Đánh giá hiệu quả sử dụng vật liệu kính trong công trình văn phòng cao tầng ở Hà Nội

Thứ năm, 30/06/2022 15:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

1. Mở đầu

Sự ra đời của kính, một vật liệu trong suốt, là một sự kiện lớn lao, là cuộc cách mạng về vật liệu nhân tạo

Hiện nay, kiến trúc bền vững đang là xu hướng kiến trúc trên toàn thế giới. Tại Hà Nội, việc tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà đang là một vấn đề cấp thiết được Nhà nước đặt ra. Với các công trình hiện đại được xây dựng ở một nước nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, việc sử dụng hệ thống điều hòa không khí để làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông là nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, việc cách nhiệt không tốt cho vỏ bao tòa nhà (bao gồm các kết cấu sàn, trần, tường, cửa sổ) sẽ dẫn tới các tổn thất nhiệt thông qua vỏ bao, dẫn tới lãng phí về mặt năng lượng (làm tăng tải của hệ thống làm mát trong mùa hè hoặc hệ thống sưởi ấm trong mùa đông). Trong tòa nhà, tổn thất nhiệt qua cửa sổ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các dạng tổn thất nhiệt qua vỏ bao tòa nhà. Kết cấu cửa sổ thường bao gồm phần kính và phần khung với diện tích kính chiếm phần lớn, vì vậy việc tiết kiệm năng lượng cho phần kính là cực kỳ cần thiết.

Ngoài ra, ngay từ khi ra đời, kính đã bộc lộ những nhược điểm, những bất cập nhất định.

+ Đó là khả năng chịu lực kém, dễ vỡ; khi vỡ không an toàn (dễ gây sát thương)

+ Kính cũng dễ bị phá hủy khi xảy ra chấn động cơ học, cháy nổ… hơn so với các loại vật liệu khác.

+ Kính còn tạo ra hiệu ứng nhiệt (hiệu ứng nhà kính) - là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến bản thân môi trường công trình và cả môi trường ở phạm vi lớn.

Chính vì vậy, bài viết này trao đổi vài nét về việc đánh giá hiệu quả sử dụng vật liệu kính trong công trình văn phòng cao tầng tại Hà Nội để cấp thiết cần được nghiên cứu để có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho những nhà thiết kế cũng như các chủ đầu tư.

2. Tổng quan về thiết kế sử dụng kính trong công trình văn phòng cao tầng ở Hà Nội

2.1. Thực trạng thiết kế sử dụng kính ở Hà Nội

a. Xu hướng thiết kế, sử dụng kính trong xây dựng ở Hà Nội

Kính là vật liệu có một vị trí đặc biệt trong kiến trúc hiện đại vì những đặc tính vượt trội mà các vật liệu khác không thể thay thế được. Xu hướng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và các tòa cao ốc văn phòng ở Hà Nội cũng không nằm ngoài xu hướng đó bởi việc sử dụng kính TKNL (Tiết kiệm năng lượng) trong công trình kết hợp với các vật liệu khác trong khâu thiết kế là giải pháp mới, giảm năng lượng trong tòa nhà, nhất là đối với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Hà Nội.

Hiện nay, vật liệu kính có khả năng TKNL được sử dụng nhiều trong xây dựng gồm có: kính trắng, kính có lớp phủ Low-E và kính hộp. Kết hợp kính chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng với thiết kế hợp lý, có thể dần dần hướng tới những tòa nhà mở, đón các nguồn năng lượng tự nhiên, góp phần đem lại cuộc sống khỏe mạnh cho con người.

