Nhà ở xã hội được sinh ra từ các ống khói nhà máy của quá trình công nghiệp hóa ở các nước Châu Âu vào thế kỷ 19, đây là sản phẩm của tư tưởng xã hội nhân bản khẳng định sự cần thiết phải cung cấp nơi ở với các tiện nghi vật chất, tinh thần cơ bản cho công nhân - giai cấp mới hình thành và nghèo nhất của xã hội tư bản. Trải qua lịch sử phát triển khá thăng trầm vì gắn với “lớp người chịu nhiều rủi ro của xã hội” và là thành quả thể hiện sự “nhân văn” của cộng đồng, trở thành một đặc trưng của quá trình đô thị hóa nửa sau thế kỷ 20 nhưng để lại khá nhiều ‘hậu quả’ cho các đô thị với các khu ‘ghetto’ khép kín, tập trung đông người, xây dựng kém chất lượng, thiếu tiện ích, không bản sắc, nơi tập trung các thành phần thấp kém nhất trong xã hội và hầu như không có cơ hội để thoát khỏi tình trạng này. Đến thế kỷ 21 (đặc biệt là thời kỳ xây dựng phục hồi nền kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới sau chiến tranh thế giới), quá trình phát triển nhà ở xã hội trở thành ‘công trường’ cho các thử nghiệm mới về nghệ thuật kiến trúc cũng như kỹ thuật xây dựng và là một yếu tố quan trọng của quy hoạch đô thị. Nhà ở xã hội được xây dựng với chất lượng tốt hơn, tiện nghi, tính thẩm mỹ được quan tâm, tiêu chuẩn sử dụng đã bằng với loại hình nhà ở kinh doanh, nhà ở xã hội cũng được chú trọng phát triển cả trong khu vực trước đây chỉ dành cho giới thượng lưu với các tiêu chuẩn ‘xanh’ để giảm chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì và góp phần bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh hiện tại, yêu cầu về đô thị phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết trên phạm vi toàn cầu, đây là một xu hướng tất yếu nhưng quá trình thực hiện không hề dễ dàng với bất cứ đô thị nào, mối liên hệ giữa phát triển đô thị bền vững và nhà ở bền vững chưa được cụ thể hóa để trở thành một yêu cầu bắt buộc trong xây dựng đô thị. “Nhà ở bền vững” cũng là một khái niệm phức tạp, phụ thuộc bối cảnh kinh tế, xã hội và môi trường của từng đô thị, từng khu vực địa lý, quốc gia. Bản thân khái niệm bền vững đối với nhà ở đô thị cũng có phạm vi rất rộng, bao gồm bền vững về mặt kinh tế, văn hóa xã hội, công nghệ và môi trường. Các khái niệm hẹp hơn, như nhà ở xanh, nhà ở sinh thái có phạm vi ảnh hưởng thấp hơn so với nhà ở thông thường, để cụ thể hóa các khái niệm, đánh giá và ứng dụng nhà ở bền vững, nhà ở xanh hay sinh thái, tại các nước trên thế giới đã có một số công cụ như: hệ thống đánh giá công trình xanh cho nhà ở leed - Mỹ, ledd - Ấn Độ, casbee - Nhật, greenbuilding index-Malaysia… bao gồm các tiêu chí rất cụ thể về sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và tài nguyên tự nhiên nhằm giảm thiểu tác động môi trường, tăng cường chất lượng ở, nâng cao khả năng ứng phó với các thảm họa, biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển đô thị bền vững và nhà ở… nhờ các công cụ đánh giá này, các tiêu chí bền vững hoàn toàn có thể định lượng được dưới dạng các thông số cụ thể và khoa học, làm cơ sở nhận định một công trình nhà ở có bền vững hay không và bền vững ở mức độ nào. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã kết luận: về mặt kĩ thuật, công nghệ môi trường và xây dựng hoàn toàn có thể thực hiện việc thiết kế và xây dựng nhà ở bền vững cho người thu nhập thấp, khó khăn lớn nhất xuất phát từ khía cạnh kinh tế xã hội hơn là kỹ thuật.
Ở Việt Nam “nhà ở xã hội” là một khái niệm khá mới trong thực tiễn cũng như trong các văn bản pháp luật, nhà ở xã hội được xác định là loại nhà ở do nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cho người có thu nhập thấp và đương nhiên phát triển bền vững chưa được đề cập tới trong xây dựng và phát triển nhà ở xã hội hiện nay. Tuy nhiên, phát triển bền vững là vấn đề đang được ưu tiên hàng đầu trong thực tiễn xây dựng và nghiên cứu tiên phong về nhà ở xã hội trên thế giới, vì vậy đây là cơ hội cho Việt Nam tìm kiếm những giải pháp tổng thể xây dựng và phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam đúng hướng tránh tình trạng phải giải quyết các ‘vấn nạn’ mà các quốc gia đi trước đã và đang phải giải quyết đối với việc phát triển nhà ở xã hội ồ ạt, không định hướng và không bền vững.
