Số tổng luận: Số 2 năm 2018. Số trang: 60. Cơ quan phát hành: Trung tâm Thông tin – Bộ Xây dựng. Ngôn ngữ: Việt Nam.
Tóm tắt nội dung:
Thế giới đang chứng kiến xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ. Đến năm 2050, hơn 60% dân số thế giới dự kiến sẽ sống ở các thành phố. Làm cho những thành phố trở nên đáng sống hơn bằng cách sắp xếp các dịch vụ hợp lý, hiệu quả và bền vững chính là cốt lõi của khái niệm đô thị thông minh.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông với những năng lực mới do công nghệ đem lại như điện toán đám mây, kết nối và đo lường trực tuyến, xử lý dữ liệu lớn khi ứng dụng công nghệ nhận dạng, công nghệ số, di động, và internet kết nối vạn vật giúp các thành phố xây dựng các chiến lược thích ứng mới nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu với thách thức, phối hợp giải quyết các vấn đề ở quy mô lớn hơn, toàn diện hơn và kịp thời hơn.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc phát triển đô thị thông minh và bền vững là xu hướng tất yếu của các thành phố lớn trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam mới đang ở giai đoạn tiếp cận, chưa triển khai trên diện rộng một cách toàn diện về đô thị thông minh.
Thông qua việc nghiên cứu Báo cáo “Các công nghệ cho thành phố thông minh" của Quỹ nghiên cứu Chiến lược Tây Bắc (LB Nga) thực hiện năm 2017, Trung tâm Thông tin đã lựa chọn những nội dung phù hợp để dịch và biên soạn cuốn Tổng luận “Công nghệ cho các thành phố thông minh của LB Nga" với hy vọng cung cấp tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, nghiên cứu đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển các thành phố thông minh ở Việt Nam.
Nội dung tổng luận gồm V chương:
Chương I: Sự phát triển của các thành phố thông minh
Chương II: Năng lượng thông minh
Chương III: Giao thông thông minh
Chương IV: Các hệ thống an ninh thông minh
Chương V:Thế hệ mới của công nghệ BIM