Cần thúc đẩy nhanh việc sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng, cũng như nhiệm vụ phát triển kính năng lượng để sản xuất năng lượng sạch ngày càng được các nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu, thi công trong công trình nắm rõ và sử dụng dòng kính TKNL. Việc thúc đẩy nhanh việc sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng là nhiệm vụ cấp bách cần sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của doanh nghiệp.

b. Ưu và nhược điểm của kính trong xây dựng

- Ưu điểm

Vật liệu xây dựng kính khá thuận tiện trong thiết kế, thi công lắp dựng và sử dụng. Không tốn nhiều nhân công và thời gian cũng như trọng tải lên công trình so với thi công tường truyền thống. Việc vệ sinh, lau chùi dễ dàng hơn hầu hết các loại vật liệu khác. Với rất nhiều ưu điểm nổi trội như tính thẩm mỹ cao, thi công thuận tiện, vật liệu xây dựng kính xuất hiện phổ biến ở các tòa nhà văn phòng và không gian nhà đẹp của nhiều gia đình.

- Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, kính cũng có một số những nhược điểm:

+ Sử dụng kính quá nhiều sẽ làm căn phòng có nguy cơ thừa ánh sáng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý người sử dụng.

+ Một căn phòng bốn bề là kính khó kê đồ, không có chỗ treo các vật dụng khác

+ Với những ngôi nhà bọc kính toàn bộ, kính sẽ tạo nên hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ ở môi trường bên trong. Hệ quả của việc này là phải dùng máy lạnh, gây tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

+ Kính cũng dễ bị phá hủy khi xảy ra chấn động cơ học, cháy nổ… hơn so với các loại vật liệu khác.

Việc thi công, lắp đặt và sử dụng, vận hành với vật liệu kính cũng gây ra nhiều rủi ro (vỡ) với chính công trình và người sử dụng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thiết kế, sửa chữa, cải tạo hay phá dỡ cũng là một vấn đề không đơn giản với loại vật liệu này. Bởi các loại kính được sử dụng làm kết cấu bao che, ngăn chia đều là kính tôi (kính tempered) không thể tái sử dụng với kích thước, quy cách khác được (không thể gia công cơ học như cắt, khoan, mài). Và việc tái chế như một loại phế thải càng khó. Kính xây dựng hiện nay cũng là một vấn nạn với môi trường.

2.2. Thực trạng thiết kế, sử dụng kính trong các tòa nhà văn phòng cao tầng tại Hà Nội

Cùng với sự phát triển đất nước, các công trình kiến trúc hiện đại và cao tầng ngày càng xuất hiện nhiều, trong đó kiến trúc cao tầng dùng kính là một thành phần đáng kể đã làm thay đổi bộ mặt các đô thị tạo nên một sức mạnh vật chất cũng như tinh thần cho nền kinh tế. Vật liệu kính có thể xem như một tác nhân mới của sự phát triển kiến trúc giai đoạn hiện nay, tương tự như chất liệu bê tông cốt thép trong thời kỳ “kiến trúc hiện đai” của thế kỷ 20. Tuy nhiên, lạm dụng kính đặc biệt với kiến trúc nhà ở cao tầng cũng là nguyên nhân chính tạo nên các “hiệu ứng tiêu cực đô thị” thời gian qua, làm ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm năng lượng công trình đồng thời làm gia tăng số lượng các công trình hiện đại nhưng kém về tiện nghi sử dụng.

Việc sử dụng kính trong kiến trúc cao tầng qua thực tiễn đã tỏ rõ ưu điểm vượt trội. Về kết cấu đây là các tấm nhẹ, mỏng nhưng bền. Về công nghệ sản xuất và thi công lắp dựng kính dễ dàng gắn kết với nhau, với các chất liệu khác tạo thành không gian đa dạng. Về các tính năng sử dụng chưa có loại vật liệu nào nhiều công dụng và linh hoạt được như kính, vừa cho ánh sáng đi qua vừa ngăn được các bức xạ có hại, vừa che chắn, vừa bảo vệ, vừa mở rộng gắn kết không gian kiến trúc với môi trường bên ngoài, tạo được tiện nghi vi khí hậu và hiệu quả năng lượng theo đúng yêu cầu và tiêu chuẩn. Đặc biệt là khả năng đáp ứng được đòi hỏi sáng tạo kiến trúc không ngừng đổi mới, phong phú và cả những đột phá của kiến trúc sư hiện nay. Như vậy, rõ ràng là kính không thể thay thế trong các thành công cũng như trong việc tạo dựng ý tưởng mới của kiến trúc cao tầng.