Trong quá trình phát triển đô thị, có rất nhiều mô hình và quan điểm được đề xuất về đơn vị ở. Về cơ bản các mô hình đều xuất phát từ mong muốn đáp ứng cao nhất chất lượng cuộc sống của con người. Mục tiêu của đơn vị ở bền vững chính là ‘con người’ con người là trung tâm của mọi sự phát triển. Hướng đến một đơn vị ở đạt các mục tiêu cơ bản phục vụ con người như sau:
+ Nhà ở, việc làm và thu nhập tốt cho người lao động;
+ Cơ hội phát triển tốt cho mọi cư dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hỗ trợ tài chính về nhà ở, kinh doanh và các nhu cầu khác của cư dân;
+ Hệ thống giáo dục phù hợp, tốt và chất lượng cho các thế hệ trẻ;
+ Sức khỏe cho mọi gia đình, đặc biệt là người già và trẻ em. Chăm sóc tốt người già, trẻ em và người tàn tật.
+ Giúp đỡ tạo điều kiện cho những người cơ nhỡ.
+ Hệ thống công trình công cộng, thương mại, dịch vụ và hạ tầng hoàn hảo cho mọi nhu cầu của cư dân;
+ An ninh và an toàn xã hội;
+ Môi trường trong sạch và bảo vệ tự nhiên;
+ Tiếp cận tốt với các hệ thống thông tin công cộng và các tiến bộ;
+ Sự gắn bó và liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa cư dân và chính quyền;
+ Bản sắc văn hóa truyền thống và đặc trưng riêng của cộng đồng;
+ Mọi tầng lớp dân cư cùng tham gia phát triển cộng đồng.
Như vậy, việc phát triển nhà ở xã hội theo định hướng bền vững phải bắt đầu từ giải pháp quy hoạch. Chính sách phát triển nhà ở xã hội và công tác quy hoạch đô thị cần phải được gắn kết chặt chẽ với nhau và liên kết với chính sách phát triển của quốc gia và địa phương. Trong đó, việc quy hoạch và bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội nên là kết quả của một nghiên cứu xã hội học bài bản từ đó có những định lượng và định tính chính xác cho các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội ở từng địa phương cụ thể.
Tư tưởng chủ đạo của chính sách nhà ở xã hội là làm thế nào để người có thu nhập thấp được định cư trong những điều kiện tốt nhất có thể. Không chỉ dựa vào lòng nhân đạo hoặc ý thức tự giác của nhà đầu tư bất động sản để hiện thực hóa ý tưởng nhà ở xã hội. Nhà nước chủ động can thiệp bằng cách đặt ra khung pháp lý cho sự hình thành chung cư xã hội, đặc biệt là xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật cho căn hộ trong chung cư xã hội. Dù mang tên nhà ở xã hội nhưng nhà ở đó cũng có đầy đủ các tiện nghi đặc trưng cho cuộc sống của người dân đô thị, phục vụ tốt cho cuộc sống hàng ngày của họ. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư loại hình nhà ở xã hội tại các đô thị, ngoài các ưu đãi về thuế cần giản lược các thủ tục hành chính liên quan để thời gian thực hiện dự án được rút ngắn, đặc biệt cần điều chỉnh pháp lý để tăng đối tượng khách hàng cho loại hình nhà này đặc biệt là những đối tượng có khả năng giải ngân giúp giảm gánh nặng kinh tế cho nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp có thể thuê, mua loại hình nhà này khi đáp ứng các điều kiện pháp lý để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động của doanh nghiệp.
Mô hình một khu nhà ở xã hội tập trung cần được định hình trước đáp ứng các yếu tố theo hướng phát triển bền vững:
+ Xây dựng một khu đô thị ứng dụng công nghệ cao, hướng đến một khu đô thị thông minh phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới, giảm thiểu rủi ro lỗi thời. Áp dụng thí điểm AI (Artificial Interlligence) và IoT (Internet of Things) quản lý dân cư và chấm điểm để ưu đãi các đóng góp của cư dân. Công nghiệp 4.0 không chỉ dành cho người giàu mà người nghèo cũng có thể ứng dụng và hưởng lợi trong xu hướng này.
+ Xây dựng khu đô thị hoàn chỉnh đầy đủ chức năng công cộng, tiện ích cơ bản với mô hình chia sẻ cộng đồng, hướng đến kích thích các hoạt động cộng đồng trong khu ở, từng bước thiết lập sự gắn kết là yếu tố quan trọng để xây dựng đơn vị ở phát triển bền vững. Mọi đối tượng trong khu ở đều được quan tâm thích đáng: trường học dành cho trẻ con, nhà dưỡng lão dành cho người già… Y tế, giáo dục là điểm nhấn quan trọng của dự án định hướng được đầu tư bài bản đem đến nhiều lợi ích cho cộng đồng đồng thời góp phần làm nên thương hiệu của chủ đầu tư.
