Hà Nội ưu tiên chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng xanh, thân thiện môi trường

Thứ năm, 13/02/2025 15:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Định hướng phát triển đô thị xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm sự hài hòa, đồng thời cũng là chủ trương, chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Do đó, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh các chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng xanh, công nghệ thân thiện với môi trường.

Hà Nội còn nhiều tiềm năng trong chuyển đổi đô thị xanh bền vững

Thủ đô Hà Nội đang đứng ở một giai đoạn phát triển mới, phát triển đô thị chú trọng về chất lượng, trong đó yếu tố không gian xanh, không gian công cộng được các nhà quản lý đặc biệt chú trọng.

Yếu tố không gian xanh, không gian công cộng được các nhà quản lý đặc biệt chú trọng. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Cụ thể, từ năm 2014 Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù.

Và mới đây, trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, xác định "Phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, hội nhập quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Khai thác và sử dụng hiệu quả các lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên. Bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hóa, lịch sử nghìn năm văn hiến, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Thăng Long - Hà Nội".

Các chuyên gia cho rằng, để một đô thị chuẩn xanh phải đáp ứng được các tiêu chí, bao gồm: Không gian xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; công trình xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Phát triển không gian xanh là việc cam kết tăng cường diện tích cây xanh trong tất cả các dự án phát triển đô thị mới. Việc gia tăng mảng xanh còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu và gia tăng chất lượng không khí trong khu vực. Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển đô thị xanh.

Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Với dân số liên tục gia tăng và áp lực ngày càng lớn từ sự phát triển kinh tế, vấn đề môi trường trở thành một mối quan tâm hàng đầu đối với thành phố. Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường và quản lý năng lượng hiệu quả.

Trong bối cảnh thế giới đối diện với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt tài nguyên, phát triển bền vững đã và đang trở thành định hướng không thể thiếu. Lãnh đạo TP. Hà Nội đã nhận rõ điều đó và xây dựng những chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân mà không làm suy giảm nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau. Một trong những hạt nhân của sự phát triển đô thị xanh là việc ưu tiên quy hoạch không gian công cộng và hệ thống cây xanh.

Chú trọng vào việc xây dựng, phát triển đô thị xanh, thân thiện với môi trường, những năm qua, trên địa bàn Thủ đô có nhiều công viên, vườn hoa và hồ điều hòa được tạo lập, cải tạo để tăng cường mật độ cây xanh, giúp điều hòa khí hậu, cải thiện chất lượng không khí.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng cũng được nâng cấp với việc ưu tiên phát triển xe buýt nhanh (BRT), đường sắt trên cao và khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ thông minh. Các tòa nhà xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng đang dần trở thành xu hướng phổ biến trong kiến thiết đô thị mới.

Các dự án mới sẽ áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời, gió, và các nguồn năng lượng bền vững khác để giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon, hướng tới một tương lai sinh thái hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.

Thêm vào đó, với chủ trương thúc đẩy việc phát triển các mạng lưới giao thông công cộng, cải thiện hệ thống hạ tầng để hỗ trợ xe đạp và đi bộ, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông xanh... sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế khí thải và làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong đô thị.

Cần có các chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư bằng cơ chế cụ thể

Chuyên gia Phạm Hoài Trung, sáng lập viên Azitech - đơn vị có nhiều kinh nghiệm tư vấn giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng, công nghệ IoT và tiết kiệm năng lượng, đồng thời là Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050 cho biết, Thủ đô Hà Nội muốn phát triển đô thị xanh, trong công tác quy hoạch cần phải có sự thống nhất và định hướng rõ ràng. Điều này sẽ đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh và mặt nước trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân.

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Thủ đô Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường, và quản lý năng lượng hiệu quả.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, để phát triển đô thị xanh, Thủ đô Hà Nội có 3 nguồn chính cần được quan tâm và đưa vào quy hoạch phát triển Thủ đô xanh là: Điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Tuy nhiên, việc khai thác 3 nguồn năng lượng này còn khó khăn.

Đối với năng lượng gió, hiện công nghệ sản xuất tua bin đã rất phát triển nhưng Thủ đô thiếu bản đồ gió trong khu vực địa giới hành chính của Thủ đô và vùng phụ cận.

Còn đối với năng lượng mặt trời, Hà Nội có tổng số giờ chiếu sáng của mặt trời không tối ưu do bị ảnh hưởng bởi khí hậu nên tiềm năng chỉ phù hợp với các hộ sử dụng điện riêng lẻ có công suất thấp.

Với năng lượng sinh khối, ở khu vực Thủ đô chỉ có bao gồm xử lý rác thải đô thị hoặc sử dụng năng lượng sinh học nhưng phụ thuộc vào việc phân rác thải tại nguồn.

TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, Hà Nội cần có một khung chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo riêng, mà chủ yếu chỉ áp dụng các cơ chế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa sử dụng hết tiềm năng của Thành phố đã được quy định trong Luật Thủ đô 2024.

Bên cạnh đó, cần sự chung tay từ các đối tác, nhà đầu tư, chính quyền địa phương, và cộng đồng cư dân để cùng nhau xây dựng nên những đô thị đáng sống, cùng nhau hành động để tạo nên những thay đổi có ý nghĩa sâu rộng.

Ngoài ra, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị xanh bền vững, Hà Nội cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban, ngành, tổ chức phi Chính phủ và cộng đồng cư dân. Giáo dục và truyền thông về lợi ích của đô thị xanh cần được đẩy mạnh để tạo ra sự thay đổi từ nhận thức đến hành động trong cộng đồng. Việc phát triển đô thị xanh bền vững là một hướng đi tất yếu của các đô thị.

Để từng bước nâng "chuẩn xanh" trong các khu đô thị mới, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh nỗ lực của nhà đầu tư thì còn cần đặt ra các tiêu chí trong phát triển khu đô thị mới về "xanh", "thông minh", đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thành phố Hà Nội cũng cần có các chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư như khuyến khích áp dụng những chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu thiết kế uy tín, phải khuyến khích bằng cơ chế cụ thể.

Được biết, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị (sửa đổi) để thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhằm bổ sung một số quy định mới để kịp thời điều chỉnh những nội dung mới hình thành như phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị. Đây là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị địa phương. Đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị phải có sự chủ động, tinh thần trách nhiệm cao trong tổ chức thực hiện, đảm bảo các dự án hạ tầng triển khai đúng tiến độ, đồng bộ và hiệu quả.

Hà Nội xác định rõ ưu tiên phát triển hạ tầng phải đi trước một bước, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, có tính đột phá cao. Trong đó, hạ tầng giao thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng, giúp mở rộng không gian phát triển, kết nối các khu vực trong Thành phố và liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Song song với việc phát triển hạ tầng giao thông, Hà Nội cũng tập trung vào việc quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên đất, nước, rừng và tài nguyên thiên nhiên khác. Việc mở rộng đô thị đi đôi với yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Thành phố Hà Nội khẳng định, đang đẩy mạnh các chính sách khuyến khích đầu tư vào hạ tầng xanh, như các công trình giao thông thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, TP. Hà Nội chú trọng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng. Các đối tác quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đang tích cực hợp tác với Hà Nội trong các dự án phát triển đô thị thông minh, giao thông xanh và hạ tầng số.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)