Cùng với sự phấn đấu phát triển về tầng cao của công trình, nhiều chủng loại và công nghệ kính mới nhất cũng đã được áp dụng. Tiêu biểu có thể kể đến như tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark (72 tầng), Lotte (65 tầng) tại Hà Nội…đã tạo được dấu ấn về sự phát triển của các thành phố, thể hiện sự thành công của kiến trúc cao tầng kính, thu hút được sự ngưỡng mộ của công chúng đồng thời ở góc độ khác cũng gợi lên những tranh luận và nhận định khác nhau về kiến trúc kính cũng như về văn hóa đô thị nói chung.

Nhiều người cho rằng Nhà cao tầng kính là loại công trình tiêu biểu cho trường phái Kiến trúc Quốc tế vì vậy họ chỉ quan tâm tới tính kỷ lục (số tầng cao, hình dạng tháp, chủng loại, giá thành…) và tác dụng ấn tượng (quảng cáo thương mại, điểm đột phá trong quy hoạch không gian…) mà không cần tới tính địa phương, tới đặc điểm thể loại công trình, tới điều kiện kinh tế - kỹ thuật cụ thể của công trình. Cách nghĩ này có lẽ chỉ thích hợp với một số cao ốc kính kiểu “Đại gia”, còn đối với nhu cầu phát trển kiến trúc cao tầng kính hiện nay việc tìm giải pháp “bản địa hóa” là vấn đề được nhiều người quan tâm, không chỉ trong giới Kiến trúc sư mà còn thu hút chú ý của các nhà văn hóa, các nhà đầu tư…

Kính là thành phần chính của vỏ công trình được thiết kế theo nhiều chức năng khác nhau, với mỗi chức năng cần dùng chủng loại và công nghệ lắp kính riêng, cũng có khi có thể kết hợp một số chức năng khi chọn kính và cấu tạo mặt dựng kính. Các hãng kính thường cung cấp đồng bộ các loại hệ thống sử dụng kính như hệ thống bảo vệ (Security System), thông gió (Ventilation System); chiếu sáng tự nhiên và tự động điều chỉnh đóng mở… trong các hệ thống đó bao gồm kính đúng chức năng chủng loại và hệ khung đỡ có cấu tạo thích hợp vừa dễ lắp dựng vừa vận hành và bảo quản theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Vật liệu và công nghệ kính luôn đi đôi với nhau tạo nên các sản phẩm rất tiện dụng cho việc thiết kế, xây dựng cũng như vận hành sử dụng các công trình kính.

Trên thực tế, các tòa nhà văn phòng cao tầng sử dụng kính hiện nay tại Hà Nội chưa thể đáp ứng được các tiêu chí của kiến trúc bền vững và thích ứng với môi trường.

Toàn bộ mặt ngoài công trình được bao che bởi hệ mặt dựng mỏng, 1 đến 2 lớp, là tổ hợp của một hệ khung hợp kim thép/nhôm và kính khổ lớn. Các không gian văn phòng được xác định trong một tầng được lặp lại cho các tầng khác của tòa nhà - tạo thành khối văn phòng. Chủ đầu tư của công trình có thể chia một tầng văn phòng thành các khu vực nhỏ để tiện cho việc kinh doanh theo nhu cầu thuê của khách hàng.

Theo cách bố trí không gian chức năng như trên, khối văn phòng cao tầng điển hình đều có diện tích tiếp xúc tối đa với không gian bên ngoài. Điều này cũng có nghĩa là khu văn phòng tiếp xúc với cả những hướng bất lợi cho việc sử dụng năng lượng bên trong công trình.

