển đô thị dọc theo Đại lộ Thăng Long, nối liền trung tâm Hà Nội với cụm đô thị phía Tây bao gồm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, biến tuyến này thành một trục đô thị kết nối những khu vực có nhân lực trình độ cao đáng kể nhất trong Vùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, việc Hà Nội đã đưa vào vận hành một số tuyến đường sắt đô thị và đang tiếp tục triển khai nhiều tuyến khác góp phần phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng. Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, phấn đấu trước năm 2035, Hà Nội hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng. Điều này không chỉ để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; mà còn tạo ra bước chuyển mình trong việc đưa các khu đô thị vệ tinh, khu nhà ở đã được nằm trên bản đồ quy hoạch đi vào thực tế triển khai.

Theo TS. KTS Hoàng Hữu Phê, việc các khu đô thị mới sẽ được quy hoạch như điển hình của một đô thị độc lập có những trung tâm việc làm đáng kể, tạo ra ưu tiên cao nhất cho người đi bộ và thực hiện một cách có ý thức việc hòa trộn các loại sử dụng đất.

Hơn nữa, tại đây các hình thức sử dụng đất ở dựa trên quan niệm về chu kỳ cuộc sống được thực hiện một cách có mục đích. Một mặt, những khu cao tầng giúp tạo ra một môi trường có mật độ cư trú cao góp phần làm nảy sinh giao lưu xã hội dẫn đến việc hình thành ý tưởng, đồng thời lại nhường chỗ trên mặt đất cho cây xanh mặt nước.

Bên cạnh đó, đối với Hà Nội, ý tưởng tạo một đô thị mới như một TOD khi các khu vực phía Đông, phía Tây đang là những điểm nóng "hừng hực" về phát triển đô thị của Hà Nội. "Hà Nội có nhiều yếu tố tiềm năng xuất hiện, có thể mang lại thay đổi có tính đột phá đối với chất lượng đô thị, đặc biệt về phương diện giao thông đô thị. Hà Nội sẽ phát triển như một đô thị kiến trúc và tiện nghi, đây cũng là lời giải phù hợp cho việc tăng thêm nguồn cung và bình ổn giá bán nhà ở của Hà Nội trong tương lai gần", TS. KTS Hoàng Hữu Phê nhận định.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)