Số tổng luận: Số 3 năm 2018. Số trang: 91. Cơ quan phát hành: Trung tâm Thông tin – Bộ Xây dựng. Ngôn ngữ: Việt Nam.
Tóm tắt nội dung:
Hiện nay, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các đô thị, đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên khoảng 60%. Tăng trưởng dân số đô thị đang diễn ra ở hầu hết các nước đang phát triển, với khoảng 66 triệu người di cư đến các đô thị mỗi năm. Đô thị hóa luôn là động lực quan trọng đối với phát triển kinh tế: không có quốc gia nào có được mức thu nhập cao nếu không trải qua quá trình đô thị hóa thành công.
Đô thị hóa của Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua phát triển mạnh mẽ về quy mô: 260 triệu người đã di cư từ nông thôn ra đô thị, tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước. Mặc dù có quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, nhưng Trung Quốc đã tránh được những tiêu cực gắn liền với đô thị hóa, nhất là nạn thất nghiệp và nghèo đói đô thị trên quy mô lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số vấn đề như gia tăng sự bất bình đẳng, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên tự nhiên.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được những thách thức này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt đô thị hóa là một trong các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ. Tháng 11/2012, ông Lý Khắc Cường đã đề nghị Ngân hàng Thế giới phối hợp với Trung Quốc tiến hành một nghiên cứu chung về những thách thức của quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc. Bộ Tài chính Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới đã thành lập một nhóm công tác để cùng nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quá trình đô thị hóa của Trung Quốc.
Thông qua việc nghiên cứu Báo cáo "Đô thị hóa của Trung Quốc hướng tới sự phát triển hiệu quả, bao trùm và bền vững" do nhóm nghiên cứu phối hợp biên soạn, Trung tâm Thông tin lựa chọn các nội dung phù hợp để xây dựng cuốn Tổng luận "Con đường đô thị hóa của Trung Quốc" để làm tài liệu tham khảo cho các nhà quản lý đô thị, các nhà hoạch định chính sách và độc giả quan tâm.
Nội dung tổng luận gồm II phần:
Phần I: Các thành tựu và thách thức của quá trình đô thị hóa của Trung Quốc
Phần II: Các Chương trình cải cách