Năng lượng tiêu tốn cho hệ thống điều hòa không khí là rất lớn do bức xạ nhiệt vào công trình quá nhiều.

Mặc dù lớp vỏ bao che là vật liệu kính nhưng việc chiếu sáng trong các công trình văn phòng hiện nay chủ yếu là ánh sáng nhân tạo, hệ thống chiếu sáng chủ yếu là các loại đèn hiệu suất thấp, tiêu hao năng lượng lớn, chỗ thừa áng sáng, chỗ thiếu ánh sáng, sử dụng lãng phí, chưa tận dụng được nguồn ánh sáng tự nhiên.

3. Tổng quan về sử dụng vật liệu kính trong công trình văn phòng cao tầng ở Hà Nội

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của các đơn vị doanh nghiệp nói riêng và của ngành xây dựng nói chung cũng đạt mức cao. Đi đôi với sự tăng trưởng của sản xuất, mức tiêu thụ năng lượng trong các khu vực xây dựng ngày càng gia tăng và rất khó kiểm soát.

Tốc độ xây dựng của Việt Nam thời gian qua cũng tăng khá nhanh, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với hàng loạt tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị được xây dựng mới ngày càng nhiều. Việc sử dụng lớp vỏ bao che bằng kính một cách ồ ạt, dẫn đến chưa tận dụng hết tiềm năng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng chưa hiệu quả đã và đang gây ra sự lãng phí rất nhiều nguồn năng lượng.

Bài viết tập trung đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng lớp vỏ bao che bằng kính trong các tòa nhà văn phòng tại Hà Nội, điển hình là 2 công trình văn phòng cao tầng: Tòa nhà Vinaconex Tower và Tháp Eurowindow Multicomlex.

3.1. Tòa nhà Vinaconex Tower

Tòa nhà Vinaconex Tower tại 34 Láng Hạ do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư. Đây là công trình tòa nhà văn phòng cao cấp, hiện đại được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn tòa nhà văn phòng hạng A, góp thêm vào thị trường cho thuê văn phòng cao cấp đang sôi động trở lại tại thủ đô Hà Nội.

Tòa nhà Vinaconex Tower là hình ảnh, biểu tượng thể hiện được tầm vóc, tiềm lực và sức mạnh của Tổng Công ty Vinaconex, đồng thời góp phần làm đẹp cho khu vực trung tâm phía Tây của Hà Nội.

Thông số kỹ thuật về Kính:

- Diện tích mặt đứng Kính: 7.527m2

- Diện tích văn phòng sau kính: 12.430m2

- Chiều cao vp: 3,6m

- Thể tích: 44.748m2

3.2. Tháp Eurowindow Multicomlex

Eurowindow Multicomlex là tổ hợp đa chức năng gồm: Văn phòng, căn hộ cao cấp do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghệ cao (Decotech) thuộc Eurowindow Holding làm chủ đầu tư. Dự án gồm 25 tầng nổi, 3 tầng hầm và 2 tầng kỹ thuật được xây dựng tại số 27 Trần Duy Hưng, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, HN.

Tháp Eurowindow Multicomlex như một gạch nối giữa khu phố cổ kính với trung tâm hành chính mới hiện đại của Thủ đô, tại đây bạn có thể dễ dàng tìm thấy các dịch vụ ngân hàng, tài chính phát triển, môi trường dân trí cao…trong một cảnh quan thiên nhiên hài hòa. Đây cũng là nơi có cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ rất thuận lợi cho việc lưu thông tới các tuyến đường khác và hệ thống trường học từ nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học tới trung học cùng các siêu thị và trung tâm thương mại lớn.

Toàn bộ mặt ngoài của Tháp Eurowindow Multicomlex được thiết kế bởi hệ thống nhôm kính với hệ nhôm cầu cách nhiệt và hộp kính với các loại kính phản quang, kính cản nhiệt và được phối ngẫu nhiên 4 màu sắc tạo nên kiến trúc độc đáo cho tòa nhà.

