Tác giả: TS. Trần Thế Truyền (Chủ biên), TS. Nguyễn Xuân Huy.
Nhà xuất bản: Xây dựng. Năm 2011. Số trang: 200.
Ngôn ngữ: Việt Nam. Địa chỉ tài liệu: VT.001815 – Thư viện KHKT-BXD.
Tóm tắt nội dung:
Tính toán kết cấu bê tông nói chung thường được thực hiện trên cơ sở các giả thiết về ứng xử đồng nhất, đẳng hướng và trong giai đoạn đàn hồi của vật liệu bê tông. Cơ học môi trường liên tục là lý thuyết cơ sở để xây dựng các phương pháp phân tích ứng xử của các kết cấu bê tông, BTCT. Cùng với các giả thiết về đơn giản hóa các kết cấu thực tế bằng các sơ đồ tính toán phù hợp, hầu hết các bài toán phân tích sự làm việc của các kết cấu bê tông như dầm, bản, cột... đều có thể được giải quyết một cách tương đối dễ dàng bằng các công thức có trong các quy trình thiết kế, kiểm định. Trong tính toán các công trình xây dựng bằng bê tông, phương pháp có thể gọi là truyền thống như trên thể hiện nhiều ưu điểm như tính đơn giản, dễ hiểu, các kỹ sư có thể kiểm soát dễ dàng quy trình tính toán và kết quả thu được.
Việc tiếp cận phương pháp tính không đòi hỏi nhiều kiến thức, hệ số an toàn cần thiết cao và thực tế chứng minh là các kết cấu công trình bằng bê tông hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu chịu lực.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra khi xét đến các đặc điểm ứng xử của bê tông vốn không luôn luôn đàn hồi trong quá trình chịu tải. Sau giới hạn đàn hồi, sự xuất hiện của các vùng phá hủy dòn, vùng dẻo cục bộ và các đường nứt làm mất tính liên tục của môi trường tính toán và đặc biệt là không xét đến phần ứng xử sau đỉnh phá hoại đã làm cho phương pháp tính toán truyền thống không đưa lại được một kết quả tính toán chính xác, cũng như gây lãng phí vật liệu khi thiết kế cấc kết cấu công trình bằng bê tông. Như vậy, cần thiết phải đưa vào các phương pháp phân tích vật liệu và kết cấu bê tông có xét đến các ứng xử phi tuyến vật lý, tính không đồng nhất của vật liệu, tính ứng xử bất đối xứng khi kéo và khi nén, các vùng phá hủy, các đường nứt, các vùng dẻo...
Trong cuốn sách này, các tác giả sẽ trình bày những nội dung liên quan đến cơ chế phá hủy và rạn nứt trong bê tông theo các nguyên lý cơ bản của cơ học phá hủy và rạn nứt trong bê tông nằm ở các phương diện lý thuyết, thực nghiệm và ứng dụng. Những nội dung này được đúc kết từ nền tảng kiến thức và kết quả của các tác giả có được trong quá trình nghiên cứu về các hiện tượng trên. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả trên thế giới cũng được tham khảo để hoàn thiện cuốn sách, nhằm giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận với các lý thuyết phân tích phi tuyến vật liệu bê tông.
Nội dung sách gồm 5 chương:
- Chương 1: Bê tông và đặc điểm ứng xử cơ học của bê tông.
- Chương 2: Những vấn đề cơ bản của các lý thuyết phân tích rạn nứt và phá hủy vật liệu.
- Chương 3: Lý thuyết phá hủy và rạn nứt của bê tông.
- Chương 4: Thực nghiệm xác định các tham số nứt và phá hủy bê tông.
- Chương 5: Ứng dụng lý thuyết phá hủy và rạn nứt trong tính toán các kết cấu bê tông, bê tông cốt thép.
Thư viện Bộ Xây dựng