+ Xây dựng một môi trường sống lành mạnh, đáng sống, hướng đến cuộc sống khỏe, một khu ở sinh thái thực sự từ quan điểm bắt đầu nghiên cứu, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái bản địa đến việc giảm thiểu tác động gây ảnh hưởng môi trường trong quá trình vận hành đến việc gắn toàn bộ dự án vào tự nhiên, là một thành phần hữu cơ của tự nhiên, đưa con người chung sống hòa thuận trong hệ sinh thái bản địa từ sinh thái tự nhiên đến sinh thái văn hóa xã hội.
+ Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đảm bảo đấu nối với hệ thống hạ tầng khung, đồng thời đáp ứng yêu cầu vận hành trên quan điểm sử dụng cảnh quan là chiến lược hạ tầng, tôn trọng tự nhiên và các điều kiện sinh thái bản địa, sử dụng khoa học công nghệ tiên tiến cho các giải pháp hạ tầng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại giúp giảm thiểu chi phí đầu tư hạ tầng và đảm bảo chiến lược bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội cần phải phù hợp với điều kiện địa lý của từng địa phương, tình hình kinh tế và mức sống người dân đô thị hiện tại, phù hợp với lối sống và điều kiện của gia đình có thu nhập thấp, và vẫn đáp ứng nhu cầu ở cơ bản cho hộ gia đình. Thiết kế nhà ở xã hội cần thống nhất tư tưởng con người là chủ thể, và đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững. Trong thiết kế không chỉ quan tâm đến việc tối ưu hóa mà còn quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững và tiết kiệm năng lượng. Thiết kế nhà ở xã hội gắn với công nghệ xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển của ngành công nghiệp nhà ở và vật liệu xây dựng địa phương và giảm giá thành xây dựng. Yếu tố thẩm mỹ cũng cần được quan tâm của chính quyền thành phố và đội ngũ kiến trúc sư tâm huyết, vượt qua định kiến nhà ở xã hội có chất lượng không đảm bảo, tính thẩm mỹ không cao.
+ Đối với việc cụ thể hóa tính bền vững trong thiết kế nhà ở cũng hoàn toàn có thể đạt được bởi có khá nhiều tiêu chí bền vững không làm tăng chi phí ban đầu và còn hiệu quả trong quá trình vận hành, hai tiêu chí quan trọng có thể kể đến và thuận lợi ứng dụng trong thiết kế tại Việt Nam hiện tại là: hiệu quả năng lượng và vật liệu xanh. Giải pháp thiết kế ‘nương’ theo điều kiện khí hậu tự nhiên, giúp đảm bảo điều kiện vi khí hậu trong và ngoài nhà mà không phát sinh chi phí cho các thiết bị cải thiện môi trường sống, ý nghĩa quan trọng của giải pháp này là hiệu quả kinh tế, đồng thời điều chỉnh mối quan hệ hài hòa giữa hiệu quả năng lượng và chất lượng cuộc sống. Khu nhà ở xã hội honeycomb ở slovenia là một ví dụ thực tiễn: khu nhà được che nắng và thông gió, sưởi ấm tự nhiên quanh năm bằng hình thức ban công đặc biệt có cấu trúc hình tổ ong, thiết kế sáng tạo này đã giảm đáng kể chi phí cho các thiết bị làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông. Bên cạnh đó, lựa chọn vật liệu sẵn có ở địa phương, kỹ thuật xây dựng địa phương, giá thành thấp, thân thiện với môi trường cũng là giải pháp quan trọng liên quan đến hiệu quả kinh tế nhà ở cho người thu nhập thấp, đáp ứng tiêu chí vật liệu xanh. Một số dự án nhà ở xã hội trên thế giới, vật liệu tre (dự án nhà ở bằng tre ở ecuador), bao tải cát (nhà ở tường bao tải cát ở nam phi), vật liệu phế thải như thảm cũ, gỗ thùng chứa hàng… đã được sử dụng như vật liệu xây dựng, đáp ứng tiêu chuẩn bền vững mà không làm tăng chi phí xây dựng công trình ban đầu.
+ Ngoài ra, một giải pháp thiết kế linh hoạt tính đến hiệu quả sử dụng lâu dài, đáp ứng yêu cầu sử dụng hiện tại nhưng hoàn toàn có thể vẫn hữu ích cho những nhu cầu phát sinh trong tương lai tránh việc sửa cữa, thay thế quá lớn cũng là một yếu tố sáng tạo quan trọng đảm bảo tính phát triển bền vững của công trình và đặc biệt hiệu quả trong từng giai đoạn đầu tư. Yếu tố sáng tạo với mục tiêu giảm lệ thuộc vào các thiết bị và công nghệ cũng góp phần quan trọng của sự thành công trong thiết kế nhà ở xã hội.
+ Đặc biệt, việc xây dựng tiêu chuẩn xây dựng bền vững cho nhà ở xã hội là rất cần thiết để chúng ta có một công cụ đánh giá và là hành lang pháp lý quan trọng trong việc thực hành phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngoài ra, để tính khả thi cao hơn cũng cần có những chính sách hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức kinh tế khác, có thể lồng ghép hiệu quả các tiêu chuẩn bền vững đối với những dự án nhà ở xã hội.