Thông số kỹ thuật về kính:

- Diện tích mặt đứng Kính: 6.968m2

- Diện tích văn phòng sau kính: 5.688m2

- Chiều cao vp: 3,6m

- Thể tích: 20.476,8m2

4. Đánh giá hiệu quả sử dụng vật liệu kính trong công trình văn phòng cao tầng tại Hà Nội

4.1. Quan điểm thiết kế và sử dụng kính trong văn phòng cao tầng tại Hà Nội

Một trong những xu hướng thiết kế hiện nay là sử dụng vỏ bao che hoàn toàn bằng kính. Nhìn lại toàn bộ luận văn để đánh giá hiệu quả sử dụng kính của những tòa nhà nổi tiếng hiện nay thì có một số vấn đề rút ra cần quan tâm như sau:

- Tính vền vững về địa điểm thể hiện ở sự gắn bó và hài hòa công trình kính với cảnh quan xung quanh (tính đến nhiều yếu tố như các công trình kế cận, đường phố và quảng trường, hướng nhà, sự phản chiếu của kính tới đường đi và các nhà xung quanh, sự kết hợp giữa kính với cây xanh mặt nước, cảnh quan có công trình kính chiếu sáng ban đêm…)

- Hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng biểu hiện ở việc khai thác tốt không khí và ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng - sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, không gây độc hại kể cả việc dùng chất rửa kính trong quá trình bảo dưỡng vận hành công trình.

Đảm bảo chất lượng môi trường vi khí hậu trong nhà cần tạo được vỏ bao che bằng kính bền vững và linh hoạt, đảm bảo che chắn và điều tiết giảm thiểu những tác động xấu từ môi trường tự nhiên, đồng thời nâng cao tiện nghi vi khí hậu phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của các vùng miền, tạo khả năng ngăn chia và hòa nhập các loại không gian trong ngoài nhà đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng linh hoạt và đa dạng của cuộc sống.

4.2. Đề xuất các tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng kính trong các công trình văn phòng cao tầng tại Hà Nội

Sau khi nghiên cứu kỹ những nhóm vấn đề chính, tác giả đã phân tích tổng hợp thành các tiêu chí để đánh giá hiệu quả sử dụng kính một cách khoa học. Những tiêu chí này cũng sẽ có thể được dùng để lựa chọn và đánh giá các thể loại công trình tương tự. Các tiêu chí đánh giá dựa trên việc xem xét nghiên cứu các vấn đề liên quan và được tích hợp lại gồm 5 tiêu chí:

- Tính bền vững về địa điểm: (Bảng 1)

TT

Nội dung vấn đề đánh giá

Mức độ đánh giá

Điểm

1 điểm

3 điểm

5 điểm

 

1

Vị trí, quy mô sử dụng kính của công trình

Khu đất trung tâm đô thị

Khu đông dân cư

Khu thưa dân cư

 

2

Tầm nhìn ra không gian ngoài công trình

Tầm nhìn hẹp

Tầm nhìn rộng

Tầm nhìn rộng, không gian đẹp

 

3

Việc sử dụng kính kết hợp với dải cây xanh

Không có dải cây xanh

Ít dải cây xanh

Kết hợp tốt với dải cây xanh

 

 

 

 

 

 

15 điểm

- Công nghệ sử dụng: (Bảng 2)

TT

Nội dung vấn đề đánh giá

Mức độ đánh giá

Điểm

1 điểm

5 điểm

10 điểm

 

1

Vật liệu kính

Kính thường

Kính an toàn

Kính an toàn công nghệ cao

 

2

Hệ khung

Phổ thông

Tốt

Cao cấp

 

 

 

 

 

 

20 điểm

- Hiệu quả sử dụng: (Bảng 3)

