Nâng cao năng lực quản lý xây dựng & phát triển đô thị thông minh cho cán bộ quản lý nhà nước ngành Xây dựng

Thứ năm, 08/07/2021 10:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong những năm qua, tại Việt Nam, các đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động tại các đô thị đã thúc đẩy sự phát triển của đô thị trên phạm vi toàn quốc.

Tính đến đầu năm 2021, cả nước có 862 đô thị (mức độ đô thị hóa trên 40%). Tuy nhiên, hiện nay quá trình phát triển các đô thị Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Sự tăng trưởng về dân số dẫn đến sự quá tải, xuống cấp của hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; tình trạng xây dựng đang lộn xộn không có giấy phép xây dựng không theo quy hoạch vẫn diễn ra tại nhiều đô thị; việc khai thác và sử dụng đất đô thị còn kém hiệu quả; môi trường văn hóa, xã hội và tự nhiên của các đô thị vẫn đang chịu nhiều sức ép lớn, đặc biệt chất lượng môi trường tại nhiều đô thị đang xuống cấp, suy thoái…công tác quản lý phát triển đô thị còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Cùng với xu thế chung của toàn cầu, quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam những năm qua đã có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ khác nhau với nhiều quan điểm khác nhau và hiện đang chuyển sang hướng phát triển bền vững với 4 nội dung chính: Tăng trưởng kinh tế; bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và tôn trọng các quyền con người. Bên cạnh các đô thị truyền thống, các mô hình phát triển đô thị bền vững đang được quan tâm và áp dụng ở Việt Nam như đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị ít các bon, đô thị nén, đô thị sinh thái - kinh tế đô thị xốp… Trong đó, xu hướng được áp dụng nhiều nhất tại các địa phương là phát triển đô thị tăng trưởng xanh, phát thải thấp và đặc biệt tận dụng những thế mạnh của cách mạng công  nghiệp 4.0 để phát triển theo hướng “Đô thị thông minh bền vững”

Đô thị thông minh bền vững

Chủ trương phát triển đô thị thông minh là một trong những chiến lược quan trọng, là một hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế cũng như thực tế phát triển, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kết hợp được với mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Một đô thị thông minh sẽ bao gồm 03 yếu tố: Hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện; được xây dựng, đánh giá dựa trên 6 tiêu chí đó là: Nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, công dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý thông minh, quản lý điều hành thông minh và cuộc sống thông minh.

Tại các địa phương, việc phát triển đô thị bền vững, phát triển đô thị thông minnh bền vững sẽ gắn liền với công tác quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên hiện nay, nhận thức về đô thị thông minh được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy theo từng thời điểm, từng địa phương. Nhiều địa phương coi đô thị thông minh như là phần mở rộng của các ứng dụng Chính quyền điện tử, chủ yếu chỉ là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong việc điều hành, quản lý và phát triển. Quan điểm về xây dựng đô thị thông minh cũng theo từng địa phương có thể là “phát triển”, “xây dựng”, “triển khai”, “triển khai mô hình đô thị thông minh” hay “phát triển dịch vụ đô thị thông minh”… Điều này khiến cho việc triển khai các công việc, dự án nhằm đạt được mục tiêu xây dựng đô thị thông minh tại những địa phương vẫn còn lúng túng. Để có thể đạt được mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững tại mỗi đô thị, vấn đề đầu tiên cần tập trung quan tâm đó là quản lý quy hoạch đô thị với góc độ chuyên sâu như một nền tảng ban đầu để có thể quản lý phát triển đô thị.

Chính vì vậy, từ năm 2018 Chính phủ đã đưa ra quan điểm về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Giai đoạn đầu tiên chú trọng đến công tác: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT, trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên. Đích đến của mỗi địa phương đó là phát triển đô thị thông minh bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng tích hợp các nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin với quá trình quy hoạch và phát triển đô thị.

Nâng cao năng lực quản lý, phát triển đô thị thông minh

Trong thực tế phát triển với những đặc điểm riêng của mình, mỗi đô thị luôn tự điều chỉnh để tồn tại và phát triển hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt quá trình này, các đô thị sẽ bị tác động theo hướng tiêu cực thông qua ngay chính công việc mang danh nghĩa cải tạo và phát triển đô thị. Vì vậy, chính quyền - đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý phát triển, đặc biệt là quản lý phát triển đô hị, đô thị thông minh phải có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu của phát triển. Đồng thời, phải thường xuyên học hỏi, biết cách tiếp thu cả những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại của quá trình quản lý phát triển đô thị trên thế giới và các đô thị đi trước; phát triển đô thị không thể chỉ bằng các quyết tâm mang tính chính trị mà cần vận dụng có hiệu quả khoa học về cải tạo và phát triển đô thị, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn thống nhất với các nguyên lý cải tạo và phát triển đô thị hiện đại; các kinh nghiệm, lý thuyết về cải tạo và phát triển đô thị hiện đại của thế giới, cần vận dụng thích ứng với không gian và thời gian tại từng địa phương trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đô thị thông minh và quản lý phát triển theo quy hoạch.