TT

Nội dung vấn đề đánh giá

Mức độ đánh giá

Điểm

1 điểm

5 điểm

10 điểm

 

1

Cách âm

Cách âm kém

Có cách âm

Cách âm tốt

 

2

Cách nhiệt

Cách nhiệt kém

Có cách nhiệt

Cách nhiệt tốt

 

3

Độ bền

Vật liệu không bảo đảm

Vật liệu tốt

Vật liệu cao cấp

 

 

 

 

 

 

30 điểm

 

- Tác động đến môi trường xung quanh: (Bảng 4)

TT

Nội dung vấn đề đánh giá

Mức độ đánh giá

Điểm

1 điểm

5 điểm

10 điểm

 

1

Sự phản chiếu của kính với môi trường xung quanh

Tác động xấu đến công trình xung quanh

Ít tác động đến xung quanh

Tác động không đáng kể đến xung quanh

 

2

Sự kết hợp với kiến trúc xung quanh tòa nhà

Kết hợp không tốt

Kết hợp tốt

Kết hợp hài hòa với kiến trúc xung quanh

 

3

Hình khối công trình với văn hóa Việt Nam

Chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam

Phù hợp với văn hóa Việt Nam

Làm nổi bật nét văn hóa Việt Nam

 

 

 

 

 

 

30 điểm

- Hiệu quả về thẩm mỹ: (Bảng 5)

TT

Nội dung vấn đề đánh giá

Mức độ đánh giá

Điểm

1 điểm

2,5 điểm

5 điểm

 

1

 

 

Có đầu tư về ý tưởng mặt đứng

Thiết kế sáng tạo, phù hợp với không gian xung quanh

 

 

 

 

 

 

5 điểm

4.3. Đánh giá hiệu quả sử dụng kính trong các công trình được lựa chọn trong bài viết

a. Tòa nhà Vinaconex Tower

- Toàn bộ mặt đứng công trình sử dụng hệ vách kính cường lực tấm lớn chi tiết các tầng như sau:

Mặt ngoài tầng 1 và 2 là hệ vách kính cường lực 1 lớp kính, tấm lớn, có màu trắng trong suốt, có phản xạ, nhìn rõ từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong. Hệ này sử dụng các tấm kính có kích thước 1.9m x2.7m, dày 12mm, liên kết với nhau bằng các chân spider, khuôn kính chìm, tương đương với Tiêu chuẩn chất lượng: TCVN 7455:2004. Diện tích kính bao phủ là 330m2. Toàn bộ phần bao phủ phía trong kính là khu vực sảnh chờ, khách, sân trong. Tầng 3 sử dụng cả 2 loại kính kể trên.

Từ tầng 4 lên đến mái là hệ vách kính cường lực 2 lớp, với các độ dày 6mm-12mm-8mm, có màu xanh đen, khúc xạ một phần, có phản xạ, từ ngoài không nhìn được vào phía trong, hệ này sử dụng các tấm kính lớn có kích thước 5,2m x 3,15m với diện tích bao phủ là 7115m2, khung kính màu đen, rộng 200mm, dày 200mm. Phía trong lớp kính chủ yếu là văn phòng.

Trên mặt đứng công trình có sử dụng các lam dọc trang trí vừa có tác dụng thẩm mỹ, vừa có tác dụng che chắn nắng, các đố có màu trắng rộng 100mm, dày 400mm, liên với khung kính ở 2 đầu của lam.

Phía mặt tiền và mặt sau công trình có cửa sổ băng ngang, cao 1200mm, dài 8800mm, không có đố, cách sàn 1050mm, từ tầng 3 lên đến mái. Phía trong cửa sổ mặt trước là văn phòng, mặt sau là cầu thang bộ.

Công trình không có ban công, chỉ sử dụng tầng mái làm sân thượng có hệ lan can cao 2550mm, dày 50mm x 50mm, khoảng cách giữa các thang là 150mm.