Trình độ quản lý của cán bộ làm công tác quản lý phải đáp ứng yêu cầu quản lý và ý thức người dân phải phù hợp với định hướng triển khai phát triển đô thị, đô thị thông minh bền vững. Tùy theo những nhu cầu và điều kiện cụ thể, mỗi địa phương cần lựa chọn cách đi phù hợp để xây dựng mô hình đô thị thông minh cho riêng địa phương mình, thước đo hiệu quả là sự cải thiện điều kiện, môi trường sống của người dân đô thị. Năng lực của cán bộ quản lý về quản lý xây dựng, phát triển đô thị thông minh nói riêng và cán bộ quản lý xây dựng, phát triển đô thị nói chung sẽ quyết định chất lượng hoạt động của việc xây dựng và phát triển đô thị, đô thị thông minh. Trong quản lý xây dựng và phát triển đô thị, đô thị thông minh có rất nhiều các vấn đề cần phải được linh hoạt trong quản lý, khi xảy ra các vấn đề trong quản lý đòi hỏi người cán bộ phải có khả năng có động lực làm việc để không làm ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng của quá trình xây dựng và phát triển đô thị, đô thị thông minh ở địa phương. Đội ngũ cán bộ quản lý về quản lý xây dựng và phát triển đô thị, đô thị thông minh phải nhận thức đầy đủ vai trò của quản lý chuyên ngành, đặc biệt là quản lý kiến trúc - cảnh quan, quản lý công trình, quản lý đất đai, quản lý môi trường đô thị…lồng ghép trong việc sử dụng một số giải pháp công nghệ trong quản lý và phát triển đô thị thông minh. Đội ngũ cán bộ quản lý về quản lý xây dựng và phát triển đô thị, đô thị thông minh cần biết tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế nhưng phải lồng ghép được các kiến thức đó phù hợp với đặc thù của địa phương và tuân theo hành lang pháp lý hiện hành; trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh cần nhìn thấy những khó khăn, thách thức để từng bước đưa ra các giải pháp xử lý.

Trước những đòi hỏi của thực tế quản lý có thể nhận thấy để có được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu thì việc nâng cao năng lực của cán bộ quản lý về quản lý xây dựng và phát triển đô thị thông minh nói riêng và cán bộ quản lý xây dựng và phát triển đô thị nói chung ở Việt Nam hiện nay là thực sự cần thiết và cần được các địa phương đặc biệt quan tâm tới. Chính vì vậy, trong Quyết định 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiệm vụ đối với các địa phương: Để phát triển đô thị thông minh bền vững, Việt Nam cần thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng tiềm lực phát triển đô thị thông minh bền vững; từ nay đến năm 2025, các cán bộ làm công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị của 104/858 đô thị (các đô thị từ loại III trở lên) cần được đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phát triển đô thị thông minh bền vững.

Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị là một trong những đơn vị đào tạo đầu ngành của ngành Xây dựng, những năm qua đã phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về quy hoạch và quản lý đô thị nhằm nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam và bắt kịp với xu thế thế giới. Công tác đào tạo bồi dưỡng của Học viện đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo xu hướng mới như tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị thông minh cũng đã bắt đầu được đề cập tới. Tuy nhiên, để thực sự có được đội ngũ cán bộ quản lý về quản lý xây dựng và phát triển đô thị thông minh có thể quản lý, xây dựng và phát triển đô thị thông minh bền vững trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ quản lý cần tiếp tục tham gia các khóa tập huấn, đào tạo chuyên sâu. Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đang tiến hành đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng, thực hiện đúng quy trình đào tạo: Xác định nhu cầu đào tạo - Lập kế hoạch đào tạo - Tổ chức đào tạo - Đánh giá đào tạo; Đổi mới nội dung hình thức và phương pháp đào tạo bồi dưỡng (xây dựng nội dung chương trình, tài liệu, phương pháp đào tạo theo hướng đổi mới, cập nhật, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở năng lực thực tiễn làm việc, chú trọng phát triển các kỹ năng thực thi công vụ; phát triển đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đào tạo… kết hợp các hình thức đào tạo, bồi dưỡng đa dạng, phong phú, phù hợp như phương pháp giảng dạy theo tình huống - case studies, phương pháp trao đổi thảo luận, học tập dựa trên dự án, giáo dục trải nghiệm…); Xây dựng các chương trình đào tạo mới phù hợp nhu cầu của các địa phương trong quản lý, xây dựng và phát triển đô thị thông minh.

Trong thời gian tới cùng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, được sự quan tâm của các địa phương và sự phối hợp của Học viên cán bộ quản lý xây dựng và đô thị việc nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị thông minh cho cán bộ quản lý Nhà nước ngành Xây dựng sẽ giúp cho các địa phương sớm đạt được mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 76/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)