- Cơ cấu chức năng:

Mặt bằng tầng 1: được bố trí khá hợp lý về công năng do đó tầng 1 có được 1 không gian rất rộng rãi hầu hết được sử dụng bằng cách vách kính cường lực dày 12mm tấm lớn nhằm mang đến sự hiệu quả trong tầm nhìn.

Mặt bằng tầng điển hình: Bao che các tầng văn phòng là hệ vách kính cường lực 2 lớp, không gian văn phòng được bố trí ngăn chia một cách hợp lý để bất cứ vị trí nào cũng có view đẹp.

Mặt đứng công trình: Công trình được thiết kế mang phong cách hiện đại, toàn bộ phần bao che được sử dụng hầu hết bằng kính cụ thể ở phần đế 3 tầng được dùng bằng các hệ vách kính cường lực dày 12mm, từ tầng 4 trở lên sử dụng hệ vách kính cường lực 2 lớp, ngoài kính ra trên toàn bộ bề mặt công trình các tấm nhôm được bố trí 1 cách khéo léo để mang đến sự độc đáo trong thiết kế.

Đánh giá hiệu quả sử dụng kính theo 5 tiêu chí:

+ Tính bền vững về địa điểm công trình: 11 điểm

+ Công nghệ sử dụng: 15 điểm

+ Hiệu quả sử dụng của công trình: 16 điểm

+ Tác động đến môi trường xung quanh của công trình: 25 điểm

+ Hiệu quả thẩm mỹ của công trình: 2,5 điểm

Tổng điểm đánh giá của tòa nhà Vinaconex Tower: 69.5/100

b. Tháp Eurowindow Multicomlex

- Thực trạng sử dụng kính

Hệ kính (màu sắc, chất liệu chủng loại, quy cách của khuôn kính) từ dưới:

Với thế mạnh của Eurowindow là nhà cung cấp các giải pháp chuyên nghiệp về hệ vách nhôm kính lớn, mặt ngoài tòa nhà được thiết kế độc đáo bởi công ty tư vấn kiến trúc WATG của Mỹ. Các ô kính hình chữ nhật và có sự thay đổi về màu sắc nên nhìn từ xa công trình long lanh hơn.

Hệ vách nhôm có cầu cách nhiệt được thiết kế kỹ thuật và cung cấp bởi Technal thuộc Hydro Building Systems - Tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Pháp, là nhà cung cấp lớn nhất thế giới các sản phẩm nhôm cho ngành xây dựng.

Mặt đứng các hướng của công trình từ tầng 6 trở lên và 2 tầng dưới cùng được lắp kính tràn tầng, từ tầng 3-5 các bao che bằng các vật liệu đặc và có các ô kính để lấy sáng. Tổng diện tích kính bề mặt khoảng 6.968m2. Toàn bộ mặt đứng được sử dụng bởi các loại kính cường lực 2 lớp, các loại kính màu, kính phản quang, kính cản nhiệt, kính cách âm…và được cung cấp bởi tập đoàn kính Saint-Goban Glass của CH Pháp và các hãng sản xuất kính hàng đầu thế giới. Hộp kính được bơm khí trơ, kính an toàn, kính cường lực được sản xuất trên dây chuyền thiết bị và công nghệ tiên tiến của Eurowindow

Có thể nói, đây là hệ vách nhôm kính lớn hiện đại nhất hiện nay với khả năng chống bụi, cách âm, và cách nhiệt cao.

(Toàn bộ mặt ngoài tòa nhà được thiết kế độc đáo kính làm tràn tầng với các loại kính màu, kính phản quang, kính cản nhiệt, kính cách âm)

(Hệ vách nhôm kính lớn hiện đại nhất hiện nay với khả năng chống bụi, cách âm, và cách nhiệt cao)

- Hệ chắn nắng

Lớp kính bề mặt ngoài của công trình chính là hệ chắn nắng cho công trình. Các căn hộ sống trong tòa nhà không phải lo lắng căn phòng sẽ nóng vào mùa hè và lạnh vào mùa đông hay bị ồn khi ngủ vì vách kính có khả năng chống ồn và cản nhiệt tốt, hơn nữa, nó còn có tác dụng giảm cường độ ánh sáng đi qua nên ánh sáng trong phòng sẽ rất dịu và không gay gắt như ánh nắng qua các loại kính thông thường.

- Hệ cửa sổ

Với các đặc điểm toàn bộ vách kính bao quanh tòa nhà, nên mỗi phòng ngủ tại Eurowindow Multicomlex đều có một mặt là kính tiếp xúc trực tiếp với khoảng không gian bên ngoài. Mỗi sớm mai khi thức dậy, chỉ cần kéo rèm cửa sổ, cả không gian bao la sẽ hiện ra ngay trước mắt bạn với ánh sáng ngập tràn để chào đón một ngày mới (mỗi phòng ngủ đều có một mặt là kính tiếp xúc trực tiếp với khoảng không gian bên ngoài).

- Hệ ban công

Một số tầng các căn hộ có lô gia nằm bên trong lớp kính bề mặt

Tầng thượng của tòa nhà là Fitness Center, nơi có thể tập và chăm sóc sức khỏe. Ngoài những phòng tập, tại đây còn có các dịch vụ sauna, massage giúp người dân nghỉ ngơi và thư giãn sau nhiều giờ làm việc.

Các căn hộ từ tầng 7-16 và 17-26 đều không có ban công và lô gia. Nên mỗi phòng ngủ tại các tầng này của Eurowindow Multicomlex đều có một mặt là kính tiếp xúc với khoảng không gian bên ngoài.

Đánh giá hiệu quả sử dụng kính theo 5 tiêu chí:

+ Tính bền vững về địa điểm công trình: 13 điểm

+ Công nghệ sử dụng: 20 điểm

+ Hiệu quả sử dụng của công trình: 30 điểm

+ Tác động đến môi trường xung quanh của công trình: 20 điểm

+ Hiệu quả thẩm mỹ của công trình: 2,5 điểm

Tổng điểm đánh giá của tòa nhà Eurowindow Multicomlex: 85.5/100

5. Kết luận

Trước nhu cầu của đất nước nói chung và ngành Kiến trúc nói riêng, bổ sung những cập nhật về công nghệ xây dựng mới mang lại hiệu quả cao là điều nên làm, nhằm đưa ra những số liệu thống nhất, đầy đủ và sử dụng được rộng rãi trong hệ thống quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

Cần ban hành hệ thống Tiêu chuẩn, Quy định, Quy phạm để có thể kiểm soát, hướng dẫn thiết kế sử dụng các loại vật liệu kính trong xây dựng

Cũng cần có những khảo sát đánh giá trên diện rộng, nhiều thể loại công trình khác nhau, để đảm bảo những dữ liệu về kính xử lý hiệu quả nhất và quy cách sử dụng vật liệu và công nghệ trong thiết kế kiến trúc công trình công cộng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cần phải nâng cao nhận thức cho chủ đầu tư, các nhà thiết kế, nhà thầu thi công về vật liệu kính bằng những buổi hội thảo, các khóa tập huấn ngắn hạn để có một cái nhìn sâu nhằm đem lại một công trình hiệu quả hơn về năng lượng cũng như kinh tế.

Bài viết này đưa ra 1 số nghiên cứu đánh giá về hiệu quả sử dụng kính trong công trình văn phòng cao tầng tại Hà Nội cho thấy trong tương lai để xây dựng và phát triển các văn phòng sử dụng mặt dụng kính ở Hà Nội cần phải có sự nghiên cứu và cân nhắc một cách khoa học nhằm phát huy những mặt mạnh và hạn chế các nhược điểm của vật liệu kính.

Tạp chí Vật liệu Xây dựng, Số 6/2022

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)